Điện ảnh Việt Nam đang được đánh giá là thị trường năng động đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh doanh thu từ thị trường nội địa, phim Việt cũng đang được nhiều nhà phát hành phim nỗ lực đưa ra nước ngoài, góp phần vào tăng trưởng doanh thu cũng như quảng bá cho điện ảnh Việt Nam.
Trái qua phải ông Fujiwara Nobuyuki - Giám đốc Aeon Entertainment và ông Bùi Quang Minh - Giám đốc Beta Group - Ảnh: Beta group
Beta Media “bắt tay” cùng Aeon Entertainment của Nhật Bản
Nhà phát hành Beta Media mới đây đã thông báo đạt được thỏa thuận liên doanh trị giá 200 triệu USD (khoảng 5000 tỷ đồng) với Aeon Entertainment của Nhật Bản về việc vận hành chuỗi rạp chiếu phim cao cấp cũng như tham gia vào các hoạt động sản xuất và phân phối phim tại Việt Nam.
Hai bên đặt mục tiêu cho đến năm 2035 sẽ cùng phát triển và đưa vào hoạt động hơn 50 cụm rạp cao cấp mang thương hiệu Aeon Beta Cinema, với tổng mức đầu tư hơn 200 triệu USD Mỹ. Bên cạnh đó, hai đơn vị cũng thỏa thuận hợp tác sản xuất và phát hành các phim đến từ Việt Nam, Nhật Bản và các nền điện ảnh khác tại thị trường Việt Nam.
Ðược thành lập vào năm 2014 bởi doanh nhân Bùi Quang Minh, người còn được biết đến với biệt danh “Shark Minh Beta” do sự góp mặt của ông tại phiên bản Việt của chương trình Shark Tank, Beta Media trực thuộc hệ thống Beta Group hiện đang vận hành một chuỗi 20 rạp chiếu phim có “chi phí đầu tư và vận hành tối ưu” nhắm đến đối tượng gen Y và gen Z tại Việt Nam.
Phim Mai được khởi chiếu trên 200 rạp tại 9 quốc gia ở Bắc Mỹ và châu Âu trong cùng ngày
Với thiết kế rạp chiếu bắt mắt và mức giá vé trung bình chỉ từ 40.000 đồng/1 vé, dễ tiếp cận với đại đa số người dân Việt Nam, hệ thống rạp Beta đã lập cột mốc doanh thu 13 triệu USD Mỹ (khoảng 324 tỷ đồng) trong năm 2023, đạt mức tăng trưởng doanh thu 150% so với năm 2019 - vượt xa mức hồi phục chung của thị trường sau đại dịch. Beta cũng đã lấn sân sang sản xuất phim Việt và phân phối phim nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
Aeon Entertainment hiện trực thuộc “gã khổng lồ bán lẻ” Nhật Bản Aeon Group, phụ trách vận hành chuỗi 96 rạp chiếu phim tại Nhật Bản và đang tiến những bước đầu tiên trên hành trình vươn tới thị trường điện ảnh quốc tế với liên doanh cùng Beta Media.
Diễn viên Hồng Đào thủ vai Đào trong phim Mai chụp ảnh cùng anh Thiên A. Pham - Ảnh NVCC
Trong lễ công bố ký kết và họp báo tại TP. Hồ Chí Minh - Chủ tịch Fujiwara Nobuyuki của Aeon Entertainment cho biết: “Beta Media là đối tác hoàn hảo nhờ hiểu biết sâu sắc về thị trường Việt Nam, khả năng tiếp thị vượt trội và mạng lưới phủ sóng mạnh mẽ. Ðiện ảnh có sức mạnh kết nối con người và tâm hồn. Chúng tôi tin vào sức mạnh đó và sẽ tiếp tục thử thách bản thân để mang đến sự bất ngờ và thích thú cho các khán giả tại Việt Nam.”
Ông Bùi Quang Minh, đại diện Beta Media chia sẻ: “Liên doanh này là thành quả mỹ mãn của tầm nhìn, khát vọng và giá trị cốt lõi chung nhằm mang lại những trải nghiệm mới và giá trị bền vững cho cộng đồng. Sự kết hợp với Aeon Entertainment, với năng lực mạnh mẽ và kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực điện ảnh, và Beta Media, với hiểu biết sâu rộng về thị trường nội địa và khả năng đổi mới, sẽ tạo ra cơ hội phát triển đột phá cho cả hai bên.”
Rạp chiếu phim đầu tiên mang thương hiệu Aeon Beta dự kiến sẽ khai trương vào năm 2025 với mục tiêu tất cả các rạp đều mang “phong cách hiện đại kết hợp hài hòa với các giá trị truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản”. Beta sẽ tiếp tục vận hành chuỗi rạp chiếu phim hiện có của mình như một thương hiệu riêng biệt hướng đến khán giả đại chúng.
3388 Films và nỗ lực đưa điện ảnh Việt ra thế giới
Nhắc đến những nỗ lực đưa điện ảnh Việt ra thế giới, không thể bỏ qua 3388 Films và những thành công gần đây. Ðơn vị này đã đảm nhận khâu phát hành bộ phim điện ảnh ăn khách Mai của đạo diễn Trấn Thành tại 200 rạp trên khắp 9 quốc gia châu Âu cùng với Bắc Mỹ và đạt được những con số vô cùng ấn tượng: vượt mốc doanh thu 1 triệu sau 3 ngày và 2 triệu USD Mỹ sau 2 tuần ra rạp. Trước Mai, bộ phim đầu tiên của Trấn Thành - Bố già - cũng do 3388 Films phân phối, từng giữ kỷ lục phim do Việt Nam sản xuất với 1,3 triệu USD doanh thu ở Bắc Mỹ sau 8 tuần công chiếu vào năm 2021. Tuy nhiên Mai đã nhanh chóng vượt qua Bố già.
Phim Kẻ ăn hồn
Ông Thiên A. Pham - nhà sáng lập công ty 3388 Films - nói với tờ Deadline (Mỹ): “Mai đạt 2 triệu USD tại phòng vé quốc tế là nhân tố thay đổi hoàn toàn cuộc chơi và chúng tôi rất vui mừng. Ba năm trước, 1 triệu USD tại phòng vé Mỹ là điều chưa từng có. Cho đến năm 2024, 2 triệu USD ở Bắc Mỹ và châu Âu là điều không tưởng. Sứ mệnh của chúng tôi luôn là mở rộng thị trường và thu hút khán giả mới đến với phim Việt. Thành công ở phòng vé quốc tế của Mai cho thấy 3388 Films hoàn toàn có thể tiếp cận cả khán giả hải ngoại và quốc tế. Ðiều này tiếp thêm năng lượng cho chúng tôi để hỗ trợ các bộ phim Việt và Ðông Nam Á đến gần hơn với tiềm năng tăng trưởng và phá vỡ các giới hạn về thị trường”.
Bắt đầu từ ngày 22/3, nhà phân phối 3388 Films đã phát hành phim do Phương Anh Ðào và Tuấn Trần đóng chính tại gần 200 rạp ở 9 quốc gia trên khắp Bắc Mỹ và châu Âu, đánh dấu đợt phát hành lớn nhất trong một ngày từ trước đến nay đối với một bộ phim Việt trên khắp hai châu lục.
Tại 154 rạp chiếu phim ở Bắc Mỹ, Mai đã thu về 917.000 USD và thêm 133.000 USD từ 40 rạp chiếu tại Anh, Pháp, Ðức, Na Uy, Cộng hòa Séc, Slovakia và Ba Lan. Những con số này đưa tổng doanh thu toàn cầu của tác phẩm lên hơn 22 triệu USD. Tại Việt Nam, đây là bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại với hơn 500 tỷ đồng (khoảng 21 triệu USD Mỹ).
Phim Bố già
Trước đó, bộ phim Bố già cũng của đạo diễn Trấn Thành đã được 3388 phát hành, đạt doanh thu 1,3 triệu USD tại Hoa Kỳ vào năm 2021 và trở thành bộ phim do Việt Nam sản xuất có doanh thu cao nhất từ trước đến nay tại thị trường này. Mai được kỳ vọng sẽ sớm soán ngôi Bố già và đã làm được điều đó. Khi ra mắt, bộ phim đã vượt qua hai kỷ lục mở màn trước đó cộng lại (Bố già đạt 320,5 nghìn USD vào năm 2021 và Nhà bà Nữ với 440,7 nghìn USD vào năm 2023.)
Cùng với việc mở rộng số rạp nhận chiếu, tổ chức chương trình quảng bá rầm rộ khắp nước Mỹ, phim Việt gần đây còn đạt được thành tích đáng kể ở phòng vé nước ngoài. Kẻ ăn hồn đã giành tóp 1 phòng vé Campuchia trong ngày đầu công chiếu (ngày 26/2). Tại Myanmar, phim đứng đầu doanh thu phim nước ngoài trong tuần đầu ra mắt (ngày 26/1). Ông Thiên A. Phạm chia sẻ thêm: “Cách đây khoảng 5 năm, việc chiếu một phim Việt ở 8-10 rạp tại 1-2 tiểu bang Mỹ là kỳ công. 2 năm gần đây, 3388 Films là công ty đầu tiên phát hành phim Việt trên 50 rạp ở 30 tiểu bang Mỹ. Trước đó, không có công ty phát hành ở Bắc Mỹ nào thích thú hay chấp nhận rủi ro để mở đường như chúng tôi. Khi 3388 Films đã mở rộng thị trường thì bây giờ một bộ phim Việt được phát hành ở 60, 70, 80 rạp là chuyện bình thường”.
Ðể có được bước tiến đáng kể như hiện nay, phim Việt phải đáp ứng những đòi hỏi khắt khe. Chị Tường Vi - nhà sản xuất cấp cao của CJ HK Entertainment (đơn vị sản xuất phim Mai) - cho biết: “Ðơn vị phát hành ở nước sở tại làm phụ đề, nộp đủ các loại giấy tờ cần thiết, thương thảo với các rạp; các rạp xem bản phim và cân nhắc độ hấp dẫn của phim, rồi nhìn vào lượng khán giả thường xuyên của rạp với tệp khán giả mà phim hướng tới để xếp lịch chiếu. Với một đất nước có lượng phim khổng lồ như Mỹ, để có những suất chiếu giờ đẹp, ở rạp lớn là điều không dễ. Vòng đời của mỗi phim ở rạp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ việc bộ phim phải đủ hấp dẫn đối với một lượng khán giả lớn, có bệ phóng mạnh về doanh thu từ quê nhà và chiến dịch phát hành tốt, tức là biết nhắm tới đối tượng khán giả rõ ràng. Hiện, các phim Việt vẫn chiếu tập trung ở các rạp chủ chốt chứ chưa trải rộng khắp như một phim lớn của nước bản địa. Tuy nhiên, có đi mới thành đường. Nếu không có những bước đầu tiên đi thâm nhập thị trường, cố gắng thương thảo với các rạp lớn, sẽ khó mở rộng phạm vi tiếp cận khán giả cho sau này”.
Nhìn nhận về khán giả, ông Thiên A. Phạm cho rằng: “Khi phim Việt được phát hành ở Bắc Mỹ, khán giả hoặc là người Việt hoặc người bản xứ. Nếu không phải người Việt, dĩ nhiên sẽ kén chọn vì họ có nhiều sự lựa chọn hơn và họ chưa có dịp tiếp cận thường xuyên với điện ảnh Việt. Việc gì cũng vậy, khi chưa biết thì khó làm quen, quen rồi dễ tiếp cận và chấp nhận. Khi lượng khán giả này có cơ hội xem thêm nhiều phim Việt chất lượng, họ sẽ thưởng thức và nhận thấy tiềm năng của phim Việt”.
Hiện, Việt Nam đang sở hữu một thị trường điện ảnh nội địa phát triển nhanh chóng, tăng trưởng từ 15 triệu USD và dưới 100 rạp năm 2010 lên khoảng 150 triệu USD và 1.100 rạp vào năm ngoái. Những công ty lớn trong lĩnh vực phát hành phim bao gồm CJ CGV và Lotte Entertainment của Hàn Quốc cùng các công ty địa phương Galaxy Cinema và BHD Star Cineplex.
(tổng hợp từ Deadline)
HÀ VŨ KHOA BẢO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 583, tháng 9-2024