Mỗi dân tộc, cộng đồng dân cư ngoài nét văn hóa, bản sắc riêng thể hiện qua trang phục, ngôn ngữ, lối sống… còn có những điểm giao thoa với các cộng đồng, dân tộc khác trên thế giới. Những giá trị chung như lòng tốt, đức hy sinh vì nhân loại, vì cộng đồng dường như đều có ở mỗi quốc gia và trở thành các tiêu chí, chuẩn mực chung về đạo đức, giá trị sống…
Phim Tiệc trăng máu được làm từ kịch bản gốc Người quen xa lạ của điện ảnh Italia
Trong muôn vàn những cách kết nối và lan tỏa về văn hóa, không khó để nhận ra có những điểm trùng, điểm giao thoa giữa các dân tộc dù khác nhau về vùng miền, ngôn ngữ, bản sắc. Trong khá nhiều nền văn học, sân khấu, điện ảnh có những cốt truyện mang các giá trị chung như tinh thần cống hiến của người trẻ cho xã hội bên cạnh tình yêu đôi lứa. Sự hy sinh vì nghĩa lớn, vì Tổ quốc, vì cộng đồng… Những giá trị cá nhân khi đi đến tận cùng cũng dễ tìm được tiếng nói chung. Ðó là một trong những lý do mà dòng văn học, sân khấu, phim ảnh về lãnh tụ, doanh nhân, anh hùng dân tộc, các cá nhân có đóng góp lớn cho cộng đồng ở nhiều mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa nghệ thuật, y học… luôn được chào đón tại nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa. Cá biệt có những nhân vật không chỉ là thần tượng của dân tộc đó mà còn có cộng đồng hâm mộ khắp thế giới khiến cho các tiểu thuyết, vở kịch, bộ phim, các dự án về họ luôn được chờ đón.
Phim Bộ Bộ kinh tâm (Trung Quốc)
Ngoài những bộ phim tôn vinh cá nhân, đã có nhiều bộ phim khi ra mắt được hàng chục nước mua bản quyền và làm lại. Trường hợp bộ phim Tiệc trăng máu theo kịch bản gốc Người quen xa lạ của điện ảnh Ý là một ví dụ. Phim được 19 nền điện ảnh làm lại minh chứng cho sức hấp dẫn của câu chuyện, của vấn đề mà bộ phim đặt ra. Vấn đề của bộ phim đề cập đến có ở mọi dân tộc, các cộng đồng dân cư khi cuộc sống xã hội và cuộc sống cá nhân không phải khi nào cũng là một, cũng đồng nhất. Với ý tưởng: “Chiếc điện thoại thông minh có thể chứa đựng toàn bộ bí mật của con người” và “Chúng ta thực chất đều là những người quen xa lạ”… phim đã mang đến một chủ đề có tính toàn cầu hóa.
Chuyện phim bắt đầu từ một trò chơi tưởng như vô hại. Ðám bạn chơi thân với nhau từ thủa còn để chỏm đến lúc lập gia đình, có sự nghiệp riêng tưởng như quá hiểu về nhau và không còn gì để dấu giếm. Tuy nhiên, trong mỗi con người luôn có những mặt đối lập. Một con người xã hội được trưng ra để giao tiếp, hòa nhập, khẳng định và một con người cá nhân với những khao khát, mê đắm thầm kín bên trong, nơi họ mong muốn được là chính mình. Hai nét trái ngược đó trong đa số thời gian đều được giấu kỹ đến mức chính họ cũng không nghĩ có gì khác biệt. Trò chơi yêu cầu để tất cả điện thoại lên bàn và mỗi khi có cuộc điện thoại, tin nhắn nào tới đều phải công khai cho mọi người trên bàn tiệc đã làm lộ tẩy nhiều bí mật, những góc khuất được giấu kín. Chính mẫu số chung, sự mâu thuẫn của con người cá nhân, con người xã hội mà ở đâu cũng có đã tạo nên nét hấp dẫn của bộ phim và khiến điện ảnh nhiều nước muốn làm lại khi giữ nguyên format nhưng lồng thêm yếu tố văn hóa, nét tính cách riêng của từng dân tộc, từng cộng đồng vào trong bản phim làm lại.
Vở Hồn Trương Ba da hàng thịt
Một mô tuýp khác cũng được nhiều nền điện ảnh, sân khấu làm lại là mô tuýp về sự hoán đổi thân xác. Ðâu đó ở các nền văn học, sân khấu, điện ảnh mô tuýp này được đào xới qua các nội dung. Nếu trong văn học, sân khấu và điện ảnh Việt Nam từng có câu chuyện, vở kịch và bộ phim Hồn Trương Ba da hàng thịt nói về sự tắc trách của người giữ sổ sống chết (Nam Tào) khiến hồn ông Trương Ba - một nhà nho, giỏi đánh cờ bị nhập với thân xác anh hàng thịt - người làm nghề đồ tể. Sự khác biệt giữa tâm hồn với thể xác, giữa sự thanh cao, khí chất với những ham muốn, hưởng thụ đời thường đã tạo nên xung đột. Trong cuộc đấu tranh đó, có lúc tâm hồn, lý trí thắng. Nhưng có lúc thể xác lại thắng với những thói quen, đòi hỏi về ăn uống, hưởng thụ. Sau cả quá trình, thân xác và tinh thần của hai người vốn thuộc hai cảnh sống khác nhau đã không thể hoà hợp và phải tìm đến sự giải thoát.
Phim Hồn papa da con gái
Với văn học, sân khấu và phim ảnh thế giới mô tuýp này cũng xuất hiện khá nhiều. Các sự hoán đổi cũng đa dạng hơn khi có thể là sự hoán đổi về giới tính (người nam sang người nữ và ngược lại). Hoán đổi về độ tuổi (người già trong cơ thể của người trẻ và ngược lại). Hoán đổi về địa vị, sự chênh lệch giầu nghèo… Cái hay của mô tuýp này là nhờ sự hoán đổi đó mà mỗi người nhận ra mặt mạnh, mặt yếu, hạnh phúc và khổ đau của người mà mình hoán đổi. Chính việc sống và cảm nhận qua một cơ thể khác, một môi trường khác khiến họ hiểu và thông cảm với nhau hơn khi được trở lại hình hài cũ. Với điện ảnh Việt Nam, ngoài Hồn Trương Ba da hàng thịt khai thác câu chuyện dân gian còn có Hồn Papa, da con gái cũng dựa theo mô tuýp này khi hoán đổi giữa người cha (Thái Hoà đóng) có tính cách trẻ con với cô con gái (Kaity Nguyễn đóng) có tính cách mạnh mẽ. Cuộc hoán đổi đã khiến hai cha con thấu hiểu và cảm thông cho nhau, hóa giải những mâu thuẫn khi cùng mất đi người vợ, người mẹ mà cả hai cùng thương yêu.
Phim Freaky Friday (Ngày thứ sáu kỳ quái - Điện ảnh Mỹ)
Ngoài cốt truyện trong nước, một vài bộ phim Việt hóa theo kịch bản nước ngoài với mô tuýp này đã được làm như Em là bà nội của anh. Không có hai người trong câu chuyện hoán đổi, nhưng kịch bản gốc Hàn đã cho nhân vật bà nội được trẻ lại một cách thần kỳ từ đó thấu hiểu, chia sẻ, giải toả áp lực trong mối quan hệ với thế hệ sau cũng như nối lại những ước mơ, hoài bão còn dang dở của mình khi còn trẻ. Với nhiều biến thể, mô tuýp hoán đổi thân xác xuất hiện trong văn học, sân khấu, phim ảnh… của nhiều nước với những phiên bản, biến tấu khác nhau. Sự khác biệt đó tựu chung đều nhằm đem tới sự thấu hiểu, chia sẻ khi được hoán đổi, đặt trong những góc nhìn, hoàn cảnh của người khác. Với điện ảnh Mỹ, một nền điện ảnh có tính thương mại hóa cao, mô tuýp hoán đổi cũng được biến tấu qua một loạt phim như Face/Off (Lật mặt), Freaky Friday (Ngày thứ sáu kỳ quái), Freaky (Quái đản)…
Phim Người tình bóng trăng (Hàn Quốc)
Một mô tuýp khác cũng hay được khai thác là sự xuyên không ngược về quá khứ hoặc tiến tới tương lai. Với văn học, sân khấu Việt Nam từng có câu chuyện về Từ Thức gặp tiên. Một chàng trai sau khi đi lạc vào cảnh giới khác lúc trở về đã là mấy chục năm. Những con người, cảnh vật cũ đã thay đổi. Cũng không còn nhiều người nhớ đến chàng Từ Thức năm nào trừ một vài người già. Trong khi đó, Từ Thức đi lạc vào cõi tiên, sống ở đó một thời gian được đo bằng cả đời người nơi trần thế. Văn học, điện ảnh nước ngoài có khá nhiều những mô tuýp như vậy như Mr. Queen - Chàng Hậu, Người tình bóng trăng (Hàn Quốc), Ngược dòng thời gian để yêu anh, Ðịnh mệnh ánh trăng (Thái Lan), Bạn học 200 triệu tuổi, Bộ Bộ kinh tâm (Trung Quốc)… Gần đây, điện ảnh, truyền hình nhiều nước nở rộ đề tài này khi để nhân vật xuyên không về quá khứ hoặc bị gửi tới tương lai. Nhiều người lại được cấp cho những kiếp sống khác nhau ở những giai đoạn, thời kỳ, bối cảnh lịch sử khác nhau. Nét níu giữ họ chính là nhân duyên với một người nào đó và nhân duyên đó theo họ mãi mãi dù đã có sự thay đổi về môi trường, địa vị, thân phận hay hoàn cảnh sống. Nét hay của những bộ phim này là êkip được thoải mái sáng tạo, để cho nhân vật trải qua nhiều thời đại, với bối cảnh, hệ tư tưởng khác nhau như phong kiến, quân chủ hay thời hiện đại. Thứ mà các nhân vật được giữ lại chính là tinh thần chung hay một mối nhân duyên bám theo nhân vật qua nhiều đời, nhiều kiếp.
Với điện ảnh Việt Nam, bộ phim chiếu rạp có đề tài xuyên không gần nhất là Gặp lại chị Bầu (đạo diễn: Nhất Trung) ra mắt dịp Tết 2024. Cú xuyên không này chỉ đi ngược về quá khứ mấy chục năm nhưng đã giúp Phú (Anh Tú thủ vai) nhận ra mình không phải đứa con bị mẹ bỏ rơi mà chính người mẹ năm ấy đã hy sinh cả tính mạng khi không chịu chữa bệnh để giữ lại cậu. Chuyến xuyên không đã giúp cậu gạt bỏ nỗi oán hận, những hiểu lầm trong quá khứ để sống có trách nhiệm hơn với hiện tại.
Phim Em là bà nội của anh
Có thể nói, mỗi nền văn hóa, ngoài những giá trị riêng vẫn luôn có nét tương đồng khi cùng hướng về phía chân, thiện, mỹ hay đào xới những góc khuất, các ước mong thầm kín của con người. Sự tương hòa ấy góp phần tạo nên sức hấp dẫn, cuốn hút giữa các dân tộc, các nền văn hóa, tạo ra những vòng lặp, những điểm trùng thú vị khi xét tới các tuyến chủ đề, mô tuýp, hệ thống nhân vật… được thể hiện trong văn học, sân khấu và điện ảnh.
NGUYÊN AN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 583, tháng 9-2024