Hòa vào dòng chảy của xu thế hội nhập, nghệ thuật múa Việt Nam đang ngày càng phát triển và khẳng định vị thế nghệ thuật của mình. Đặc biệt, xu hướng thưởng thức và sáng tạo múa đương đại đã và đang trở thành trào lưu phổ biến trong sáng tác và biểu diễn múa. Múa đương đại đang dần chiếm lĩnh sân khấu và len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống nghệ thuật múa, tạo nên hơi thở, sức sống mới cho nghệ thuật múa Việt Nam.
Một tác phẩm múa đương đại của SV Trường ĐHVHNTQĐ - Ảnh: Thanh Hoa
Múa đương đại lan tỏa sâu rộng
Ðiều lý thú của múa đương đại chính là nó có xu hướng phá vỡ những niêm luật, kết cấu truyền thống của múa dân gian - dân tộc, tháo bỏ những khuôn phép, kỷ luật hà khắc của múa Cổ điển châu Âu để bung mở biên độ sáng tạo.
Hầu hết nội dung tác phẩm múa đương đại không đơn thuần là tôn vinh, cổ vũ, động viên hay miêu tả vẻ đẹp thuần túy trong đời sống thiên nhiên, con người mà đòi hỏi sự khắc họa sinh động, sâu sắc nội tâm phong phú của đời sống xã hội, con người hiện đại. Ðã không ít tác phẩm thành công trong việc lột tả thế giới nội tâm con người, đem lại cảm xúc nghệ thuật đặc biệt, như: Tác phẩm Thiền của Biên đạo - NSND Trần Ly Ly hay Cầm giả ca của biên đạo - NSƯT Thanh Hằng.
Cuộc sống hiện đại ngày càng bận rộn với nhiều lo toan khiến con người cứ quay cuồng trong thế giới của chính mình. Những mảng đối lập của cuộc sống va chạm nhau khiến không ít người vướng vào tham, sân, si, “rượt đuổi” theo những vọng tưởng. Có không ít người bị chông chênh, vấp ngã, thậm chí bỏ cuộc. Trong cuộc nhiễu loạn ấy, Thiền như một hồi chuông cảnh tỉnh mọi người. Ðến với Thiền, người ta sống chậm lại, soi lại chính mình và nhìn ra xung quanh với một sự điềm tĩnh. Con người ta cũng gần gũi với thiên nhiên hơn, sống nhân văn hơn.
Múa Cầm giả ca, Biên đạo NSƯT Thanh Hằng - Ảnh: Thanh Hoa
Nắm bắt được điều đó, NSND Trần Ly Ly đã mang Thiền vào tác phẩm múa cùng tên của mình với sự trình diễn của ba diễn viên: Duy Thành, Khánh Linh, Chính Dũng và chất liệu Âm nhạc độc đáo của nhạc sĩ MạnhTiến đã tạo cho Thiền một hiệu ứng cảm xúc mạnh mẽ, thích thú và lạ lẫm. Âm nhạc độc lạ, những tạo hình như những “điêu khắc” chuyển động ẩn chứa những triết lý nhân sinh sâu sắc. Dưới mắt nhìn tài ba và bàn tay “nhào nặn” biến hóa, NSND Trần Ly Ly đã biến những nghệ sĩ nhảy Hiphop trở thành những vũ công chuyên nghiệp với các kĩ thuật chuyển động điêu luyện, lột tả ngôn ngữ cơ thể một cách sống động, nhuần nhuyễn. Có thể nói, sự kết hợp tinh tế, khéo léo giữa kỹ thuật, ngôn ngữ múa hiện đại với nhảy Hiphop tạo cảm giác mới lạ, hấp dẫn đưa người xem đi hết ngạc nhiên này tới thích thú khác. Xem Thiền người ta cảm nhận được sự độc đáo, lạ lẫm nhưng lại tìm được sự gần gụi, bản thể nhân sinh. Những sân si, đố kỵ, những trăn trở của thời cuộc như được rũ bỏ. Từng lát cắt với đủ các thăng trầm của cuộc sống như từ từ hiện ra trước mắt. Triết lý nhà Phật đã được tác phẩm múa Thiền biểu lộ sâu sắc bằng ngôn ngữ hình thể và những thanh âm cuốn hút tạo nên một tổng thể hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Với tác phẩm Cầm giả ca, biên đạo - NSƯT Thanh Hằng đã ngầm khẳng định ngoài tài năng biểu diễn thì lĩnh vực biên đạo - Hằng cũng là một nhân tố tiềm năng. Sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa khúc thức nỉ non, day dứt của điệu xẩm ai oán do nghệ nhân Lê Xuân Diệu ngâm ngợi hòa nhập với kỹ thuật trình diễn biểu cảm của nghệ sĩ múa Ðinh Nguyệt Thu đã đẩy cảm xúc người xem lên đến đỉnh điểm. Tác phẩm múa Cầm giả ca đã thể hiện cách xây dựng tác phẩm thông minh, khéo léo của tác giả. Cuộc đời dâu bể của người ca nữ được khắc họa da diết, đằm sâu bằng lối vận dụng kĩ thuật của múa hiện đại vào ngôn ngữ múa dân tộc đạt đến độ tinh tế và đẹp đẽ. Thêm vào đó là việc sử dụng có hiệu quả kỹ thuật hiệu ứng ánh sáng 3D có chiều sâu và âm thanh “live”, biên đạo đã khéo léo đưa nghệ nhân kéo Ðàn Cò trực tiếp trên sân khấu, tương tác với diễn viên múa, khiến người xem có cảm giác cả hai nghệ sĩ đã hòa làm một trong không gian nghệ thuật hút hồn, lay động lòng người.
Thực tế cho thấy, hiện thực cuộc sống đương đại ngày nay vô cùng phức tạp, đòi hỏi những tìm tòi sáng tạo mới, những vấn đề mới cần được phản ánh. Tính ưu việt của ngôn ngữ múa đương đại khi thâm nhập vào tác phẩm múa đem lại sự giải phóng cơ thể một cách tự do, phóng khoáng nhất. Nó tạo điều kiện cho nghệ sĩ, biên đạo thỏa sức sáng tạo. Vì thế múa đương đại ngày càng có sức hút mạnh mẽ đối với nghệ sĩ, biên đạo múa trẻ bởi nó đem lại nguồn cảm hứng phong phú, đa dạng trong phương cách biểu đạt nội dung, đề tài cuộc sống xã hội.
Tìm về nguồn cội
Ðã qua rồi cái thời múa đương đại Việt dường như mất phương hướng, qua rồi cái thời mà nhiều biên đạo mải mê khai thác những chuyển động khác lạ, quăng quật, hay đi tìm sự kỳ quái trong phương cách thể hiện và biểu diễn tác phẩm khiến nhiều tác phẩm không đem lại cảm xúc thực sự cho người xem, thậm chí không ít tác phẩm gây phản cảm, mất thẩm mỹ.
Múa Thiền. Biên đạo: NSND Trần Ly Ly - Ảnh: Thanh Hà
Qua rồi cái thời mà một số biên đạo đem ngôn ngữ, tư duy của múa đương đại nước ngoài áp dụng vào múa đương đại Việt khiến không ít tác phẩm trở nên xa lạ, không phù hợp với văn hóa dân tộc.
Kịp thời nhận thức được múa đương đại là tự do sáng tạo, tự do biểu hiện nhưng không xa rời văn hóa, căn cốt dân tộc đã kéo các biên đạo múa tìm về nguồn cội, văn hóa dân tộc.
Ðó cũng là lý do ngày càng nhiều biên đạo khai thác chất liệu múa dân gian dân tộc và kho tàng văn hóa, phong tục, truyền thống dân tộc để vận dụng vào quá trình sáng tác các tác phẩm múa đương đại.
Sương Sớm (The Mist) là một vở múa dân gian đương đại độc đáo nhận được nhiều thiện cảm của khán giả. Vở múa được thực hiện bởi Vũ đoàn Arabesque cùng sự dẫn dắt của biên đạo múa Tấn Lộc. Với sự tham gia của NSƯT Ngô Thụy Tố Như và các các nghệ sĩ múa của Arabesque.
Tác phẩm là một câu chuyện kể về một buổi sáng trong sương sớm của người nông dân, với những công việc thường ngày quen thuộc như ra đồng làm lúa, xay gạo, chuẩn bị phiên chợ sớm… Nét độc đáo của vở múa đó chính là việc thể hiện hình ảnh người nông dân Việt Nam cần cù chăm chỉ, làm việc từ tờ mờ sáng thông qua ngôn ngữ múa đương đại đặc sắc nhưng cũng đậm chất truyền thống bằng những trang phục mộc mạc, giản dị cùng với các đạo cụ quen thuộc là đôi quang gánh, là thóc, là lúa, gạo… Sương sớm đã đem lại cho người xem một cảm xúc chân thành, đồng điệu, một cảm xúc vừa quen, vừa lạ, vô cùng dễ chịu, an lành.
Thế nhưng, chuyện kế thừa, khai thác chất liệu múa dân gian, dân tộc hay khai thác chất liệu múa truyền thống dân tộc để xây dựng tác phẩm múa đương đại cũng đòi hỏi người biên đạo phải vận dụng vô cùng khéo léo, tinh tế của rất nhiều thành tố thích hợp, cập nhật phương thức biểu hiện mới ẩn chứa những giá trị dân tộc truyền thống và hơi thở thời đại chứ không chỉ là chuyện xử lý ngôn ngữ múa. Tác phẩm phải được gây dựng trong một không gian nghệ thuật tổng hòa, phải bộc lộ được nhiều nét mới mẻ, hiện đại nhưng vẫn mang lại cảm xúc chan hòa, gần gũi.
Như vậy để thấy dù khai thác ngôn ngữ, kĩ thuật chuyển động hiện đại hay khai thác ngôn ngữ múa dân tộc, dân gian trong sáng tạo tác phẩm múa đương đại thì bản chất cốt lõi vẫn là bộc lộ được tâm tư, tình cảm, hóa giải được nhu cầu cảm thụ của con người Việt Nam; Phát huy được giá trị, hồn cốt dân tộc ẩn chứa trong những tác phẩm đó. Có như vậy, tác phẩm mới neo giữ, bám trụ lâu bền trong tâm trí người xem và mang lại giá trị nghệ thuật đích thực.
Sáng tạo và đổi mới trong nghệ thuật, đổi mới đường hướng, phong cách dàn dựng, tiếp thu những yếu tố tích cực, tiến bộ của nhân loại trong xây dựng tác phẩm múa là một tất yếu lịch sử trong hành trình chinh phục công chúng nghệ thuật đương thời; Song dù phát triển, hiện đại hay đương đại đến đâu thì “hồn dân tộc” vẫn là yếu tố gốc làm nên giá trị lâu bền của tác phẩm. Vì thế, khai thác “hồn dân tộc”, biểu hiện được thuần chất hồn cốt dân tộc sẽ là một hướng đi đúng đắn trong hành trình sáng tạo và phát triển múa đương đại.
HỒ THỊ THANH TÂM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 583, tháng 9-2024