Sẽ quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về nhiệm vụ quyền hạn, thực thi công vụ của công chức thanh tra

Ngày 5-11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ 4: lĩnh vực Thanh tra. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn của các đại biểu.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)  đề nghị Tổng Thanh tra cho biết những giải pháp mà Thanh tra Chính phủ đã và sẽ triển khai để bảo đảm hoạt động thanh tra và việc ban hành kết luận thanh tra được đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chất vấn

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh về hai giải pháp chính: Một là ngay trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) hiện nay đang trình Quốc hội thông qua, chúng tôi đã dự thảo về thời hạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra đã được điều chỉnh, với các cuộc thanh tra có quy mô lớn, tính chất phức tạp từ 15 ngày lên 30 ngày; thứ hai, tới đây Thanh tra Chính phủ tiếp tục đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành thanh tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra và nâng cao chất lượng kết luận thanh tra theo Nghị quyết 45. Trong đó đã quy định trách nhiệm cụ thể từ trước đến giờ chưa có, đó là quy định cụ thể cho trưởng, phó đoàn thanh tra, thủ trưởng cơ quan chủ trì cuộc thanh tra, người ra quyết định thanh tra, thành viên thanh tra, người giám sát, người thẩm định kết luận thanh tra là phải có trách nhiệm và có hình thức xử lý.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) tranh luận về nguyên nhân khiến kết luận thanh tra bị chậm trễ

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi về nguyên nhân căn bản khiến kết luận thanh tra chậm trễ thường liên quan đến phân công quyền lực trong hoạt động thanh tra. Đại biểu cho rằng, quyền lực càng tập trung càng có nguy cơ có tiêu cực. 

Theo đại biểu, cần phân công lại theo hướng thủ trưởng cơ quan thanh tra chỉ sử dụng quyền thủ trưởng của mình để kiểm soát, đôn đốc làm đúng pháp luật. Còn Đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm và Trưởng Đoàn thanh tra phải ký kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải đáp:  nguyên nhân chậm kết luận thanh tra là do nguyên nhân chủ quan. Trong đó, nhiều cuộc thanh tra có quy mô lớn, tính chất phức tạp, liên quan đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế, nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, mất nhiều thời gian. Ngoài ra, một số quy định của pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, cần thời gian tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn, dẫn đến chậm thời hạn. 

Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đánh giá có 15 cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ chậm ra kết luận thanh tra. Thanh tra Chính phủ đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp cải thiện vấn đề này, dự thảo xong, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để báo cáo kết luận thanh tra của 13 cuộc. Thanh tra Chính phủ sẽ nỗ lực để có kết luận thanh tra 2 cuộc còn lại trong năm 2022.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn của các đại biểu

Hiện nay Thanh tra Chính phủ có những cuộc thanh tra chậm từ nhiều năm trước, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, qua kiểm tra, không có tiêu cực trong các vụ việc này, các vụ việc chậm đang được tích cực khắc phục. 

Tổng Thanh tra Chính phủ đưa ra giải pháp, Thanh tra Chính phủ đang kiến nghị sửa đổi một số điều khoản trong Luật Thanh tra về nội dung thời hạn đưa ra kết luận thanh tra, đồng thời, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành, nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm, ban hành và quán triệt thực hiện quy chế về việc tổ chức hoạt động thanh tra.

Đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) đặt câu hỏi về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ về những hành vi vi phạm quy định trong công tác quản lý, sử dụng đất 

Đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) nêu câu hỏi: Thực tế thời gian qua có nhiều hành vi vi phạm quy định trong công tác quản lý, sử dụng đất đai dẫn đến thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư hoặc của người dân. Số lượng các vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm tỷ trọng lên đến 70% và cũng là một số cán bộ phụ trách lĩnh vực quản lý đất đai bị xem xét xét xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự. Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và giải pháp để khắc phục tình trạng này?

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chia sẻ và đồng tình với phản ánh của đại biểu Lê Minh Nam, vẫn còn có những vụ việc tiêu cực xảy ra, nhất là xoay quanh lĩnh vực đất đai, như đầu tư xây dựng có sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thủ tục hải quan, cấp phép khai thác khoáng sản. 

Giải pháp cho vấn đề này là thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, tăng cường kiểm tra giám sát phát hiện xử lý nghiêm cán bộ nếu có sai phạm.

Về vấn đề nhiều khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, sẽ nghiên cứu rà soát bất cập trong quy định để sửa đổi, chấn chỉnh công tác quy hoạch, hoàn thiện hệ thống quản lý, cơ sở dữ liệu về đất đai, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, tăng cường thanh tra, kiểm tra trong quản lý đất đai để xử lý nghiêm các vi phạm.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) chất vấn về quy tắc quy định liêm chính để cán bộ thanh tra tuân thủ và tự bảo vệ mình

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) chất vấn về vấn đề cần có bộ quy tắc quy định về liêm chính để cán bộ thanh tra tuân thủ và tự bảo vệ mình. Đại biểu đặt câu hỏi: Tổng Thanh tra Chính phủ đã có những văn bản tương tự như vậy chưa, và nếu chưa có thì có định xây dựng trong tương lai hay không?

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết: Thanh tra Chính phủ đã ban hành các văn bản về việc xây dựng lực lượng thanh tra liêm chính, yêu cầu cán bộ thanh tra tuân thủ quy định pháp luật, quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức, liêm chính, chí công vô tư. Quy định từ khâu thanh tra đến khâu thẩm định cũng rất chặt chẽ, để không có vi phạm về đạo đức công vụ. Đồng thời cũng ban hành các quy trình nghiệp vụ chặt chẽ từ khâu thanh tra đến giám sát thẩm định để có sở giám sát hoạt động thành viên đoàn thanh tra để không có vi phạm đạo đức công vụ.

Về giải pháp, hiện nay, thực hiện Luật Thanh tra hiện hành cũng như với Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về nhiệm vụ quyền hạn, thực thi công vụ của công chức thanh tra, đảm bảo công khai minh bạch. Tới đây sẽ trình Bộ Chính trị ban hành một quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra. Đây là giải pháp căn cơ và lâu dài. Thanh tra Chính phủ sẽ ban hành, hướng dẫn toàn ngành quy chế tổ chức hoạt động đoàn thanh tra, tăng cường kỷ cương kỷ luật…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên chất vấn nhóm thứ 4: lĩnh vực Thanh tra

Phát biểu kết luận phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ 4, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: Thanh tra là một chức năng thiết yếu, quan trọng trong kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp nói riêng và kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung. Thực hiện việc xem xét, đánh giá và xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định đối với việc thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân, hoạt động thanh tra được thực hiện rộng khắp, với phương châm "ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra". Trong thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm, tăng cường, đã góp phần quan trọng trong kiểm soát quyền lực nhà nước và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Ngành thanh tra đã tổ chức triển khai định hướng chương trình thanh tra hàng năm, có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện, kiến nghị, xử lý nghiêm các vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật, vừa đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm chồng chéo, hạn chế phát sinh phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước, cần tiếp tục có những giải pháp khả thi nhằm thực hiện tốt chính sách pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành thời gian xem xét thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi), xem xét về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là việc Quốc hội lựa chọn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thanh tra để tiến hành chất vấn đã cho thấy công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được Quốc hội quan tâm và tăng cường giám sát. Phiên chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có 31 đại biểu chất vấn, có 8 đại biểu tranh luận, còn 29 đại biểu đã đăng ký nhưng không còn đủ thời gian để Tổng Thanh tra trả lời trước Quốc hội, đề nghị các vị đại biểu gửi câu hỏi chất vấn đến Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời bằng văn bản và gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp.

Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, cơ bản bám sát nội dung chủ đề đã đặt ra, có trọng tâm, trọng điểm, với tinh thần thẳng thắn, khách quan, xây dựng, phản ánh được ý kiến trăn trở, bức xúc của cử tri và Nhân dân. Tuy lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng với kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành trong thời gian qua, Tổng Thanh tra Chính phủ đã nắm rõ tình hình, thực trạng vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách, trả lời đầy đủ, bao quát và đề xuất được một số giải pháp cho thời gian tới. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã tham gia giải trình thêm những ý kiến mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện các yêu cầu nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

NGỌC BÍCH - Ảnh: Công thông tin điện tử Quốc hội

 

;