Tổ chức hoạt động âm nhạc cho trẻ mầm non dưới hình thức sân khấu hóa

Trong những năm gần đây, cùng với sự đổi mới và phát triển vượt bậc của nền kinh tế nước ta, là sự cố gắng cải cách không ngừng của ngành Giáo dục. Nhiều phương pháp dạy học hiện đại đã được áp dụng vào trong từng tiết học mang lại hiệu quả cao và truyền đạt được nhiều kiến thức tích hợp cho học sinh, đồng thời tạo thêm nhiều hứng thú học tập và lĩnh hội những tri thức mới theo những phương pháp dạy học mới. Sân khấu hóa trong âm nhạc chính là một trong những phương pháp dạy học âm nhạc song hành với đổi mới hình thức dạy học, người học là trung tâm chứ không còn tập trung vào phát huy tính tích cực của người dạy. Hình thức này mang đến giờ học âm nhạc đầy lý thú, giúp học sinh làm quen, cảm nhận được các tác phẩm âm nhạc và đặc biệt hấp dẫn đối với trẻ lứa tuổi mầm non.

Một tiết mục văn nghệ của cô và trò Trường Mầm non Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) - Ảnh: baothainguyen.vn

1. Âm nhạc và sân khấu hóa

“Âm nhạc là loại hình nghệ thuật, phản ánh hiện thực khách quan bằng những hình tượng có sức biểu cảm của âm thanh. Cùng với các phương tiện diễn tả âm nhạc như: giai điệu, tiết tấu, cường độ, nhịp độ, âm sắc, âm khu, âm vực, hòa âm… bản chất thời gian trong âm nhạc làm cho nó có thể truyền đạt được sự vận động của các ý tưởng và tình cảm trong tất cả những sắc thái tinh tế nhất” (1). “Âm nhạc là nghệ thuật dùng âm thanh và nhịp điệu để diễn tả tư tưởng và tình cảm của con người” (2).

Còn sân khấu là “một hình thức hợp tác của nghệ thuật sử dụng biểu diễn trực tiếp, thường bao gồm việc các diễn viên trình bày những trải nghiệm của một sự kiện có thật hay tưởng tượng trước những đối tượng khán giả tại chỗ ở một nơi cụ thể. Các diễn viên có thể truyền tải kinh nghiệm đến với khán giả thông qua sự kết hợp của cử chỉ, lời nói, bài hát, âm nhạc và khiêu vũ” (3).

Sân khấu hóa là “những hoạt động đại chúng (chính trị, văn hóa, giáo dục…) được tiến hành theo đặc trưng của nghệ thuật sân khấu. Các nội dung sinh hoạt (có chủ đề) được chuyển tải liên tục, chặt chẽ bằng nghệ thuật dàn cảnh và biểu diễn” (4).

Hình thức sân khấu hóa trong dạy học âm nhạc cho trẻ em chính là một hình thức học tập mới mà ở đó, trẻ có thể hóa thân thành các nhân vật và thể hiện được khả năng diễn xuất của mình, đồng thời, thể hiện được hết khả năng âm nhạc của bản thân như: hát, cảm thụ âm nhạc, vận động theo nhạc chứ không đơn thuần chỉ là vận động theo nhạc hay học hát… như một tiết học âm nhạc truyền thống. Với hình thức này, trẻ được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, khả năng sáng tạo của bản thân bởi hoạt động sân khấu hóa gồm nhiều cảnh và mỗi phân cảnh là nhiều nhân vật cùng nhau hợp tác thể hiện. Đồng thời, khi trẻ được trực tiếp tham gia vào các vai diễn, hóa thân thành các nhân vật để thể hiện bài hát, thuật lại câu chuyện, trẻ sẽ hiểu rõ hơn về nội dung, ý nghĩa của tác phẩm âm nhạc, tăng cường khả năng ghi nhớ có chủ đích, phát triển ngôn ngữ, tình cảm, cảm xúc và được trải qua một quá trình lao động nghệ thuật gần giống như người nghệ sĩ.

2. Quy trình tổ chức hoạt động âm nhạc bằng hình thức sân khấu hóa

Chuẩn bị chương trình

Trước hết, cần xác định được nội dung, đề tài mà giáo viên lựa chọn để tổ chức hoạt động sân khấu hóa. Nội dung chương trình cần phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ và mục tiêu của chương trình Giáo dục Mầm non. Cần xác định đối tượng ở đây chính là trẻ mẫu giáo lớn, từ 5-6 tuổi. Giáo viên cần nắm được số lượng trẻ tham gia vào hoạt động sân khấu hóa, đặc biệt là khả năng của trẻ. Đối với hoạt động sân khấu hóa trong dạy học âm nhạc, giáo viên cần phải chú trọng đến âm nhạc. Bởi vậy, giáo viên cần nắm rõ đặc điểm âm nhạc, khả năng thể hiện âm nhạc của từng trẻ trong lớp để tổ chức hoạt động phù hợp. Chẳng hạn, trẻ nào có khả năng hát tốt, trẻ nào có khả năng vận động tốt, để khi làm kịch bản, phân vai hợp lý cho trẻ, không quá sức với khả năng của trẻ. Giáo viên cần nghiên cứu trước để xây dựng kịch bản có sự kết hợp sao cho hợp lý, đảm bảo mọi trẻ đều được tham gia vào các hoạt động trong sân khấu hóa, giúp trẻ phát triển toàn diện về âm nhạc. Bên cạnh đó, không gian, sân khấu, hệ thống âm thanh, ánh sáng; vật liệu trang trí, hóa trang, đạo cụ; kinh phí thực hiện; lượng của chương trình... cần được giáo viên xem xét, nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng.

Viết kịch bản sân khấu hóa

Kịch bản là nội dung của hoạt động sân khấu hóa, trong đó có: nhân vật, hoàn cảnh câu chuyện, hành động của nhân vật trong từng tình cảnh câu chuyện được trình bày bằng ký tự văn học. Mỗi kịch bản sân khấu bao giờ cũng phải có: tựa đề (tên của kịch bản), tên nhân vật, không gian, thời gian, hoàn cảnh câu chuyện bắt đầu xảy ra tới khi kết thúc.

Cần xác định nhân vật điển hình là hình tượng xuyên suốt kịch bản, làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng xác định ban đầu và là nhân vật có ý nghĩa giáo dục cao. Đối với trẻ, nhân vật điển hình đóng vai trò rất quan trọng bởi nhân vật điển hình vừa là nhân vật xuyên suốt hoạt động, vừa là nhân vật có tính giáo dục cao, làm toát lên ý nghĩa của câu chuyện trong hoạt động sân khấu hóa. Các nhân vật phụ là nhân vật giữ vai trò thứ yếu so với nhân vật điển hình trong diễn biến cốt truyện, có tác dụng bổ sung, làm nổi bật tính cách, số phận… của nhân vật điển hình. Tuy nhân vật phụ thường gắn liền với những tình tiết, sự kiện, tư tưởng có tính chất phụ trợ, bổ sung nhưng trong nhiều trường hợp, nhân vật phụ lại hàm chứa những tư tưởng quan trọng trong câu chuyện của hoạt động sân khấu hóa. Đồng thời, nhân vật phụ cũng có vai trò quan trọng trong hoạt động sân khấu hóa, bởi nếu thiếu đi nó, nhân vật chính không thể hiện được nội dung, ý nghĩa của câu chuyện được gửi gắm trong hoạt động sân khấu hóa.

Hoàn cảnh là môi trường hoạt động của nhân vật, là phạm vi hiện thực khách quan tác động đến quá trình hoạt động của nhân vật. Hoàn cảnh điển hình chính là hoàn cảnh của các nhân vật được thể hiện trong hoạt động sân khấu hóa, vừa có tính chất tiêu biểu và độc đáo, vừa thể hiện được những nét tương quan bản chất của đời sống trong những mối quan hệ.

Minh họa âm thanh, ánh sáng cũng như hóa trang trong kịch bản sân khấu hóa sẽ giúp giáo viên tham gia hướng dẫn trẻ dễ dàng hơn. Những minh họa này, giáo viên cần phải viết thật cụ thể, biết kết hợp, xen lẫn các lời thoại chứ không nên tách rời khi viết xong kịch bản lời thoại của hoạt động sân khấu hóa mới viết minh họa.

Lời thoại được xem là một trong những bước khó nhất khi viết kịch bản. Một kịch bản hay và hấp dẫn đòi hỏi kịch bản phải có những lời thoại ấn tượng, làm sao cho các nhân vật có sự tương tác với nhau và làm nổi bật được đặc trưng tính cách. Đặc biệt, với hình thức sân khấu hóa trong dạy học âm nhạc thì giáo viên cần phải đưa lời thoại vào trong âm nhạc. Câu chuyện của trẻ sẽ có cả thoại thường và lời thoại có âm nhạc. Lời thoại phải ngắn gọn, xúc tích nhưng vẫn bao hàm đầy đủ các thông tin để trẻ diễn giải mà không sợ quên lời. Đồng thời, lời thoại cần tập trung vào tính cách nhân vật. Tùy thuộc vào nhân vật mà giáo viên xây dựng lời thoại phù hợp. Ví dụ: những nhân vật có tính cách hiền lành, dịu dàng thì xây dựng câu thoại mang tính chất nhỏ nhẹ. Đặc biệt, khi xây dựng lời thoại có âm nhạc thì giai điệu lựa chọn để đưa lời thoại vào cần đơn giản, quen thuộc và phù hợp với khả năng âm nhạc của trẻ 5-6 tuổi. Như vậy, trẻ vừa dễ nhớ lại vừa tự tin hơn.

Sáng tạo hành động cho nhân vật

Hành động sân khấu hóa được chia làm 3 loại cơ bản: hành động tâm lý (hành động thể hiện cảm xúc, tính cách của nhân vật), hành động ngôn ngữ (được biểu thị bằng các động từ nói năng trong ngôn ngữ, giúp cho hoạt động sân khấu hóa trở nên hấp dẫn hơn, các nhân vật bộc lộ được rõ nét hơn về tính cách, cảm xúc cũng như suy nghĩ), hành động hình thể (những cử chỉ, động tác nhằm hỗ trợ để bộc lộ rõ nét hơn về cảm xúc của các nhân vật, làm tăng tính hấp dẫn và kịch tính cho hoạt động sân khấu hóa).

Hành động sân khấu hóa là ngôn ngữ nghệ thuật của trẻ tham gia vào hoạt động sân khấu hóa. Và muốn điều hành phương thức khai thác hành động trên sân khấu cần phải trả lời 5 câu hỏi: Trẻ (nhân vật) là ai? (tìm hiểu số phận, tính cách nhân vật...); Trẻ (nhân vật) đang trong hoàn cảnh nào? (đi sâu tìm hiểu, phán đoán tình cảnh được viết ra trong kịch bản); Trẻ phải làm gì? (xác định đặc trưng của hành động: tâm lý, ngôn ngữ, hình thể…); Vì sao? Mục đích gì? (xác định nguyên nhân của hành động); Phải làm như thế nào?

Giáo viên viết kịch bản cần hiểu rõ và sẵn sàng trả lời tất cả câu hỏi trên một cách logic, sáng tạo. Trẻ tham gia vào hoạt động sân khấu hóa phải sử dụng phép nhập vai biến thành chuỗi hành động tích cực cho mình thông qua sự tưởng tượng, sau đó thể hiện bằng kỹ thuật nội tâm, hình thể một cách liên tục, nhịp nhàng, chính xác. Để có sự sáng tạo trong các hành động, trẻ phải có một tình cảm đặc biệt dành cho nhân vật của mình, đó là tình cảm đã tích lũy được nhờ trí tưởng tượng của trẻ. Ví dụ: Trong hoàn cảnh éo le, đau khổ thì nhân vật sẽ bật khóc. Đó chính là sự giả định của sân khấu hóa tạo nên.

Tập diễn

Khi kịch bản đã được hoàn tất, giáo viên đã quy định được những hành động cơ bản cho nhân vật, việc tập kịch cần phải thực hiện theo các bước sau:

Chọn vai diễn cho trẻ: Việc chọn vai diễn cho trẻ phải dựa trên sở thích cũng như khả năng và tính cách của trẻ. Đồng thời, trước khi cho trẻ chọn vai diễn, giáo viên cần giới thiệu về các nhân vật trong hoạt động sân khấu hóa cho trẻ nghe. Trẻ sẽ được lựa chọn cùng với sự gợi ý của giáo viên. Có thể trẻ thích vai diễn này nhưng giáo viên cảm thấy vai diễn đó không phù hợp và trẻ sẽ không bộc lộ được hết năng lực của mình. Khi ở vai diễn đó, giáo viên có thể nói nhẹ nhàng, gợi ý và khuyến khích trẻ lựa chọn vai diễn phù hợp với bản thân.

Trình bày nội dung kịch bản: Việc trình bày nội dung kịch bản cho tất cả các trẻ tham gia vào sân khấu hóa là một khâu quan trọng. Bởi khâu này sẽ giúp trẻ hiểu được về kịch bản của hoạt động sân khấu hóa trước khi bước vào luyện tập. Nếu không hiểu được kịch bản thì việc tham gia vào hoạt động sân khấu hóa của trẻ sẽ trở nên khó khăn và đạt hiệu quả thấp. Chính vì vậy, giáo viên trình bày nội dung kịch bản cho tất cả trẻ tham gia sân khấu hóa một cách cụ thể, rõ ràng, phải đảm bảo mọi trẻ đều hiểu về nội dung của kịch bản.

Trẻ cần thuộc các lời thoại, lời hát: trẻ thể hiện thành công vai diễn của mình hay không còn phụ thuộc vào việc thuộc kịch bản hay chính là lời thoại và bài hát. Khi lên sân khấu, trẻ có thể quên lời thoại nhưng sẽ linh hoạt diễn hoặc được bạn đối thoại hỗ trợ. Nhưng nếu lời bài hát mà trẻ không thuộc sẽ dẫn đến việc làm giảm đi tính hấp dẫn của hoạt động cũng như khiến trẻ cảm thấy mất bình tĩnh, thiếu tự tin, từ đó ảnh hưởng đến vai diễn. Trẻ ở lứa tuổi mầm non đa số chưa đọc được chữ, vì thế giáo viên, phụ huynh chính là người hỗ trợ giúp trẻ thuộc các lời thoại và lời bài hát.

Tập theo thứ tự từ đầu đến cuối: Việc tập theo thứ tự, trình tự của kịch bản sẽ giúp trẻ dễ nhớ được kịch bản hơn cũng như nội dung của câu chuyện trong sân khấu hóa trong trẻ không bị lộn xộn hay trở nên phức tạp. Trong trường hợp, một nhóm trẻ chỉ thực hiện ở một phân cảnh chứ không xuyên suốt cả kịch bản thì giáo viên có thể cho trẻ tập theo nhóm. Luôn có sự kết hợp âm thanh, ánh sáng trong khi tập luyện để tạo sự sáng tạo hợp lý, tăng thêm sức hấp dẫn, đồng thời giúp trẻ dễ nhớ vai diễn của mình.

Tổng duyệt chương trình: Khi trẻ đã tập luyện hoàn chỉnh kịch bản, giáo viên tổ chức chạy tổng duyệt chương trình để rút kinh nghiệm và điều chỉnh những chi tiết không phù hợp, đặc biệt chú ý đến sự nhuần nhuyễn, đồng đều, di chuyển hợp lý, tránh chồng chéo trên sân khấu. Giáo viên cần quán xuyến và kiểm tra công tác chuẩn bị từ công tác chuyên môn nghệ thuật đến sân khấu, đạo cụ, âm thanh và đồng thời phải tạo ra không khí vui vẻ, động viên, khích lệ để trẻ tự tin, thoải mái bước vào vai diễn của mình và thực hiện hết khả năng để đạt kết quả cao nhất. Sau buổi tổng duyệt, giáo viên cần lắng nghe và bàn bạc với giáo viên cùng tham gia hướng dẫn trẻ trong hoạt động sân khấu hóa để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, sáng tạo và hoàn thiện lần cuối.

Tổ chức hoạt động âm nhạc dưới hình thức sân khấu hóa

Sau khi thực hiện xong các bước trên, giáo viên sẽ tổ chức cho trẻ thực hiện chính thức theo kế hoạch của tiết âm nhạc. Trẻ sẽ được thực hiện với đầy đủ đạo cụ, trang phục, âm thanh hỗ trợ cho hoạt động khi trẻ tham gia diễn xuất. Đồng thời, sân khấu trong lớp học cũng sẽ được cô giáo trang trí, thiết kế phù hợp với buổi biểu diễn.

Khi kết thúc hoạt động, giáo viên đưa ra nhận xét, rút kinh nghiệm, động viên, khen ngợi trẻ để trẻ có kỹ năng tốt hơn khi tham gia hoạt động sân khấu hóa ở những tiết học sau này.

3. Kết luận

Việc nghiên cứu đưa hoạt động sân khấu hóa vào giờ học âm nhạc giúp trẻ hứng thú hơn, tập trung, hào hứng hơn, cũng như sôi nổi hơn trong giờ học. Từ đó, trẻ cảm thụ âm nhạc tốt hơn, tiếp thu nhiều hoạt động giáo dục âm nhạc cùng một lúc như: nghe nhạc, hát, vận động, trò chơi âm nhạc chứ không đơn thuần chỉ là một hoạt động âm nhạc trong một tiết học, từ đó, sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện hơn. Âm nhạc không còn giới hạn trong khuôn khổ tại lớp (tĩnh) mà kích thích sự chủ động sáng tạo của các em nhỏ. Mỗi giờ học âm nhạc dưới hình thức sân khấu hóa tạo nên sự hưng phấn trong mối quan hệ học mà chơi, chơi mà học, mang đến cho các em nhiều niềm vui, ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

____________________

1. Ngô Thị Nam, Phương pháp dạy học âm nhạc cho trẻ trước tuổi học, Nxb Giáo dục Hà Nội, 2008, tr.1.

2. Phạm Thị Hòa, Giáo dục âm nhạc, tập II, Nxb Đại học Sư phạm, 2012, tr.1.

3, 4. Nguyễn Ánh Tuyết (chủ biên), Nguyễn Thị Như Mai, Đinh Thị Kim Thoa, Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non, Nxb Đại học Sư phạm, 2007, tr.1, 1.

Ths NGUYỄN VĂN THIỀU - Ths NGUYỄN THỊ QUỲNH MAI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

;