Giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên hiện nay

     Kỹ năng sống là hệ thống những kỹ năng cốt lõi cần thiết giúp cá nhân có những thích ứng phù hợp trong cuộc sống, học tập và làm việc, cũng như biết vận dụng nó một cách hiệu quả trong mọi hoàn cảnh, hướng đến sự thành công, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là khả năng chuyển đổi kiến thức đã tích lũy được và thái độ thành hành động. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kỹ năng sống bao gồm 3 nhóm chủ yếu: kỹ năng nhận thức (tư duy phê phán, tư duy phân tích, khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề, ra quyết định, đặt mục tiêu, tự nhận thức, xác định giá trị); kỹ năng đương đầu với cảm xúc (ý thức trách nhiệm, cam kết, kiểm soát cảm xúc, tự quản lý, tự giám sát và tự điều chỉnh); kỹ năng xã hội hay kỹ năng tương tác (giao tiếp, tính quyết đoán, thương thuyết, từ chối, hợp tác, cảm thông, chia sẻ). Trên cơ sở đặc điểm lứa tuổi, yêu cầu học tập, hoàn thiện, phát triển nhân cách của sinh viên và chuẩn đầu ra của các chương trình giáo dục cùng những tác động của bối cảnh, có thể xác định hệ thống kỹ năng sống của sinh viên gồm: kỹ năng nhận thức; kỹ năng làm chủ và tự chịu trách nhiệm; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng làm việc nhóm và hợp tác; kỹ năng thuyết trình; kỹ năng tư duy sáng tạo; kỹ năng tạo động lực cho bản thân; kỹ năng học tập, nghiên cứu khoa học và tự học; kỹ năng phục vụ cộng đồng; kỹ năng quản lý cuộc sống cá nhân; kỹ năng tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp.

     Giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) là quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục một cách khoa học của nhà giáo dục nhằm giúp người học biết cách chuyển dịch kiến thức, thái độ, giá trị thành hành động thực tế một cách tích cực và mang tính chất xây dựng. GDKNS có mục tiêu chính là làm thay đổi hành vi của người học từ thói quen thụ động chuyển thành những hành vi mang tính chất xây dựng, tích cực và có hiệu quả để nâng cao chất lượng của cuộc sống cá nhân, góp phần phát triển bền vững cho xã hội. Như vậy, GDKNS thực chất là quá trình hình thành những hành vi tích cực giúp sinh viên giải quyết những thách thức trong cuộc sống. Hoạt động GDKNS sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của cá nhân, xã hội và thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện của các nhà trường, đồng thời là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng.

     Nội dung GDKNS cho sinh viên gồm: ý thức và nhận thức rõ về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc rèn kỹ năng sống để thực hiện các nhiệm vụ học tập, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, phát triển bản thân và thích ứng với những thay đổi của đời sống xã hội; giáo dục cho sinh viên hiểu rõ về các kỹ năng sống cốt lõi mà họ cần được trang bị và trau dồi, đó là những công cụ thiết yếu để sinh viên sống, học tập, giao tiếp, ứng xử trong môi trường nhà trường đại học, cao đẳng và xã hội; giáo dục cho sinh viên cách thức, phương pháp rèn luyện kỹ năng sống từ đó hình thành hành vi và hành động cụ thể thể hiện các kỹ năng sống trong học tập, giao tiếp, ứng xử, ứng phó với tác động của bối cảnh; giáo dục cho sinh viên ý thức tự giáo dục, tự rèn luyện mỗi kỹ năng sống cụ thể của bản thân trong mọi tình huống, hoàn cảnh của đời sống sinh viên và khi gia nhập vào đời sống xã hội.

     Trong những năm qua, việc GDKNS cho sinh viên đã đạt được nhiều kết quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường, đáp ứng yêu cầu của xã hội cũng như sự phát triển nhân cách của sinh viên. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế. Các phương pháp, hình thức tổ chức GDKNS cho sinh viên được thực hiện chưa tốt. Cơ sở vật chất và các điều kiện thực hiện hoạt động GDKNS cho sinh viên chưa đảm bảo. Chưa có sự chia sẻ và tham gia của nhiều lực lượng trong GDKNS cho sinh viên, mà lực lượng chủ yếu vẫn là Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên. Điều này, làm cho một bộ phận sinh viên chưa chú trọng vào việc học tập, rèn luyện kỹ năng sống. Thực trạng đó đòi hỏi cần thiết phải tăng cường hoạt động GDKNS cho sinh viên trong bối cảnh hiện nay, trong đó tập trung vào các biện pháp cơ bản sau:

     Một là, nâng cao nhận thức của các lực lượng giáo dục và sinh viên về vai trò, tầm quan trọng của việc GDKNS cho sinh viên.

     Đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, cần phải nắm vững và thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, cũng như các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác giáo dục. Tổ chức hội thảo, hội nghị, tham quan học hỏi các mô hình tiên tiến về GDKNS ở khu vực và địa phương; sử dụng các thông tin về giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên trên các phương tiện truyền thông như báo chí, mạng internet. Có ý thức trách nhiệm cao trong việc xây dựng kế hoạch quản lý GDKNS trong nhà trường, cụ thể hóa nội dung, phương pháp GDKNS thành nội quy, quy chế một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm nhà trường. Ngoài việc nắm vững nguyên tắc, yêu cầu của công việc, các cán bộ quản lý giáo dục cần có kỹ năng sống nhất định.

     Đối với cán bộ Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, cần nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục để có định hướng xây dựng các biện pháp quản lý tổ chức hoạt động, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường để quản lý quá trình GDKNS cho sinh viên. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác và bám sát 5 tiêu chí rèn luyện, 10 tiêu chí hành động của đoàn viên. Các tổ chức Đoàn, Hội Sinh viên cần xây dựng các chương trình hoạt động nhằm tạo môi trường rèn luyện cho sinh viên hình thành kỹ năng sống phù hợp với tuổi trẻ.

     Đối với giảng viên, cần thực hiện tốt cuộc vận động Mỗi thày, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học tập và sáng tạo cho sinh viên noi theo. Tự bản thân mỗi giảng viên phải nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc GDKNS cho sinh viên qua mỗi bài giảng, qua đặc trưng bộ môn và xây dựng kế hoạch bài giảng gắn với việc hình thành những kỹ năng sống cốt lõi cần thiết cho sinh viên. Tích cực nâng cao nhận thức qua việc tham gia học tập, hội thảo chuyên đề về kỹ năng sống, nâng cao tri thức về tầm quan trọng, hiệu quả phối hợp của công tác GDKNS với các lực lượng tham gia giáo dục. Nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt tình say mê, tâm huyết với nghề, với thế hệ trẻ của mỗi giảng viên. Nhà trường cần chú trọng xây dựng các quy định về văn hóa học đường cho cán bộ, giảng viên với những yêu cầu cụ thể về văn hóa, phong cách, giao tiếp, ứng xử, trang phục được thể hiện qua các kỹ năng sống.

     Hai là, xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch công tác GDKNS cho sinh viên.

     Việc lập kế hoạch rất quan trọng trong quản lý nói chung và quản lý hoạt động GDKNS nói riêng nhằm giúp cho nhà quản lý lựa chọn các biện pháp tối ưu, tiết kiệm nguồn lực, dự kiến mục tiêu chiến lược… có được cái nhìn tổng thể và toàn diện, thấy được hiệu quả hoạt động và tương tác của các lực lượng tham gia. Vì vậy, lãnh đạo nhà trường cần thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể theo chức năng nhiệm vụ hợp lý. Thống nhất chỉ đạo các lực lượng tham gia để lập kế hoạch cụ thể và lựa chọn nội dung cốt lõi phù hợp đối tượng sinh viên theo từng năm học. Ngoài ra, khi xây dựng kế hoạch quản lý GDKNS cho sinh viên, cần phối hợp chặt chẽ các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường.

     Tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền có tác dụng thiết thực, các hoạt động đa dạng, sinh động để cuốn hút sinh viên tham gia trải nghiệm và tự giác, tích cực rèn luyện, trau dồi kỹ năng sống một cách chủ động, cũng như nâng cao nhận thức ý nghĩa, vai trò của hoạt động GDKNS cho sinh viên. Lãnh đạo nhà trường phải thiết kế được một chương trình hành động tối ưu, chỉ đạo phân công thực hiện nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, khoa học phù hợp chức năng, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị trực thuộc để từ đó có thể quản lý và huy động được mọi tiềm năng lực lượng tham gia giáo dục đạt hiệu quả cao nhất với mục tiêu đề ra theo lộ trình trong từng giai đoạn cụ thể phù hợp với từng đối tượng sinh viên.

     Ba là, dạng hóa hình thức GDKNS cho sinh viên.

     GDKNS cho sinh viên cần linh hoạt, mềm dẻo bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua nhiều kênh hoạt động khác nhau nhằm tạo sự cộng hưởng, sáng tạo từ đội ngũ tham gia giáo dục kỹ năng sống và ý thức trách nhiệm tự giáo dục của mỗi sinh viên. Nội dung giáo dục cần hướng tới việc dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm, có sự chọn lọc về nội dung, tạo điều kiện để sinh viên được trải nghiệm thực tiễn cuộc sống và khơi dậy sự hứng thú, sáng tạo cho sinh viên trong nhận thức.

     Cách thực hiện kỹ năng sống được hình thành thông qua quá trình sống, rèn luyện, học tập trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Việc GDKNS cần được tiến hành thường xuyên, liên tục phù hợp với đặc điểm tâm lý sinh viên, hoàn cảnh, hoạt động cụ thể của từng loại đối tượng. Cần đưa nội dung GDKNS cho sinh viên ở các trường bằng cách tích hợp vào các môn học và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Ðổi mới giáo dục đạo đức linh hoạt, tránh kiểu tầm chương trích cú những vấn đề cao xa, lớn lao mà thiếu các xử lý tình huống thực tế về lòng nhân ái, trung thực, tự trọng, lối sống lành mạnh. GDKNS cho sinh viên thông qua tuần sinh hoạt công dân đầu năm học, đầu khóa học; tổ chức các chuyên đề ngoại khóa về kỹ năng mềm; các buổi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt tập thể, hoạt động dã ngoại; các buổi nói chuyện chuyên đề của các chuyên gia tâm lý giáo dục và tư vấn trực tiếp; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian để nâng cao hiệu quả giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên.

     Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các lực lượng giáo dục chủ động và phát huy khả năng sáng tạo một cách tích cực trong hoạt động GDKNS cho sinh viên. Ngoài ra, cần phải thường xuyên đổi mới phương pháp, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thực hiện nghiêm túc kiểm tra, đánh giá, thi đua khen thưởng, tổ chức rèn luyện kỹ năng sống cho sinh viên quan hoạt động trải nghiệm thực tiễn. Việc dạy học phải bắt đầu từ những kỹ năng sống gắn với thực tế, tình huống cụ thể và những quy tắc, quy định văn hóa đạo đức phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi của sinh viên trong nhà trường.

     Trong điều kiện hiện nay, để thích ứng tốt với xã hội hiện đại, ngoài những phẩm chất đạo đức, kiến thức khoa học, trình độ chuyên môn và kỹ năng lao động, thế hệ trẻ cần phải có kỹ năng sống nhất định để có thể chủ động sống và ứng phó một cách tích cực, hiệu quả trước những biến đổi của cuộc sống. Tăng cường GDKNS cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học là vấn đề cấp thiết nhằm trang bị cho sinh viên những kỹ năng sống cần thiết để hoàn thiện nhân cách, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu giáo dục của nhà trường, nhà tuyển dụng cũng như những đòi hỏi của xã hội ở cả hiện tại và tương lai.

_______________

1. Nguyễn Thanh Bình, Giáo trình chuyên đề giáo dục kỹ năng sống, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2010.

2. Bùi Văn Trực, Phạm Thế Hưng, Phương pháp giảng dạy kỹ năng sống, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2013.

3. Trần Đại Vi, Kỹ năng sống, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2013.

4. Nguyễn Thị Thu Hà, Giáo dục kỹ năng sống và quản lý giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên đại học của quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Giáo dục, số 390-2016.

5. Nguyễn Thị Hà Lan, Kỹ năng sống của sinh viên Việt Nam hiện nay - Thực trạng và biện pháp giáo dục, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 (70) - 2013.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Bình

Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 - 2019

;