Nghi lễ cúng cốm mới dân tộc Thái (Sơn La)

Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La nằm ở độ cao trung bình trên 1.800m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, đây là nơi sinh sống định cư lâu đời của 3 dân tộc Thái, Mông và La Ha với văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, đặc sắc. Trong những ngày diễn ra Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024, Đoàn nghệ nhân đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La đã giới thiệu tới công chúng Lễ cúng cốm mới (Pàng khảu maứ), một nghi lễ quan trọng của đồng bào dân tộc Thái xã Ngọc Chiến.

Lễ cúng cốm mới được bà con đồng bào dân tộc Thái tổ chức vào ngày 10-9 hằng năm (khoảng tháng 2 theo lịch của người Thái), lễ cúng các vị thần linh như: cúng trời đất, thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng, cúng hồn lúa và tổ tiên để cầu cho mưa thuận gió hòa, giúp năm sau lại có những mùa vụ tươi tốt, cầu mong sức khỏe cho mọi người, tạ ơn công sinh thành của cha mẹ, mừng mùa màng bội thu, tôn vinh hạt thóc của Then ban cho bản Mường. Lễ cúng được diễn ra với tập tục hát Then riêng có của dân tộc Thái trắng Sơn La.

Bà cụ và những cô gái được chọn của bản ra ruộng xin lúa về làm lễ

Công tác chuẩn bị nghi lễ cúng Then và dựng cây nêu

Nghi lễ cúng Then “mừng cốm mới” diễn ra trước bàn thờ Then trong nhà bà Then. Bàn thờ Then được lau dọn sạch sẽ, trang trí hoa đuôi én (boskén), quả còn, đan thêm các con giống mới (dế mèn, con quạ, chim bồ câu, con ve...), biểu tượng trống, chiêng; hai cọc đỡ bàn thờ treo 2 hoa chuối biểu tượng cho hoa chuối trời. Trên ban thờ đặt bánh kẹo, hoa quả, hương, dưới bàn thờ là nơi đặt lễ vật của các con nuôi, bà con về dự lễ. Mâm đồ lễ, gồm: đồng bạc trắng, khăn xóc, lá trầu không, trứng gà sống, gạo, bát tô sứ, hương, chùm chuông tượng trưng cho chuông ngựa, lọ hoa, cây nến nhỏ, đĩa, chén, gói gạo, gói muối, rượu, bát nước, đĩa trầu, cuộn vải khuýt; vật dụng của bà Then: kiếm, vòng bạc, đĩa để đồng tiền âm dương, túi ngọc bùa, đồng tiền âm dương, chùm chuông đồng, đàn tính, quạt giấy.

Cây nêu (sặng pang) cao 2m, có 3 tầng cành lá, ngọn cây nêu có cắm hoa tươi hoặc hoa giấy, cây nêu được trang trí gồm: 1 cây móc, 12 bó lúa, 12 hình sừng trâu; 12 hình con chim, 12 con ve được đan bằng lạt nhuộm màu xanh, đỏ, tím vàng; 12 quả còn nhỏ quả còn tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, 12 cái trống vải nhỏ, 12 cái cờ tua rua (sỏi sôm) cũng làm bằng vải xanh, đỏ, tím, vàng đủ sắc màu sặc sỡ buộc, cắm vào cây nêu mỗi tầng 4 loại.

Công việc chế biến cốm khá phức tạp từ khâu nướng chín thóc rồi giã cốm

Lễ xin lúa làm cốm dâng Then

Lễ xin lúa làm cốm dâng Then được diễn ra trước ngày tổ chức lễ cúng chính một ngày. Bản làng sẽ lựa chọn ra một bà cụ là người phụ nữ có gia đình hạnh phúc, chăm chỉ, chịu khó, được sự tin yêu của mọi người, có kinh nghiệm làm cốm cùng một tốp nữ của bản ra ruộng xin lúa về làm lễ. Những cô gái được chọn để cắt lúa là những cô gái còn trinh tiết, nếu là những người đã có gia đình thì đó sẽ là những gia đình hòa thuận yên ấm, con cái khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Theo quan niệm của người dân nơi đây chỉ những người đó lấy lúa về làm cốm, mới thể hiện được sự trưởng thành, phương trưởng của con cháu, sự nguyên vẹn đối với các thần linh. Trên đường đi còn có tục hèm, tức là gặp ai chào cũng không được trả lời, im lặng đi thẳng ra ruộng lúa.

Bà cụ đứng trước cửa ruộng rồi đọc lời khấn: Thưa các vị thần linh cai quản trời đất, ruộng đồng, năm nay được sự phù hộ của thần linh, bà con cày cấy, chăm sóc giờ lúa ở ruộng đã chín vàng, lúa trên khắp cảnh đồng đã chín, chúng con những người dân bản sẽ tổ chức Lễ hội cúng cốm mới, chúng con xin với thần linh thổ địa được phép lấy lúa về làm cốm dâng lên Then. Dứt lời khấn, bà cụ sẽ cắt một ít lúa trong ruộng làm mẫu rồi hướng dẫn các cô gái cắt đủ số lượng lúa lấy về.

Sau khi đã lấy đủ số lượng lúa, cả đoàn cùng gánh lúa về, bà con dân bản sẽ thực hiện chế biến cốm để làm lễ dâng Then. Công việc chế biến cốm khá phức tạp từ khâu giã cốm rồi nướng chín thóc. Thóc tươi lấy về được nướng trong lửa nhỏ, lật liên tục cho nóng đều, lửa phải được duy trì đều trong khoảng 30 phút đến khi nứt hạt và dậy mùi thơm. Đây là công đoạn quan trọng quyết định độ ngon của cốm, bởi nếu quá lửa sẽ bị cứng, nếu non lửa sẽ mất đi độ dẻo. Khi nướng xong thì cho vào cối giã, người giã phải đều tay, liên tục và nhịp nhàng để chày giã không mạnh quá hoặc nhẹ quá. Cốm giã xong sẽ được những cô gái Thái sàng sảy cho sạch, gói trong lá dong xanh, vừa tăng thêm màu xanh của cốm, vừa lưu giữ mùi thơm của sữa lúa rồi dâng lên cúng thần linh.

Cốm giã xong sẽ được những cô gái Thái sàng sảy cho sạch, rồi gói trong lá dong xanh

Lễ cúng cốm mới (lễ Then)

Bà Then là người thực hiện chính trong lễ cúng, phụ giúp bà Then trong suốt quá trình diễn ra nghi lễ gồm: 1 báo khỏa, 1 xao chay (1 chính, 1 phụ), những người giúp việc như: sắp lễ, lên hương, dâng lễ, tiếp nước, rót rượu, trầu, nghe và truyền lời của Then đến người dâng lễ, xóc nhạc cho Then, 1 người đánh đàn tính. Bà Then mặc áo và đội mũ dùng trong nghi lễ, người dự lễ, con nuôi mặc y phục dân tộc.

Mâm lễ (pan kai) gồm: 2 con gà luộc, 2 con cá nướng gập, 2 cá nướng thẳng, 2 bát canh, 1kg cốm mới chia 2 mâm, xôi 2 gói, bát đũa, chén rượu, hoa quả, bánh kẹo... Sau khi kiểm tra đầy đủ mâm cúng bà Then sẽ dùng lời then và đàn tính để báo cáo, mời tổ tiên, Then, thày Mo, thày bói... về ăn cỗ cốm mới. Mời Then trên, tổ tiên, thần linh... xuống mừng năm mới, ăn cỗ cốm mới và vui hội Then:

Gốc lời cúng từ thời ông cụ, ông kỵ hãy xuống nhé

Cội rễ lời Then từ thời bà nội, bà ngoại hãy xuống

Con ve sầu đậu nơi hoa cây dâu cũng xuống nhé

Xuống ăn cơm cùng các con nuôi

Xuống ăn mừng năm mới ta đây

Múa mừng năm mới.

Bà Then là người thực hiện chính trong lễ cúng và những người phụ giúp

Nghi lễ mừng cốm mới là một trong số ít những nghi lễ được bảo tồn rất tốt, không có nguy cơ bị mai một trong cộng đồng người Thái. Nghi lễ mang tính cộng đồng cao, góp phần tăng thêm tình đoàn kết, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời phản ánh đời sống tín ngưỡng phong phú của người Thái. Việc duy trì nghi lễ trong cộng đồng, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, lưu giữ ngôn ngữ truyền thống của tộc người, bảo vệ và phát huy các tri thức bản địa.

HÙNG MẠNH - Ảnh: TUẤN MINH

;