Khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021

Sau 1 năm gián đoạn do dịch COVID-19, tối ngày 5-11, tại Nhà hát Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, tỉnh Long An đã chính thức diễn ra Lễ khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021. Liên hoan do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở VHTTDL tỉnh Long An tổ chức.

Tới dự Lễ khai mạc, về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Trần Đơn; Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban Chỉ đạo liên hoan PGS, TS Tạ Quang Đông; Thứ Trưởng Bộ Lao động, Thuơng binh và Xã hội Lê Tấn Dũng; Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thuý Mùi - thành viên Ban Chỉ đạo Liên hoan; Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSƯT Trần Ly Ly - thành viên Ban Chỉ đạo Liên hoan; Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan Trần Hướng Dương. 

Về phía tỉnh Long An có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được; các đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy: Phạm Thanh Phong, Lê Thanh Tâm, Trương Văn Tiếp; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Tân Hòa - Đồng Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan; Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Anh Dũng.

Cùng dự có đại diện các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An và đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên các đơn vị Nghệ thuật Cải lương tham gia Liên hoan.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu Khai mạc Liên hoan

Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông - Trưởng ban chỉ đạo khẳng định: “Cải lương là loại hình nghệ thuật có sự tổng hợp của hát bội, đờn ca tài tử và chịu ảnh hưởng của kịch nghệ phương Tây. Theo năm tháng, loại hình nghệ thuật này đã có những biến cải về nội dung tuồng tích, điệu ca, lời hát cho đến cách thức bài trí sân khấu... Song, có thể khẳng định, dù có thay đổi, cải tiến đến đâu thì những giá trị cốt lõi của nghệ thuật cải lương như tính trữ tình, nét bi, sự khôi hài… vẫn tồn tại trong nhiều vở diễn kinh điển của loại hình nghệ thuật đặc sắc này. 

Nghệ thuật truyền thống Cải lương lương đã khẳng định được sức sống tiềm tàng mạnh mẽ bởi sự dung nạp, kết hợp, chọn lọc tinh hoa một số loại hình sân khấu trong và ngoài nước, tạo nên sự mới mẻ và có sức cuốn hút, đáp ứng sở thích của nhiều tầng lớp công chúng. Từ nôi văn hóa của vùng đất Nam Bộ, Cải lương đã phát triển rộng khắp, lan tỏa đến nhiều vùng, miền của đất nước và trở thành một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Việt Nam”.

 

Các đại biểu, nghệ sĩ, diễn viên trong buổi Lễ khai mạc

Thứ trưởng nhấn mạnh: "Các vở diễn tham gia lần này có sự đa dạng về đề tài, phản ánh được hiện thực cuộc sống chiến đấu, lao động của nhân dân, góp phần vào việc đấu tranh, phê phán cái xấu, lan tỏa cái đẹp, tình yêu thương, đức nhân hậu, thủy chung của con người, bồi dưỡng lòng nhân ái, vị tha với những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2021 là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực sân khấu nghệ thuật truyền thống nói chung và sân khấu nghệ thuật cải lương nói riêng. Đây là dịp để các văn nghệ sĩ, diễn viên sân khấu Cải lương được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp; Bên cạnh đó, Liên hoan là cơ sở để các đơn vị nghệ thuật, các nhà quản lý tìm ra những khuynh hướng nghệ thuật mới, những vở diễn hay, có chất lượng từ đó có những giải pháp chiến lược, định hướng cho việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống cải lương của Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa phát biểu tại buổi Lễ

Cũng trong buổi Lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa - Phó Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan Cải lương toàn quốc chia sẻ, Long An là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử cải lương là nơi sản sinh nhiều nghệ nhân, nhạc sĩ nổi tiếng như nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại người có công lớn trong việc hình thành và phát triển nhạc lễ, nhạc tài tử Nam Bộ; nhạc sĩ Cao Văn Lầu với bài Dạ Cổ Hoài Lang bất hủ; là quê hương của NSND, đạo diễn sân khấu Quỳnh Nga và những nghệ sĩ tài danh nổi tiếng cả nước như: Út Bạch Lan, Mỹ Châu, Minh Vương… Nhờ các  thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân tài danh đi trước đã làm cho cuộc sống nghệ thuật cải lương của Long An không ngừng trưởng thành và lớn mạnh…

Trong suốt thời gian diễn ra liên hoan, tỉnh Long An sẽ phối hợp chặt chẽ với ban tổ chức, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đạo diễn, diễn viên các đoàn tham dự liên hoan đảm bảo sức khỏe, trình bày những tác phẩm thật trọn vẹn và thành công. Tỉnh Long An tin tưởng rằng, liên hoan cải lương toàn quốc lần này sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng các nghệ sĩ, diễn viên các đoàn về Long An nói riêng và công chúng công nghệ thuật cải lương trên cả nước nói chung.

NSND Lệ Thủy và các nghệ sĩ trẻ thể hiện bài ca vọng cổ "Long An câu hát xin chào"

Hội đồng Nghệ thuật của Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021 gồm: Nhà viết kịch, Nguyễn Sỹ Chức, Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng; và các thành viên: NSND, TS Nguyễn Thị Bích Tuyết (NSND Bạch Tuyết); NSND Lê Huy Quang - Thư Ký Tòa soạn Tạp chí Âm nhạc Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam; NSND Nguyễn Kim Hải (NSND Thanh Hải); NSƯT Lê Đại Chức (NSƯT Lê Chức) - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; NSƯT Trần Thắng Vinh - Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Liên Chi hội trưởng, Liên chi Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - Khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long; NSƯT Hồ Thị Ngọc Trinh (NSƯT Hồ Ngọc Trinh) - Phó Trưởng Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An.

Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tặng hoa các nghệ sĩ trong đêm Khai mạc Liên hoan

 

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi; Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly tặng hoa Hội đồng Nghệ thuật

Trong Lễ Khai mạc, NSND Lệ Thủy và các nghệ sĩ trẻ Lê Diệu Hiền - chuông vàng Vọng cổ 2021, Võ Minh Tâm - Ngôi sao vọng cổ truyền hình TP.HCM 2006 và Vũ đoàn Bạch Dương đã gửi đến khán giả những câu hát chân tình, mộc mạc của người Nam bộ nói chung qua bài vọng cổ Long An câu hát xin chào (nhạc: Cao Minh Thu, vọng cổ: NSƯT Hồ Ngọc Trinh).

Đồng thời, mở đầu cho Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An đã trình diễn vở cải lương dự thi Bên dòng Long Khốt. Ngày 6-11, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai và Đoàn Cải lương Hương Tràm  dự thi với hai vở diễn Sứ Mệnh và Hương Tràm.

Hình ảnh vở diễn "Bên dòng Long Khốt"

Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021 diễn ra trong 15 ngày, từ ngày 5 đến 20-11 với 27 vở diễn của 22 đơn vị nghệ thuật cùng sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ diễn viên; các vở diễn tham gia lần này có sự đa dạng về đề tài, phản ánh được hiện thực cuộc sống chiến đấu, lao động của nhân dân, góp phần vào việc đấu tranh, phê phán cái xấu, lan tỏa cái đẹp, tình yêu thương, đức nhân hậu, thủy chung của con người, bồi dưỡng lòng nhân ái, vị tha với những giá trị Chân-Thiện-Mỹ.

NGỌC BÍCH - Ảnh: Cục NTBD

 

;