Văn hóa truyền thống của dân tộc Thái ở Thanh Hóa trong phát triển du lịch

Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, du lịch được coi là ngành kinh tế “xuất khẩu văn hóa tại chỗ” mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương. Vì vậy, khai thác và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc (trong đó có người Thái) trong hoạt động phát triển du lịch là yêu cầu cấp thiết. Trong bối cảnh chung ấy, sử dụng khung tham chiếu nguồn lực phát triển du lịch, nhóm tác giả đã hệ thống hóa và phân tích vai trò các giá trị văn hóa truyền thống của người Thái ở Thanh Hóa, từ đó, đề xuất giải pháp phù hợp nhằm phát huy thế mạnh này trong hoạt động du lịch tại địa phương.

Diễn tấu khua luống là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái tại huyện Bá Thước - Ảnh: svhttdl.thanhhoa.gov.vn

Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, người Thái có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời với hơn 223 nghìn người, chiếm tỷ lệ hơn 35,6% trong số các dân tộc thiểu số ở tỉnh Thanh Hóa và phân bố chủ yếu ở vùng thượng du. Họ cộng cư và canh tác tại các thung lũng dưới chân núi có độ cao hơn so với địa bàn cư trú của người Mường, không chỉ mang đặc trưng chung của người dân tộc Thái Việt Nam mà còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, khu biệt và không ngừng giao lưu, tiếp biến những nét văn hóa đương đại. Chính điều này là thế mạnh giúp Thanh Hóa khai thác các giá trị di sản văn hóa Thái trong phát triển du lịch, góp phần chuyển đổi sinh kế, gia tăng thu nhập cho cộng đồng tham gia vào các chuỗi du lịch (1). Từ đó, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Thái nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo cũng như góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

1. Vài nét về lịch sử và phương pháp nghiên cứu

Di sản văn hóa là một trong những tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch của người Thái ở xứ Thanh trong bức tranh chung của người Thái Việt Nam đã được Phạm Xuân Cừ hệ thống hóa và khảo tả chi tiết trong ấn phẩm Đặc điểm văn hóa truyền thống của người Thái ở Thanh Hóa với kho tàng văn hóa truyền thống như: lịch sử tộc người, phân bố dân cư và văn hóa cư trú, trang phục, tiếng nói, chữ viết, ẩm thực, lễ hội, tri thức y học dân gian… (2).

Những thành tố cụ thể đó được Ngô Hoài Chung đánh giá (2007) là một nguồn lực quan trọng trong các nguồn lực để phát triển du lịch ở Thanh Hóa, thể hiện trong bài báo khoa học Di sản văn hóa và phát triển du lịch ở Thanh Hóa (3). Đây cũng là quan điểm của Lương Thị Hiền trong công bố khoa học (2022) Tổ chức không gian kiến trúc nhà ở truyền thống dân tộc Thái đen tại bản Hiêu, Pù Luông, Thanh Hóa phục vụ du lịch cộng đồng. Nghiên cứu không chỉ đánh giá sự hữu dụng và phù hợp trong lưu trú du lịch của nhà sàn người Thái, mà còn chỉ ra sự cấp thiết cần phải bảo tồn và phát huy được giá trị kiến trúc truyền thống đó trong hoạt động đón tiếp du khách nhằm đảm bảo các điều kiện phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương (4).

Như vậy, có thể thấy Thanh Hóa là địa phương có thế mạnh về tài nguyên du lịch dựa vào văn hóa tộc người Thái, tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về vấn đề này còn hạn chế. Trong khi đó du lịch được coi là một trong những con đường hiệu quả nhất để trao đổi văn hóa, nên theo Công ước quốc tế về Du lịch văn hóa - ICOMOS (1999) thì việc tạo ra những cơ hội quản lý cho cộng đồng địa phương và khách du lịch chính là hướng tới mục đích để họ nhận thức được giá trị to lớn của chính di sản và văn hóa của cộng đồng đó (5). Điều này là động lực để chúng tôi tiến hành nghiên cứu Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trong hoạt động du lịch tỉnh Thanh Hóa.

Nhóm tác giả đã tiếp cận đối tượng nghiên cứu là những “di sản văn hóa dân tộc Thái ở Thanh Hóa” theo khung phân tích về giá trị du lịch của văn hóa tộc người trong phát triển du lịch. Hệ thống dữ liệu ở đây được thu thập từ 2 nguồn: sơ cấp và thứ cấp. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu chính như: dân tộc học, văn hóa học; sau đó dùng phương pháp khoa học liên ngành để phân tích và làm rõ các luận điểm khoa học. Đồng thời, một trong những phương pháp mang lại số liệu chính xác, tin cậy, đó là điền dã thực địa, quan sát/ phỏng vấn nhằm làm rõ hiện trạng của việc khai thác văn hóa dân tộc Thái trong phát triển du lịch ở Thanh Hóa. Từ đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp mang tính khả thi cao đối với việc khai thác văn hóa của dân tộc Thái ở Thanh Hóa trong phát triển du lịch.

2. Kết quả nghiên cứu

Người Thái ở Thanh Hóa được phát triển từ một nhóm Tày cổ bản địa sau đó bổ sung thêm một bộ phận từ nhiều địa phương phía Bắc vào, được phân thành hai nhóm địa phương là “Tày Mươi” và “Tày Dọ”, sinh sống chủ yếu ở các huyện miền núi của tỉnh. Hiện nay, người Thái Thanh Hóa quen gọi nhau theo tên mường nơi cư trú, ở mường nào thì gọi tên theo mường đó, chẳng hạn, ở mường Khoòng gọi là Tày Khoòng, ở mường Ca Da gọi là Tày Ca Da, ở mường Đeng gọi là Tày Đeng (6). Dù ở các mường khác nhau nhưng cộng đồng người Thái ở Thanh Hóa đã truyền thừa và thực hành nhiều nét bản sắc văn hóa độc đáo của cha ông, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của nguồn lực này trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Các giá trị văn hóa có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch

Phong tục tập quán: người Thái Thanh Hóa hiện vẫn đang bảo tồn các tục lệ truyền thống của tổ tiên như: cúng trời đất, cúng bản mường; nghi lễ cầu mưa, cầu mùa; lễ hội Phín Trá (thường được tổ chức trong dịp khởi đầu một năm mới). Đây là dân tộc có tập quán mở mường, lập bản dọc theo các con sông/ suối để thuận lợi cho nghề canh nông, như trong văn hóa cổ truyền người Thái có câu “Táy kin nặm” hoặc “o lóc cónoong xoong hươn có bản” (người Thái ăn theo con nước; một vũng nhỏ cũng là ao, hai nhà cũng là bản). Vì lẽ đó, đồng bào rất có kinh nghiệm trong việc đắp mương ngăn đập, làm cọn đưa nước về ruộng/ về bản để phục vụ sinh hoạt thường nhật bao gồm cả hoạt động canh tác cây lúa, ngô, khoai, sắn, rau màu các loại… Bên cạnh đó, nghề rừng, nghề dệt thủ công cũng tạo thêm nhiều nguồn lợi sống quan trọng cho cộng đồng.

Lễ hội truyền thống: lễ hội Kin chiêng boọc mạy thường được người dân hát múa ăn mừng dưới cây bông, cây hoa Kin chiêng boọc mạy là sự ước lệ, hài hòa trong thế giới quan, là tín ngưỡng phồn thực, biểu tượng của sinh sôi, phát triển. Kin chiêng boọc mạy là lễ tế thần linh, tạ ơn người Mường trời đã có công cứu giúp dân tộc Thái qua khỏi bệnh tật, kẻ thù, thú dữ; lễ hội Nàng Han: tôn vinh và biết ơn Nàng Han có lòng dũng cảm, sự mưu trí đứng lên bảo vệ quê hương; lễ hội Mường Xia: được tổ chức thường niên vào ngày 10-2 âm lịch hằng năm gắn với di tích đền thờ Tư Mã Hai Đào, nhằm tưởng nhớ và tôn vinh công lao người anh hùng có công bảo vệ biên cương lãnh thổ, lập lại Mường Xia.

Trang phục truyền thống và nghề dệt thổ cẩm: hiện nay, đồng bào Thái ở các xã Lũng Niêm (Bá Thước), Lâm Phú (Lang Chánh), Nam Xuân (Quan Hóa)... còn bảo tồn và phát huy được nghề dệt thổ cẩm với nghệ thuật dệt vải truyền thống và những đồ án hoa văn độc đáo, bền, đẹp (hình vuông, quả trám, răng cưa, dích dắc, rồng). Cả một quá trình, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu (trồng bông, xe sợi), dệt vải, nhuộm màu, nhuộm chỉ đến giai đoạn tạo thành sản phẩm đều do người phụ nữ tự tay làm. Sản phẩm của nghề thêu, dệt thủ công rất phong phú gồm mặt phá, đệm bông, cạp váy, túi thổ cẩm, khăn piêu... hiện được nhiều khách du lịch ưa chuộng.

Dân ca, dân vũ và dân nhạc: đồng bào Thái rất thích ca hát, đặc biệt là khặp - hình thức hát phổ biến nhất. Khặp (hát) - loại hình sinh hoạt, diễn xướng văn nghệ dân gian không thể thiếu được trong cuộc sống hằng ngày của người Thái. Trong những dịp đặc biệt như đám cưới, đám lợp nhà mới, ngày hội vui của bản làng luôn rộn ràng tiếng khua luống, trống, chiêng, boong bu, sáo, khèn, pi một... làm nên một bản hòa tấu như sự giao thoa của vạn vật, thể hiện khát vọng về mùa vụ “phong đăng hòa cốc” và cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Phong vị ẩm thực: trong các phương thức làm chín thức ăn thì đồng bào dân tộc Thái ưa thích việc dùng lửa để làm những món nướng với nghệ thuật tẩm, ướp rất cầu kỳ. Mà hàng đầu trong các gia vị của người Thái phải kể đến mắc khén, ớt, tỏi, gừng, muối… Đồng thời, đồng bào còn sử dụng phương thức đồ, hun khói… Có thể kể đến một số món ăn đậm phong vị địa phương như: xôi ngũ sắc, pa tỉnh tộp, cơm lam, thịt cuốn lá dong nướng…

Thực trạng khai thác văn hóa người Thái trong phát triển du lịch Thanh Hóa

Những biểu hiện độc đáo của văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể của dân tộc Thái như: không gian văn hóa làng bản với các nếp nhà sàn truyền thống, mỹ tục sinh hoạt, văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc (cồng, chiêng, khua luống)… chính là cơ sở để cộng đồng địa phương xây dựng mô hình trải nghiệm văn hóa Thái và khu nghỉ dưỡng homestay độc đáo thu hút du khách, ví dụ như ở: bản Bút (xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa), bản Mạ (xã Thường Xuân, huyện Thường Xuân), bản Kho Mường (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước)… Ở những điểm bản này, cộng đồng địa phương đã biết tận dụng tối đa vẻ đẹp tự nhiên còn mang tính nguyên sơ với phong cảnh thiên nhiên khoáng đạt núi đồi trập trùng, men theo sườn núi là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, làm nên khung cảnh miền sơn cước hấp dẫn du khách gần xa.

Qua khảo sát cho thấy, di sản văn hóa của đồng bào Thái đều có những mức độ hấp dẫn nhất định đối với du khách. Trong đó, lễ hội dân gian, phong tục tập quán và văn hóa ẩm thực là 3 thành tố thu hút du khách nhất. Đây chính là cơ sở để xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch văn hóa tộc người Thái Thanh Hóa thông qua các dịch vụ cụ thể về trải nghiệm phong tục địa phương, tham gia cộng cảm cộng mệnh với đồng bào trong các lễ hội truyền thống, thưởng thức phong vị Thanh Hóa bằng việc thưởng thức ẩm thực dân tộc Thái.

Thực hiện chiến lược phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa theo hướng phát triển xanh, bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 nhằm xóa đói, giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, hàng loạt các lễ hội truyền thống như lễ hội Nàng Han, lễ hội dâng trâu tế trời, lễ mừng cơm mới, lễ hội đua thuyền truyền thống… được khôi phục góp phần kiến tạo ra nhiều sản phẩm du lịch khác biệt so với các địa phương khác. Không gian bản làng với những nếp nhà sàn truyền thống, ở đó còn gìn giữ và thực hành đan lát, nghề dệt thổ cẩm của cha ông, đồng thời, nhiều địa phương đã thành lập đội văn nghệ dân gian… đã tạo động lực cho phát triển du lịch mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 3 dự án làng văn hóa du lịch cộng đồng tại bản Kho Mường và bản Hiêu (Bá Thước), bản Bút (Quan Hóa) giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của chương trình OCOP là xây dựng, quy hoạch kiến trúc điển hình, tổ chức cộng đồng phát triển du lịch. Chương trình này là hiện thực hóa quan điểm phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Thái nói riêng ở Thanh Hóa với hướng phát triển các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm du lịch, xây dựng làng văn hóa du lịch gắn với các yếu tố về văn hóa, tri thức bản địa, các giá trị cảnh quan thiên nhiên... nhằm tạo ra giá trị khác biệt, độc đáo mà không kém phần hấp dẫn trong định vị thương hiệu để phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững cho địa phương.

Hiện nay, thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước còn 94 hộ gia đình duy trì được nghề dệt thổ cẩm truyền thống với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/ người/ tháng. Không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương mà nghề dệt thổ cẩm Lũng Niêm còn thu hút khách du lịch đến tham quan, mua quà lưu niệm và lưu trú tại bản để trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Thái nơi đây. Để phục vụ du khách, dưới sự chỉ dẫn của cán bộ chuyên trách của sở, ngành chức năng, cộng đồng đã tham gia vào chuỗi dịch vụ: lưu trú, cung ứng lương thực. Để đa dạng hóa dịch vụ du lịch, xã Lũng Niêm đã tổ chức nhân rộng các câu lạc bộ dân ca, dân vũ, không ngừng tập luyện, biểu diễn các nhạc cụ, bộ gõ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tham gia hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân, khách du lịch.

Trong thực tế, di sản văn hóa Thái ở Thanh Hóa dần phát huy được giá trị của mình trong quá trình phát triển du lịch, tạo nên sức hấp dẫn cho điểm đến xứ Thanh. Tuy nhiên, không thể không nhìn nhận những tồn tại cần khẩn trương khắc phục, nhằm phát triển bền vững các sản phẩm du lịch văn hóa này.

Bảng 1. Mô hình SWOT về việc khai thác văn hóa người Thái Thanh Hóa trong phát triển du lịch - Nguồn: Tác giả tổng hợp, 2024

Như vậy, với sự phát triển du lịch mạnh mẽ như hiện nay, Thanh Hóa ngày càng đứng trước những thách thức không nhỏ, tuy nhiên, với những sắc thái văn hóa riêng của người Thái tại địa phương sẽ góp phần làm mới điểm đến. Không chỉ như vậy mà hàng loạt các hoạt động văn hóa truyền thống dân tộc Thái được tái hiện như trải nghiệm phiên chợ vùng cao, du lịch khám phá ruộng bậc thang Ngàm Pốc, homestay bản Peo, liên hoan văn hóa, trình diễn trang phục các dân tộc, văn nghệ dân gian… đã góp phần thúc đẩy công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.

Tác động của du lịch đến văn hóa tộc người Thái

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống: hoạt động du lịch dựa vào văn hóa truyền thống dân tộc Thái đã và đang trở thành cơ sở, động lực sinh kế, ngành nghề mới của đồng bào ở một số bản làng còn gìn giữ được bản sắc tộc người, đồng thời cũng có xu hướng dần trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Đồng thời, việc phát triển du lịch gắn với văn hóa tộc người cũng có tác động tích cực đến kinh tế, xã hội như: nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao trình độ dân trí, gia tăng sự giao thoa giữa các nền văn hóa… để từ đó làm cơ sở hình thành quy tắc ứng xử giữa người dân với khách du lịch và với văn hóa bản địa.

Du lịch tác động tiêu cực đến văn hóa tộc người: khai thác văn hóa tộc người trong phát triển du lịch sẽ mang lại lợi ích kép cho đồng bào dân tộc Thái, tuy nhiên, hoạt động này còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Bởi, sản phẩm du lịch văn hóa tộc người dễ sao chép, dẫn đến hiện tượng dập khuôn, học tập/ xây dựng mô hình mẫu nhưng không tuân thủ quy chế, quy chuẩn, những điều cần thiết để phát triển du lịch văn hóa bền vững.

3. Một số giải pháp để phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Thái trong phát triển du lịch

Những phân tích ở trên đã khẳng định Thanh Hóa có tiềm năng phát triển du lịch gắn liền với các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả các di sản ấy cần thực hiện một số giải pháp sau:

Về nhân lực: cần tăng cường tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ khai thác văn hóa trong hoạt động du lịch cho lực lượng công tác tại cơ sở nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng cho nguồn nhân lực du lịch.

Xác định và hoàn thiện sản phẩm du lịch văn hóa: chú trọng phát triển các dịch vụ hoạt động trải nghiệm phù hợp điều kiện tiềm năng từng điểm đến: đua xe đạp, du lịch dã ngoại, cắm trại, đi bộ xuyên rừng, thể thao mạo hiểm, leo núi, săn mây, khám phá hang động, thác nước... gắn với trải nghiệm bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc sắc của địa phương.

Đầu tư, bảo tồn di sản văn hóa tộc người: nghiên cứu phục dựng các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào Thái, như: khặp Thái, tục làm vía, mừng cơm mới... Đồng thời, đầu tư xây dựng hạ tầng, xây dựng các điểm du lịch trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu không gian sinh thái tự nhiên/ nhân văn của bản làng người Thái. Kêu gọi đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống nhà sàn truyền thống, các điểm vui chơi giải trí, điểm check-in, cắm trại, nghỉ dưỡng...

Hoàn thiện mô hình du lịch văn hóa tộc người phù hợp với địa phương: mô hình phù hợp nhất đó chính là mô hình du lịch cộng đồng khai thác các hình thức trải nghiệm văn hóa cộng đồng... dựa trên cơ sở phân chia hài hòa lợi ích giữa các thành phần tham gia chuỗi cung ứng.

Hội nhập văn hóa quốc tế: xây dựng chiến lược quốc tế hóa cho các chương trình, sự kiện, trong đó, nhấn mạnh trọng tâm quảng bá di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc ở địa phương (trong đó có người Thái) như lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa), lễ hội Sết Boóc mạy (Như Thanh), lễ hội Mường Khô (Bá Thước)... đến với bạn bè quốc tế.

4. Kết luận

Nghiên cứu văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trong phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đã làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa tộc người Thái và hoạt động du lịch tại địa phương. Thứ nhất, là việc hệ thống hóa và phân tích các giá trị di sản nổi bật của cộng đồng người Thái ở Thanh Hóa trong hoạt động du lịch, đó là: tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến và góp phần định vị thương hiệu điểm đến ấy. Thứ hai, bằng những minh chứng và lập luận khoa học, chúng tôi cũng đã chỉ ra tác động của du lịch đối với các giá trị văn hóa Thái ở hai khía cạnh tích cực (phát huy, bảo tồn) và tiêu cực (không bền vững). Mối quan hệ biện chứng ấy chính là cơ sở để đề xuất một số giải pháp góp phần phát huy văn hóa tộc người Thái trong phát triển du lịch Thanh Hóa theo hướng bền vững, cụ thể: nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, định vị sản phẩm đặc trưng gắn với văn hóa Thái, bảo tồn văn hóa truyền thống, hoàn thiện mô hình du lịch văn hóa tộc người, giao lưu hợp tác quốc tế về phát huy văn hóa tộc người Thái trong hoạt động du lịch và nguyên tắc phát triển du lịch văn hóa bền vững.

_____________________

1, 2, 6. Phạm Xuân Cừ, Đặc điểm văn hóa truyền thống của người Thái ở Thanh Hóa, Nxb Hội Nhà văn, 2018, tr.27, 28, 7.

3. Ngô Hoài Chung, Di sản văn hóa và phát triển du lịch ở Thanh Hóa, Tạp chí Di sản văn hóa, số 1 (18), 2007, tr.31.

4. Lương Thị Hiền, Tổ chức không gian kiến trúc nhà ở truyền thống dân tộc Thái đen phục vụ du lịch cộng đồng tại Pù Luông, Thanh Hóa, Tạp chí Khoa học công nghệ, Đại học Xây dựng Hà Nội, 2018, tr.19.

5. ICOMOS, Công ước quốc tế về du lịch văn hóa, 1999, tr.9.

Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ, Luật Du lịch, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2017.

TS NGUYỄN THẾ ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024

;