Thiết chế văn hóa cơ sở đóng vai trò quan trọng gắn kết cộng đồng dân cư, phát triển phong trào rèn luyện thể dục thể thao (TDTT). Trong những năm qua hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã được củng cố phát triển đồng bộ, khai thác có hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân; đồng thời làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị; từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân ở các xã, thị trấn trong huyện, tạo nền tảng vững chắc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng Nông thôn mới, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đội văn nghệ các xã, thị trấn tổ chức đồng diễn dân vũ thể thao tại Trung tâm Hội nghị huyện Như Thanh
Để việc triển khai xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đạt hiệu quả cao, UBND huyện Như Thanh đã ban hành nhiều văn bản, chương trình, chính sách thực hiện công tác xây dựng, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, UBND huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực để phổ biến các chính sách, pháp luật nhằm tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc xây dựng, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao. Nhiều mô hình, cách làm hay trong việc xây dựng và quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao của các xã đã được triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn huyện. Điển hình như xã Hải Long - địa phương có các thiết chế văn hóa, thể thao khang trang, với 9 thôn của xã có Nhà văn hóa (NVH), khu vui chơi thể thao, đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, TDTT
Huyện Như Thanh có hệ thống thiết chế VHTT được đầu tư tương đối đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Hiện toàn huyện có 1 Trung tâm Hội nghị huyện; 2 bể bơi đạt chuẩn; 1 Nhà tập luyện thể hình; 165 Nhà văn hóa thôn, khu phố, trong đó có 126 Nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL; 8 sân vận động; 335 sân bóng chuyền da, bóng chuyền hơi; 72 sân cầu lông; 20 bàn bóng bàn; 3 Nhà thi đấu dành cho môn cầu lông, bóng bàn và bóng chuyền hơi; 2 sân Tennis và một số sân Pickleball. Bên cạnh nguồn kinh phí do Nhà nước đầu tư, toàn huyện đã huy động từ nguồn xã hội hóa để thực hiện 165 điểm vui chơi trẻ em; 103 sân bóng đá mini, 215 sân bóng chuyền da và bóng chuyền hơi, trên 20 bàn bóng bàn, 52 sân cầu lông và nhiều cơ sở vật chất khác.
Hầu hết các thiết chế VHTT đều phát huy tính năng, phục vụ có hiệu quả việc hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân. Hằng năm, huyện đều tổ chức các giải thể thao, hội thi văn hóa văn nghệ thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Hiện, Như Thanh có 82% Gia đình văn hóa, 9/13 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã NTM nâng cao, thị trấn đạt chuẩn Đô thị văn minh. Để thúc đẩy phong trào TDTT, phát huy hiệu quả thiết chế VHTT, hằng năm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức từ 200 - 250 giải, cuộc giao hữu TDTT; tại huyện tổ chức trung bình từ 15 - 20 giải thi đấu TDTT, thu hút đông đảo cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân tham gia. Các ban, ngành, đoàn thể của huyện cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các giải thi đấu TDTT, thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên, đoàn viên. Đến nay, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên của huyện đạt 42%, toàn huyện có 90 câu lạc bộ TDTT. Cùng với đó, hoạt động VHVN đã có những chuyển biến tích cực, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển tương đối đồng đều ở các khu dân cư và các tổ chức hội, đoàn thể.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Như Thanh Đinh Xuân Thắng cho biết: Với hệ thống thiết chế VHTT được đầu tư cơ bản đồng bộ đã tạo tiền đề cho các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và XDNTM trên địa bàn huyện ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Từ đó, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho người dân. Đến nay, toàn huyện có 133/159 thôn được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 83,7%. Nhìn chung, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong các thôn, khu phố văn hóa ngày càng được cải thiện rõ nét.
Như Thanh là một trong những địa phương được tỉnh đánh giá cao về công tác phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, TDTT trên địa bàn. Huyện cũng thường xuyên nằm trong top đầu tại các kỳ đại hội TDTT gần đây, giành giải cao tại các hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng cấp tỉnh. Mặc dù vậy, vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa, TDTT trên địa bàn huyện Như Thanh như việc huy động các nguồn vốn để chuẩn hóa các thiết chế văn hóa, TDTT ở một số xã, thôn còn gặp nhiều khó khăn; công tác xã hội hóa cho các hoạt động chưa được quan tâm đúng mức... Vì vậy, trên địa bàn huyện, nhất là những địa bàn khó khăn, các công trình thiết chế văn hóa, TDTT ngoài việc tổ chức hội họp, chưa có nhiều hoạt động thu hút người dân tham gia...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi nguồn kinh phí đầu tư cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cũng như trang thiết bị phục vụ cho hoạt động còn hạn chế; còn 39 Nhà văn hóa thôn chưa được đầu tư xây dựng, một số thôn sau khi sáp nhập số lượng dân cư tăng lên nhưng diện tích Nhà văn hóa nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu hoạt động văn hóa của nhân dân... Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và chính người dân địa phương. Bên cạnh đó, cần có thêm “bệ đỡ” về cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí để các địa phương có thể tu sửa, nâng cấp, xây mới Nhà văn hóa, khu thể thao. Các thiết chế văn hóa tại cơ sở được phát huy đúng nghĩa, được xem là chìa khóa trong việc làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân,, từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện.
Có thể nói, thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân dân, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân, là công cụ của Đảng và Nhà nước để lãnh đạo quần chúng. Sử dụng và quản lý tốt các thiết chế văn hóa, giúp các thiết chế văn hóa ngày càng được kiện toàn theo hướng thiết thực, hiệu quả, nhu cầu văn hóa của nhân dân theo định hướng của Đảng.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từng bước được xây dựng, nâng cấp đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT phát triển
LÊ HƯỜNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 588, tháng 11-2024