Mãn nhãn với chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn”

Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam - Huyền sử diễn ca” với chủ đề: “Thăng Long - Tứ trấn” diễn ra vào ngày 29-12-2024 tại Hoàng thành Thăng Long là một chương trình nghệ thuật đặc biệt, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật tổng hợp để quảng bá văn hóa, lịch sử dân tộc. 80 phút trình diễn mang đến nhiều khung cảnh, với nhiều câu chuyện được thổi hồn qua sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật trình diễn truyền thống và công nghệ tương tác sân khấu hiện đại, mang lại cho khán giả nhiều trải nghiệm nghệ thuật độc đáo.

PGS, TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VHTTDL làm Tổng đạo diễn và chỉ đạo thực hiện chương trình

Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn do PGS, TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VHTTDL làm Tổng đạo diễn và chỉ đạo thực hiện. Chương trình huy động lực lượng diễn viên đông đảo từ 6 nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL gồm: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa Rối Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ và ca sĩ nổi tiếng cũng góp mặt như NSND Xuân Bắc, NSND Thanh Lam, NS Quỳnh Trang, Vũ đoàn Lavender… 450 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, thiếu niên nhi đồng tham gia chương trình đã mang đến nhiều tiết mục mãn nhãn tới khán giả Thủ đô.

Chương trình tái hiện bối cảnh sự ra đời của kinh đô Thăng Long với đền Bạch Mã trấn phía Đông thờ thần Long Đỗ, đền Voi Phục trấn phía Tây thờ thần Linh Lang Đại Vương, đền Kim Liên trấn phía Nam thờ thần Cao Sơn Đại Vương, đền Quán Thánh phía Bắc thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Đây được coi là bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất tại chốn kinh kỳ, không chỉ bởi lịch sử hình thành mà còn vì vẻ đẹp văn hóa trong tín ngưỡng của người Việt.

Chương trình có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ và ca sĩ nổi tiếng như NSND Xuân Bắc, NSND Thanh Lam...

Thông qua chương trình, điều quan trọng mà êkíp muốn hướng tới là tôn vinh di sản Hoàng thành Thăng Long và Thăng Long - Tứ trấn, những biểu tượng văn hóa thiêng liêng của Thủ đô Hà Nội. Đây là chương trình nghệ thuật dân gian đương đại tổng hợp, kết hợp giữa thực cảnh, hoạt cảnh, trình diễn kỹ năng, sáng tác mới và tương tác với sắp đặt không gian và mỹ thuật; sử dụng các loại hình truyền thống như rối nước, chèo, tạp kỹ, múa dân gian, cùng với sự trình diễn kỹ năng của các nghệ nhân. Đặc biệt, chương trình được hỗ trợ bởi công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại, kỹ xảo hình ảnh và các công nghệ tương tác sân khấu tiên tiến nhất như mapping 3D, đồ họa thực tế trong không gian ảo, mang đến những hiệu ứng nghe nhìn ấn tượng cho khán giả.

Đây cũng là một chương trình nghệ thuật đặc sắc khi 6 nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL cùng phối hợp để mang đến cho khán giả nhiều trải nghiệm đa dạng với nhiều hình thức nghệ thuật sân khấu. Cách dàn dựng tinh tế đã giúp mỗi nhà hát phát huy được thế mạnh của mình. Các nhân vật được lựa chọn phù hợp với từng loại hình sân khấu. Nghệ sĩ Mạnh Linh đến từ Nhà hát Tuồng Việt Nam trong vai thần Long Đỗ chia sẻ: “Trong chương trình đặc biệt này, tôi rất vinh dự được đóng vai vị thần Long Đỗ, là vị thành hoàng đất Thăng Long, được thờ ở đền Bạch Mã, trấn phía Đông trong Thăng Long tứ trấn. Sự kết hợp nhiều loại hình trong chương trình nghệ thuật này đã mang lại sự hấp dẫn, lôi cuốn khán giả đương đại, đồng thời cũng mang đến nhiều cảm xúc cho người nghệ sĩ khi được chứng kiến, tham gia một chương trình nghệ thuật tổng hòa nhiều loại nghệ thuật truyền thống:  tuồng, chèo, múa rối, xiếc, cải lương, sân khấu kịch và cả những ca khúc viết mới. Tôi nghĩ rằng sân khấu truyền thống đang có nhiều sự chuyển mình để thích ứng với nhu cầu của khán giả đương thời và mỗi người nghệ sĩ sẽ luôn cố gắng để cống hiến cho nghệ thuật sân khấu với nhiều sáng tạo mới mẻ, phù hợp với thị hiếu của khán giả ngày nay”.

Chương trình được đầu tư các công nghệ tương tác sân khấu tiên tiến nhất như mapping 3D, đồ họa thực tế trong không gian ảo

Nghệ sĩ Quỳnh Trang mang đến chương trình bài hát văn Đẹp Mãi Thăng Long do NSND Huỳnh Tú soạn lời, ca ngợi công đức dựng nước, giữ nước của các vị tiền nhân, đem lại cho nhân dân một cuộc sống mới no ấm, hạnh phúc, tự hào là con cháu Rồng Tiên. “Từ âm thanh, ánh sáng, cách dàn dựng đội múa rất công phu và hoành tráng, Quỳnh Trang cảm thấy rất vui, vinh dự và rất tự hào khi được là một trong các nghệ sĩ khách mời, tham gia biểu diễn tại chương trình Thăng Long Tứ Trấn. Một chương trình nghệ thuật hoành tráng, mãn nhãn với sự tham gia của rất nhiều loại hình nghệ thuật đến từ nhiều nhà hát” - Quỳnh Trang chia sẻ.

Sân khấu được thiết kế ba tầng độc đáo, mang đến sự đa dạng và sáng tạo. Tầng chính nằm ở trung tâm, dành cho các tiết mục xiếc, tạp kỹ và những hạng mục sắp đặt quy mô lớn. Tầng thứ hai là sân khấu thủy đình, nơi có các màn rối cạn và tạp kỹ. Tầng cuối cùng, sân khấu thực cảnh  được trang bị lớp nilon, thành thép bọc và hệ thống bơm nước, tạo nên hiệu ứng đầm lầy, sông, biển sống động. 

Đoàn rước kiệu gồm nhiều thế hệ già trẻ, gái trai trong phần giới thiệu đền Voi phục

Bên cạnh chương trình biểu diễn nghệ thuật Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ Trấn, khán giả còn có cơ hội tham gia các workshop văn hóa và nghệ thuật truyền thống, tìm hiểu những nghề thủ công, ẩm thực và nghệ thuật dưới dạng trình diễn cộng đồng, mang đậm văn hóa của Thủ đô Hà Nội; được trải nghiệm thực hành và tạo quà lưu niệm, gắn kết với lịch sử và giá trị truyền thống; tham quan các khu trưng bày làng nghề truyền thống như làng Ngũ Xã đúc đồng, các gian hàng sản phẩm địa phương… tại khu vực Hoàng thành Thăng Long. Ngoài ra, nằm trong chuỗi chương trình Việt Nam - Huyền sử diễn ca, Nhà hát Kịch Việt Nam mang đến tác phẩm Vạn thế sư biểu, được biểu diễn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội nhằm tái hiện cuộc đời và di sản của thày Chu Văn An, người thày mẫu mực trong lịch sử Việt Nam. Với sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu truyền thống và công nghệ trình diễn hiện đại, vở diễn mang đến những giây phút lắng đọng về tinh thần hiếu học và những giá trị nhân văn vượt thời gian.

Có thể thấy, Việt Nam - Huyền sử diễn ca không chỉ là một chương trình nghệ thuật đơn thuần mà còn là một bức tranh đa sắc màu, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Chương trình không chỉ là một làn gió mới trong việc truyền tải lịch sử mà còn là một sự đột phá sáng tạo, đòi hỏi sự kết hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị tham gia. Đặc biệt, việc huy động đông đảo lực lượng quần chúng đã tạo nên một hướng đi mới cho nghệ thuật với tính đại chúng cao, góp phần lan tỏa giá trị lịch sử và truyền thống Việt Nam. Lịch sử của dân tộc được thổi hồn vào từng điệu nhạc, lời ca, từng phân cảnh tạo nên một chương trình nghệ thuật đặc sắc, thu hút đông đảo khán giả, đặc biệt là khách du lịch.

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;