Khi sự thật lịch sử bước vào nghệ thuật

LTS: Có những quan điểm khác nhau về sự thật lịch sử khi bước vào nghệ thuật gây ra những cách đánh giá khác nhau trước những tác phẩm nghệ thuật về đề tài lịch sử. chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của PGS,TS Nguyễn Trường Lịch, một chuyên gia về tiểu thuyết lịch sử và văn học Nga với những lời bàn sâu sắc và gợi mở những quan điểm của các nhà phê bình, nhà mỹ học nổi tiếng thế giới nhằm góp thêm một tiếng nói để bạn đọc tham khảo.

Đại văn hào Nga L.Tolstoy

 

Từ địa hạt sự thật đời sống chuyển sang lĩnh vực sự thật nghệ thuật là một khoảng cách khá rộng lớn, quanh co và phức tạp luôn gắn kết chặt chẽ với thế giới quan, với điểm nhìn và tài năng sáng tạo, hòa trong tầm cao văn hóa của người cầm bút. Nhà lý luận Nga Belinsky từng viết: “Tiểu thuyết lịch sử như là một điểm, mà trong đó lịch sử với tư cách là một khoa học đã kết hợp với nghệ thuật.”

Ngày nay, chúng ta có thể lấy bộ tiểu thuyết anh hùng ca Chiến tranh và hòa bình (1864-1869) của đại văn hào Lev Tolstoy - tác phẩm được xếp một trong mười cuốn siêu đẳng được đưa vào thế kỷ XXI để giúp sáng tỏ những kinh nghiệm quý về thế giới quan cùng nội dung phản ánh cuộc sống và các phương thức thể hiện.

Đặt bút viết tác phẩm Chiến tranh và hòa bình, sau 50 năm sự kiện lẫy lừng là dân tộc Nga đã chiến thắng 50 vạn quan xâm lược Pháp do Hoàng đế Npoléon đích thân chỉ huy (1812-1815), tác giả không nhằm mục đích tôn vinh, ngợi ca chiến công trong lịch sử quá khứ, mà điều chủ yếu là muốn góp phần giải đáp câu đố quan trọng của xã hội nước Nga đương thời. Bởi lẽ, sau cuộc “Cải cách hủy bỏ chế độ nông nô”(19-2-1861), nước Nga đang đứng trước ngã ba đường, chưa thể xác định được phương hướng đi theo con đường nào? Số phận nông dân và vận mệnh Tổ quốc Nga sẽ ra sao. Câu hỏi đất nước tiến lên theo chủ nghĩa dân chủ tư sản phương Tây, hay trở về thời phong kiến quân chủ nông nô, hay trở lại nước Nga cổ đại trước thế kỷ XVIII tức là trước thời Vua Pyotr đệ nhất (từ 1818)? 

Đương thời, những ý tưởng lớn lao ấy là câu hỏi cháy bỏng của nhiều nhà hoạt động chính trị - xã hội cùng nhiều văn nghệ sĩ. Còn Tolstoy cho rằng lời giải đáp nằm trong “tính cách Nga”, mà cuộc chiến thắng vĩ đại đã minh chứng hùng hồn qua sự thật lịch sử trên chiến trường cũng như ở hậu phương. Đấy là chân lý đời sống - điểm tựa của chân lý nghệ thuật, mà tác giả lấy làm điểm tựa chủ yếu để sáng tác bộ tiểu thuyết trường thiên suốt sáu năm liên tục mang tên Chiến tranh và hòa bình. 

Bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình

Nhìn vào sự thật đời sống chính trị xã hội ở châu Âu vào nửa đầu thế kỷ XIX từ 1805-1815 thì Kutuzov nguyên soái tổng tư lệnh quân đội Nga và Hoàng đế nước Pháp kiêm Tổng tư lệnh Napoléon thuộc hai chiến tuyến đối địch qua hai cuộc chiến tranh 1805 và 1812. Nhưng về nghệ thuật khi lịch sử xâm nhập vào tác phẩm thì hai nhân vật này đã được thể hiện qua nhiều cung bậc khác nhau hết sức rõ nét. Nếu đọc tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình chắc chắn bạn sẽ cảm nhận rõ điểm nhìn của Tolstoy về Napoléon trái ngược hoàn toàn với điểm nhìn của đại văn hàoVictor Hugo trong tiểu thuyết Những người khốn khổ. 

Cần phải chú ý, khi hai nhân vật Napoléon và Kutuzov bước vào tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình cùng Nga hoàng Alecxan I và sứ thần Nga Balasov cạnh đại thần Vaxili, bên con gái đẹp Elen - vợ bá tước Pie, với Anđrei, Natasa, Nikolai cùng toàn bộ số lượng 559 nhân vật hiện ra dưới ngòi bút nhà văn thì tất cả các hình tượng ấy được xếp vào một hệ thống kết cấu và phân tích, sắp đặt với “hàng triệu cách phối hợp để chọn lấy một.” Ở đây, các nhân vật lịch sử cùng được sắp xếp trên bình diện ngang hàng với các nhân vật hư cấu. Thông qua hệ thống hình tượng đó, bằng tiếng nói của riêng tác giả bộc lộ rõ nét quan điểm về chiến tranh, về hòa bình, về lịch sử, về quốc gia và dân tộc, về đẳng cấp cùng triết lý vũ trụ, nhân sinh, tôn giáo, về tình đồng đội, về sự sống, tình yêu và cái chết, về cái thiện, cái ác, cái đẹp, cái xấu v.v. Tác giả chịu trách nhiệm quán xuyến mọi vấn đề được đặt ra xuyên suốt gần hai ngàn trang tác phẩm, mà tất cả đều đã được lý giải rành rẽ đến từng chi tiết qua hệ thống hình tượng, tính cách và ngôn ngữ nghệ thuật…

Ở bộ tiểu thuyết đồ sộ này, từ đầu chí cuốí tác giả đã thể hiện nhiều ý tưởng phong phú qua nhiều cách diễn đạt sống động, khi là tranh luận, khi là cảm xúc tùy hứng, khi là đối thoại, nhưng vẫn nhất quán trong điểm nhìn và phương thức truyền đạt cái chung, qua việc miêu tả cái riêng không tách rời các trạng thái biện chứng tâm hồn của các nhân vật qua muôn màu muôn vẻ thuộc các tình huống khác nhau. 

Nhà văn đã khắc họa tính chất cuộc chiến tranh 1812, với khí phách hào hùng quyết thắng của quân đội Nga trên chiến trường hòa cùng tính tự phát của đông đảo quần chúng qua hình ảnh các đội nữ du kích Nga treo bánh mì lên cây cho giặc Pháp đang đói bụng ăn bánh để bắt kẻ địch phải đầu hàng. Những cảnh tượng ấy đều là sự thật: Tolstoy từ chối phong cách ước lệ quen thuộc của phương thứ nghệ thuật lãng mạn đương thời, mà nhà văn mạnh dạn khảo sát thực địa chiến trường Borodino - sau nửa thế kỷ chiến tranh đã trôi qua. Nhà văn đã đến tận các hầm hào, ụ pháo, vẽ tả đủ các chi tiết bản đồ chiến sự của quân Nga và quân Pháp đạt tới mức chi tiết rõ ràng từng điểm, khiến cho các tướng lĩnh thời xô viết hiện đại đều đánh giá văn hào Tolstoy am hiểu tường tận chiến trường như các sĩ quan tham mưu thời hiện đại. Chẳng thế mà khi khảo sát suốt một ngày chiến trường cũ Borodino, (cách Moskva 80km), vào buổi chiều ngồi trên xe ngựa về nhà, Tolstoy đã tâm sự với cậu em trai vợ 12 tuổi đi cùng rằng: “Các sử gia miêu tả không đúng và hời hợt, mà lẽ ra muốn hiểu thì phải nhận biết được cơ cấu bên trong của cuộc sống.”.

Cơ cấu bên trong ấy chính là “tính cách Nga”, là ý thức và sức mạnh truyền thống độc lập, tự cường của dân tộc Nga, gắn kết trong lý tưởng chính nghĩa cao cả hòa vào cái Thiện đẹp đẽ của nhân dân đến thắng lợi hoàn toàn trước mưu đồ bành trướng bá chủ châu Âu của hoàng đế Napoléon.!

Đấy là hạt nhân cơ bản của sự thật đời sống lịch sử, qua các sự kiện đã xẩy ra, tuy có thể chưa bộc lộ đầy đủ mọi khía cạnh của hiện thực. Và đó cũng là chân lý lịch sử vừa là chân lý nghệ thuật không thể xóa nhòa. Tuy vậy, có một số nhà sử học và tướng lĩnh Pháp ngụy biện rằng: “Thống soái Napoléon thất bại trước nguyên soái Mùa Đông nước Nga, chứ đâu phải thua nguyên soái Kutuzov?! Thật chẳng khác gì sau thế chiến II (1941-1945) không ít nhà viết sử phương Tây cũng ngụy biện theo lập luận của vết xe đổ rằng: “Thống chế Hitler thất bại vì “mùa đông nước Nga lạnh quá”!? Của đáng tội, báo chí phương Tây đương thời còn lý lẽ rằng Hồng quân Nga phải mang theo chiếc đèn cồn để hơ nóng tay lúc bóp cò súng? Trong hiện thực, có thể có như thế, nhưng toàn bộ biến cố lịch sử long trời lở đất ấy xẩy ra trên các trận địa châu Âu kéo dài từ năm 1939-1945 lại không phải như vậy! 

Theo lịch sử chính thống của Nhà nước Nga xô viết, riêng chiến dịch Stalingrad.- (Volgagrad) vào mùa đông1941 diễn ra ác liệt nhất. Tại đây, quân đội Nga đã chiến thắng quân phát xit Hitler và bắt sống 30.000 (ba vạn) tù binh Đức. Thế là sau chiến thắng lịch sử đó, Hồng quân Nga tiến công vũ bão vào quân Đức trên khắp các chiến trường qua các nước Đông Âu và dồn dập tiến quân vào cắm cờ đại thắng tại thủ đô Berlin - nước Đức - vào ngày 9/5/1945. Chiến thăng vĩ đại ấy không chỉ dừng lại trong sử sách, mà còn được phản ánh phong phú qua nhiều tác phẩm văn chương nghệ thuật hấp dân sống mãi với thời gian...  

Còn bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình sau khi đã ra mắt bạn đọc châu Âu, nhà văn nữ nổi tiếng Pháp - bà P. Mérimée (1803-1870) trong khi trò chuyện với các nhà văn Nga đã nêu nhận xét sắc sảo: “Đối với các anh, trước hết phải là Sự thật, còn cái Đẹp thì như là kết quả của sự thật ấy. ” 

Yếu tố sự thật xác định và yếu tố hư cấu đan xen lẫn nhau đến mức khó lòng phân biệt, nếu người đọc không chú ý. Chẳng hạn, sáng ngày 25/8/1812, trước chiến dịch Borodino một hôm, Napoléon tắm vào buổi sáng sớm trước khi đi kiểm tra chiến trường. Tuy ngày mở chiến dịch theo kế hoạch đúng vào 26/8/1812 là sự thật lịch sử xác định; còn cảnh tắm táp ngoài mặt trận ai mà biết được thực-hư ra sao? Nhưng ở trường đoạn này, ngòi bút tác giả đã vẽ tả qua nét chấm phá hài hước nhằm hạ bệ thần tượng “vị anh hùng cá nhân” đang lẫy lừng tiếng tăm. Cảnh tắm đích thực nơi đây lồ lộ thân hình bằng xương, bằng thịt, đầy ắp trạng thái nhục cảm và tham vọng.Nào đâu phải “vị thần chiến tranh”, đâu phải “vĩ nhân”, đâu phải “một hoàng đế hoàn toàn” đáng được ngưỡng mộ, sùng bái như văn hào Pháp V.Hugo ngợi ca trong tiểu thuyết Những người khốn khổ (1862). Không đâu, Napoléon cũng trần trụi tầm thường đầy dục vọng bản năng như mọi người, chắc chắn Ngài sẽ thất bại như bao con người khác, bởi quy luật nhân quả hiển hiện như chính Ngài đang bắn giết gieo rắc muôn vàn tai họa chết chóc trái với lương tâm của nhân loại, trái với chính nghĩa, với cái Thiện mà Chúa Trời hằng kêu gọi... 

Ở đây chân lý lịch sử và chân lý nghệ thuật hòa đồng cùng hướng về Cái Thiện - Cái Đẹp, bởi diều giản dị là nhân loại trên thế giới này, chẳng một ai muốn chém giết lẫn nhau để máu chảy thành sông!

Còn nói về Napoleon đem 50 vạn quân xâm lươc của 12 nước nói 20 thứ tiếng khác nhau không hề tuyên chiến đang nửa đêm tối vượt sông Nieman từ Ba Lan vào đánh nước Nga - hình ảnh quân xâm lược xuyên suốt bôn tập tiểu thuyết hiện ra ồ ạt:“Cái quân đội ấy như một đàn súc vật giẫm nát đám cỏ, lẽ ra có thể cứu chúng khỏi chết đói tan rã dần, mà càng ở Moskva ngày nào lại càng đi vào cõi chết”...(1) 

Còn trong tiểu thuyết Anna Karenina song song với bi kịch ái tình còn là câu chuyện sự thật lịch sử về vấn đề ruộng đất và đời sống của đông đảo nhân dân Nga. Chính nhân vật quý tộc trang chủ Levin đã thẳng thắn nêu lên nguyên lý quan trọng ở nông thôn Nga vào nửa sau thế kỷ XIX: “Mọi cái được hưởng không xứng với tỷ lệ lao động bỏ ra đều không lương thiện”.

Và cả văn hào Đostoevsky cùng thời với Tolstoy là người đầu tiên đã chú ý đến nguyên lý mà Tolstoy khẳng định và nêu nhận xét rằng, câu chuyện mà nhân vật Lêvin từng xác lập là một trong những nguyên lý chủ yếu nhất của thời đại, quan trọng biết chừng nào đối với Tolstoy, đối với toàn bộ nền văn học Nga và toàn thế giới đậm chất thời sự nóng hổi đích thực”.(2) 

Vào năm 1911, trong bài viết L.Tolstoy và thời đại của ông, chính lãnh tụ V.I.Lenin cũng từng nhận xét xác dáng rằng: “Qua lời nói của nhân vật Lêvin trong tiểu thuyết Anna Karenina,Tolstoy đã nêu lên một cách cực kỳ rõ nét bước chuyển biến của lịch sử nước Nga trong nửa thế kỷ, đó là ở chỗ “Ở ta hiện nay một khi mà tất cả mọi thứ đó đã bị đảo lộn và chỉ mới đang được sắp xếp lại thì vấn đề sắp xếp những điều kiện như thế nào là vấn đề duy nhất quan trọng ở nước Nga”. 

Suốt quá trình sáng tác, với điểm nhìn hiện thực khách quan, cho đến cuối đời, nhà văn vẫn chung thủy với nguyên lý sáng tác, mà ông từng khẳng định từ lúc mới bắt đầu cầm bút: “Nhân vật chính trong truyện của tôi, mà tôi yêu quý với tất cả sức mạnh tâm hồn, mà tôi đã cố gắng tái hiện với tất cả vẻ đẹp của nó và nó luôn luôn đã-đang và mãi mãi sẽ là Đẹp, đó là Sự thật”. 

Cũng trên đất Nga, văn hào Turghenev cùng thời với Tolstoy từng nói: “Tiểu thuyết là lịch sử đời sống.” Đó cũng chính là quan điểm mỹ học chân chính ủa nhà mỹ học Nga nổi tiếng Sernưsevsky từng khẳng định vào những năm 60 của thế kỷXIX: “Cái đẹp chính là đời sống”.

Nhìn một cách khái quát và biện chứng có thể nói lịch sử cũng như tiểu thuyết lịch sử, tuy gắn bó keo sơn với sự thật, song sự thật chỉ có thể đóng vai trò gợi ý dẫn đường giữa quá khứ với tương lai, chứ không phảỉ hiển hiện một tương lai đã vạch sẵn từ trước, mà chỉ sẽ tạo nên phương hướng tìm về một dự án mai sau chưa từng có, được khơi nguồn từ những ký ức được tái hiện, không tách rời sự thật truyền thống lịch sử gắn bó mật thiết với tài năng và tầm cao văn hóa của nhà nghệ sĩ....

Chúng ta có thể tham khảo thêm ý kiến của nhà văn Nhị Nguyệt Hà (Trung Quốc) được mệnh danh là “nhà văn Hoàng đế” vì đã viết ba cuốn tiểu thuyết lịch sử về ba vị: Khang Hy đại đế, Ung Chính hoàng đế, Càn Long hoàng đế từng có lời bàn thích đáng: “Sự việc lớn không thay đổi, sự việc nhỏ không câu nệ gò ép đúng sự thật, không cần có thật chỉ cần có thể có thật.”.

____________________

(1) Chiến tranh và hòa bình, L.Tônxtôi, bản dịch của Phan Ngọc, Nxb Văn hóa Thông tin, tập 4, tr 142.

(2) Nhật ký nhà văn, Đostoevsky,1878, bản tiếng Nga.

PGS,TS NGUYỄN TRƯỜNG LỊCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 580, tháng 8-2024

;