Nâng cao văn hóa pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp

Văn hóa pháp luật của công nhân lao động trong các khu công nghiệp là toàn bộ các giá trị, hoạt động nhằm phát triển ý thức, hình thành hành vi chấp hành mệnh lệnh, lối sống theo Hiến pháp và pháp luật. Nâng cao văn hóa pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp là một trong những nội dung thiết thực để nâng cao chất lượng toàn diện của giai cấp công nhân Việt Nam trong tình hình mới, đồng thời trực tiếp thực hiện sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người mới xã hội chủ nghĩa.

     Hiện nay, văn hóa pháp luật của công nhân lao động trong các khu công nghiệp bước đầu có sự phát triển. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm, triển khai thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú và bước đầu đạt một số kết quả quan trọng. Phần lớn công nhân lao động trong các khu công nghiệp được nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và năng lực thực thi pháp luật, biết tự bảo vệ mình theo pháp luật. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và phát triển văn hóa pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu về pháp luật chưa đạt được kết quả đề ra. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao. Môi trường văn hóa pháp luật ở nơi làm việc và sinh hoạt của công nhân lao động trong các khu công nghiệp chưa được quan tâm xây dựng, phát triển. Một bộ phận công nhân lao động trong các khu công nghiệp hiểu biết pháp luật hạn chế, dễ bị lôi kéo, kích động tham gia các hoạt động gây rối, dẫn đến vi phạm pháp luật, có lối sống thiếu lành mạnh, vướng vào các tệ nạn xã hội.

     Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội và doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng và tính cấp bách của việc nâng cao văn hóa pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm trong hiện thực hóa chủ trương, chính sách, của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực này. Sự phối hợp của các cấp, các ngành thiếu chặt chẽ, vai trò của các Ban quản lý các khu công nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và doanh nhân chưa được chú trọng. Đặc biệt, những tác động mặt trái của cơ chế thị trường cùng với áp lực về đời sống vật chất là nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình xây dựng phát triển văn hóa pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp hiện nay.

    Để nâng cao văn hóa pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:

    Một là, nâng cao sự đồng thuận về nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng đối với việc nâng cao văn hóa pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp.

    Nâng cao đồng thuận về nhận thức, là cơ sở quan trọng cho hoạt động thực tiễn của các tổ chức, lực lượng thực hiện có hiệu quả việc bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp.

    Để thực hiện tốt giải pháp này, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho các tổ chức, các lực lượng có nhận thức đồng thuận, sâu sắc về vai trò của việc nâng cao văn hóa pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp. Theo đó, cần phải làm cho các tổ chức, lực lượng có nhận thức đúng về vị trí của việc nâng cao văn hóa pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp là nội dung quan trọng, góp phần hoàn thiện nhân cách người công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để nâng cao sự đồng thuận về nhận thức, đòi hỏi phải phát huy và mở rộng dân chủ của các tổ chức, các lực lượng trong việc lựa chọn, xác định nội dung, hình thức và phương pháp nâng cao văn hóa pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp.

    Hai là, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp.

    Công tác này là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài nhằm chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật của công nhân, giúp công nhân nắm vững kiến thức pháp luật, tự giác chấp hành và tự đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình lao động sản xuất, tiến tới xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp chủ động xác định, lựa chọn nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm, điều kiện, tâm lý của công nhân lao động trong các khu công nghiệp. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải bảo đảm tính toàn diện, hệ thống và thiết thực, trong đó tập trung vào hệ thống pháp luật và các quy định của Nhà nước liên quan đến hoạt động của các khu công nghiệp, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công nhân, trình tự, thủ tục pháp luật quy định để bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân... Ngoài ra, cần phải kết hợp lồng ghép các giá trị đạo đức, truyền thống của giai cấp công nhân trong nội dung truyên truyền, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp. Vận dụng linh hoạt các phương pháp tuyên truyền, giải thích pháp luật; phương pháp thông tin pháp luật (sử dụng các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình, truyền thanh, tạp chí chuyên ngành pháp luật, các loại hình nghệ thuật như phim, ảnh, để chuyển tải nội dung, thông tin về thực hiện pháp luật); phương pháp nói chuyện, trao đổi về pháp luật; phương pháp nêu gương điển hình về thực thi, bảo vệ, tôn trọng pháp luật để mọi người bắt chước, noi theo tấm gương tốt, phê phán, lên án cái xấu...

    Cần sử dụng linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, như tập huấn, bồi dưỡng cho các đối tượng qua các khóa ngắn hạn; tổ chức các buổi tọa đàm về pháp luật, thành lập loại hình câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng tủ sách pháp luật; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Việc đa dạng hóa và sử dụng các phương pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói trên một cách linh hoạt, năng động, sáng tạo, phù hợp với đối tượng sẽ giúp cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp dễ tiếp thu, dễ hiểu và nhớ lâu, vận dụng được kiến thức, hiểu biết pháp luật vào thực tế một cách hiệu quả.

    Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức thực hiện của chính quyền, sự phối hợp hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội về việc nâng cao văn hóa pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp.

    Các cấp ủy đảng đưa nhiệm vụ xây dựng, nâng cao văn hóa pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp vào nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động. Cấp ủy đảng trong doanh nghiệp, khu công nghiệp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hóa pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp. Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tôn trọng và thực thi pháp luật. Chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nội dung các chương trình, đề án về xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiếp tục xây dựng, ban hành, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến công tác xây dựng và phát triển văn hóa pháp luật của công nhân lao động trong các khu công nghiệp. Tập hợp và phát huy vai trò của công nhân lao động trong các khu công nghiệp để tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư” và các phong trào thi đua yêu nước khác. Xác định chủ doanh nghiệp, doanh nhân và công nhân vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của việc xây dựng môi trường văn hóa pháp luật trong khu công nghiệp.

    Bốn là, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc xây dựng và phát triển văn hóa pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp.

    Công đoàn các cấp tăng cường giáo dục về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong, kỷ luật lao động công nghiệp và kiến thức, hiểu biết pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp. Xây dựng tiêu chí pháp luật trong hình ảnh, nhân cách người công nhân lao động mới thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi người lao động theo quy định của pháp luật, công đoàn trong các doanh nghiệp, các khu công nghiệp phải làm tốt công tác tham mưu, kịp thời đề xuất với chủ doanh nghiệp các nội dung, biện pháp nâng cao văn hóa pháp luật cho công nhân lao động. Thường xuyên trao đổi, nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội, hình thành và nhân rộng thói quen, nền nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cho công nhân lao động. Chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể trong doanh nghiệp, khu công nghiệp, trên địa bàn cư trú của công nhân lao động để tổ chức, vận động công nhân xây dựng và thực hiện văn hóa pháp luật hiệu quả bằng những hành động thiết thực hằng ngày.

    Năm là, đề cao vai trò, trách nhiệm tự nâng cao văn hóa pháp luật của công nhân lao động trong khu công nghiệp.

    Văn hóa pháp luật là một phẩm chất quan trọng trong nhân cách người công nhân mới. Cũng như các phẩm chất chính trị, đạo đức, văn hóa pháp luật của công nhân lao động trong các khu công nghiệp không phải tự nhiên có được mà là kết quả của cả một quá trình giáo dục, rèn luyện khoa học, tích cực tự giáo dục, tự bồi dưỡng nâng cao của mỗi người công nhân. Vì vậy, mỗi công nhân lao động trong các khu công nghiệp phải nhận thức rằng, tự nâng cao văn hóa pháp luật cho bản thân mình là một nội dung quan trọng để xây dựng và phát triển văn hóa, con người, giữa nghiêm kỷ cương pháp luật của Nhà nước. Việc rèn luyện và phát triển văn hóa pháp luật không chỉ là trách nhiệm mà còn là hành trang, là cơ sở bảo vệ chắc chắn quyền lợi chân chính của cá nhân mỗi người công nhân lao động trong các khu công nghiệp. Sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã và đang tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của giai cấp công nhân, đồng thời đặt ra những đòi hỏi mới cả về năng lực, trình độ, kỹ năng và nhân cách đối với lực lượng này, trong đó văn hóa pháp luật là một tiêu chí quan trọng. Thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong xây dựng và phát triển văn hóa pháp luật cho công nhân lao động các khu công nghiệp là trực tiếp phát triển giai cấp công nhân thời kỳ mới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tác giả: Nguyễn Đức Hùng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10-2019

;