NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐÈN ƠN ĐÁP NGHĨA THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Suốt 70 năm qua, ngày 27-7 trở thành một trong những ngày truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc của dân tộc. Đây là hoạt động thể hiện truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, thể hiện lòng biết ơn, tri ân đối với các gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng và là hoạt động để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, vận động toàn dân tham gia, chăm lo ngày một tốt hơn cho người có công với cách mạng và gia đình chính sách.

Kế thừa truyền thống nhân ái, tư tưởng nhân văn, nhân đạo của dân tộc, trong thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc ngày 27-7-1947,  Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí đó bị ốm yếu, què quặt. Vì vậy, tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”(1). Trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta... Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta...”(2). Người căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với mọi người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời còn phải giúp họ từng bước tự lực cánh sinh trong cuộc sống.

Trong Di chúc để lại,  Hồ Chí Minh căn dặn: “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân  dân ta”(3). Như vậy, tình thương yêu của Người không chỉ dành cho các đồng chí thương, bệnh binh mà còn dành cho các liệt sĩ - những người đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, sự quan tâm này vừa thể hiện sự chu đáo và lòng biết ơn sâu sắc của  Hồ Chí Minh đối với các anh hùng liệt sĩ, vừa phù hợp với truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đối với thân nhân của thương binh, liệt sĩ, Người căn dặn phải quan tâm, tạo công ăn việc làm cho họ, Người viết: “Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”(4).

Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trải qua hơn nửa thế kỷ, tinh thần ấy, ý chí ấy, tình cảm ấy của Người vẫn được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân lĩnh hội, kế thừa và phát huy. Với nhiều việc làm thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống hiếu nghĩa bác ái, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã vì độc lập, thống nhất của tổ quốc, vì tự do và cuộc sống yên bình của nhân dân mà hy sinh, cống hiến. Tuy nhiên, trước sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch… đã có một bộ phận thanh niên sao nhãng với các giá trị truyền thống, không nắm chắc lịch sử, đặc biệt là về những cống hiến, hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược để mang lại hòa bình như ngày hôm nay; trong tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ ở một số địa phương, đơn vị còn còn dàn trải, nội dung hoạt động còn hình thức và đơn điệu, chưa quan tâm thực sự đến những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của các đối tượng chính sách, nhất là đồng bào ở vùng cao, vùng xa, vùng khó khăn; một số nơi còn coi nhẹ công tác thông tin, tuyên truyền, công tác giáo dục truyền thống, nội dung hình thức còn nghèo nàn, đơn điệu, hiện tượng để sót đối tượng chính sách hay trục lợi chính sách xảy ra gây bức xúc trong xã hội... Những vấn đề trên có ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn vong của chế độ và tương lai, tiền đồ của dân tộc. Vì vậy, vấn đề đặt ra hết sức cấp thiết là cần phải nâng cao hiệu quả các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, nhất là cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Để thực hiện tốt vấn đề này, chúng ta cần làm tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử dân tộc, nhất là về những cống hiến, hy sinh trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược của các thế hệ cha anh cho các tầng lớp nhân dân, làm cho nhân dân nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ và truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc; qua đó, giúp họ trân trọng và tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ và những người có công với nước. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng người có công với cách mạng và thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng; khuyến khích, quan tâm, tạo điều kiện để họ phát triển sản xuất, kinh doanh và đảm bảo ổn định cuộc sống. Vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng bằng các hoạt động thiết thực như: quyên góp ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, nhận đỡ đầu, chăm sóc, phụng dưỡng thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ.

Hai là, các cấp ủy đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần quản lý, nắm chắc đối tượng người có công; phối hợp tốt giữa các cơ quan, đơn vị với địa phương trong việc lựa chọn đối tượng hỗ trợ và xây dựng nhà tình nghĩa; quan tâm đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho các đối tượng chính sách; giúp đỡ thiết thực, có hiệu quả các gia đình chính sách về vật chất cũng như tinh thần, trước hết là đối với những người, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn như: chưa có việc làm, không có khả năng lao động, thương tật do tham gia chiến tranh hoặc bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Đẩy mạnh kiểm tra và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm về công tác chính sách đối với người có công; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách, bảo đảm họ có đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn và khả năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ. Tập trung rà soát, giải quyết hồ sơ đối tượng tham gia kháng chiến, giải quyết hết những tồn đọng trong chính sách sau chiến tranh, nhất là những đối tượng bị nhiễm chất độc, người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong trong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến, người có công chăm nuôi liệt sĩ nhưng chưa được giải quyết chế độ.

Ba là, tiếp tục phát động và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa, tương thân, tương ái, toàn dân chăm sóc người có công với nước, làm cho phong trào ngày càng lan tỏa, rộng khắp và đi vào cuộc sống; thực hiện tốt phương châm Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu, làm cho mỗi gia đình người có công “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội”, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Xã hội hóa công tác chăm sóc thương binh, gia đình chính sách và người có công; đẩy mạnh các hoạt động thiết thực như chăm sóc thương binh nặng, bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn; khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để anh chị em thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, mở rộng phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước, bảo đảm về cơ bản gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.

Bốn là, tổ chức sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã có nhiều cố gắng trong học tập, công tác, phát triển kinh tế và tham gia hoạt động xã hội. Tiếp tục rà soát để bổ sung, hoàn thiện hệ thống các chính sách ưu đãi đối với người có công phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thực hiện tốt hơn nữa pháp lệnh ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Các cấp ủy và chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước và phong trào đền ơn đáp nghĩa; lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi, không để xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện các chính sách; tiếp tục làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; tích cực tìm kiếm, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ. Huy động các nguồn lực xã hội hóa trong quá trình xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, sửa chữa nâng cấp nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho người có công trên địa bàn; thực hiện các chương trình an sinh xã hội, trong đó tập trung ưu tiên cho đối tượng người có công với cách mạng, nhất là các đối tượng người bị nhiễm chất độc hóa học, thương binh nặng, con em người có công đang đi học; biểu dương các tập thể, cá nhân làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Phối hợp tốt với các đơn vị quân đội tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng chính sách, người có công và bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Như vậy, nâng cao hiệu quả các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề hết sức quan trọng. Đây không chỉ là đạo lý, mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, vừa có lợi ích trước mắt, vừa có lợi ích lâu dài và đảm bảo ổn định, đồng thuận trong xã hội; qua đó, động viên, huy động được đông đảo người dân tham gia một cách tích cực, tự giác vào hoạt động tình nghĩa này. Đối với thế hệ trẻ hiện nay, cần làm cho họ nhận thức và hành động đúng, phát huy sức mạnh trí tuệ, tinh thần và lực lượng, đoàn kết, sáng tạo, xung kích, tình nguyện tham gia vào các hoạt động thiết thực này nhằm tri ân các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần bảo đảm vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

______________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.175.

2. Hồ Chí Minh, sđd, tập 10, tr.3.

3, 4. Hồ Chí Minh, sđd, tập 12, tr.509-510.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 - 2017

Tác giả : NGUYỄN ĐĂNG TUYÊN

;