Giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng nhân cách sinh viên khu vực Tây Nguyên hiện nay

Giá trị đạo đức truyền thống là một bộ phận trong hệ giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam, bao gồm toàn bộ những tư tưởng, tình cảm, tập quán, thói quen đạo đức tốt đẹp mang tính ổn định tương đối và ăn sâu vào tâm lý, tập quán xã hội, có tác động tích cực tới cộng đồng, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được mọi người tự nguyện noi theo. Những giá trị đó, qua các thời đại, được những thế hệ nối tiếp nhau bồi đắp, kế thừa và trở thành động lực, bản sắc của nhân cách con người Việt Nam. Hiện nay, để xây dựng nhân cách thanh niên Việt Nam nói chung, trong đó có nhân cách của sinh viên ở khu vực Tây Nguyên nói riêng, việc tăng cường giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc có vai trò rất quan trọng, là nền tảng để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực này trong tương lai.

Nằm ở phía tây của Nam Trung Bộ, Tây Nguyên là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước, nơi cư trú của nhiều dân tộc với dân số gần 5,5 triệu người, chiếm 6% dân số cả nước, đồng thời là khu vực có nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, nơi hội tụ những yếu tố nhạy cảm về địa chính trị, địa văn hóa… Đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên thường cư trú tập trung theo từng tộc người, sự đan xen giữa các dân tộc ít hơn các vùng núi khác, nơi xa xôi, hẻo lánh, điều kiện sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bức tranh văn hóa Tây Nguyên vốn phong phú, đa dạng đang thay đổi từng ngày do tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường và sự hội nhập ngày càng sâu, rộng vào khu vực và quốc tế.

Sinh viên đang học tập ở các trường cao đẳng, đại học khu vực Tây Nguyên là một lực lượng dân cư đông đảo, nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của khu vực này; với việc trưởng thành từ các địa phương, dân tộc khác nhau, nên có sự đa dạng, phong phú trong cách ứng xử, lối sống, điều kiện sinh hoạt hằng ngày. Do đó, quá trình giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc để xây dựng nhân cách của người dân khu vực Tây Nguyên nói chung và nhân cách của sinh viên khu vực này nói riêng chịu sự tác động mạnh mẽ của các yếu tố thuộc về điều kiện địa lý, tự nhiên, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và công nghệ,… Trong điều kiện hiện nay, để phát huy vai trò của giá trị đạo đức truyền thống nhằm xây dựng nhân cách của sinh viên khu vực Tây Nguyên, cần tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:

Đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo ra môi trường văn hóa, xã hội, pháp luật trong sạch, lành mạnh ở khu vực Tây Nguyên

Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng, giúp đỡ người khác thoát nghèo để có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng nâng cao đời sống nhân dân ở khu vực Tây Nguyên: “Phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên phải phù hợp với sự phân bố và trình độ phát triển lực lượng sản xuất, bảo đảm phát triển cân đối, hài hòa giữa các khu vực gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển; tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và ổn định xã hội; quan tâm phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc” (1). Kinh tế phát triển, đời sống của người dân được cải thiện, niềm tin của sinh viên vào chế độ từng bước được củng cố, đạo đức của sinh viên sẽ phát triển tốt đẹp hơn.

Để thực hiện điều chỉnh hành vi con người, ngoài việc giáo dục đạo đức, trong đó có giáo dục giá trị đạo đức truyền thống, cần phải xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả và đưa pháp luật vào cuộc sống. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật sẽ góp phần nâng cao vai trò của những giá trị văn hóa luật tục, đạo đức trong đời sống xã hội, trên cơ sở đó, góp phần điều chỉnh hành vi của người dân nói chung, của sinh viên nói riêng theo các yêu cầu, chuẩn mực xã hội đề ra, đặc biệt là chuẩn mực của con người mới xã hội chủ nghĩa. Để nâng cao trình độ nhận thức pháp luật cho sinh viên, các trường đại học, cao đẳng khu vực Tây Nguyên, cần nghiên cứu lồng ghép một cách thích hợp nội dung giáo dục pháp luật và các lễ hội, sinh hoạt mang tính chất cộng đồng, nhất là ở các buôn, làng, bon, thôn. Mặt khác, cần tận dụng tối đa vai trò chủ chốt của đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng thôn vào tham gia tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta cho đồng bào dân tộc nói chung và sinh viên nói riêng.

Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên khu vực Tây Nguyên

Các tỉnh ở Tây Nguyên là địa bàn đa dân tộc, tôn giáo, đã tạo nên sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người với hai chiều cạnh thuận - nghịch và sản sinh nhiều loại hình văn hóa đa dạng, phong phú. Đặc điểm tính cách truyền thống của người Tây Nguyên là thẳng thắn, trung thực, nhân nghĩa, thật thà, trọng chữ tín; đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, kiên cường bất khuất, bảo vệ lẽ phải, tôn trọng công bằng. Trong giáo dục, giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên, cần phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp giáo dục truyền thống với phương pháp giáo dục hiện đại, tránh sự áp đặt, giáo dục một chiều với những nội dung chung chung, trừu tượng, mà phải sử dụng các phương pháp sư phạm linh hoạt, mềm dẻo, tùy vào những ngành mà sinh viên đang theo học để truyền thụ cho họ. Sử dụng tốt phương pháp nêu gương, với những ví dụ cụ thể về người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua, phê phán những hành vi trái với đạo đức, lương tâm và danh dự theo chuẩn mực đạo đức mà các ngành quy định.

Kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống với hiện đại nhằm hướng tới người học, tạo ra hứng thú cho người học, làm cho họ luôn trăn trở về những kiến thức đạo đức truyền thống dân tộc mà mình được tiếp nhận vào thực tế công việc hằng ngày. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên với hoạt động thực tiễn trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đang đặt ra. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, những chuẩn mực đạo đức truyền thống như “trung - hiếu, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” phải được coi là những giá trị nổi bật cần được giáo dục cho sinh viên khu vực Tây Nguyên dưới lăng kính hiện đại, để giúp sinh viên có đủ ý chí, bản lĩnh, không bị rơi vào cạm bẫy của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, sinh viên là lớp người trẻ, được trang bị nhiều kiến thức, họ đã nhận thức được về đạo đức, phân biệt được đúng - sai, thiện - ác…, Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở quá trình nhận thức lý luận thì chưa đủ, nhận thức ấy phải đi đến hành động, trải qua thực tiễn cụ thể, do đó, cần có sự giáo dục của nhà trường để sinh viên hoàn thiện những phẩm chất đạo đức của bản thân, trở thành người có ích cho bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội.

Trên cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”, Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”,… các chủ thể giáo dục cần thực hiện tốt việc lồng ghép nội dung giáo dục giá trị đạo đức truyền thống vào các hoạt động xã hội, từ các sân chơi giải trí cho đến các cuộc thi, các phong trào do Đoàn và Hội Sinh viên tổ chức. Tổ chức các hoạt động giáo dục tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, kịp thời phát hiện, giới thiệu các hành động đẹp, gương người tốt, việc tốt trong sinh viên… Ngoài ra, cần tăng cường vận dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên qua các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội; xây dựng chương trình đào tạo phù hợp để cho sinh viên am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc.

Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục giá trị đạo đức truyền thống nhằm xây dựng nhân cách sinh viên

Gia đình là trường học đầu tiên thực hiện việc giáo dục lòng nhân ái, nơi giữ gìn và lưu truyền những giá trị đạo đức truyền thống. Ở Tây Nguyên hiện nay, tồn tại hai thiết chế gia đình: thiết chế mẫu hệ ở các dân tộc nói ngôn ngữ Nam Đảo như Ê đê, Gia rai, Chu ru, Raglai và thiết chế song hệ ở các dân tộc nói ngôn ngữ Môn - Khơme như Ba na, Xơ đăng, Brâu, Rơ măm. Dù gia đình là mẫu hệ hay song hệ thì đều có những nét tương đồng: “Quan hệ nam nữ bình đẳng. Người phụ nữ có vai trò chính trong quản lý kinh tế, tài sản trong gia đình. Người đàn ông có vai trò chính trong công việc lao động sản xuất và những việc chung của làng” (2).

Nhà trường cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục giá trị đạo đức truyền thống với bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên để sinh viên khu vực này nhận biết được giá trị đạo đức truyền thống dân tộc và bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, từ đó tạo ra niềm tự hào về văn hóa dân tộc Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Các tổ chức trong trường học phải xây dựng được nội dung, chương trình giảng dạy, hoạt động phù hợp với tâm lý lứa tuổi của sinh viên, đồng thời phải xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực nhất định để nắm bắt được thực chất, diễn biến tư tưởng, tình cảm của sinh viên và tăng cường giải pháp nêu gương người tốt, việc tốt từ chính người dân và sinh viên khu vực Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường và xã hội phải thường xuyên liên lạc, trao đổi, rút kinh nghiệm trong hoạt động phối hợp trong việc giáo dục, bồi dưỡng nhân cách cho sinh viên; các bộ phận làm công tác quản lý sinh viên phải có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể để quản lý, giáo dục, định hướng các hoạt động vui chơi lành mạnh cho sinh viên. Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên phải kịp thời động viên, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên tham gia các câu lạc bộ, các phong trào, hoạt động do Đoàn, Hội tổ chức...

Tích cực hóa nhân tố chủ quan của sinh viên trong việc kế thừa, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống

Cần phải làm cho mỗi sinh viên nhận thức được rằng, trong việc học tập nói chung, học tập các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc nói riêng, điều quan trọng, cơ bản nhất là tính tự giác rèn luyện, học tập. Sinh viên phải xác định được động cơ, mục đích, thái độ đúng đắn trong học tập, phát huy cao độ tính tự chủ, tự giác, độc lập, vượt qua khó khăn, gian khổ để học tập. Sinh viên phải có kế hoạch tổ chức việc rèn luyện, học tập một cách khoa học, biết kết hợp đúng đắn giữa học và hành, học các giá trị đạo đức và thực hành các giá trị đạo đức trong thực tiễn. Gắn việc tự rèn luyện, tự học tập các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc với việc thực hành và giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra, thu hút sinh viên tham gia vào các phong trào chính trị - xã hội. Đây chính là quá trình biến những điều đã học, đã nhận thức được thành hiện thực, là sự tiến hành trong thực tiễn các hoạt động theo những cách thức đã chọn lựa.

___________

1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 936/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến 2020.

2. Nguyễn Tấn Đắc, Văn hóa, xã hội và con người Tây Nguyên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.121.

Tác giả: Vũ Thị Ngọc

Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11-2019

;