Một số vấn đề đặt ra đối với văn hóa tiêu dùng của thanh niên ở Hà Nội hiện nay

Đời sống thanh niên đô thị ngày càng nhộn nhịp hơn với các hoạt động tiêu dùng diễn ra trên nhiều phương diện của cuộc sống, từ đi lại, học hành, ăn mặc, vui chơi giải trí cho đến các nhu cầu phát triển cá nhân. Dưới sự tác động của nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan, văn hóa tiêu dùng của thanh niên ở Hà Nội hiện nay có những biến đổi nhất định, chứa đựng nhiều giá trị tốt đẹp, văn minh; song, cũng tồn tại những hạn chế nhất định trong thực tiễn.

Ảnh minh họa - Nguồn: chinhphu.vn

1. Đánh giá chung về văn hóa tiêu dùng của thanh niên ở Hà Nội hiện nay

Thanh niên ở Hà Nội hiện nay là những người tiêu dùng thông minh, thể hiện ở sự linh hoạt trong các quyết định tiêu dùng

Trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, xu thế mua sắm tiêu dùng của thanh niên có nhiều biến đổi so với thập kỷ trước. Nếu trước đây thanh niên thường chủ yếu mua sắm tại các chợ truyền thống thì ngày nay, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi lại là sự lựa chọn cơ bản, song ưa chuộng nhất vẫn là mua sắm qua các kênh online. Quảng cáo/bán hàng đa kênh (Omni-channel) kết hợp linh hoạt giữa các kênh tiếp cận là mô hình mua sắm phổ biến trong giới trẻ hiện nay. Qua khảo sát, tác giả thấy rằng các kênh mua sắm online là nơi thanh niên thường tiêu dùng nhiều nhất (78%), tiếp đó là mua sắm tại các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi (67%), siêu thị lớn, trung tâm thương mại (31%), tiệm tạp hóa nhỏ (22%), chợ truyền thống (20%) và các cửa hàng bách hóa (18%).

Biểu đồ 1. Các địa điểm mua sắm của thanh niên ở Hà Nội - Nguồn: Kết quả điều tra xã hội học của tác giả, 2023

Hành vi người tiêu dùng thể hiện linh hoạt khác nhau qua các giai đoạn của tháp nhu cầu. Khi được hỏi về nhóm sản phẩm các bạn thanh niên ở Hà Nội thường chi tiêu nhiều nhất, kết quả cho thấy, ăn uống là nhóm sản phẩm được tiêu dùng nhiều nhất (78%), tiếp đến là các sản phẩm thời trang và làm đẹp (44%), giải trí (41%), nhà ở (28%), du lịch (21%), trong khi đó nhóm sản phẩm giáo dục lại chiếm cơ cấu khiêm tốn (17%). Qua khảo sát năm 2023, chúng tôi thấy có sự chênh lệch trong lựa chọn các nhóm sản phẩm tiêu dùng thường xuyên của thanh niên ở Hà Nội.

Trong hoạt động tiêu dùng, thanh niên thể hiện sự linh hoạt, phong phú trong lựa chọn sản phẩm, không quá sùng bái hay khắt khe với một loại sản phẩm nào, miễn là đáp ứng các tiêu chí chất lượng tốt, giá cả hợp lý, tiết kiệm thời gian và thực sự thiết thực với bản thân. Sự phong phú, đa dạng và linh hoạt trong văn hóa tiêu dùng của thanh niên cho thấy tính năng động, sáng tạo trong cuộc sống của tuổi trẻ, ở khía cạnh khác còn cho thấy sự thích ứng của thanh niên với những vấn đề bất định của bối cảnh xã hội đương đại.

Văn hóa tiêu dùng của thanh niên ở Hà Nội hiện nay luôn gắn liền và thể hiện rõ bản sắc văn hóa cá nhân, dấu ấn của thanh niên thông qua hoạt động tiêu dùng

Nhu cầu tiêu dùng luôn vận động theo từng thời điểm cụ thể, do đó văn hóa tiêu dùng cũng biến thiên theo những thời điểm đó. Thanh niên lựa chọn bất kì sản phẩm nào đều dựa trên sở thích bản thân, sở thích đó phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, song không thiếu được các yếu tố hiện đại. Do đó, nhìn vào các thức tiêu dùng của giới trẻ có thể nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng và ý nghĩa văn hóa bên trong hoạt động tiêu dùng của người đó.

Trong quá trình tiếp cận khách thể nghiên cứu, tác giả nhận thấy có sự phân biệt tương đối rõ ràng về suy nghĩ, quan niệm trong tiêu dùng của thanh niên cũng như những điều họ mong muốn bản thân đạt được ở những độ tuổi khác nhau. Nếu như thanh niên ở thế hệ gen Z (16-25 tuổi) luôn tìm kiếm nhiều cách thức khác nhau trong tiêu dùng để khám phá, không chỉ là những vấn đề diễn ra trong đời sống xã hội, mà còn qua đó hiểu chính mình, thì thanh niên thuộc thế hệ gen Y (25-30 tuổi) ngày càng định hình được bản thân và biết mình muốn gì, cần gì nhiều hơn. Thông qua tiêu dùng, thanh niên có cơ hội trải nghiệm với những điều mới mẻ, qua đó tìm hiểu, khám phá thế giới và hiểu chính bản thân mình. Sự đa dạng trong văn hóa tiêu dùng của thanh niên ở Hà Nội hiện nay cho thấy những chiều cạnh của việc thanh niên muốn xây dựng bản sắc, tính cách cá nhân trong quá trình hình thành nhân cách. Tiêu dùng cũng là điều kiện giúp họ liên kết với bạn bè cùng trang lứa, kiến tạo nên văn hóa của những người trẻ trong giai đoạn mới của đất nước. Những yếu tố thuộc về vốn văn hóa chính là nền tảng giáo dục, tri thức, truyền thống gia đình, truyền thống văn hóa nơi họ sinh ra và lớn lên. Tuy môi trường sống thay đổi, thanh niên có thêm nhiều lựa chọn nhưng họ cũng luôn chịu sự tác động bởi những yếu tố đó khi tham gia tiêu dùng. Việc đi mua sắm với thanh niên không đơn thuần là để đáp ứng nhu cầu thiết yếu, mà là một sở thích hay được xem như một hình thức giải trí, kết giao. Mặt khác, với phương thức đa dạng trong tạo dựng bản sắc cá nhân và xác định vị thế xã hội, văn hóa tiêu dùng của thanh niên ở Hà Nội hiện nay cũng tác động mạnh mẽ đến phương thức kinh doanh, hình thành thị trường và hình thành nên lối sống tiêu dùng chung của xã hội.

Thanh niên nói chung và thanh niên ở Hà Nội hiện nay nói riêng đã và đang tiếp cận, sử dụng các phương thức mua sắm và tiêu dùng hiện đại

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0 bùng nổ mạnh mẽ cộng với việc được sớm tiếp cận internet, không khó hiểu khi online trở thành kênh phát triển mạnh nhất tại khu vực thành thị. Điều này minh chứng qua sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng thưởng mại điện tử như: Tiki, Shopee, Lazada, Sendo…. Phương thức này ngày càng thể hiện rõ tính thuận tiện, hiện đại, tính mới của một xã hội năng động, một thị trường bán hàng rộng lớn, thậm chí vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Đồng thời với các thay đổi về thói quen tiêu dùng, người tiêu dùng trẻ cũng đã tiếp cận với các phương thức thanh toán mới đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới như thẻ tín dụng và các hình thức thanh toán điện tử, giúp người trẻ giao dịch linh hoạt và an toàn hơn. Với sự nhạy bén của tuổi trẻ, thanh niên ở Hà Nội hiện nay với tư cách là người tiêu dùng đã và đang tiếp cận mạnh mẽ loại hình mua sắm này.

Tiêu dùng không tiền mặt đang trở thành thói quen tiêu dùng mới mà gen Y chính là những người dẫn đầu xu hướng này. Thanh toán không dùng tiền mặt có một vai trò quan trọng trong việc giảm khối lượng tiền mặt lưu thông, giúp cho quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và giảm bớt chi phí cho người dùng. Có thể thấy, thanh niên - những người tiêu dùng trẻ đang góp một phần công sức của mình vào việc kích thích thương mại điện tử ở nước ta, góp phần đưa văn hóa tiêu dùng nước nhà lên một nấc thang mới, nấc thang của xã hội văn minh.

Văn hóa tiêu dùng của thanh niên ở Hà Nội hiện nay luôn có sự đan xen giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, giữa những cái cũ và cái mới

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và kinh tế thị trường, mở cửa tạo nên sự giao lưu, phát triển và biến động thường xuyên của lối sống, đạo đức và chuẩn mực giá trị xã hội do sự tác động của xu hướng văn hóa đại chúng. Sự đan xen giữa những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại hiện hữu rõ rệt trong các hoạt động tiêu dùng hàng ngày của giới trẻ. Đơn cử trong việc ăn uống, bên cạnh việc lựa chọn các món ăn có nguồn gốc từ bên ngoài du nhập vào nước ta, các bạn trẻ vẫn trung thành với văn hóa ẩm thực người Việt, không gì thay thế được bữa cơm hằng ngày. Trong hoạt động tiêu dùng cho thời trang, sản phẩm làm đẹp cũng vậy, đa phần thanh niên đều lựa chọn sản phẩm phù hợp với lứa tuổi, với sự trẻ trung, năng động của mình, song có sự kết hợp giữa chất liệu truyền thống, sự kín đáo thanh lịch với kiểu dáng trẻ trung hiện đại, hay lựa chọn mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên cũng hết sức được chú ý. Trong quá trình khảo sát thị hiếu tiêu dùng của thanh niên ở Hà Nội hiện nay, chúng tôi nhận thấy thanh niên đánh giá cao một số tiêu chí khi lựa chọn mua hàng hóa ưu tiên sự hợp lý, gọn nhẹ, kiểu dáng phải bắt mắt, công năng tiện dụng.

Bắt nguồn từ truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, việc thanh niên ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã tạo thành một nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của thế hệ trẻ Thủ đô. Nét đẹp truyền thống này cần lưu truyền cho những thế hệ tiếp theo, bởi lẽ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, tình yêu thương cộng đồng mà còn thể hiện ý chí quyết tâm xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh. Tuy đời sống đã thay đổi, nhưng trong tiêu chí lựa chọn tiêu dùng của thanh niên ở Hà Nội hiện nay vẫn còn lại sự tiếp nối từ quan niệm của truyền thống cha ông. Sự đan xen, tiếp thu chọn lọc đó là tố chất cần thiết của người tiêu dùng trẻ bước vào giao lưu, hội nhập hiện nay.

2. Những vấn đề đặt ra đối với văn hóa tiêu dùng của thanh niên ở Hà Nội hiện nay

Trong bối cảnh xã hội đang có nhiều thay đổi, bên cạnh những biến đổi tích cực, văn hóa tiêu dùng của thanh niên ở Hà Nội hiện nay cũng tồn tại nhiều vấn đề cần được nhìn nhận một cách thấu đáo. Cụ thể như sau:

Nhận thức về mối quan hệ giữa hành vi tiêu dùng và các giá trị văn hóa - xã hội, tiêu dùng phải phù hợp với điều kiện bản thân

Thanh niên ở Hà Nội hiện nay đang bước vào xã hội tiêu dùng theo cả hai hướng: chủ động và thụ động. Các bạn trẻ chủ động trong việc nắm bắt các trào lưu tiêu dùng, làn sóng tiêu dùng đang tác động mạnh mẽ dưới ảnh hưởng của nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại. Thanh niên chủ động trong việc xác định nhu cầu tiêu dùng, mong muốn của bản thân trong từng thời điểm, chủ động trong việc định hình giá trị văn hóa tiêu dùng, đặc biệt là chủ động trong việc lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng có chất lượng, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, hành vi tiêu dùng của thanh niên đôi khi còn mang tính thụ động, bởi lẽ thị trường luôn biến động không ngừng, các doanh nghiệp cạnh tranh nhau từ mẫu mã đến giá cả, chất lượng sản phẩm, điều này khiến cho việc lựa chọn hàng tiêu dùng nhiều khi thụ động, chưa đáp ứng được nhu cầu hoặc lựa chọn sản phẩm chưa phù hợp, thậm chí quá đà gây lãng phí. Vấn đề đặt ra là bản thân thanh niên phải hiểu rõ mối quan hệ giữa hành vi tiêu dùng và các giá trị văn hóa, xã hội. Tiêu dùng phù hợp với bản thân là tiêu dùng có văn hóa. Mỗi hành vi tiêu dùng đều chứa đựng những ý nghĩa văn hóa nhất định, không chỉ là văn hóa cá nhân mà còn góp phần định hình văn hóa cộng đồng xã hội. Mặt khác, tiêu dùng phù hợp với điều kiện bản thân là không quá tiết kiệm song cũng không quá phô trương, lãng phí. Việc các bạn trẻ tiêu xài vượt quá khả năng và điều kiện của gia đình, khiến cho đời sống bị xáo trộn, ảnh hưởng. Do đó, quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng sống quan trọng mà thanh niên cần học tập và trau dồi. Một người tiêu dùng thông thái phải luôn biết làm chủ tài chính của mình. Đó là vấn đề mà thanh niên ở Hà Nội hiện nay cần chú trọng.

Một bộ phận không nhỏ thanh niên ở Hà Nội hiện nay có lối tiêu dùng trọng danh, trọng vật chất, ưa hình thức

Thông qua tiêu dùng, thanh niên không những muốn xây dựng hình ảnh bản thân mà còn thể hiện sự “sành điệu” của mình với bạn bè. Đây chính là điều mà Throstein Veblen (1994) đã đề cập trong tác phẩm nghiên cứu của mình, tiêu dùng là biểu hiện cả ganh đua xã hội (social emulation). Nó cũng chính là cách để khẳng định tính cá nhân trong việc duy trì lòng tự trọng trong xã hội, môi trường đô thị (2). Trong một bộ phận thanh niên, nhất là những người thuộc thế hệ gen Z, sự “ganh đua” trong tiêu dùng về độ “chất”, “đẳng cấp” hay “sành điệu” thông qua các món đồ mà họ sở hữu chính là để khẳng định bản thân. Điều này vô tình tạo nên cuộc chạy đua ngầm mạnh mẽ trong thanh niên, đặc biệt là nhóm thanh niên làm việc trong môi trường công sở, văn phòng, giữa các đồng nghiệp trẻ với nhau. Việc ai mặc gì, thương hiệu gì, phối đồ ra sao luôn là câu chuyện, đề tài được họ quan tâm, bàn luận.

Quả thực, trong thanh niên ở Hà Nội hiện nay, lối tiêu dùng trọng danh, trọng hình thức khá phổ biến. Một bộ phận thanh niên tiêu dùng để thể hiện đẳng cấp, khoe mẽ với bạn bè, tất nhiên điều này không ai kiểm soát được, song vô hình trung đã tạo nên khoảng cách giữa các nhóm thanh niên với nhau, người thì quá tự tin, người lại đầy mặc cảm. Lối sống chạy theo vật chất đang khiến nhiều phụ huynh đau đầu vì rơi vào hoàn cảnh thụ động đối phó với những đòi hỏi đôi khi thái quá của con cái. Đây là một thực tế trong xã hội, việc những người trẻ tự đặt những “tiêu chuẩn tiêu dùng hiện đại” để phân biệt “đẳng cấp” trong các mối quan hệ bạn bè là một thực tế có thật. Ngoài ra, tâm lý đám đông cũng có tác động lớn tới nhu cầu và niềm tin tiêu dùng của thanh niên ở Hà Nội hiện nay. Khi xã hội ngày càng trở nên dân chủ hơn, thông tin ngày càng nhanh hơn, tri thức của các tầng lớp trong xã hội đang dần được cải thiện, nếu người tiêu dùng không đủ bản lĩnh tiêu dùng, nghĩa là hành động theo ý chí có phê phán và vượt qua những định kiến số đông thì khó tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc trong tiêu dùng.

Sự chênh lệch trong mức sống dẫn đến tâm lý sính ngoại, thích dùng hàng hiệu, mặt khác nhiều thanh niên lựa chọn xài hàng nhái, hàng fake dẫn tới vi phạm nhãn hiệu hàng hóa

Có một thực tế là thanh niên ở Hà Nội hiện nay có điều kiện gia đình không giống nhau, phân hóa giàu nghèo không đồng đều, cho nên một bộ phận thanh niên hay dùng hàng nhái, hàng fake, chủ yếu là các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm… nhái lại mẫu mã của các thương hiệu nổi tiếng song giá cả lại rẻ hơn rất nhiều. Tại các khu chợ sinh viên như chợ Nhà Xanh, chợ Dịch Vọng, chợ Hôm, chợ đêm Phùng Khoang, chợ đêm phố cổ, chợ Ngã Tư Sở… dễ dàng tìm thấy từ mỹ phẩm, chăm sóc da đến quần áo, thời trang với mẫu mã phong phú, mang nhãn hiệu khác nhau từ vô danh đến cả những nhãn hiệu có tên tuổi, thậm chí cả những thương hiệu cao cấp với mức giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng. Khách hàng chủ yếu chính là các bạn thanh niên, sinh viên. Thói quen dùng hàng nhái không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân mà còn vô tình tiếp tay cho việc vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, gây ảnh hưởng đến việc tạo dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, gây cản trở cho việc thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nguyên nhân sâu xa của việc sính ngoại, thích dùng hàng hiệu xuất phát từ lối sống của xã hội Việt Nam đương đại, những áp lực công việc làm không ít cha mẹ thiếu thời gian dành cho con nên có xu hướng lấy vật chất bù đắp cho tinh thần, thỏa mãn và chiều chuộng vô nguyên tắc những ham muốn của con. Từ đó dễ hình thành ở các bạn trẻ thói quen xấu tiêu xài hoang phí, muốn gì được nấy và chạy theo những giá trị vật chất, xem đó như tiêu chuẩn, thước đo giá trị con người. Môi trường giáo dục không khuyến khích bệnh “sĩ”, thói quen chạy theo tiêu dùng thái quá mới là chuyện đáng bàn. Suy cho cùng thì một tấm áo hàng hiệu có thay đổi được bản chất người khoác nó trên mình? Một chiếc xe đẹp có đủ cho nhiều người hiểu lối sống của chủ nhân nó hay không? Rõ ràng là không. Đổi sự hoang phí lấy sự ngưỡng mộ mà chi tiêu quá tay, cho thấy cách nhìn nhận về lối sống, cách thức tiêu dùng và về văn hóa ứng xử của một bộ phận thanh niên đang có sự phân hóa thay vì theo một hướng, dựa trên những giá trị đạo đức và văn hóa có tính nền tảng, lại chạy theo những giá trị ảo, chưa phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị đạo đức truyền thống.

Tiêu dùng vốn là nhu cầu không thể thiếu và tiêu dùng thông thái không phải là điều khó khăn. Thay vì ham rẻ, với khả năng tài chính không quá eo hẹp, khéo léo chi tiêu thì các bạn trẻ vẫn có thể mua được những món đồ nội địa tốt, có nguồn gốc chất lượng rõ ràng. Do vậy, hình thành thói quen tiêu dùng nói không với hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng là vấn đề cơ bản đặt ra đối với việc xây dựng văn hóa tiêu dùng của thanh niên ở Hà Nội hiện nay, từ đó xác lập các giá trị tiêu dùng bền vững cho xã hội hiện đại.

Sự biến đổi đa chiều của văn hóa đặt ra thách thức cho vấn đề phát triển văn hóa tiêu dùng của thanh niên ở Hà Nội hiện nay

Văn hóa tiêu dùng của thanh niên ở Hà Nội hiện nay đang có những biến đổi đa chiều bởi thành tựu phát triển kinh tế đã tác động tới bình diện văn hóa, xã hội. Văn minh hóa lối sống tiêu dùng có thể nhìn thấy trong sự biến đổi cơ cấu văn hóa tiêu dùng của thanh niên, ở đó đã và đang diễn ra sự chuyển dịch theo hướng dần giảm tỉ trọng nhu cầu vật chất tối thiểu; hàng hóa được dịch chuyển sang những loại hình hợp thị hiếu và chất lượng cao; dịch chuyển trong tần suất và phương thức mua sắm, thiết yếu và tăng tỉ trọng cho nhu cầu tinh thần. Những biến đổi này mang lại nhiều tiện ích: địa điểm mua sắm đang dần biến đổi từ chợ và cửa hàng tạp hóa sang siêu thị và các cửa hàng tiện ích ở gần nơi cư trú, đặc biệt là không gian mua sắm online; nhiều chủng loại hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu cơ bản sẽ có ở siêu thị hoặc sàn thương mại điện tử thay vì phải di chuyển nhiều nơi; việc tìm kiếm cửa hàng hay nhà cung cấp có thể thực hiện ngay tại nhà nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ; giá cả có thể được tham khảo và so sánh trên mạng để tìm ra nhà cung cấp sản phẩm có giá phải chăng nhất...

Kết luận

Văn hóa tiêu dùng của thanh niên có tính di động cao, được hình thành trên cơ sở những đa dạng về văn hóa, song đều hướng theo trào lưu và giá trị mới, ở đó: giá trị kinh tế của hàng hóa thể hiện vị thế xã hội của người chủ sở hữu; giá trị con người được nâng cao; internet và công nghệ kỹ thuật số lên ngôi tạo nhiều thuận lợi, song cũng ngày càng chi phối và tạo nên những thói quen tiêu dùng mới; giao dịch điện tử kích thích năng lực và gia tăng cơ hội cho thanh niên; nhiều giá trị chung trên toàn cầu được thiết lập, đó cũng là cơ sở để mỗi quốc gia soi chiếu, thiết lập và gìn giữ những giá trị riêng; không gian mua sắm ngày càng được mở rộng, thanh niên tiết kiệm được thời gian song vẫn tăng khả năng tương tác. Đa chiều yếu tố tác động khác nhau ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn và mua sắm hàng hóa của thanh niên ở Hà Nội hiện nay phần nào lý giải cho những biến đổi trong văn hóa tiêu dùng của người Việt trẻ. Đó là những tác động liên quan tới tuổi tác, giới tính, học vấn, nghề nghiệp, thu nhập, mức sống đặc điểm gia đình, thái độ và thói quen tiêu dùng. Các phương tiện truyền thông cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, góp phần vào quá trình tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề của người tiêu dùng. Như vậy, muốn gây dựng nền tảng văn hóa tiêu dùng, đòi hỏi một quá trình phát triển của nền kinh tế thích ứng, cũng như quá trình hoàn thiện của chủ thể tiêu dùng thanh niên, học cách tiêu tiền hợp lý và khôn ngoan, tự bảo vệ mình trước làn sóng vật chất mê hoặc.

Muốn có những người tiêu dùng thông thái cho tương lai, cần chú trọng xây dựng văn hóa tiêu dùng ngay từ hôm nay, từ chính thanh niên - những chủ nhân tương lai của đất nước. Đây là bước đi khó nhưng có ý nghĩa lâu dài, bởi kinh tế càng phát triển, xã hội tiêu dùng càng lên ngôi thì đòi hỏi xây dựng văn hóa tiêu dùng càng cần thiết.

__________________

1. Mark Paterson, Consumption and everyday life (2ndEdition), (Tiêu dùng và cuộc sống hằng ngày) (Ấn bản thứ 2), Routledge, London, 2017.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Phương Hoa, Bàn về đạo đức, lối sống của thanh niên trí thức nước ta hiện nay, Tạp chí Tâm lý học, số 4, 2014, tr.50-63.

2. Vũ Huy Thông, Giáo trình Hành vi người tiêu dùng, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2012.

3. Nguyễn Đức Lộc, Đời sống xã hội Việt Nam đương đại, Tập 3: Người trẻ trong xã hội hiện đại, Nxb Văn hóa văn nghệ, TP.HCM, 2018.

4. Nancy L. Deutsch, Eleni Theodorou, Aspiring, Consuming, Becoming: Youth Identity in a Culture of Consumption (Khát vọng, Tiêu dùng và Sự hình thành: Bản sắc của giới trẻ trong văn hóa tiêu dùng), Tạp chí Thanh niên và Xã hội Youth & Society, số 42 (2), 2010, tr. 229-254.

5. Sabine Chaouche, Student Consumer Culture in Nineteenth-Century Oxford (Văn hóa tiêu dùng của sinh viên ở Oxford thế kỷ 19), Palgrave Macmillan Publisher, Vương quóc Anh, 2020.

LÊ THỊ TRANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 9-2024

;