“Các họa sĩ Việt Nam có sự nhạy cảm nghệ thuật đặc biệt. Chỉ cần tạo điều kiện là họ có thể bộc lộ tự do”, đó là chia sẻ của họa sĩ người Pháp Clément Baloup. Và Cuộc thi Sáng tác Truyện tranh lần thứ nhất (2024) do Viện Pháp tại Việt Nam và NXB Kim Đồng phát động, chính là cơ hội quý báu cho những cây bút trẻ ấy.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp Rachida Dati phát biểu tại lễ trao giải
Cơ hội mới cho những họa sĩ trẻ Việt Nam
Được phát động từ tháng 6 đến tháng 11/2024, Cuộc thi Sáng tác Truyện tranh lần thứ nhất nhằm tìm kiếm các tác giả, họa sĩ và phát triển nhiều hơn nữa các tác phẩm truyện tranh của Việt Nam. Trong 5 tháng tổ chức, cuộc thi đã thu hút được hơn 100 tác phẩm trên khắp cả nước. Các tác phẩm dự thi đa dạng về chủ đề, phong cách, thể hiện sự sáng tạo và nhiệt huyết của các tác giả ở mọi lứa tuổi, hứa hẹn mang đến một làn gió mới cho thị trường truyện tranh trong nước. Ban Giám khảo gồm các họa sĩ uy tín, giàu kinh nghiệm từ Pháp và Việt Nam là Clément Baloup, Maxime Péroz, Tạ Huy Long và Nguyễn Thành Phong, đã tìm ra các tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Họa sĩ Clément Baloup đánh giá các ứng viên đều thành thạo kỹ thuật vẽ và năng lực kể chuyện. Ông Baloup còn cho biết: “Điểm nổi bật ở những tác phẩm đạt giải là thông điệp sâu sắc cùng cách tiếp cận sáng tạo”. Cùng với đó, các tác phẩm dự thi đã mở rộng đối tượng đến độc giả trưởng thành, giúp truyện tranh được công nhận như một loại hình nghệ thuật.
Ngày 27/5, Nxb Kim Đồng đã phối hợp với Viện Pháp tại Việt Nam, tổ chức lễ trao giải. Tại đây, vinh danh 5 tác phẩm ấn tượng nhất cho từng hạng mục giải thưởng. Theo đó, tác phẩm Bài văn về trứng vịt lộn của tác giả Khoan (Trần Khắc Khoan) được trao giải Nhất, với phần thưởng là một chuyến đi đến Liên hoan truyện tranh Angoulême, Pháp vào tháng 1/2025. Tác giả Thư Cao (Cao Hoàng Anh) giành Giải Nhì với tác phẩm Bút chì đỏ. Giải Ba được trao cho Lockdown xứ người của tác giả Trần Thảo Nguyên. 2 Giải Khuyến khích dành cho 2 nhóm tác giả: Ngô Thị Ngọc Anh, Vương Nhiên Khang với Tiệm thuê truyện; và Nguyễn Hải Nam, Đỗ Đình Cương với Bọ/ Finding Evergreen. Cùng với sự hỗ trợ của Viện Pháp tại Việt Nam, Nxb Kim Đồng đã xuất bản các tác phẩm đạt giải, giới thiệu đến đông đảo bạn đọc qua 2 tập truyện: Bài văn về trứng vịt lộn và tuyển tập các tác phẩm Bút chì đỏ, Lockdown xứ người và Tiệm thuê truyện.
1. Truyện Bài văn về trứng vịt lộn xuất sắc giành giải Nhất
2. Truyện Bút chì đỏ giành giải Nhì trong cuộc thi
Bức tranh văn hóa sống động qua những tác phẩm truyện tranh
Dù nội dung phong phú, song nhìn chung, các tác phẩm đạt giải đã tái hiện một bức tranh văn hóa đầy sống động, từ truyền thống đến hiện đại, bằng những lăng kính thể hiện muôn màu. Chia sẻ về tác phẩm bên lề lễ trao giải, họa sĩ Khoan mượn hình ảnh rất dung dị, đời thường, đó là trứng vịt lộn - một món ăn chẳng xa lạ gì, thậm chí còn là khoái khẩu với số đông người Việt Nam. Song món ăn này lại chẳng mấy hấp dẫn với nhiều người nước ngoài, có khi còn khiến người ta thấy sợ khi nhắc tới nó. Truyện kể về một câu bé theo học tại trường quốc tế, có mẹ bán trứng vịt lộn để mưu sinh, kiếm tiền nuôi cậu ăn học. Trong một cuộc thi viết văn do nhà trường tổ chức, cậu viết bài văn rất ngô nghê kể về công việc của mẹ mình. Thế nhưng, bạn bè cậu khi nghe bài văn đó xong đều cảm thấy rất buồn cười. Tuy nhiên, cậu vẫn nhận được sự đồng cảm từ một họa sĩ - là phụ huynh của một học sinh trong lớp. Khi biết về bài văn đó, họa sĩ nhớ lại trước đây từng tham dự cuộc thi vẽ hồi còn đi học, và dành được giải Nhất với bức vẽ về bố mình là phi hành gia. Trong khi đó, bố của ông là thợ sửa xe. Ông thấy khâm phục tinh thần dũng cảm dám bày tỏ cuộc sống chân thực của mình, không giống ông ngày xưa.
Thông qua Bài văn về trứng vịt lộn, Khoan mong muốn truyền tải thông điệp sâu xa hơn là về sự khác biệt văn hóa. Liệu người nắm giữ nét văn hóa đặc sắc, không giống bất kì ai ấy có dám đứng lên trước mọi người và khẳng định những giá trị riêng có của mình hay không. Theo họa sĩ Tạ Huy Long, tác phẩm được đánh giá cao nhờ vào cách thể hiện chuyên nghiệp trong lối kể, cách triển khai đề tài, nhịp điệu câu chuyện. Tác giả Khoan mang đến câu chuyện gần gũi với đời sống hiện tại, kết nối được cả độc giả trẻ và những người trưởng thành thấy được mình trong đó.
Những đặc trưng văn hóa của từng vùng miền được Thư Cao tái hiện rõ nét qua tác phẩm Bút chì đỏ. Đó là cuộc phiêu lưu của một cô bé với chú chó của mình đến những vùng đất mới lạ. Nhưng đó không phải là cuộc phiêu lưu ở thế chủ động, có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về tư trang, kiến thức. Mà trong truyện, nhân vật chính bị cuốn vào những miền văn hóa một cách bất đắc dĩ. Đối diện với mọi tình huống bất ngờ có thể xảy đến, nữ chính phải tự vận dụng trí thông minh của mình để tìm hướng giải quyết. Điểm độc đáo ở tác phẩm là đề cập tới hàng loạt di sản văn hóa trên khắp dải mọi miền. Đó là đám cưới chuột hiện lên từ tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh), những chú lân đầy sinh động ở Huế, hình ảnh Chùa Cầu đầy vẻ trầm mặc ở Hội An (Quảng Nam),… Cảm hứng, chất liệu sáng tác ấy đến từ những chuyến đi thực tế của chính tác giả. Trong mỗi chuyến đi, bên cạnh tìm hiểu, khám phá những nét văn hóa, Thư Cao cũng thường kí họa lại những nét đặc sắc mình nhìn thấy.
Văn hóa không chỉ là những gì cha ông để lại, đó còn là kí ức được thế hệ hôm nay vun đắp nên. Chính kí ức về những ngày thuê truyện thuở nhỏ của Ngô Thị Ngọc Anh đã gợi cho chị ý tưởng sáng tác Tiệm thuê truyện. Về cốt truyện, Ngọc Anh chia sẻ, cô gái đến thăm nhà cậu bạn của mình, và được cậu giới thiệu về bộ sưu tập truyện tranh khổng lồ, với những bộ truyện rất cũ, hiếm, mà hiện không tìm thấy trên thị trường nữa. Cô gái muốn mượn về đọc, nhưng bạn của mình không đồng tình, vì sợ cô gái ấy sẽ làm hư hại. Trên đường về, cô gái suy tư về một nơi mà cô có thể thỏa thích đọc những cuốn truyện mà mình yêu thích, đó là tiệm thuê truyện. Qua thời gian, tiệm thuê truyện vắng bóng dần ở chốn thị thành. Do hiện nay, văn hóa đọc của thế hệ trẻ đã có nhiều thay đổi. Nhiên Khang - đồng tác giả chia sẻ, tác phẩm muốn mang đến sự kết nối giữa các thế hệ. Dù cho văn hóa đọc ở mỗi thời đại, mỗi thế hệ có thay đổi khác nhau, song niềm đam mê với truyện tranh thì vẫn còn đó. Và bằng phương thức chia sẻ kí ức, 2 tác giả mong muốn dùng chính văn hóa đọc ở thế hệ mình để tạo ra sự kết nối, liền mạch với văn hóa đọc của thế hệ các bạn nhỏ hiện nay.
Triển lãm truyện tranh diễn ra trong buổi lễ trao giải tại trụ sở Nxb Kim Đồng
Tiềm năng từ mối hợp tác Pháp - Việt Nam
Tại buổi lễ trao giải cuộc thi còn có sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp Rachida Dati. Trong cuộc hội ngộ này, bà Dati phát biểu: “Sự hiện diện của tôi sáng hôm nay cũng chính là dịp để tôn vinh một mối quan hệ hợp tác văn hóa tiêu biểu trong một lĩnh vực được ưu tiên - ngành xuất bản, đặc biệt là thể loại truyện tranh - một thể loại mà nước Pháp và người dân Pháp đặc biệt yêu thích”. Vì thế, “chúng tôi mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa Pháp tại Việt Nam cũng như quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp”, bà cho biết thêm.
Theo chia sẻ của bà Dati, chương trình hỗ trợ xuất bản của Pháp, với mục tiêu khuyến khích việc chuyển nhượng bản quyền và xuất bản các tác phẩm của Pháp ở nước ngoài, đã góp phần đưa hơn 500 tác phẩm của các tác giả Pháp đến với độc giả Việt Nam từ năm 1990 đến nay. Các lĩnh vực được dịch và xuất bản rất đa dạng, từ sách văn học, tiểu thuyết, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật, sách thiếu nhi, đến sách văn hóa nghệ thuật. Trong khuôn khổ Dự án khu vực về Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo, Viện Pháp tại Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức các buổi gặp gỡ giữa các nhà xuất bản Pháp và Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của các họa sĩ truyện tranh nổi tiếng của Pháp, hỗ trợ các tài năng trẻ Việt Nam và giúp họ phát huy khả năng sáng tạo của mình. Đồng thời, tạo điều kiện để các dịch giả Pháp và Việt Nam trao đổi chuyên môn và kinh nghiệm. Cuộc thi truyện tranh toàn quốc trên đây được bà Dati đánh giá, là một điểm nhấn nổi bật trong khuôn khổ dự án này.
Từ thành công bước đầu này, bà Dati mong muốn mối hợp tác giữa 2 nước sẽ tiếp tục tiến xa hơn. Cũng trong không khí hân hoan mà thành công của chuyến công du do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dẫn đầu tới Việt Nam vào tháng 5 đem lại, bà Dati cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tổ chức Liên hoan Truyện tranh đầu tiên tại Hà Nội vào cuối năm nay”. Đây sẽ là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh loại hình nghệ thuật đại chúng này, đồng thời là cơ hội tuyệt vời để giới thiệu các tài năng Việt Nam và tăng cường kết nối với các nghệ sĩ Pháp.
Các tác giả được vinh danh trong lễ trao giải Cuộc thi Sáng tác Truyện tranh lần thứ nhất
ĐỨC DŨNG - Ảnh: BTC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 610, tháng 6-2025