Huyện Kbang nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Gia Lai - miền cao nguyên xanh ở khu vực Bắc Tây Nguyên. Kbang là vùng đất mang nền trầm tích di sản - văn hóa, lịch sử lâu đời và có giá trị. Bên cạnh đó, phố huyện Kbang còn được thiên nhiên ưu đãi ban cho nhiều danh thắng tuyệt đẹp, đặc biệt là hệ thống thác ghềnh hoang sơ và vô cùng kỳ vĩ.
Dòng thác Kon Lốc 2 như dải lụa trắng mềm mại giữa mênh mang rừng xanh
Thác nước giữa rừng nguyên sinh
Dường như thiên nhiên muốn thử thách sức bền bỉ của con người nên hầu như các dòng thác càng đẹp, hùng vĩ thì lại càng cách xa thành phố, ẩn mình trong những khu rừng nguyên sinh để mời gọi du khách tìm đến chinh phục. Thời điểm lý tưởng để bạn khởi hành chuyến đi của mình là khi mùa mưa Tây Nguyên vừa kết thúc. Lúc này, tiết trời khá mát mẻ, dễ chịu và không quá hanh khô, thuận lợi cho việc băng rừng tìm đến thác.
Nói đến hệ thống thác phong phú của huyện Kbang phải kể đến các dòng thác tuyệt đẹp nằm sâu trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (thuộc địa bàn xã Sơn Lang) nằm toàn bộ trên cao nguyên Kon Hà Nừng. Trong đó, dòng K50 hùng vĩ được ví như báu vật giữa đại ngàn. Dòng thác ầm ì, miên man cuộn chảy ngày đêm như một khúc nhạc reo ca giữa rừng xanh làm say đắm lòng người.
Bắt đầu từ thành phố Pleiku đến trung tâm huyện Kbang sẽ mất tầm hơn 2 giờ cho chặng đường gần 100km. Di chuyển thêm 60km nữa sẽ đến trụ sở Khu bảo tồn. Kon Chư Răng là Khu bảo tồn về đa dạng sinh học nghiêm ngặt, có hệ sinh thái động, thực vật rất đa dạng và hệ thống thác ghềnh kỳ vĩ. Con đường đi bộ xuyên rừng luôn rợp bóng cây và râm ran tiếng chim líu lo gọi bầy. Lúc này, hòa mình vào không gian của rừng xanh, ngắm ánh mặt trời xuyên qua tán cây, cảm nhận mọi thứ bằng tất cả giác quan của bạn mới thấy được thiên nhiên tuyệt vời biết bao.
Từ trong hang én nhìn ra dòng thác K50 kỳ vĩ
Thác K50 còn được gọi là thác Hang Én bởi đây là nơi có hàng nghìn tổ én. Từng đàn chim én chao nghiêng, mải miết uốn lượn trước hang sâu khiến cho cảnh vật thêm phần thơ mộng. Đứng trong lòng hang, không gian tĩnh lặng, chậm rãi ngắm nhìn từng lớp đá đã bị phong hóa thành đất, trên mặt đá nhiều mảng đen tuyền, sáng bóng qua năm tháng mới thấy được sự kỳ vĩ của tạo hóa. Vào khoảng tháng 9 hằng năm, loài dơi kéo về làm tổ sinh sống trong lòng hang rất đông đúc, sau đó chúng lại tiếp tục di cư.
Dòng nước từ đỉnh tuôn trào mạnh mẽ, đổ xuống tạo nên một lực khá mạnh tung bọt trắng xoá rồi hòa vào dòng sông Côn chảy xuống miền đồng bằng. Tia nước bắn ra xung quanh tạo thành lớp sương mù bảng lảng tạo nên vẻ đẹp như thực như mơ, góp phần mang lại bầu không khí mát lành, cảnh quan thêm phần xanh tươi. Thác có độ cao chừng 54m, khi ánh mặt trời chiếu rọi dòng thác đổ như một tia sáng xuyên qua tầng đá. Khu vực phía dưới chân thác rộng từ 30m đến gần 100m tùy theo mùa, mặt nước lung linh ánh bạc, lấp lánh reo ca. Một món quà tuyệt đẹp từ thiên nhiên tạo nên tiên cảnh giữa rừng xanh.
Thác K50 - một khúc nhạc reo ca giữa rừng xanh làm say đắm lòng người
Phía dưới chân thác có nhiều tảng đá lớn nhỏ mang hình thù khác nhau xếp đặt ngẫu nhiên, bên trên được phủ từng lớp thảm thực vật rêu phong. Nơi đây là điểm tựa cho du khách thưởng cảnh, cùng neo vào lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Cảnh vật xung quanh như những nét chấm phá, tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm phần huyền hoặc, khiến cho chân cứ phải bước, mắt cứ phải kiếm tìm và lồng ngực mở toang để đón nhận bao la núi đồi bao bọc dòng thác hoan ca.
Chúng tôi tiếp tục ngược lên đỉnh thác. Len lỏi giữa những tán cây rừng, vượt qua khá nhiều đoạn lên xuống bậc thang, đôi khi có đoạn khá dốc và thẳng đứng phải níu vào đoạn dây thừng đã được trang bị sẵn nhằm hỗ trợ cho du khách thuận lợi hơn trong hành trình trải nghiệm. Tại khoảng không gian rộng, đoàn thưởng thức bữa trưa giữa mênh mang núi đồi, trọn vẹn chiêm nghiệm, tắm trong hương rừng và hoà ca cùng dòng thác.
Một dòng thác khác cùng nằm sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn cũng vô cùng đẹp và hoang sơ là thác Rêu, chắc hẳn sẽ khiến người lữ khách đắm say mà tìm đến trải nghiệm.
Thác Kon Bông (xã Đăk Rong) có vẻ đẹp vừa mênh mang lại yên bình giữa đại ngàn
Để đến được thác Rêu, du khách phải len lỏi giữa những hàng thông nàng xanh tốt hai bên đường. Trong hành trình, du khách sẽ băng qua một đoạn suối nhỏ mát lành, nơi này có nhiều tảng đá nhỏ lọt thỏm dưới con suối phủ dày rêu rất đẹp mắt. Từ xa, tiếng nước chảy đã bắt đầu vang vọng cùng không khí mát lành tỏa ra xung quanh khiến cho mọi người đều háo hức và nhanh chân hơn hẳn. Bạn cần có đủ thể lực cùng sự chuẩn bị chu đáo về hành trang, tinh thần, sự đam mê khi quyết định khám phá những điểm đến có độ khó như hành trình tìm đến thác Rêu.
Mọi sự mệt mỏi như tan biến khi được tận mắt chiêm ngưỡng một khung cảnh tuyệt đẹp. Dòng thác ầm ì tuôn chảy với lực khá mạnh, từ đỉnh thác tràn xuống từng bậc đá rêu phong tung bọt trắng xóa, những tia nước bắn ra xung quanh mang lại bầu không khí mát rượi tưới mát cả không gian. Có lẽ vì vậy mà rừng phòng hộ đầu nguồn cùng thảm thực vật xung quanh khu vực này rất xanh mát và tươi tốt khiến cho một vùng cảnh quan tràn đầy nhựa sống.
Thác có tên thác Rêu là bởi xung quanh có rất nhiều mảng rêu xanh rì bám vào những tảng đá nằm dưới chân thác. Cùng với dòng chảy thời gian, từng tầng đá được nhuộm một màu đen tuyền, qua sự bào mòn của dòng nước chảy xiết những phần đá lộ thiên nhấp nhô quanh thác lại vô tình là vị trí thuận lợi để du khách nương vào lưu lại những khoảnh khắc khó quên bên thác nước giữa rừng xanh.
Thác Rêu không quá cao, lưu lượng nước nhiều chảy đều quanh năm, mang lại vẻ đẹp đầy mê hoặc
Thác Rêu nằm tại vị trí tiểu khu 44, được phân chia thành 3 tầng, các tầng có độ cao gần 30m, lưu lượng nước nhiều chảy đều quanh năm mang lại vẻ đẹp đầy mê hoặc. May mắn được đến vào thời điểm thác rất nhiều nước để càng thấy được sự kì vĩ của thiên nhiên ban tặng cho con người. Thác Rêu hiện vẫn còn là một “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Du khách đến đây tự phát nhưng không quá đông, chủ yếu là dân địa phương yêu thích loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm. Nhưng cũng vì lẽ đó, vì chưa in nhiều dấu chân cùng sự can thiệp của bàn tay con người nên cảnh quan, sự hoang sơ tự nhiên của dòng thác và khu vực này lại khiến cho nó thêm phần hấp dẫn và kì thú.
Thác đẹp xã Đăk Rong
Thác Kon Bông (thuộc địa phận xã Đăk Rong) cách trung tâm huyện Kbang khoảng 70m. Từ UBND xã đi thêm 16km nữa sẽ đến được chân thác. Đường đến thác rất thuận lợi, dòng thác trải dài thành 3 tầng riêng biệt đổ từ bậc cao đến thấp với dòng chảy rộng nên còn được gọi là thác 3 tầng. Thác Kon Bông cao khoảng 40m, trải rộng gần 25m.
Men theo những cây rừng rợp bóng mát, du khách có thể leo lên tới đỉnh thác để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ. Phía xa, dưới chân thác là những tảng đá to nhỏ, hình thù khác nhau trải rộng, điểm dừng chân lý tưởng tổ chức picnic, cắm trại, điểm vui chơi dành tặng cho những ai ưa thích vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng.
Du khách lưu lại khoảnh khắc đẹp bên thác Kon Lốc 2
Thác có tên gọi Kon Bông bởi dòng thác thuộc địa phận làng Kon Bông 1 và Kon Bông 2. Người dân trong vùng vẫn hay kể cho du khách đến thăm làng một câu chuyện thú vị về tên gọi của thác: ngày xưa, có một cô gái da trắng như bông, rất xinh đẹp, đẹp như dòng thác vẫn hằng ngày đều tắm gội ở đây nên người dân nên người dân trong vùng đặt tên thác là Kon Bông.
Hành trình đến đỉnh thác có những cây khô bắt ngang, là điểm dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn để người lữ khách phương xa cùng lưu lại những khoảnh khắc đẹp với dòng thác như những nốt nhạc ngân vang dòng chảy giữa rừng xanh. Dọc đường vào thác, du khách có thể ghé thăm làng Kon Bông 1 và Kon Bông 2, bản làng người đồng bào dân tộc Bahnar sinh sống quần tụ lâu đời vốn còn lưu giữ các nét đẹp truyền thống, khung cảnh thiên nhiên nên thơ mê hoặc.
Trên cùng cung đường tham quan, thác Kon Lốc 2 nằm trên địa phận làng Kon Lốc 2, cách UBND xã Đak Rong chỉ 5km là dòng thác đẹp nằm giữa khu rừng nguyên sinh xanh mát thu hút du khách tìm đến bởi vẻ đẹp tự nhiên vốn có.
Dẫn lối bước chân du khách vào đến thác là men theo con đường mòn tầm 1km, xung quanh nhiều cây xanh tỏa bóng mát. Đâu đó những bông hoa sim tím hay hoa mua tô điểm cảnh sắc thú vị, nên thơ cho điểm đến.
Từ chân thác nhìn lên, dòng thác như dải lụa trắng mềm mại vắt qua dải rừng xanh với độ cao khoảng 20m, trải rộng gần 10m. Dòng nước rất trong và mát lạnh, mùa mưa lẫn mùa khô vẫn luôn cuộn chảy tung bọt trắng xóa tưới mát một vùng. Trên đỉnh thác là những bậc đá trải rộng, nước chảy len lỏi qua từng khe đá xanh rêu đổ xuống chân thác. Xung quanh cây rừng che phủ, tỏa bóng mát, mặc dù khí trời oi bức nhưng khu vực xung quanh thác vẫn mát rượi mang lại bầu không khí trong lành rất dễ chịu.
Dưới chân thác thường xuyên xuất hiện cậu vồng rất đẹp mắt. Cảnh sắc cỏ cây, hoa lá, nước non điệp trùng hòa quyện tạo nên bức tranh thiên nhiên đa sắc vô cùng thi vị.
Bài và ảnh: VÕ THANH THẢO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 594, tháng 1-2025