Nhận diện Quốc phục Việt Nam

TS Trần Đoàn Lâm trong trang phục Áo dài truyền thống

Kể từ khi Việt Nam bắt đầu chính sách Ðổi mới và Mở cửa từ những năm 90 của thế kỷ trước, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng tiến vào chiều sâu trên các lĩnh vực và hoạt động xã hội. Thực tế những năm qua cho thấy, quá trình này đã nâng cao vị thế Việt Nam với tư cách là một thành viên bình đẳng, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, chúng ta cũng gặp một xu hướng của thế giới hiện đại là nhiều nước nỗ lực xây dựng sức mạnh mềm thông qua văn hóa.

Trong quan hệ quốc tế, về mặt chính trị, Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc huyQuốc ca là những biểu trưng ngắn gọn nhất, dễ hình dung nhất, biểu cảm nhất của một quốc gia, một dân tộc. Chúng thay cho diễn giải miêu tả dài dòng về vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa, sắc tộc, cơ cấu xã hội, thể chế chính trị, tính độc lập, chủ quyền v.v. Tức là vô vàn các thành tố làm nên hình ảnh một quốc gia. Khi nghe thấy Quốc ca (Tiến quân ca) hay nhìn thấy lá Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng thượng lên trên lễ đài ở các sự kiện lớn, không chỉ trong nước mà còn ở phạm vi quôc tế, chắc hẳn người Việt Nam sẽ thấy bồi hồi, xúc động vì chúng ta cảm nhận được đất nước mình là một thực thể độc lập, thống nhất, có chủ quyền, và khác biệt với các quốc gia khác. Ðồng thời, các bạn nước ngoài có hiểu biết cũng sẽ nhận ra ngay: Ðó là Việt Nam.

BTV Diễm My, Đài Phát thanh - Truyền hình Thừa Thiên Huế

Ðối với văn hóa, quá trình tiếp biến là một quy luật khách quan khi nảy sinh quan hệ bang giao, giao lưu giữa nước này với nước khác, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác. Tiếp biến là sự tiếp thu, học hỏi có chọn lọc các nền văn hóa ngoại lai và cải biến cho phù hợp với điều kiện sống và tâm lý của bên tiếp nhận để làm giàu văn hóa của họ. Chính giao lưu và tiếp biến văn hóa, một cách vô hình, đóng góp tạo ra “sức ép” buộc ta phải quay nhìn lại mình để “định vị” nền văn hóa dân tộc trên bức tranh đa sắc màu của văn hóa thế giới. 

Nỗ lực nhận diện một dân tộc hay nền văn hóa được thực hiện đối với các yếu tố khác nhau như nhân trắc học, nhân chủng học, ngôn ngữ, tập quán tư duy, lối sống, phong tục tập quán, ẩm thực, các đặc sản, các hiện vật văn hóa đặc hữu, hay nhiều yếu tố văn hóa-giá trị văn hóa khác nữa, trong đó có trang phục, để có thể “khái quát hóa” thành đặc điểm riêng hay bản dạng. Không có gì ngạc nhiên khi người ta nghiên cứu xác định loài hoa làm Quốc hoa, loại rượu làm Quốc tửu và loại trang phục nổi bật làm Quốc phục. Những biểu tượng vật chất như vậy có tính đại diện cao, kết tinh được các giá trị văn hóa đặc thù để được mệnh danh là “Quốc hồn” (hồn nước) hay “Quốc túy” (tinh túy của quốc gia) và khả dĩ sử dụng cho các tình huống lễ nghi, đặc biệt là quan hệ ngoại giao. Giờ nói đến trang phục truyền thống dùng như Lễ phục của Hàn Quốc, ta nghĩ ngay đến Hanbok; còn Nhật Bản có bộ Kimono, hay Trung Quốc có bộ Sường Xám hay Hán phục. Rồi trên phương tiện truyền thông cũng không hiếm hình ảnh vị Vua Anh quốc mặc comp-lê, đeo cà vạt. kết hợp với bộ váy kilt từ Scotland v.v. 

Đoàn viên công đoàn phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) mặc trang phục Áo dài

Như một thông lệ, một số hội nghị, gặp gỡ, hay hội thảo quốc tế hay sự kiện đặc biệt sẽ có phần yêu cầu các đại biểu chụp hình chung trong trang phục dân tộc. Ðiều này gây khó khăn cho các nước chưa xác định bộ trang phục nào làm Quốc phục. Cụ thể, đối với  nữ giới Việt Nam thì Áo dài hai mảnh - vốn được cách tân và dần đi vào đời sống trong nững năm 20 của thế kỷ trước - nay đã trở thành hay được mặc nhiên xem là Quốc phục - lễ phục cho phái nữ. Vậy nam giới Việt thì mặc bộ gì? Phần lớn chắc sẽ mặc comp-lê hay sơ mi dài tay có cà vạt đi với quần Âu, trừ những kiểu lễ phục ngành nghề. Bản thân chúng tôi đã từng phải mặc bộ quần áo nâu của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ- vốn may cho nghệ sĩ Xẩm mặc, hay phải dùng bộ quần áo the đen anh Hai Quan họ - để làm cái gọi là Quốc phục. Hiểu theo nghĩa thông thường, “Quốc phục” còn có tính chất Lễ phục trang trọng, chứ không chỉ giới hạn ở nghĩa “trang phục đặc thù của quốc gia - dân tộc”. Các nghệ sĩ Việt Nam, khi “Mang chuông đi đấm nước người”- tức là mang các bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc, xuất hiện trên sân khấu nước ngoài cũng đành mặc các bộ quần áo do các nhà thiết kế thời trang chế ra như áo sơ mi ngắn tay hay dài tay có nẹp đỏ, hay bộ áo dài cách tân hình hộp trông na ná như của dân tộc Nam Á nào đó. Rồi để phục vụ cho những sự kiện lớn hơn, mang tính chất chính thức hơn, các nhà thiết kế cũng dựng ra các bộ lễ phục mang tên là “trang phục truyền thống” có những đường nét nhất định trông hao hao như Áo dài, Áo tấc nhưng hàm lượng bản sắc hay đặc trung văn hóa truyền thống Việt thì lại không đủ lớn để có thể gọi đó là bộ Quốc phục. Có chăng, nên nhìn nhận đó là những sáng tạo trong công việc thiết kế thời trang để cho ra đời các bộ áo dài thời trang hay cách tân, nhằm phục vụ những tình huống cần thiết như lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Hội nghị quốc tế, hay lễ hội truyền thống. Song, đã đến lúc ta nên nói lời chia tay với quan niệm “cần phải sáng tạo ra bộ Quốc phục mới”, vì quan niệm như vậy không cần thiết. Ðiều này không hề có hàm ý ám chỉ công việc thiết kế các bộ y phục cách tân hay thời trang khác, đó là chuyên môn của các nhà thiết kế thời trang; họ có quyền tự do sáng tạo để phục vụ nhu cầu đa dạng của xã hội.

Hai bạn trẻ Lâm Tường Vân và Ngô Minh Nhân mặc trang phục Áo dài truyền thống trong ngày cưới

Trong khi chúng ta loay hoay tìm kiếm bộ Quốc phục có thể đóng vai trò của một loại Lễ phục quốc gia, ít nhất là cho nam giới,  thì lại bỏ qua mất một điều là nó vốn dĩ đã tồn tại hàng trăm năm nay, song đã bị lãng quên một thời gian dài - đấy chính là Áo dài truyền thống, với kiểu tay chẽn hay tay thụng (dùng trong các nghi lễ rất truyền thống). Ðược kế thừa từ loại áo Năm thân vốn xuât phát từ Huế, từ thời điểm Võ vương Nguyễn Phúc Khoát định chế nó làm bộ trang phục thống nhất cho Ðàng trong (1744), và để  đến thời Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841), nó trở thành trang phục thống nhất cho cả hai miền Ðàng trong và Ðàng ngoài như một trong những biểu hiện vật chất thể hiện sự thống nhất quốc gia, thống nhất văn hóa. Ðiều này cũng có nghĩa, Áo dài truyền thống dần dần đã được phổ cập trong dân chúng.

Qua một số cách tân, đến nay chiếc Áo dài truyền thống, nếu cắt may chuẩn chỉ, vẫn mang những nét đặc trưng vốn dĩ đã  được hình thành và xác quyết theo dòng lịch sử, phù hợp quan niệm thẩm mỹ của người Việt. Quan trọng hơn, Áo dài truyền thống - đặc biệt đối với phái nữ - được cộng đồng quốc tế lấy làm một trong những dấu chỉ để “Nhận diện Việt Nam”. 

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân và phu nhân trong trang phục Áo dài truyền thống - Ảnh: Nguyễn Hoàng

Tất nhiên, có thể có mối băn khoăn về Áo dài trong tính đa dạng của văn hóa Việt Nam vì nền văn hóa này là tổng thể hòa quyện văn hóa của 54 dân tộc cùng cộng sinh hài hòa trên mảnh đất chữ “S”, với dân tộc Kinh là chủ đạo, tạo thành một cộng đồng các dân tộc Việt Nam thống nhất. Ðiều băn khoăn đó hoàn toàn toàn hợp lẽ. Các dân tộc, hay đúng hơn là các tộc người, đều có trang phục truyền thống của mình và đều đáng trân trọng, đáng bảo tồn và đã có chính sách tạo điều kiện phát huy chúng một khi đó là di sản văn hóa; không ai được phép kỳ thị, chèn ép hay loại trừ bất kỳ di sản trang phục sắc tộc nào, mà ngược lại, cần tạo điều kiện để chúng hiện diện trong các trường hợp cần thiết. Nhưng khi xem xét một loại trang phục khả dĩ làm Quốc phục để đại diện cho Văn hóa Việt Nam ở tầm quốc gia hay quốc tế, ta sẽ phải chọn lựa loại y phục nào có tính phổ biến nhất, có năng lực thể hiện bản dạng của dân tộc Việt Nam khi tư duy Việt Nam như một cộng đồng thống nhất, hay văn hóa Việt Nam là một thực thể thống nhất. Ðấy chính cách tiếp cận hay thái độ đúng đắn, hợp lý nhất để xử lý mối quan hệ biện chứng: Thống nhất - trong - Ða dạng và Ða dạng - trong - Thống  nhất, ở các quốc gia đa sắc tộc. Bên cạnh đó, còn mối băn khoăn về thực trạng - gọi một cách hài hước là “bất bình đẳng giới”, khi nam giới “thiệt thòi” vì không có trang phục truyền thống dân tộc. Và rõ ràng, Áo dài truyền thống có ưu thê để xử lý các mối băn khoăn trên. 

Trang phục Áo dài ngũ thân đã có những hình thức mới phù hợp với đời sống đương đại - Ảnh: Áo dài Năm Tuyền

 Nói một cách ngắn gọn, Áo dài truyền thống Việt có thể trở thành Quốc phục, khả dĩ được dùng như Lễ phục truyền thống trong các trường hợp đặc biệt nhờ nó có một loạt các đặc điểm nổi bật như: tính Lịch sử (đã tồn tại hàng trăm năm nay và có căn cước lịch sử); tính Ðặc hữu (chỉ riêng có ở Việt Nam); tính Ðại diện trong biểu đạt (góp phần giúp nhận diện bản sắc dân tộc Việt Nam hay văn hóa Việt Nam như tổng thể thống nhất ở phạm vi quốc tế; phản ánh quan niệm thẩm mỹ và lối tư duy của người Việt Nam); tính Phổ biến (nhiều người mặc và được phản ánh rất nhiều trong văn học-nghệ thuật); tính Phổ cập (các lứa tuổi, hay thành phần xã hội khác nhau, đều mặc được trong các tình huống khác nhau). Xem xét một cách tổng thể, có thể gọi nó là trang phục mang “Quốc hồn”, “Quốc túy” (kết tinh trong mình các giá trị văn hóa dân tộc). Thực tế, di sản áo dài nam đang được  tái nhận dạng và dần phổ biến trong xã hội nhờ những nỗ lực quảng bá, truyền thông, thực hành mặc từ phía cộng đồng, nhất là giới trẻ, như CLB Ðình làng Việt hay một số hội nhóm khác, và nhờ một số chính sách văn hóa kịp thời từ các cấp quản lý có liên quan, nổi bật như ở Huế với dự án “Huế - Kinh đô áo dài”. Rõ ràng, xu hướng này là một tất yếu lịch sử trong tiến trình xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Áo dài kết nối du lịch với di sản Hà Nội, ngày 1/9/2024 - Ảnh: Nguyễn Văn Hiếu

TRẦN ĐOÀN LÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 583, tháng 9-2024

;