“Sắc sắc không không” nghĩa là có mà không, không mà có, là một trong những triết lý căn bản của giáo lý đạo Phật. Triết lý này tưởng chừng mơ hồ, nhưng ở góc nhìn, tầm nhìn và cách nhìn khoa học biện chứng, thì hoàn toàn đúng với ý nghĩa vật chất của nó. Họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu chèo Nguyễn Dân Quốc đã lấy triết lý này làm phương châm cho sáng tạo của mình. Bài viết đã đưa ra nhiều dẫn chứng để cho thấy họa sĩ Nguyễn Dân Quốc đã vận dụng các nguyên tắc thuộc phương pháp thể loại chèo vào sáng tác thiết kế mỹ thuật trong hơn 120 vở chèo (hiện thực dân gian, hiện thực trong các truyện nôm khuyết danh, thần thoại, cổ tích, dã sử, lịch sử) và các vở chèo đề tài cách mạng và kháng chiến (còn gọi là chèo Cách mạng).
Súy Vân (Đoàn chèo Hà Nam 2001) - Ảnh: nguoihanoi.vn
1. Nguyễn Dân Quốc (sinh ngày 15-1-1943) là họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu chèo thuộc thế hệ thứ hai trong số ít những họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu chèo. Ông sinh ra ở phố Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, trong một gia đình có những truyền thống văn hóa, văn học vững vàng. “NSND Nguyễn Dân Quốc là một trong số những họa sĩ đã dành cả cuộc đời cống hiến cho sự phát triển của mỹ thuật chèo. Các sáng tác của ông giàu chất dân gian, mộc mạc, giản dị, tinh tế và trang nhã, mang vẻ đẹp đầy chất thơ, thấm đẫm tâm hồn và bản sắc dân tộc Việt Nam. Người xem luôn cảm nhận được “hồn chèo” kết đọng trong mỗi tác phẩm của ông” (1).
Dân Quốc là họa sĩ không chỉ thạo “nghề” hội họa, mà còn am hiểu sâu sắc các loại hình nghệ thuật có liên quan như: kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật đạo diễn, nghệ thuật biểu diễn chèo. Đặc biệt, ông từng nghiên cứu, nắm vững nghệ thuật chèo cổ và phương pháp thể loại của chèo truyền thống - kết tinh của nghệ thuật chèo Việt Nam. Đó là phương pháp hiện thực tả ý hiện thân của tư duy liên tưởng, mênh mông và mơ hồ, nhưng chân thực và lãng mạn với một hệ thống gồm mười một nguyên tắc.
Một là, nguyên tắc tự sự: lấy các nhân vật để kể một câu chuyện, gồm kể tích, kể tính, kể tình, kể cảnh, kể tình huống, kể mâu thuẫn - xung đột, kể quan hệ; dùng múa, hát (hát, ngâm, vịnh, vỉa, nói lối, nói cách, diễn xuất) và hành động cách điệu để hiển thị hành động sống - hành động ứng xử (đối nhân, xử thế, những nét tính cách và toàn bộ những trạng thái tâm lý thuộc đời sống nội tâm) của các nhân vật.
Hai là, nguyên tắc ước lệ: không hiển thị toàn bộ quá trình đời người của các nhân vật, câu chuyện, sự việc…; mà chỉ diễn kể những kết quả quan trọng trong quá trình cuộc đời nhân vật và mang tính gợi tưởng. Nguyên tắc ước lệ trong nghệ thuật chèo có các hình thức như: đối xứng, đối tỉ, đăng đối lệch, tín hiệu biểu tượng - biểu trưng, lấy mây tả trăng, lấy nước tả trời…
Ba là, nguyên tắc lạ hóa: lạ hóa không chỉ là nguyên tắc của riêng chèo, mà là nguyên tắc của nhiều loại hình văn học, nghệ thuật. Khi đã trở thành nhân vật và cao hơn là hình tượng nghệ thuật của nhân vật, thì nó không còn là nguyên bản từ sự thật đời sống nữa; nó nhất thiết được khái quát hóa, cải biến, hư cấu, tổng hợp đúc liền đến “kỳ lạ”, nhưng người đọc, người xem vẫn nhận ra nó từ sự thật đời sống.
Bốn là, nguyên tắc lấy điểm để tả diện: điểm ở đây là điểm đặc định, điểm mang tính khái quát, điển hình, kết đọng thành một biểu tượng; thậm chí là điểm mang tính tín hiệu (dấu hiệu, ký hiệu) tượng trưng. Điểm gợi tưởng - từ một điểm đặc định có thể gợi tưởng đến cái toàn thể hoặc một loạt cái (hữu thể và vô thể) tương đồng với nó. Dùng điểm đặc định kết hợp với nghệ thuật diễn xuất của diễn viên, với âm nhạc, ánh sáng, tiếng động, hình ảnh trên màn hình led… để nhấn mạnh, đặc tả tình huống, hoàn cảnh, xung đột, tính cách…
Năm là, nguyên tắc cách điệu hóa: chèo là một thể loại kịch hát dân tộc. Kịch bản chèo nhất thiết được viết bằng văn vần hiển thị dưới dạng các thể thơ dân tộc, phổ biến là thơ lục bát, tứ tuyệt… đồng thời, cũng là ca từ của các làn điệu chèo, nói lối, nói cách, ngâm, vịnh, vỉa; hành động thể hiện đời sống nội tâm, ngoại hình, tính cách, quan hệ người, môi trường sống… của con người - nhân vật cũng được thể hiện bằng múa (múa chèo và múa trong chèo) và hành động cách điệu (người xưa gọi là á múa). Nói chung, toàn thể ngôn ngữ, thậm chí, cả hiện thực được phản ánh trong tác phẩm nghệ thuật chèo đều mang tính cách điệu.
Sáu là, nguyên tắc ẩn dụ hóa, còn gọi là ví ngầm: thuộc phạm trù so sánh, nhưng ở mức độ nghệ thuật cao hơn, không còn vế bị so sánh, chỉ còn vế đem ra so sánh, gây một tác dụng liên tưởng kín đáo hơn. Trong sáng tạo thiết kế mỹ thuật chèo, họa sĩ Dân Quốc rất chú trọng sử dụng lối ẩn dụ bổ sung và gợi tưởng chính xác cho người xem.
Bảy là, nguyên tắc đối sánh - so sánh, đối chiếu: nhìn vào cái này mà xem xét cái kia để thấy sự giống nhau, khác nhau hoặc sự hơn kém, nhìn vào cái cụ thể để hình dung ra cái trừu tượng, lấy cái thật để hiện thân cho cái ảo. Tất cả những tác phẩm thiết kế mỹ thuật cho các vở diễn chèo của mình, họa sĩ Dân Quốc luôn quán triệt nguyên tắc đối sánh để gợi tưởng cho khán giả đến những không gian, môi trường, bối cảnh sống… tự nhiên, xã hội, nhân sinh mà các nhân vật đang sống và hành động để khẳng định mình.
Tám là, nguyên tắc huyền thoại hóa: hiển thị một sự vật không có thật, hoàn toàn do họa sĩ tưởng tượng ra để biểu hiện một khoảng không gian, một mảnh đời éo le, một trạng thái cảm thức gắn với một bối cảnh nào đó, một truyện đời nào đó có tính ly kỳ, huyền linh, mơ hồ, nhất là những cảnh huống, những trạng thái hoạt động trong cõi tâm linh. Những biểu hiện do suy tưởng huyền thoại hóa tạo nên ấy, rất đa dạng về hình hài, dáng vẻ, sắc thái và mang tải ở chúng rõ ràng những nội dung, đậm đà chất thơ, sâu sắc tính triết học, tính thẩm mỹ.
Chín là, nguyên tắc tượng trưng: phương pháp thể loại của chèo là hiện thực tả ý, không quá lệ thuộc vào “sự thật”, nhưng không đến lỗi thoát ly hoàn toàn sự thật. Bởi vậy, nguyên tắc tượng trưng ít dùng trong chèo, nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không dùng. Họa sĩ Dân Quốc sử dụng nguyên tắc tượng trưng như mọi nguyên tắc khác. Chẳng hạn, trong vở Súy Vân của Đoàn Chèo Hà Nam năm 2001, ông dựng chữ “hỷ” - chữ Hán (người con gái đến tuổi trăng tròn, nghĩa là đến tuổi trưởng thành phải đi lấy chồng) ấp vào nửa vầng trăng tròn đối diện với 2 tấm pano hiển thị hai bức tranh trúc, mai (tượng trưng cho người con trai và người con gái hợp đôi).
Mười là, nguyên tắc giả định hóa: giả định là một nguyên tắc có tính biện pháp không chỉ hữu dụng ở phương pháp nghệ thuật chèo, mà ở không ít những loại hình nghệ thuật khác. Bởi quá trình thực tế tìm chọn những vấn đề, những sự kiện, những sự việc, những chi tiết, những ý tưởng… đời sống để nhào nặn, sáng tạo, xây dựng nên tác phẩm văn học, nghệ thuật, đâu phải tất cả đều hiển hiện ra trước các giác quan nghệ sĩ, mà chúng ẩn, hiện thật kỳ thú; có sự vật chỉ có thể cảm thấy, nhiều sự vật trong “cõi tâm linh”, tiềm thức hoặc vô thức thì chỉ có thể cảm thấy được; nên có thể lấy một điều nào đó, một cái gì đó “như là có thật” để làm căn cứ, rồi đưa ra những giả định (giả thiết, giả thử, giả vờ, giả đận…) là như thế. Trong sáng tác các thiết kế mỹ thuật, họa sĩ Dân Quốc rất tâm đắc với nguyên tắc giả định. Nguyên tắc này được ông ưu tiên sử dụng trong thiết kế mỹ thuật cho vở chèo Tấm Cám của Đoàn Chèo Hà Tây năm 1970. Cây cau, giếng nước, hai cây hoa nhỏ mọc cạnh giếng nước, cao ngang nhau, đẹp như nhau… Tưởng là cảnh thật, nhưng đó là giả dụ, giả dụ trong sự phối hợp của hàng loạt những nguyên tắc khác nhau như tượng trưng, lạ hóa, ước lệ hóa, đối chiếu… khiến ý ngầm về tình yêu trong xung đột giữa hai chị em Tấm - Cám, giữa thiện và ác mà kẻ châm ngòi và khơi dậy ngọn lửa bạo tàn ấy chính là mụ Cám đang hiện hữu ở phía đối lập.
Mười một là, nguyên tắc mô hình hóa, còn gọi là trình thức hóa: trong sáng tác văn học, nghệ thuật, nhiều khi người ta coi mô hình hóa là một phương pháp biểu tượng. Nghệ thuật nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng, mang tính chất mô hình với thể thức là cảnh huống trong hiện thực được mô tả trong quan hệ đẳng cấp (hoặc đồng cấu) vào trong cảnh huống của tích trò (hoặc đề tài). Nghệ sĩ xuất phát từ hiện thực - đối tượng miêu tả, nhào nặn nó trong trí tưởng tượng đầy cảm thức, suy cảm và sự đánh giá của mình tạo lập nên mô hình (giai đoạn linh ứng).
Trong thực tế sáng tạo nghệ thuật nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng, mô hình chỉ có thể chứa đựng những mặt, những nét, những yếu tố căn bản nhất định của nguyên mẫu đối tượng phản ánh. Do đó, cùng một đối tượng có thể sáng tạo, xây dựng nên nhiều mô hình khác nhau. Từ một mô hình có thể chuyển hóa sang thành nhiều mô hình cùng hệ thống. Bởi vậy, nhìn toàn thể các thiết kế mỹ thuật của các vở diễn chèo cổ, chèo truyền thống đề tài dân gian, thần thoại, cổ tích, dã sử, lịch sử (thuộc về quá khứ), nguyên tắc mô hình hóa được họa sĩ Dân Quốc vận dụng thành thạo, linh hoạt và đa dạng.
2. Hội họa, điêu khắc là nghệ thuật tạo hình không gian, nhưng hội họa - thiết kế mỹ thuật sân khấu nói chung, thiết kế mỹ thuật chèo nói riêng là nghệ thuật tạo hình không gian mang tính tổng hợp cả không gian tự nhiên lẫn không gian xã hội, không gian tư duy lẫn không gian triết - mỹ… Qua tư duy liên tưởng của họa sĩ thiết kế mỹ thuật chèo, những địa điểm hiện ra là những bức tranh đa dạng, kết hợp với diễn xuất của các diễn viên, âm nhạc, ánh sáng… chúng đã biến thành môi trường sống của những con người ở những vùng miền, quốc gia, dân tộc, thời đại khác nhau. Họa sĩ Dân Quốc không chỉ là người có “sở trường” tư duy liên tưởng của nghệ thuật chèo, mà còn am hiểu sâu sắc và mê say chèo cổ, chèo truyền thống, những bức tranh thuộc dòng tranh dân gian: tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Làng Sình; ngưỡng mộ những tranh thờ miền núi của dân tộc Dao, Tày, Nùng, Mông… và những tượng gỗ dân gian trang trí ở các nhà mồ của đồng bào Tây Nguyên. Tất cả đọng lại nơi suy cảm - cảm thức và tư duy của họa sĩ mỹ thuật chèo này, từ đó chuyển nhập chúng vào những cảnh tượng, phục trang trong các vở diễn chèo cổ, chèo truyền thống, chèo đề tài hiện đại do ông thiết kế; chúng không chỉ là địa điểm, là hoàn cảnh - không gian sống riêng biệt của các nhân vật nhất định, mà còn là những bức tranh “độc lập” về cảnh đời tam nông dưới thời phong kiến với chế độ gia trưởng độc đoán, chuyên quyền, phảng phất đâu đây số phận những người phụ nữ bị đọa đầy, oan nghiệt, nhưng cũng nổi bật lên những tấm lòng, những hình tượng nhân hậu, kiên trung, ân tình, thủy chung, đảm đang, bất khuất của những người vợ, người mẹ trong xã hội xưa. Lý giải những kết quả này không chỉ là tài năng họa sĩ mà còn phải bằng vốn sống, sự am hiểu và rung động sâu sắc từ cuộc sống cung đình sa hoa tráng lệ (qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn…), đến tận những nơi xóm nghèo cùng khổ, ở đấy, biết bao kiếp người lầm than, đói khổ, quần quật quanh năm lấm mặt cháy lưng, bị áp bức, bất công ôm ghì cuộc sống… Ở đó, cái thiện, cái ác đan xen nhau khi quyết liệt, căng thẳng, khi ngừng lặng hòa hoãn. Tất cả chúng đều ánh xạ vào những cảnh trí, phục trang, đạo cụ mà ông thiết kế, bắt đầu từ vở chèo Quan Âm Thị Kính (Nhà hát Chèo Việt Nam 1985), rồi lần lượt đến các vở: Tấm Cám (Đoàn Chèo Hà Tây 1970), Trương Viên (Đoàn Chèo Hải Phòng 1974), Súy Vân (Đoàn Chèo Hà Nam 2001), Trê Cóc (Nhà hát Chèo Việt Nam 2003), Lưu Bình Dương Lễ (Nhà hát Chèo Việt Nam 1987), Trương Viên (Đoàn Chèo Hà Bắc 1994), Từ Thức (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội 1976), Quan Âm Thị Kính (Nhà hát Chèo Thái Bình 2001), Đường lên núi sắt (Đoàn Chèo Bắc Thái 1971), Thạch Sanh (Đoàn Chèo Hải Phòng 1974), Trương Viên (Đoàn Chèo Hà Nội 2001)…
Về phục trang, cái khó trong việc tạo mẫu trang phục cho các nhân vật trong mỗi vở diễn chèo cổ và chèo truyền thống là ở chỗ: các nhân vật không cùng giai cấp, địa vị xã hội, nghề nghiệp, trình độ học vấn, trình độ dân trí, trình độ văn hóa giao tiếp - ứng xử xã hội, tín ngưỡng tôn giáo… nên việc tạo mẫu - kiểu mốt, chất liệu, màu sắc, hoa văn, thị hiếu thẩm mỹ thời đại… cho mỗi nhân vật không đơn giản. Trình độ văn minh, văn hóa thời đại của mỗi bộ trang phục phải được hòa quyện vào nhau. Họa sĩ Dân Quốc đã làm được điều đó theo một cách riêng biệt, độc đáo, mang màu sắc dân gian truyền thống, tinh tế cho “cái mặc” của những con người - nhân vật “ngày xưa” ấy.
Khi bàn về tư duy sáng tạo của nghệ sĩ Việt Nam, PGS Hà Văn Cầu viết: “…mỗi nghệ sĩ, khi sáng tạo, đều xuất phát từ một triết thuyết làm công cụ nhận thức và phản ánh mang tính chất phát hiện thì tác phẩm mới có ý nghĩa. Từ xưa, người Việt đã có tư duy lưỡng phân - lưỡng hợp, để đến trước công lịch vài ba trăm hỗn dung (tích hợp) với triết lý âm dương (của Nho), vô hữu (của Đạo), sắc không (của Phật) và biện chứng pháp của Lão tử để trở thành triết lý chỉ đạo công việc sáng tạo của mình, để đạt tới vai trò tạo hóa thứ hai (mà DK gọi là “hiện thực ứng linh”)…” (2). Tôi chắc rằng, Dân Quốc không những tiếp nhận những quan điểm triết lý tích cực trên, mà còn nhận thức, am hiểu sâu sắc những quy luật triết học bởi ông là một “nghệ sĩ - chiến sĩ”. Ông đã lấy nghệ thuật chèo làm vũ khí, với tâm tuệ trong sáng, tinh khí dân tộc soi rọi vào hiện thực mới - hiện thực đương đại, để phản ánh trong những tác phẩm thiết kế mỹ thuật của mình cho những vở chèo.
Tác phẩm thiết kế mỹ thuật đầu tiên của họa sĩ Dân Quốc cho vở diễn chèo về hiện thực cách mạng và kháng chiến của Đoàn Chèo Hà Tây, là vở chèo Chị Tâm bến Cốc (1968), kịch bản của cố NSND Tào Mạt. Cùng với vở diễn, tác phẩm mỹ thuật chèo đầu tiên này của Dân Quốc đã được khán giả chèo nhiệt liệt hưởng ứng và các bậc thày trong giới công nhận ông là họa sĩ thiết kế mỹ thuật chèo chuyên nghiệp. Từ đó, đến khi nghỉ hưu (2003), ngoài thiết kế mỹ thuật cho các vở diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam (nơi ông công tác), thì 17 tỉnh, thành phố (những địa phương có các đoàn, nhà hát chèo) và quân đội, đều mời ông thiết kế mỹ thuật cho các vở diễn chèo của họ. Thiết kế mỹ thuật cho các vở chèo truyền thống, hầu như họa sĩ Dân Quốc đều thành công, đặc biệt trong đó là thiết kế mỹ thuật của vở Quan Âm Thị Kính, không chỉ có tiếng vang trong nước, mà còn được hưởng ứng và đánh giá cao ở nước ngoài. Như lời ông tâm sự: “Sau 19 năm làm họa sĩ thiết kế mỹ thuật ở Nhà hát Chèo Việt Nam đến khi nghỉ hưu (2003), tôi đã thiết kế được 27 vở diễn, 3 chương trình chèo đi biểu diễn quốc tế tại Bungaria (1982), tại Liên hoan Sân khấu Quốc tế ở CHDC Đức (1985) và Liên hoan Sân khấu các nước nói tiếng Pháp tại Limoge (1993). Năm 1987 được mời giới thiệu về mỹ thuật chèo tại triển lãm Mỹ thuật sân khấu Quốc tế tổ chức ở Tiệp Khắc”. Về đề tài hiện thực đương đại, trong đó có đề tài hiện thực cách mạng và kháng chiến, ông có nhiều tác phẩm thành công và “rất chèo” như vở: Dệt những mùa xuân - Nhà hát Chèo Việt Nam (1978), Nhớ về Bắc Mã - Đoàn Chèo Quảng Ninh (1986), Đôi mắt - Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (1976), Dòng thác đỏ - Đoàn Chèo Hà Tuyên (1979), Tấm lòng hậu phương - Đoàn Chèo Trường Sơn (1971), Chuyện tình dưới mái đình xưa - Đoàn Chèo Thái Bình (1994), Đêm trăng huyền thoại - Đoàn Chèo Thái Nguyên (1999)… Đặc biệt thành công, thấm đẫm chất chèo đến từng chi tiết của thiết kế mỹ thuật vở diễn chèo hiện đại Sông Trà Khúc của cố NSND Tào Mạt; đạo diễn Trần Bảng có nhận xét rằng đạo diễn và họa sĩ đã xử lý một không gian hoàn toàn ước lệ. Chiếm toàn bộ không gian phông hậu là một bản đồ thế giới phác họa một cách giản lược. Bục diễn ở trung tâm được ghép bằng những mảnh xác máy bay của không lực Hoa Kỳ. Một nhịp cầu giả bằng nhôm vươn lên, vừa gợi tưởng chiếc cầu trên dòng sông (Trà Khúc), vừa phục vụ cho tạo hình trong điều độ (các tuyến di chuyển) của các diễn viên đóng vai (các nhân vật) của vở diễn… Vở diễn đã đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc được tổ chức tại Nghĩa Bình năm 1985.
Hơn 120 vở diễn chèo của các nhà hát và các đoàn chèo trong cả nước, do họa sĩ Dân Quốc làm thiết kế mỹ thuật, có đến ¼ số vở diễn trong đó được chuyển thể từ kịch bản nước ngoài. Nổi trội trong số ấy là vở diễn Vòng phấn Capkadơ, kịch bản của Bertolt Breht, Vinh Mậu chuyển thể chèo.
Họa sĩ Dân Quốc nay đã ở tuổi ngoài 80. Ông là người đã thiết tạo những không gian “sắc sắc không không” cho hơn 120 vở diễn chèo, với cuốn sách in hơn 4.000 mẫu trang phục, được tuyển chọn từ những vở diễn ấy, do Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành cuối năm 2018, có tên là Mỹ thuật sân khấu Chèo - Phục trang biểu diễn. Từ cuốn sách này, một lần nữa chứng tỏ rằng, nếu không có tâm hồn của một trái tim lớn và tư duy dân tộc thì không thể làm được mỹ thuật chèo.
_____________________
1. Nguyễn Dân Quốc, Mỹ thuật Chèo, Nxb Sân khấu, tập 1, 2012, tr.2.
2. Nguyễn Dân Quốc, Mỹ thuật Chèo, Nxb Sân khấu, tập 2, 2012, tr.213.
Tài liệu tham khảo
1. Từ điển Văn học, tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983.
2. Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2015.
3. Trần Bảng, Khái luận về Chèo, Viện Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, 1999.
4. Nguyễn Dân Quốc, Mỹ thuật sân khấu Chèo - Phục trang biểu diễn, Nxb Sân khấu, 2018.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 30-8-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 6-9-2024; Ngày duyệt đăng: 2-1-2025.
PGS, TS PHẠM DUY KHUÊ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025