Ngày 4-12, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (số 34 Phan Kế Bính, Cống Vị, Ba Đình) đã tổ chức giới thiệu tài liệu lưu trữ Quốc gia với chủ đề "80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam" (22/12/1944-22/12/2024).
Toàn cảnh buổi giới thiệu tư liệu lưu trữ - Ảnh: Trung Nguyễn
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa cho biết, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III hiện nay đang lưu giữ các tài liệu của quốc gia từ năm 1945 cho đến nay. Trung tâm có 13km giá tài liệu lưu trữ, bao gồm các tài liệu giấy, hình ảnh, phim, ghi âm… Đây là những tài liệu quan trọng, được các cơ quan, nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ ngành đưa về Trung tâm để lưu trữ trong nhiều năm.
Các tài liệu được giới thiệu với chủ đề “80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam” với khoảng gần 150 tài liệu, hình ảnh, được lựa chọn từ các phông tài liệu hành chính: Phủ Thủ tướng, Quốc hội, Bộ Nội vụ, Chủ tịch nước/Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Thống nhất Chính phủ và khối tài liệu sưu tầm và các phông tài liệu ảnh phông: Bộ Ngoại giao, Thiếu tướng Hoàng Kiền, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, Giáo sư Hoàng Minh Giám, Thiếu tướng Đặng Vũ Hiệp... tài liệu của nhiều nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm về quân đội như Nhạc sĩ Trọng Loan, Doãn Nho, Trọng Bằng... các nhà văn nhà thơ được đưa ra giới thiệu, là minh chứng quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. “Có nhiều tài liệu quý, đồng thời có nhiều tài liệu mật đã được giải mật để giới thiệu trong dịp này…” – bà Trần Việt Hoa cho biết.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa phát biểu tại sự kiện - Ảnh:Trung Nguyễn
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cũng cho biết, còn có nhiều tài liệu, hiện vật của các cán bộ đi B, Trung tâm mong muốn được trao trả lại cho các gia đình những kỷ vật này trong thời gian tới.
Các tài liệu được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III giới thiệu dịp này gồm: Tài liệu từ thời kỳ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân – Tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam như: Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tháng 12-1944; Diễn văn của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) đọc ngày 22-12-1944 trong rừng Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám nhân ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đầu tiên; ảnh Lễ tổ chức thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ở khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng) ngày 22-12-1944…
Bên cạnh đó, còn có các tài liệu về tổ chức bộ máy, cán bộ Bộ Quốc phòng và tên gọi Quân đội nhân dân Việt Nam: Sắc lệnh số 28 ngày 15-3-1946 của Chủ tịch Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam về việc cử ông Tạ Quang Bửu sung chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Sắc lệnh số 34 ngày 25-3-1946 của Chủ tịch Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam về việc tổ chức Bộ Quốc phòng; Sắc lệnh số 60 ngày 6-5-1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc Ủy ban Kháng chiến toàn quốc do Quốc hội truy nhận ngày 2-3-1946 nay đổi ra là Quân sự Ủy viên Hội; Công văn về tên gọi của Quân đội Nhân dân Việt Nam...
Tài liệu, hiện vật được trưng bày, giới thiệu - Ảnh: An Thái
Quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và lễ phục của Quân đội nhân dân Việt Nam: Sắc lệnh số 33/QP ngày 22-3-1946 của Chủ tịch Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam về việc ấn định các cấp bậc, quân phục, phù hiệu, cấp hiệu cho lục quân của toàn quốc; Sắc lệnh số 71/SL ngày 22-5-1946 của Chủ tịch Chính phủ về việc ấn định quy tắc trong quân đội quốc gia Việt Nam; Sắc lệnh số 124 ngày 19-7-1946 của Chủ tịch Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam về việc lập một Hội đồng thẩm sát cấp bậc…
Từ toàn quốc kháng chiến đến Chiến dịch Điện Biên Phủ 1946-1954: Hình ảnh đoàn giải phóng quân diễu binh kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2-9-1946 tại Bờ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội; hình ảnh về quân đội ta trong chiến dịch Việt Bắc, chiến dịch Điện Biên Phủ...
Những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ 1954-1975: Báo cáo của Chính phủ về vấn đề “Xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng” do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I từ ngày 29/12/1956-25/1/1957; Bộ đội ta đang sơ tán máy móc, sẵn sàng chiến đấu ở Hà Tây năm 1972; Quân dân Thủ đô Hà Nội bắn rơi máy bay B52, ngày 18-12-1972; Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng sắt, tiến vào Dinh Độc lập, trưa ngày 30-4-1975...
Ông Võ Hồng Nam - con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu tại sự kiện - Ảnh: Trung Nguyễn
Tại sự kiện, ông Võ Hồng Nam – con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ: “Tôi rất xúc động được xem lại những tài liệu là bản gốc đã được lưu trữ trong 80 năm qua, đi cùng lịch sử của dân tộc. Những tài liệu được giới thiệu hôm nay không chỉ gắn với lịch sử mà còn là câu chuyện cảm động gắn với những người lưu giữ nó. Thông qua các tài liệu quý, chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn về các thế hệ cha ông đã đóng góp nhiều công sức, xương máu làm nên lịch sử, giành độc lập dân tộc; đồng thời cũng là những bài học bổ ích để thế hệ trẻ học tập và noi theo…”.
Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam mong muốn các tài liệu quý được giới thiệu rộng rãi hơn nữa đến với đông đảo người dân và thế hệ trẻ - Ảnh: An Thái
Là con trai duy nhất của cố Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự (Bộ Quốc phòng) đến với buổi giới thiệu tận mắt nhìn thấy những kỷ vật có giá trị lịch sử, gắn với cuộc kháng chiến của đất nước trong việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đối với sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước. “Việc giới thiệu các tài liệu quý là một việc làm rất ý nghĩa đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tôi mong muốn các tài liệu quý này sẽ được giới thiệu, trưng bày để lan tỏa rộng rãi hơn đến với đông đảo người dân, đặc biệt là đến với thế hệ trẻ...”.
Tài liệu, hiện vật của các cán bộ đi B - Ảnh: Trung Nguyễn
AN THÁI