Tối 29/4 tại Công viên Sáng Tạo (Thủ Đức, TP.HCM), Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND TP HCM trang trọng tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mùa Xuân thống nhất” chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2025).
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự chương trình “Mùa Xuân thống nhất” - Ảnh: TTXVN
Tham dự chương trình có Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Lương Cường; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Cẩm Tú cùng các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2025; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh, thành phố...
Đến dự chương trình còn có lãnh đạo các nước như: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào; Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và đoàn đại biểu cấp cao Vương quốc Campuchia; Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Salvador Valdés Mesa và đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước Cộng hòa Cuba; Phó Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Belarus Ipatau Vadzim và đoàn đại biểu Cộng hòa Belarus; Bộ trưởng Bộ Các vấn đề quân nhân xuất ngũ CHND Trung Hoa Bùi Kim Giai ; các tổ chức quốc tế; đại sứ, trưởng cơ quan đại diện, các tổ chức quốc tế, tùy viên quốc phòng của các nước tại Việt Nam; đông đảo bạn bè quốc tế đã từng ủng hộ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành đoàn thể TP.HCM và TP.Thủ Đức; cùng hơn 10.000 khán giả tại Công viên Sáng Tạo....
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc chương trình - Ảnh: Trần Huấn
Phát biểu khai mạc chương trình, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử của dân tộc, tạo nên một mùa Xuân thống nhất bất diệt. Nửa thế kỷ đã đi qua, những âm vang của mùa Xuân đại thắng mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời toàn thắng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
“Văn hóa nghệ thuật cũng là một trong những mặt trận quan trọng, góp phần vào sự thành công vang dội của khúc khải hoàn ca ngày 30/4/1975. Văn hóa và nghệ thuật còn có sứ mệnh soi đường dẫn dắt, kết nối giữa quá khứ và tương lai, giữa khổ đau và hạnh phúc, giữa ước mơ và hiện thực. Tiếp theo thành công của các chương trình nghệ thuật Ký ức để lại, Hẹn ước Bắc- Nam, Đất nước trọn niềm vui, cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn ca, chương trình nghệ thuật đặc biệt Mùa Xuân thống nhất là lời tri ân sâu sắc gửi tới các thế hệ đi trước, các chiến sĩ đồng bào đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, để cho đất nước được yên vui từ đó, để cho thắm màu cờ của tự do, để những tiếng cười vang khắp nơi từ ngày chiến thắng, như ca từ của bài hát Viết tiếp câu chuyện hòa bình -một trong những điểm nhấn của chương trình nghệ thuật”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Chương trình “Mùa Xuân thống nhất” thu hút đông đảo người xem - Ảnh: Dũng Phương
“Chương trình cũng là bản trường ca, nơi tiếng đàn vang lên từ niềm tin sâu thẳm, nơi mỗi lời ca là một bông hoa tưởng niệm, mỗi một chuyển động là nhịp đập của hàng triệu trái tim Việt Nam cho giấc mơ hòa bình và thịnh vượng.Thông điệp của từ chương trình là niềm tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh để có mùa Xuân thống nhất. Nhân dân Việt Nam sẽ đoàn kết cùng nhau viết tiếp bản hùng ca mới của kỷ nguyên xây dựng đất nước hùng cường và phát triển”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Chương trình Mùa xuân đất nước có sân khấu rộng hơn 1000m2, có hai tầng được thiết kế công phu, hoành tráng khi kết hợp giữa hình ảnh lịch sử, màu sắc đa dạng và âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng, kỹ xảo hiện đại. Nội dung chương trình được chia làm ba chương, với từng ca khúc, liên khúc, hoạt cảnh, phóng sự, tư liệu, nhân vật...tái hiện ý nghĩa, tầm vóc vĩ đại của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và phản ánh toàn diện, sâu sắc những thành tựu phát triển của đất nước sau 50 năm thống nhất.
Ảnh: Trần Huấn
Chương 1: “Nỗi đau chia cắt và con đường thống nhất”- với bối cảnh lịch sử sau năm 1954, khắc họa những mất mát, hy sinh trong giai đoạn đất nước bị chia đôi, đồng thời tôn vinh tinh thần đoàn kết, kiên cường của dân tộc. Ở chương này, khán giả được nghe lại những giai điệu da diết của liên khúc Câu hò bên bến Hiền Lương và bài tân cổ Ở hai đầu nỗi nhớ ; thấy lại khí thế hào hùng của Bài ca năm tấn - thời kỳ miền Bắc trở thành hậu phương lớn, dốc toàn lực sản xuất chi viện cho tiền tuyến; liên khúc Đường tôi đi dài theo đất nước và Xuân chiến khu là hình ảnh mai vàng, cùng các chiến sĩ giải phóng quân, cô gái dân quân du kích lạc quan và yêu đời; hoạt cảnh Mậu thân 1968 - Dưới hầm tối là nơi sáng nhất -tái hiện cảnh kẻ thù đàn áp phong trào của cách mạng và nhân dân - và ca cổ cải lương Mặt trời trong bóng tối (nhạc phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối) là những ký ức về mùa xuân Mậu Thân 1968, lời thơ chúc Tết của Bác vang lên qua đài phát thanh “Tiến lên toàn thắng ắt về ta”; khi Bài ca Hồ Chí Minh ngân vang, màn hình xuất hiện hình ảnh các tư liệu lịch sử về sự phản đối của thế giới với các cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam; tiếp theo liên khúc Bão nổi lên rồi và Tiến về Sài Gòn vang lên hùng tráng là ca khúc Đất nước trọn niềm vui cùng với hình ảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, bản tin chiến thắng khơi dậy niềm tự hào về trang sử hào hùng của dân tộc.
Giữa tiếng reo hò chiến thắng là khoảng lặng khi bà Tô Thị Khuy (vợ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Thọ Mạc) và ông Nguyễn Quang Dự (cựu chiến binh Lữ đoàn Tăng -Thiết giáp 202)...chia sẻ về nỗi đau mất chồng, mất đồng đội của những người dân, những người chiến sĩ trong trận chiến. “Bài ca tôi đã hát/ Với quê hương, với bạn bè, với cả cuộc đời/ Tôi không thể nào quên” trong ca khúc Bài ca không quên là lời tri ân những người lính đã ngã xuống trước và trong ngày 30/4 năm ấy, niềm tiếc thương cho họ trở thành bất tử đối với đất nước.
Chương 2: “Mùa Xuân hòa bình”- tái hiện khoảnh khắc lịch sử đại thắng mùa Xuân 1975, niềm vui thống nhất, hòa bình lập lại trên toàn cõi Việt Nam. Đó là ca khúc Lá đỏ và Tiếng hát từ thành phố mang tên người với hình ảnh cây cầu Hiền Lương đã nối liền hai bờ sông Bến Hải, cùng sân khấu tràn ngập sắc đỏ của lá cờ Tổ quốc thiêng liêng, niềm tự hào và xúc động dâng trào. Ca khúc Đất nước tình yêu kể tiếp câu chuyện hòa bình giữa đồng quê xanh màu lúa nước. Kết lại chương Mùa xuân hòa bình là ca khúc Niềm tin chiến thắng và những câu rap gây xúc động: “Tôi sinh ra từ làng quê nhỏ bé, chúng tôi lớn lên từ những bữa cơm độn sắn, độn khoai và những hạt bo bo viện trợ...Nhưng hình ảnh quê tôi lại vô cùng đẹp đẽ. Những cánh đồng xanh, những đàn cò trắng, những triền đê cong cong như con lươn lượn trong rổ cá. Chúng tôi lớn lên từ lời ru của bà và mẹ. Yêu lắm quê mình”.
Chương 3: “Mùa Xuân của kỷ nguyên mới”- phản ánh những thành tựu to lớn của đất nước sau 50 năm thống nhất, 40 năm đổi mới, với khát vọng xây dựng một nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chương trình trích dẫn lời chia sẻ của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, tạo tiền đề để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Một tiết mục của chương trình - Ảnh: Dũng Phương
Ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình vang lên như là lời tri ân công lao của cha ông ngày trước. “Để cho đất nước yên vui từ đó/Để cho đỏ thắm màu cờ tự do/Để những tiếng cười vang khắp nơi từ ngày chiến thắng” thể hiện ý chí quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.Tiếp nối là các ca khúc Khát vọng hòa bình, Tự hào là người Việt Nam - minh chứng cho tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam.
Mùa Xuân của thống nhất 50 năm trước đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc. Và hôm nay, mùa Xuân ấy vẫn đang tiếp tục thắp sáng tương lai, tiếp tục là nguồn động lực để đất nước ta vươn xa, tự tin sánh vai cùng bạn bè năm châu. Các ca khúc Lời trái tim Việt Nam - Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng cùng các màn pháo hoa, pháo sáng bay lên bầu trời là cộng hưởng rực rỡ cho màn kết thúc chương trình Mùa xuân thống nhất. Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm, , Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhiều lãnh đạo đã lên sân khấu cùng hòa giọng bài Như có Bác trong ngày đại thắng....Ở dưới khán đài, rất đông khán giả cũng cất cao lời hát và vẫy cờ đỏ sao vàng.
Chương trình Mùa xuân thống nhất được thực hiện bởi Tổng đạo diễn là PGS.TS Tạ Quang Đông- Thứ trưởng Bộ VHTTDL, cùng hơn 1.000 nghệ sĩ, dàn nhạc, hợp xướng, diễn viên múa....Trong đó, có NSND Quốc Hưng, NSND Thu Hiền, NSND Phượng Loan, NSND Trọng Phúc, NSND Quế Trân, NSND Hồ Ngọc Trinh, NSND Tự Long, NSƯT Võ Minh Lâm, NSƯT Phạm Khánh Ngọc, NSƯT Vũ Thắng Lợi, Đức Tuấn, Hòa Minzy, Bằng Kiều, Tuấn Hưng…và cả các cựu Chiến binh, cựu Công an nhân dân, cựu Thanh niên xung phong, cựu Dân công hỏa tuyến, chiến sĩ bộ đội đặc công, bộ đội biên phòng....
Với 90 phút đưa khán giả đi qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ hào hùng đến lắng đọng, Mùa Xuân thống nhất không chỉ là chương trình nghệ thuật thăng hoa, mà còn là một sự kiện văn hóa lớn, thắp sáng tinh thần tự hào dân tộc, đoàn kết, hòa bình và phát triển.
XUÂN HƯỚNG