Chiều 23-10, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp thu, chỉ đạo rà soát, bỏ cụm từ “di sản tư liệu” tại phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn quy định cụ thể cơ chế, biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính đặc thù của từng loại hình di sản văn hóa. Theo đó, dự thảo Luật quy định ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho một số hoạt động có tính đặc thù (Điều 7); biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam (Điều 19); nguồn nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 84); đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 85); điều kiện bảo đảm cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nguồn lực nhà nước, xã hội hóa và các điều kiện khác (Điều 82, Điều 90)…
Cùng với đó, chỉnh lý, hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định nguyên tắc xác định khu vực bảo vệ II tại khoản 3 Điều 27; quy định khu vực tiếp giáp di tích không được xác định là khu vực bảo vệ II khi khu vực đó có công trình xây dựng không thể di dời, khu vực dân cư do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định theo cấp độ di tích…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại dự thảo Luật, đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, cơ sở pháp lý và thực tiễn; rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng: Quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, bổ sung quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương…
Về thanh tra di sản văn hóa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ có ý kiến, đề xuất phương án về sự cần thiết thành lập thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo Luật hay quy định tại Nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, nếu có thành lập thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa. Ngày 22-10-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được Công văn số 695/CP-PL của Chính phủ về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Chính phủ đề nghị quy định về thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo, rà soát quy định này để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật về thanh tra.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7.
Số hóa giúp tăng cường công tác quảng bá, giáo dục về di sản văn hóa đến công chúng
Tham gia phát biểu tại Hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đánh giá dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là bước tiến quan trọng trong nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của nước ta.
Góp ý cụ thể vào một số nội dung của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã đưa ra các khái niệm rõ ràng về di sản văn hóa phi vật thể và vật thể. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bao quát, đề nghị làm rõ khái niệm "di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền"; nguy cơ mai một cần được quy định cụ thể hơn, chẳng hạn như số lượng nghệ nhân giảm mạnh, không gian văn hóa liên quan bị xâm phạm hoặc biến mất… để tạo cơ sở vững chắc cho việc áp dụng các biện pháp bảo vệ khẩn cấp.
Về quyền và trách nhiệm của cộng đồng đối với di sản văn hóa, dự thảo Luật đã quy định rõ vấn đề này tại Điều 5. Tuy nhiên cần bổ sung các biện pháp hỗ trợ cộng đồng; đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, nơi có nhiều di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Cộng đồng cần được hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất và được tham gia vào các chương trình đào tạo nâng cao năng lực bảo vệ di sản.
Về trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ di sản văn hóa, dự thảo Luật đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm chủ đạo của Nhà nước trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Điều 7. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước về quản lý nguồn lực tài chính cho các hoạt động bảo vệ di sản. Theo đó, cần có quy định rõ ràng về việc phân bổ ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội từ các tổ chức phi chính phủ, tư nhân và cộng đồng để tăng cường nguồn lực cho công tác này.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Đồng thời, về cơ chế bảo vệ di sản văn hóa quốc tế, dự Luật cần quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong việc phối hợp với cộng đồng, chủ thể để lập hồ sơ khoa học; ngoài ra cần có cơ chế hợp tác với các tổ chức quốc tế để bảo vệ và phát huy các di sản đã được ghi danh. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Đồng thời, bổ sung các điều luật quy định về việc tham gia các công ước quốc tế về di sản văn hóa.
Về chuyển đổi số và số hóa di sản văn hóa, đại biểu cho rằng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc số hóa di sản văn hóa là một yêu cầu cấp thiết để bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Dự thảo Luật đã đề cập đến việc nghiên cứu ứng dụng cộng nghệ trong bảo tồn di sản, tuy nhiên cần bổ sung thêm quy định cụ thể về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa có tham khảo, đảm bảo đồng bộ với Luật Dữ liệu đang trình Quốc hội tài kỳ họp này. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu trữ, quản lý và chia sẻ thông tin với các bên có liên quan.
Đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh, việc số hóa còn giúp tăng cường công tác quảng bá, giáo dục về di sản văn hóa đến công chúng. Đồng thời góp phần sự phụ thuộc vào việc sử dụng di tích thực tế trong khai thác du lịch, giảm nguy cơ xâm hại di sản.
Đối với quy định liên quan đến di sản dữ liệu, di sản tư liệu, đại biểu cho rằng Dự thảo Luật đã đề cập đến di sản tư liệu như một phần quan trọng của di sản văn hóa, nhưng chưa nhấn mạnh vai trò của di sản tư liệu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đại biểu đề xuất cần có một điều khoản riêng quy định về lưu trữ và phát huy giá trị tư liệu, cần thiết có thêm các quy định cụ thể về bảo vệ bản quyền, quyền tiếp cận và khai thác di sản tư liệu, nhất là trong bối cảnh số hóa để đảm bảo sử dụng hợp pháp và tránh vi phạm bản quyền.
Về bảo tồn các di sản phi vật thể của cộng đồng dân tộc thiểu số, theo đại biểu, Dự thảo Luật đã quan tâm đến bảo vệ di sản của cộng đồng dân tộc thiểu số nhưng cần có quy định cụ thể hơn về chính sách ưu tiên cho các nghệ nhân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số và các nhóm thiểu số có nguy cơ mất di sản văn hóa phi vật thể.
Cũng theo đại biểu, việc trao tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú là cần thiết nhưng cần kèm theo các chế độ hỗ trợ lâu dài về tài chính, bảo hiểm và y tế để khuyến khích nghệ nhân tiếp tục duy trì hoạt động trao truyền di sản.
Đại biểu Thích Đức Thiện nhất trí việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa
Rất cần thiết có Quỹ bảo tồn di sản văn hóa
Nêu ý kiến tại hội trường, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Nguyễn Tiến Thiện) - Điện Biên cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã chỉnh lý trình tại kỳ họp này.
Đồng tình và nhất trí việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, đại biểu Thích Đức Thiện cho rằng rất cần thiết thành lập quỹ này và có niềm tin Quỹ bảo tồn di sản văn hóa sẽ phát huy hiệu quả.
Đại biểu nhấn mạnh, trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã luôn chú trọng và có những chính sách trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Chính phủ thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã phân bổ nguồn ngân sách cấp cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp của các di tích. Các địa phương cũng đã dành nguồn lực của địa phương mình cho công tác phục hồi, tôn tạo các di tích, nhằm gìn giữ văn hóa truyền thống và phát triển du lịch của địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích còn rất thấp so với yêu cầu thực tế đặt ra.
Trải qua thời gian do quy luật vô thường và biến động lịch sử, hiện nay có rất nhiều di tích, di sản đang xuống cấp một cách trầm trọng, đang bị mai một, thất truyền ở các địa phương vì không có kinh phí tu bổ và duy trì… Do đó, Quỹ bảo tồn di sản văn hóa rất cần thiết ra đời để thực hiện các yêu cầu cấp bách trong các trường hợp khẩn thiết như trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã nêu là để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa, nhưng ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được, trong các trường hợp cụ thể như bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ, phát huy các giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm, di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc ở Việt Nam từ nước ngoài về nước...
Để Quỹ bảo tồn di sản văn hóa hoạt động phát huy hiệu quả, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những cơ chế đặc thù, có chính sách phù hợp, tôn vinh, khen thưởng, ưu đãi xứng đáng với tâm huyết, công sức tham gia phục hồi, tôn tạo, phát huy các di sản văn hóa. Có như vậy, quỹ mới huy động được nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm ở trong nước và nước ngoài đóng góp cho quỹ…
NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội