Kinh nghiệm, thành tựu thực hiện an sinh xã hội ở Bắc Giang

Bắc Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, có 6 huyện, 182 xã (trong đó có 45 xã vùng cao), 01 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và 30 xã đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng thấp kém, số người trong độ tuổi lao động cao (chiếm 63,56% dân số); văn hóa xã hội giữa các dân tộc với nhau và các vùng miền có sự chênh lệch lớn... Do đó, việc phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều thành tựu, cùng với việc triển khai các chương trình an sinh xã hội, đời sống của nhiều tầng lớp dân cư trên địa bàn được cải thiện, nâng cao rõ rệt.

1. Tình hình thực hiện an sinh xã hội ở tỉnh Bắc Giang

Từ 2005 đến nay, hệ thống an sinh xã hội của tỉnh Bắc Giang được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiệu quả, cơ bản đã bao phủ được đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở vận dụng quan điểm chủ trương của Đảng vào thực tiễn của địa phương, Bắc Giang đã lãnh đạo thực hiện hệ thống an sinh xã hội đạt nhiều thành tựu.

 Trong giảm nghèo

 Để thực hiện giảm nghèo bền vững, tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm tới việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; nhân rộng các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo, người dân những vùng đặc biệt khó khăn giống, vốn để phát triển sản xuất; tăng cường truyền thông cho người nghèo tiếp cận các dịch y tế, giáo dục; các chế độ chính sách đối với người nghèo, người cận nghèo được thực hiện đầy đủ và kịp thời, qua đó giúp hộ nghèo ổn định thu nhập vươn lên thoát nghèo bền vững. Với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người dân, từ năm 2005 đến 2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh và bền vững, bình quân giảm 2-3%/năm, đặc biệt là các huyện Sơn Động (giảm 8,17%), Lục Nam (giảm 7,19%), Lục Ngạn (giảm 6,7%), Yên Dũng (giảm 5,29%) (1). Hiện nay, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo vùng khó khăn từ 35,1% năm 2015 còn 20,7% năm 2018. Trong đó, các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 51,6% năm 2015 xuống còn 32,16% năm 2018; 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất giảm bình quân 4,16%/ năm.

Trong lĩnh vực giải quyết việc làm

Bắc Giang cách không xa các khu công nghiệp và đô thị của vùng tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng; nằm trong hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội; và có thể khai thác hiệu quả hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội. Nhờ vậy, các chương trình, dự án hỗ trợ giải quyết việc làm được các ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả, như: chương trình vay vốn giải quyết việc làm ước tính triển khai duyệt vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho 5.547 dự án, với số tiền vay luân chuyển trên 104 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 6.611 lao động, chiếm 4,84% tổng số lao động được giải quyết việc làm của tỉnh trong giai đoạn này; dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, ước tính hỗ trợ cho khoảng 300 lao động với số tiền khoảng 500 triệu đồng; thành lập quỹ hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho người dân khi Nhà nước thu hồi từ 50% đất sản xuất nông nghiệp trở lên, giai đoạn 2011 - 2013. Tỉnh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ, qua đó, tạo ra nhiều chỗ làm việc mới. Giai đoạn này, có trên 1.000 doanh nghiệp được thành lập mới, nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty Wintek, Tập đoàn Hồng Hải, Công ty CP May Bắc Giang... Qua đó, tạo được nhiều việc làm mới, nâng tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh từ 98.000 lao động năm 2010 lên 160.000 lao động năm 2018.

Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Bắc Giang đã đẩy mạnh tăng cường quản lý nhà nước về công tác bảo hiểm xã hội nhằm thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội. Tỉnh Bắc Giang đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức bảo hiểm và triển khai tốt lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2012-2014. Nhờ đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng hằng năm; quyền lợi của người lao động và nhân dân cơ bản được thực hiện kịp thời, đầy đủ và từng bước mở rộng. Năm 2015, toàn tỉnh có 4.125 đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước là 100%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 90%, doanh nghiệp nước ngoài là 80%; từ năm 2008, bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 3.000 lượt lao động tham gia; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt 75% dân số. Tính đến tháng 10-2019, toàn tỉnh có 98,6% dân số mua bảo hiểm y tế.

Trong lĩnh vực trợ giúp xã hội

Thực hiện mở rộng mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội, các hội về người khuyết tật, thực hiện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật dựa vào cộng đồng, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội... Toàn tỉnh đã thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 57.000 đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) ở cộng đồng; hằng năm nuôi dưỡng tập trung trên 200 đối tượng BTXH (2). Về cơ bản chính sách đã bao phủ hết số đối tượng có đủ điều kiện nhận trợ cấp xã hội theo quy định. Riêng trong 2 năm (2018-2019), tỉnh trợ cấp đột xuất trong dịp Tết, thời điểm giáp hạt... cho 268.585 lượt đối tượng, kinh phí thực hiện 59,80 tỷ đồng (3).

Trong lĩnh vực ưu đãi xã hội

Phong trào Đền ơn đáp nghĩa được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo thực hiện và được toàn dân hưởng ứng tham gia với tất cả tình cảm và tinh thần trách nhiệm. Hơn 250 hộ được tặng nhà tình nghĩa, 266 hộ được hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp nhà với kinh phí gần 15 tỷ đồng. Tặng gần 1.500 sổ tiết kiệm tình nghĩa, huy động hàng vạn ngày công và hàng chục tỷ đồng trợ giá, cây, con giống giúp các hộ gia đình chính sách, người có công cải thiện đời sống, phát triển kinh tế; phối hợp với các cấp, các ngành làm tốt phong trào Xây dựng xã, phường giỏi về công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7 hằng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh tổ chức nhiều hoạt động phong phú thiết thực để ghi nhớ công ơn, sự đóng góp to lớn của những người đã hy sinh xương máu cho dân tộc, cho Tổ quốc.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong quá trình thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh: một số đơn vị chưa thực sự tập trung chỉ đạo, thiếu đôn đốc kiểm tra, chưa huy động được nguồn lực tại chỗ cho các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội. Tỉnh chưa đi sâu nghiên cứu, phân tích, đánh giá đầy đủ nguyên nhân thành công và hạn chế của chính sách an sinh xã hội trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH. Cán bộ làm công tác xã hội ở một số cấp xã, huyện còn thiếu năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về an sinh xã hội ở một số nơi làm chưa tốt, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của địa phương để thực hiện hiệu quả an sinh xã hội; ý thức tự lực vươn lên của một số hộ nghèo còn hạn chế...

2. Một số kinh nghiệm

Từ quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội, tỉnh Bắc Giang đã đúc rút được một số bài học kinh nghiệm bước đầu:

Một là, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện an sinh xã hội. Đặc biệt, đề cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh, nhất là ở cấp cơ sở trong triển khai, tổ chức thực hiện các quyết nghị của cấp trên; thường xuyên bám sát cơ sở, không để những mâu thuẫn, bất đồng trong nhân dân tồn tại lâu mà không được giải quyết, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau hoặc không có phương pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống. Ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh và các huyện cần phải điều tra, khảo sát tình hình cụ thể từng địa bàn, rà soát từng nhóm đối tượng, trên cơ sở đó vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng nhóm đối tượng, đưa ra giải pháp thực hiện an sinh xã hội hiệu quả. Đồng thời, cần thu hút và huy động được các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước cùng thực hiện các mục tiêu của chính sách an sinh xã hội.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện chính sách giảm nghèo của địa phương. Thực hiện đổi mới công tác thông tin tuyên truyền theo phương châm Hình thức tập trung, nội dung thiết thực. Cần kịp thời nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên để có hướng giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; các tổ chức thành viên cần đẩy mạnh công tác phối hợp và trao đổi thông tin nhiều hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện an sinh xã hội, hỗ trợ đoàn viên, hội viên, nhân dân khó khăn… Một trong những kinh nghiệm hiệu quả của Bắc Giang là sử dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, vận động một cách sâu rộng đến người dân. Hình thức tuyên truyền: qua đài phát thanh, truyền hình, qua báo chí, các lớp tập huấn, các buổi họp thôn,...

Ba là, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế gắn kết chặt chẽ và giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Tăng trưởng kinh tế ổn định là cơ sở trực tiếp để giải quyết các vấn đề lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống… hoặc là, cơ sở gián tiếp để giải quyết các vấn đề xã hội khác. Vì thế, tỉnh Bắc Giang cần tập trung khắc phục những khó khăn, đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm huy động mọi tiềm năng, giữ ổn định và từng bước đẩy mạnh tăng trưởng, phát triển kinh tế, thúc đẩy giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội hiệu quả, nhanh chóng. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh luôn chú trọng đến vấn đề giữ vững trật tự an toàn xã hội, không vì phát triển kinh tế - xã hội, mà sao nhãng nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành địa phương siết chặt kỷ luật, tăng cường kỷ cương pháp luật, xử lý nghiêm tội phạm, các tệ nạn xã hội, hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, gây rối làm mất trật tự an ninh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, thường xuyên nghiên cứu, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện an sinh xã hội về: hoạch định chính sách và chỉ đạo thực hiện; huy động và sử dụng các nguồn lực (đặc biệt là nguồn lực tài chính); xây dựng, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội; kinh nghiệm về đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế hiệu quả, bền vững... Ngoài ra, phải thường xuyên nghiên cứu, trao đổi với các địa phương khác để học tập những kinh nghiệm, sáng tạo.

Năm là, phát huy vai trò tự an sinh của những đối tượng yếu thế. Tỉnh cần tuyên truyền giáo dục và có biện pháp hữu hiệu để mỗi hộ nghèo thấy được trách nhiệm trong việc giảm nghèo; tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước và xã hội. Nâng cao ý thức tự lập vươn lên của mỗi hộ dân và cộng đồng dân cư để khẳng định mình trong xã hội, có trách nhiệm cải thiện và nâng cao đời sống của bản thân và gia đình trước sự phát triển, đi lên của xã hội, như: khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh như làng nghề bánh đa nem ở Thổ Hà, mây tre đan Tăng Tiến, sản xuất mỳ Chũ…; hỗ trợ về vốn cho những hộ gia đình có nhu cầu phát triển các làng nghề và tìm kiếm thị trường xuất khẩu những mặt hàng đó.

______________

1, 2. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bắc Giang, Báo cáo kết quả về người lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch giai đoạn 2016-2020, 2015.

3. Tỉnh ủy Bắc Giang, Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, 2013.

 

Tác giả: Hoàng Thị Bích Phương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020

 

;