Khao khát những tác phẩm xứng tầm

Lịch sử như một vòng quay với  các điểm chạm là những cột mốc được đo đếm bằng vòng thời gian. Nhân loại sẽ cùng “tưởng nhớ”những sự việc, sự kiện khi nó chạm  mốc 10, 20, 30 năm… nửa thập kỷ hay hơn. Mốc thời gian không chỉ được tính đếm khi sự việc diễn ra mà còn nhắc nhở cần làm gì, khắc ghi lại sự kiện đó như thế nào để nhân loại không lãng quên nó. Có những sự kiện mang tính quốc gia, lại có những sự kiện ở tầm khu vực hay thế giới. Góp phần vào sự nhắc nhớ ấy không thể thiếu những tác phẩm xứng tầm ở mọi lĩnh vực từ văn học, âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc đến phim ảnh.

Cảnh trong phim Cánh đồng hoang

Những vòng lặp thời gian

Thời gian trong sự sáng tạo của văn hóa nghệ thuật (bao gồm nhiều ngành nghề) luôn có những chỉ dấu nhất định. Thời gian thực khi sự việc, sự kiện diễn ra. Đứng trước  những sự kiện lớn như chiến tranh xung đột, những vụ nổ lớn, thiên tai, lũ lụt, ngày chiến thắng… là hàng loạt những tuỳ bút, ghi chép, tản mạn, truyện ngắn (văn học), ký họa, phác thảo (hội họa), phóng sự,  quay tư liệu (phim ảnh)…

Những sáng tác tức thời đó đã kịp ghi lại những tâm trạng, cảnh huống, chi tiết của sự vật, sự việc, con người có mặt, tham gia, tác động trong các diễn biến, các sự kiện mang dấu mốc lịch sử. Sự tươi mới, sống động được các nghệ sĩ thuộc đủ mọi lĩnh vực nghệ thuật ghi lại, khắc lên những vết chạm trong tiến trình lịch sử của nhân loại. Và những sự kiện, sự việc đó không bị lãng quên theo thời gian có một phần đóng góp không nhỏ của lớp lớp nghệ sĩ khi luôn khắc họa và sáng tạo bằng tài năng, sự cống hiến trong các  tác phẩm.

Phim Đào, phở và piano

Bên cạnh những sáng tác tức thời, mỗi sự kiện, biến cố lại luôn cần những độ lùi thời gian để suy xét, nghiền ngẫm và cho ra đời những tác phẩm có thể khắc họa, lột tả, xây dựng chân thực, sống động và nhiều chiều hơn xung quanh những sự kiện, những mốc quan trọng trong lịch sử của một thành phố, vùng đất, dân tộc hay toàn cầu. Trong văn học, có những bộ tiểu thuyết đồ sộ khắc họa về một giai đoạn, một thời kỳ lịch sử gắn với vận mệnh của cả một dân tộc, thành phố thông qua các đại gia tộc, những cá nhân... Nhiều bộ phim được làm nhân một chiến dịch, một sự kiện đã cách xa cả chục đến vài chục năm. Nếu văn học có Sông đông êm đềm, Chiến tranh và hoà bình (Văn học Nga), Những người khốn khổ (Pháp), Cuốn theo chiều gió (Mỹ) thì điện ảnh cũng có nhiều bộ phim làm về chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lần thứ hai dù các cuộc chiến đã lùi xa mấy chục năm hay hàng thế kỷ. Cùng một trận đánh, một giai đoạn lịch sử nhưng có hàng chục, hàng trăm tác phẩm cùng phản ánh, khắc họa, phân tích và lý giải  nó dưới nhiều chiều kích. Trận chiến Trân Châu cảng trong chiến tranh thế giới thứ hai đã được nhiều nền điện ảnh lấy làm bối cảnh, câu chuyện mô tả trong phim. Sự tàn sát người Do Thái của phát xít Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ hai đã thu hút không biết bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ khi nỗi đau, sự chia ly, nạn diệt chủng… đã lay động, thức tỉnh và ám ảnh hàng triệu người ngay cả khi cuộc chiến đã lùi xa. 

Phim Trân Châu cảng

Không chỉ nhân tai mà thiên tai cũng được khắc họa nhiều trong nghệ thuật. Vụ động đất tại Trung Quốc cướp đi sinh mạng hàng ngàn người tại Đường Sơn năm 1976 đã có nhiều phóng sự, ghi chép tại chỗ, kịp thời. 24 năm sau, vào năm 2010, đạo diễn Phùng Tiểu Cương đã cho ra mắt bộ phim Đường Sơn đại địa chấn ghi lại nỗi đau đó sau nhiều năm. Nhìn sự việc dưới góc nhìn cá nhân là một cô bé (sau là một phụ nữ, một người mẹ) mãi ôm nỗi oán hận khi mẹ bỏ mình để cứu em trai cùng bị kẹt dưới đất đá để rồi nhiều năm sau, khi trải qua các biến cố cô mới hiểu và thông cảm cho quyết định khó khăn của mẹ. Những tác phẩm như thế khiến công chúng có thêm những góc nhìn về các sự kiện, những thảm họa dù nó đã đi qua hàng chục hay vài chục năm. 

Các tác phẩm xứng tầm

Nếu trong biến cố, thảm họa mọi phản ánh, ghi chép, sáng tác thường hướng tới toàn cục thì khi thời gian qua đi sẽ có thêm những góc nhìn đa chiều hơn về cùng sự kiện đó. Việt Nam với hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đánh đổ đế quốc Mỹ đã thu hút nhiều ngành nghệ thuật cùng tham gia phản ánh. Về văn học có những tác phẩm tiêu biểu như Rừng xà nu, Vợ chồng A Phủ, Một chuyện chép ở bệnh viện… (văn học). Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ (hội họa). Du kích Sông Lô, Tiểu đoàn 307 (âm nhạc), Con thuyền của mẹ, Dưới cát là nước (sân khấu)… Về điện ảnh có nhiều tác phẩm phản ánh chiến tranh ở cả trận tuyến lẫn hậu phương như Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng 10

Tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió

Dù đã có hàng chục, hàng trăm tác phẩm ở mọi thể loại nghệ thuật cùng phản ánh nhưng ở các mốc kỷ niệm lớn 30, 50, 70 năm hay hơn công chúng vẫn mong mỏi có thêm những tác phẩm mới, những tác phẩm xứng tầm để mô tả, khắc họa những sự kiện, mốc lịch sử đáng nhớ đó. 

Năm 1996, để chuẩn bị chào mừng lễ kỉ niệm 50 năm Toàn quốc kháng chiến và hưởng ứng chương trình Chấn hưng điện ảnh cấp nhà nước, bộ phim Sống mãi với Thủ đô được sản xuất tạo lên tiếng vang lớn. Phim tái hiện tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ở những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những bộ phim hay làm về giai đoạn lịch sử này. Năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, nhiều bộ môn nghệ thuật đã có những tác phẩm lớn chào đón, kỷ niệm mốc thời gian này. Điện ảnh Việt Nam cũng đã có bộ phim hoạt hình dài 100 phút Người con của rồng nói về Lý Công Uẩn, vị vua đã ra chiếu dời đô. Bên cạnh đó, còn một số bộ phim truyền hình làm về nhà Lý, nhà Trần như Huyền sử Thiên đô, Thái sư Trần Thủ Độ - những vương triều đầu tiên gắn bó với Thăng Long.

Vở Dưới cát là nước

Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) nhiều ngành nghệ thuật  mong muốn có thêm những tác phẩm lớn để kỷ niệm mốc lịch sử trọng đại này. Bên cạnh những bộ môn nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc, sân khấu, nhiếp ảnh… sự thành công của Đào, phở và piano đã góp thêm một sắc mầu mới cho công chúng khi nhìn lại thủ đô trong những giờ khắc lịch sử. Những công dân  Hà Thành từ vị cha xứ, nhà tư bản, ông họa sĩ, vợ chồng người bán phở, chú bé liên lạc… đã sát cánh cùng những người lính tự vệ trong cuộc chiến bảo vệ Thủ đô. Với sự sáng tạo của êkip, Hà Nội với những người dân góp phần làm nên nó đã  mang đến niềm tự hào khi sống và hy sinh hết mình vì sự toàn vẹn của thành phố, của dân tộc. Cũng nhân dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô, bộ phim Đào, phở và piano đã được chiếu miễn phí tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia và trên một số kênh truyền hình. Đào, phở và piano cũng là bộ phim đã được chọn là đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự Vòng sơ tuyển giải thưởng phim truyện quốc tế của Oscar lần thứ 97 (2024 - 2025). 

Năm 2025 cũng là năm có những ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, nổi bật là kỷ niệm 50 năm - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các thế hệ nghệ sĩ (cả những người tham dự và sinh sau mốc lịch sử này) đều mong muốn khắc, chạm một nét nào đó bằng các tác phẩm nghệ thuật để ghi khắc mốc lịch sử đáng nhớ này. Đã có nhiều ngành nghề phát động các đợt sáng tác lớn hướng tới mốc kỷ niệm 2025. Cuộc thi truyện ngắn Sông Hương 2024 với tiêu chí: Hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025) và tổng kết nền văn học nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2025) là một trong những hoạt động như vậy.  Nhiều bộ môn nghệ thuật khác cũng có các cuộc thi nhằm tìm ra các kịch bản hay làm chất liệu cho việc dựng vở, sản xuất các bộ phim hướng tới các ngày lễ lớn, những mốc lịch sử trọng đại của dân tộc. 

Vở Con đò của mẹ

Bằng tài năng, sự sáng tạo, văn hóa nghệ thuật luôn có những đóng góp vào việc lưu giữ các mốc thời gian, những sự kiện trọng đại của dân tộc, nhân loại bằng ngôn ngữ nghệ thuật riêng của từng loại hình. Chính góc nhìn mới của những thế hệ sau hay chính các nghệ sĩ đó sau độ lùi thời gian  đã không ngừng bồi đắp, mang lại những điểm chạm khác biệt cho cùng một sự kiện, một giai đoạn, một biến cố lịch sử. Càng có nhiều tác phẩm xoay quanh các mốc trọng đại đó thì sự kiện, mốc thời gian càng được nhớ đến với những bài học rút ra từ đó. Đó cũng chính là tác động của văn hóa nghệ thuật trong đời sống tinh thần, giải trí… Với điểm chạm là các mốc  thời gian thì niềm mong mỏi về những tác phẩm hay, xứng tầm những sự kiện, những điểm dấu lịch sử  càng trở thành sự trăn trở, khao khát. Đó không chỉ là mong mỏi của các nghệ sĩ, của giới sáng tác mà còn là của công chúng, của khán giả yêu nghệ thuật.

TÔN QUẾ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 586, tháng 10-2024

;