Một số đề xuất trong công tác kiểm tra đảng ở các sư đoàn bộ binh hiện nay

Kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, một nội dung quan trọng, sợi chỉ đỏ xuyên suốt các khâu trong quy trình lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, các cấp ủy đảng và người chủ trì đều có trách nhiệm lãnh đạo và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra.

Kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của ủy ban kiểm tra đảng ủy sư đoàn bộ binh (kể cả cấp ủy viên cùng cấp) khi có dấu hiệu vi phạm là một trong những nội dung của công tác kiểm tra của đảng ủy sư đoàn bộ binh có tác dụng quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên; ngăn ngừa, phát hiện các khuyết điểm, sai phạm và kịp thời xử lý những đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị… nhằm giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Đồng thời, giúp tổ chức đảng quản lý đảng viên thấy rõ vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục và kiểm tra đảng viên. Đây là vấn đề quan trọng, cấp thiết nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng hiện nay, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ sư đoàn bộ binh.

Trong những năm vừa qua, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tính cấp thiết của kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, ủy ban kiểm tra đảng ủy sư đoàn bộ binh đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, quy chế, quy định, hướng dẫn của đảng ủy và ủy ban kiểm tra cấp trên; tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Ủy ban kiểm tra đảng ủy sư đoàn bộ binh khi tiến hành kiểm tra bám chắc vào quy trình, hướng dẫn của cấp trên, qua kiểm tra có kết luận rõ đúng sai, giúp cho đảng viên được kiểm tra thấy được thiếu sót, khuyết điểm để có biện pháp sửa chữa khắc phục. Đồng thời, qua kiểm tra đã kết luận rõ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và tiến hành xử lý nghiêm minh, đúng theo phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục đối với đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý. Những kết quả trên có tác động rất lớn đến việc nâng cao chất lượng đảng viên, giữ vững nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ sư đoàn bộ binh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của một số ủy ban kiểm tra đảng ủy sư đoàn bộ binh thời gian qua vẫn bộc lộ những yếu kém. Một số cấp ủy, ủy ban kiểm tra lúng túng, bị động cả về nhận thức và tổ chức thực hiện, nhất là chưa chủ động khảo sát nắm bắt thông tin phát hiện dấu hiệu vi phạm; chưa coi trọng kiểm tra để phòng ngừa, phát huy nhân tố tích cực; việc xác định đối tượng, nội dung kiểm tra còn thiếu cụ thể; khuyết điểm, sai lầm của tổ chức đảng chậm được phát hiện dẫn đến vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Tâm lý e ngại, nể nang, không muốn kiểm tra các đơn vị, tổ chức đảng do các đồng chí là cấp ủy viên cùng cấp đứng đầu; sự phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc kiểm tra chưa chặt chẽ, kịp thời, chủ động... Do đó, việc kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là yêu cầu khách quan, phù hợp với yêu cầu của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Điều này góp phần quan trọng vào việc bảo vệ đường lối, quan điểm, nguyên tắc của Đảng, thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, góp phần tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của ủy ban kiểm tra đảng ủy sư đoàn bộ binh, đòi hỏi cần thực hiện tốt một số yêu cầu:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của ủy ban kiểm tra đảng ủy sư đoàn bộ binh. Đây là yêu cầu cơ bản có tính nguyên tắc trong việc nâng cao chất lượng công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của ủy ban kiểm tra đảng ủy sư đoàn bộ binh. Đòi hỏi đảng ủy các sư đoàn bộ binh phải quan tâm lãnh đạo toàn diện công tác kiểm tra trong đảng bộ. Trong đó, lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của ủy ban kiểm tra đảng ủy sư đoàn bộ binh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Việc lãnh đạo công tác kiểm tra của đảng ủy sư đoàn tập trung vào: Tổ chức quán triệt quy định Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên và cấp mình về công tác kiểm tra; các quyết định, quy chế làm việc của ủy ban kiểm tra; định kỳ nghe ủy ban kiểm tra và các tổ chức đảng cấp dưới báo cáo tình hình, kết quả hoạt động kiểm tra, kịp thời xem xét giải quyết các yêu cầu, kiến nghị cần thiết; lãnh đạo, chỉ đạo ủy ban kiểm tra thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của Điều lệ Đảng, quy định của cấp trên và nhiệm vụ cấp ủy giao; kiện toàn ủy ban kiểm tra, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác kiểm tra trong đảng bộ. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra của đảng ủy sư đoàn bộ binh bao gồm: Xây dựng kế hoạch công tác kiểm tra định kỳ, thường xuyên hoặc đột xuất; phân công các đảng ủy viên chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đối với từng lĩnh vực công tác và từng đơn vị; tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra của cấp ủy; xem xét các vụ việc vi phạm kỷ luật của Đảng, kỷ luật của Quân đội; giải quyết tố cáo, khiếu nại đối với tổ chức đảng cấp dưới và cán bộ, đảng viên thuộc quyền.

Theo quy định của Điều lệ Đảng, công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của ủy ban kiểm tra đảng ủy sư đoàn bộ binh là nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra đảng ủy sư đoàn bộ binh. Vì vậy, đảng ủy, ban thường vụ mà trách nhiệm trên hết là đồng chí bí thư đảng ủy phải thường xuyên nghe ủy ban kiểm tra báo cáo, kịp thời có chủ trương, biện pháp lãnh đạo cụ thể, đặc biệt là khi kiểm tra đảng viên là cấp ủy viên cùng cấp và cán bộ cấp dưới trực tiếp khi có dấu hiệu vi phạm; đồng thời phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để ủy ban kiểm tra tiến hành kiểm tra; chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp chặt chẽ với ủy ban kiểm tra để thực hành kiểm tra; lãnh đạo các tổ chức quần chúng phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng, đóng góp ý kiến trung thực, khách quan, bảo đảm cho các cuộc kiểm tra đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Hai là, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của ủy ban kiểm tra và cán bộ kiểm tra chuyên trách. Theo quy định của Điều lệ Đảng từ Đại hội VIII đến nay, kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra các cấp, do ủy ban kiểm tra đảng ủy các cấp trực tiếp tiến hành. Ủy ban kiểm tra phải sâu sát cơ sở, nắm vững hoạt động của từng đảng bộ, chi bộ và đảng viên; chủ động phát hiện đối tượng có dấu hiệu vi phạm để có quyết định kiểm tra chính xác, kịp thời, không thụ động. Qua kiểm tra phải giúp cho đảng viên được kiểm tra nhận rõ ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm (nếu có), thực sự chuyển biến tiến bộ, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, không tái phạm khuyết điểm.

Muốn đạt được yêu cầu trên, ủy ban kiểm tra, cụ thể là các ủy viên ủy ban kiểm tra phải có đủ các yếu tố về phẩm chất và năng lực: có kiến thức toàn diện và kinh nghiệm thực tiễn công tác xây dựng Đảng, nhất là kiến thức chuyên môn nghiệp vụ kiểm tra; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tính chiến đấu cao, trung thực, công tâm không vì lợi ích cá nhân hoặc cục bộ địa phương mà bóp méo sự thật, né tránh, che dấu, bỏ qua việc làm sai trái của đảng viên, tổ chức đảng. Cán bộ kiểm tra chuyên trách giữ vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động của ủy ban kiểm tra. Cán bộ kiểm tra chuyên trách thường được bầu vào ủy ban kiểm tra và giữ chức phó chủ nhiệm; là người thường trực của ủy ban kiểm tra, thường xuyên nắm chắc các hoạt động của đảng viên và tổ chức đảng trong đảng bộ; giải quyết các công việc hằng ngày theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ mà ủy ban kiểm tra giao cho; chịu trách nhiệm tham mưu đề xuất và báo cáo với ủy ban kiểm tra theo quyền hạn. Các nội dung công việc chính một cuộc kiểm tra của ủy ban kiểm tra đảng ủy sư đoàn bộ binh tiến hành, chủ yếu do phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra (chuyên trách) thực hiện. Vì vậy, cần tiếp tục quán triệt thực hiện tốt quan điểm của Đảng trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra thực sự có đức,tài.

Ba là, nâng cao tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, phát huy dân chủ trong thực hành kiểm tra. Đối tượng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, thường có suy nghĩ, nhận thức ban đầu chưa thật đầy đủ, thường tìm cách che giấu, hoặc từ chối, rất ít trường hợp tự giác nhận rõ ngay từ đầu. Để đối tượng được kiểm tra có ý thức trách nhiệm xây dựng Đảng, tính tự giác cao, đòi hỏi ủy ban kiểm tra phải phát huy dân chủ, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình trong quá trình kiểm tra. Đây là yêu cầu cơ bản đối với chủ thể kiểm tra và đối tượng kiểm tra. Ủy ban kiểm tra đảng ủy sư đoàn phải nắm vững bản chất, nguyên tắc của tự phê bình và phê bình, đứng trên quan điểm khách quan, toàn diện; có thái độ, động cơ và phương pháp đúng đắn, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện sai trái của đảng viên và tổ chức đảng trong đảng bộ, không e ngại, nể nang hoặc hữu khuynh, né tránh, nhằm bảo đảm tính công minh, chính xác, kịp thời; đồng thời chống thành kiến, trù dập người phê bình của những cán bộ có chức, có quyền, trong quá trình kiểm tra.

Trong đấu tranh tự phê bình và phê bình phải nêu cao tình đồng chí, đồng đội, trong sáng, tôn trọng lẫn nhau, nghiêm túc và khoan dung, thấu lý đạt tình, tự nguyện tự giác và trung thực. Đấu tranh phê bình để xây dựng, để đoàn kết, vì sự thống nhất tư tưởng và hành động mà phê bình, đấu tranh. Phát huy dân chủ kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình trong đảng bộ, chi bộ với sự giám sát phê bình của quần chúng, cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, phải thật thà phê bình và sẵn sàng lắng nghe cấp dưới, lắng nghe quần chúng phê bình. Đồng thời cần hướng dẫn tổ chức cho các tổ chức đảng, tổ chức quần chúng phê bình một cách thực sự dân chủ. Từng tổ chức đảng và đảng viên phải đề cao trách nhiệm, nghiêm túc tự phê bình và phê bình theo yêu cầu nội dung được kiểm tra trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, chân tình giúp nhau, phải có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”.

Bốn là, nâng cao tính giáo dục, phòng ngừa trong tiến hành công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của ủy ban kiểm tra đảng ủy sư đoàn bộ binh phải trực tiếp góp phần phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những việc làm sai trái, hành vi tiêu cực và các tệ nạn xã hội; phát hiện xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm, không để khuyết điểm, vi phạm phát sinh, phát triển và lây lan làm ảnh hưởng lớn đến uy tín lãnh đạo của tổ chức đảng. Để thực hiện tốt, ủy ban kiểm tra đảng ủy sư đoàn bộ binh phải thường xuyên nắm vững nhiệm vụ chính trị, yêu cầu cụ thể trong công tác xây dựng Đảng và thực trạng tình hình của đảng bộ để có kế hoạch và biện pháp hoạt động cho phù hợp.

Thông qua các đợt sinh hoạt chính trị và hoạt động của các tổ chức trong đơn vị mà nắm bắt các ý kiến, thông tin, dư luận để lựa chọn, sàng lọc, đi đến nhận định chính xác những ưu điểm, khuyết điểm, những việc làm sai trái của đảng viên và tổ chức đảng, kết hợp nắm bắt tình hình, xác minh thực tế để có quyết định kiểm tra chính xác, kịp thời. Qua kiểm tra, đảng viên và tổ chức đảng nhận thức rõ ưu điểm, khuyết điểm của mình để khắc phục sửa chữa; hoàn thành tốt nhiệm vụ; nội bộ đoàn kết thống nhất; quần chúng yên tâm phấn khởi, tin tưởng vào đảng viên và tổ chức đảng. Quán triệt và thực hiện những yêu cầu trên là cơ sở, điều kiện để xác lập các giải pháp cơ bản, đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của ủy ban kiểm tra đảng ủy sư đoàn bộ binh trong giai đoạn hiện nay.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng bộ Sư đoàn bộ binh 312, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Sư đoàn bộ binh 312 trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Sư đoàn lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025, Lạng Sơn, 2020.

2. Đảng bộ Sư đoàn bộ binh 395, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Sư đoàn bộ binh 395 trình Đại hội đại biểu Đảng bộ sư đoàn lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hải Phòng, 2020.

3. Đảng bộ Sư đoàn bộ binh 3, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Sư đoàn bộ binh 3 trình Đại hội đại biểu Đảng bộ sư đoàn lần thứ IX nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thái Nguyên, 2020.

4. Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 504-NQ/QU, ngày 22-7-2016 về lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bộ Quân đội, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hà Nội, 2016.

Tác giả: Lê Việt Cường

Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020

;