6 tháng đầu năm 2025, ngành Du lịch Việt Nam đã ghi nhận sự bứt phá ngoạn mục, với lượng khách quốc tế đạt mức cao kỷ lục, đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024 và cao hơn 25,7% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch.
Khách du lịch quốc tế tham quan Văn Miếu- Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh: Nguyên Trường
Lượng khách trong 6 tháng đầu năm 2025 còn cao hơn tổng lượng khách của cả năm 2016 (10 tiệu lượt). Trong 6 tháng đầu năm, các thị trường lớn ở khu vực châu Á là động lực chính cho sự tăng trưởng lượng khách quốc tế, trong đó có Trung Quốc tăng 44,2%), Nhật Bản (+17,2%), Ấn Độ (+41,0%).
Các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á tăng trưởng tốt, trong đó có Indonesia (+11,2%), Philippines (+105,1%), Lào (+35,8%), Campuchia (+55,6%), Malaysia (+5,2%), Singapore (+5,2%), Thái Lan (+4,1%).
Đặc biệt, hàng loạt thị trường ở châu Âu chứng kiến kết quả tăng trưởng, trong đó Nga là thị trường lớn nhất với 260 nghìn lượt và cũng có mức tăng mạnh nhất (+139,3%). Các thị trường chính đều tăng: Anh (+19,2%), Pháp (+19,1%), Đức (+15,3%), Italy (+24,0%), Tây Ban Nha (+11,5%), Đan Mạch (+10,1%), Na Uy (+24,1%), Thụy Điển (+18,2%).
Bên cạnh đó, thị trường Ba Lan và Thụy Sỹ cũng ghi nhận sự gia tăng lượng khách, tăng lần lượt 44,3% và 10,2% so với cùng kỳ năm 2024. Những kết quả này không chỉ là tín hiệu phục hồi mạnh mẽ mà còn là dấu mốc cao nhất từ trước đến nay, khẳng định sức hút ngày càng tăng của du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Khách du lịch tại Phú Quốc (An Giang) - Ảnh: Minh Anh
Kết quả tăng trưởng này đến từ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho du lịch phát triển, nhất là động lực từ chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử thông thoáng giúp đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho du khách, từ đó khuyến khích họ khám phá và trải nghiệm điểm đến Việt Nam. Đồng thời, phản ánh nỗ lực cao của ngành Du lịch trong tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, đổi mới xúc tiến quảng bá du lịch, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. Đặc biệt, thời gian qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL đã triển khai thành công hàng loạt chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài tại châu Âu (Đức, Pháp, Italia, Thụy Sỹ, Ba Lan, Séc); xúc tiến du lịch điện ảnh tại LHP Cannes, Pháp; quảng bá du lịch Việt Nam tại hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin ở Đức, Travex ở Malaysia; Bộ VHTTDL ban hành Chương trình kích cầu du lịch trong năm 2025 với chủ đề “Việt Nam - Đi để yêu” và ra mắt chuyên trang kích cầu phát triển du lịch năm 2025; tổ chức Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2025 với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới”, khẳng định khát vọng vươn lên, đổi mới và sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
Bên cạnh đó, tổ chức thành công Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2025 có chủ đề “Phát triển điểm đến Xanh, nâng tầm du lịch Việt Nam”, hướng đến thúc đẩy phát triển du lịch xanh, bền vững; Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ra mắt loạt video clip quảng bá du lịch nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G diễn ra tại Thủ đô Hà Nội; website vietnam.travel của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vươn lên xếp vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á; tăng cường truyền thông du lịch trên các nền tảng số... đã giúp tăng cường sự hiện diện của du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Với kết quả nổi bật đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành Du lịch Việt Nam đã được công nhận và đánh giá cao. Trong phiên họp Hội nghị Chính phủ với các địa phương đầu tiên sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vào ngày 3-7, Thủ tướng đánh giá du lịch là “một trong 10 điểm sáng nổi bật” trong 6 tháng đầu năm 2025.
Tuệ Sam