Hằng năm, đồng bào dân tộc Chăm tổ chức nhiều lễ hội bởi họ có tín ngưỡng thờ cúng đa thần. Trong các lễ hội ấy, không thể thiếu nhạc cụ dân tộc. Bên cạnh các nhạc cụ như Chiêng, kèn Saranai, đàn Kanyi… thì không thể thiếu trống Ginăng và Baranưng.
Khi tiếng trống Ginăng vang lên, đó là âm hưởng linh thiêng, báo hiệu mùa lễ hội sắp đến, mọi người vui vẻ, phấn khởi, cùng hòa mình vào các lễ hội của cộng đồng.
Trống Ginăng là loại trống có hình trụ, hơi bầu ở giữa làm bằng gỗ lim hoặc gỗ cóc rừng đục rỗng ruột và được bào nhẵn ở ngoài. Trống Ginăng thường được dùng cặp đôi do hai nghệ nhân sử dụng, khi đánh họ ngồi đối diện nhau, hai chân chống đỡ lấy trống, trống được đặt nghiêng chéo nhau tạo thành hình chữ X. Trống có hai mặt được căng bằng da trâu, mặt nhỏ vỗ bằng tay đặt dụng lên trên gọi là Cang; mặt lớn đánh bằng dùi gỗ đặt nghiêng sao cho vành trống tiếp đất gọi là Bam. Người đánh trống Ginăng còn được gọi là ong taong.
Trống Ginăng
Trống Baranưng vừa là nhạc cụ vừa là vật tổ linh thiêng của thầy vỗ (Mâduen) để hát thúc giục thần linh. Thân trống thường làm bằng gỗ lim hoặc gỗ cóc rừng đục rỗng bên trong. Trống hình tròn, một mặt căng bằng da hươu hoặc da trâu; được căng bằng hệ thống dây mây với 12 con nêm bằng gỗ, đây là bộ phận tăng giảm âm thanh và nốt nhạc của trống. Khi sử dụng, thầy Mâduen với tư thế ngồi đặt trống lên đùi, ôm sát vào ngực và vỗ hai tay vào mặt trống. Trống Baranưng được sử dụng trong các nghi lễ Rija như: Rija Harei, Rija Naagar…
Trống Baranưng được người Chăm xem là biểu trưng cho lồng ngực (tim, phổi, ngũ tạng), là biểu hiện cái tâm con người. Bởi lẽ trống có hình tròn, bịt da một mặt, thân trống làm bằng gỗ, xung quanh thân trống đục 12 lỗ, mỗi lỗ được giữ chặt bằng mỗi con nêm và có quấn dây mây xung quanh. Còn trống Ginăng tượng trưng cho đôi chân con người. Theo quan niệm của người Chăm, ba loại nhạc cụ: kèn Saranai, trống Baranưng, Ginăng là tượng trưng cho con người và một vũ trụ thu nhỏ (trời, đất) hoàn chỉnh. Do vậy khi biểu diễn 3 nhạc cụ này không được tách rời nhau mà luôn hòa quyện vào nhau, trong đó kèn Saranai là nhạc cụ chủ đạo. Ba nhạc cụ này đã tạo nên linh hồn cho lễ hội Chăm.
Nghệ nhân ưu tú Phú Bình Đồn với trống Baranưng
Trước khi thực hiện quy trình làm trống, các nghệ nhân phải thực hiện nghi thức khấn thần, xin phép tổ nghề trước khi làm trống. Sau đó mới bắt tay vào thực hiện làm nhạc cụ.
Là một nghệ nhân chế tạo ra và chơi các nhạc cụ, đồng thời đã truyền dạy âm nhạc truyền thống cho nhiều học viên, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phú Bình Đồn - thôn Tân Bổn, xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam đã chia sẻ về trống Ginăng và Baranưng. Ông cho biết, để làm được hai loại trống này mất thời gian khá lâu. Nguyên liệu của trống Branưng và Ginăng đều giống nhau là được làm từ thân cây gỗ lim và mặt trống được làm bằng da hươu hoặc da trâu. Để chế tác trống thì phải đặt mua nguyên khối gỗ, sau đó phơi trong chỗ mát khoảng 2 tháng, rồi mới đem khoét rỗng thân cây để làm trống. Bên cạnh đó, công đoạn làm mặt trống cũng rất quan trọng và mất khá nhiều thời gian. Mặt trống được làm bằng da trâu, da trâu tươi khi đem về, được ngâm, xử lý sạch sẽ rồi đem căng để da không bị lồi, lõm; dùng dao cắt da theo kích thước của phần thân trống; sau đó đem đi phơi khô trong khoảng 12 tiếng. Tiếp theo là dùng dao để cạo phần da, loại bỏ phần lông thừa, đồng thời giúp cho da có độ dày mong muốn. Sau đó, miếng da sẽ được căng vào hai đầu phần thân trống để tạo ra mặt trống...
Gia đình NNƯT Phú Bình Đồn
NNƯT Phú Bình Đồn cũng cho biết, mặt trống Ginăng và Baranưng cách thức cũng được làm giống nhau đó là được căng bằng dây mây. Dây mây sau khi ngâm nước, chẻ ra thành nhiều phần bằng nhau. Công đoạn này cần hai người thực hiện, một người đục lỗ và một người căng dây mây. Các dây mây sẽ được luồn từ mặt nhỏ của trống kéo dài đến mặt lớn cho đến khi hoàn thành.
“Nhìn chung, để làm được một chiếc trống đòi hỏi rất nhiều công đoạn và kỳ công. Để làm xong một chiếc trống mất khoảng 2 đến 3 tháng, thậm chí nếu gỗ tươi, phải chờ khô mới làm được thì mất đến 5 hoặc 6 tháng” – nghệ nhân Phú Bình Đồn chia sẻ.
Hiện nay, nghệ nhân cũng đã có sự hỗ trợ nhiều từ khâu đặt gỗ, đến máy mài mặt trống, nên thời gian làm trống đã được ngắn hơn. Tuy nhiên, để trống có tiếng vang, hay và đúng ý cũng đòi hỏi nghệ nhân phải giỏi nghề và dày dặn kinh nghiệm. Chính vì thế, để có một bộ trống hay thì người mua cũng phải chờ ít nhất hai tháng và tiền để làm cũng lên đến mấy chục triệu đồng.
THÁI AN - Ảnh: TUẤN MINH