NĂNG LỰC PHẢN BIỆN KHOA HỌC CỦA GIẢNG VIÊN TRONG NHÀ TRƯỜNG QUÂN ĐỘI

Năng lực phản biện của giảng viên nói chung giảng viên khoa học xã hội nhân văn (KHXHNV) nói riêng trong nhà trường quân đội là nội dung quan trọng trong nhân cách của nhà giáo, nhà khoa học trong lĩnh vực quân sự, tác động trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động, công tác của họ. Việc nghiên cứu, luận giải thấu đáo nội dung cơ bản và đề xuất biện pháp thiết thực nâng cao năng lực phản biện khoa học rất cần thiết, có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Giảng viên KHXHNV ở nhà trường quân đội là lực lượng trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực KHXHNV quân sự, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường, giữ vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh tư tưởng lý luận của quân đội. Hiện nay, trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng đã và đang tác động lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, hoạt động quân sự; sự chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam bằng nhiều phương thức tinh vi. Đồng thời, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và công tác đấu tranh tư tưởng lý luận đặt ra yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi đội ngũ nhà giáo, nhất là giảng viên KHXHNV ở nhà trường quân đội có sự phát triển toàn diện, trong đó, năng lực phản biện khoa học giữ vị trí quan trọng.

Năng lực phản biện khoa học của giảng viên KHXHNV ở nhà trường quân đội là sự thống nhất biện chứng giữa yếu tố tri thức khoa học, tri thức quân sự, tố chất, kỹ năng, kỹ xảo và kinh nghiệm hoạt động sư phạm quân sự hợp thành khả năng, phản ánh trình độ, quan điểm, chính kiến, phương pháp tư duy khoa học, quân sự, ý chí, nghị lực, bản lĩnh, niềm tin khoa học trong việc tiếp cận, phân tích, nhận diện, phát hiện vấn đề, tìm kiếm luận điểm, so sánh, đối chứng để khẳng định hay phủ định một vấn đề bằng các luận cứ khoa học, dự báo, định hướng, điều chỉnh nội dung, phương pháp trong các hoạt động, công tác ở môi trường quân sự của họ.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, năng lực phản biện khoa học giúp người giảng viên tự tin, chủ động, sáng tạo khi tiếp cận, phân tích, nhận diện, phát hiện vấn đề trong hoạt động thực tiễn quân sự, trong nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Từ đó, tạo nhu cầu tìm kiếm tri thức, xác lập luận cứ để luận giải, so sánh, phản biện và đề xuất những giải pháp thực hiện đúng đắn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học ở nhà trường quân đội. Năng lực phản biện khoa học giúp người giảng viên tiến hành đánh giá, thẩm định kết quả giảng dạy, nghiên cứu khoa học theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với nhiệm vụ cách mạng và đặc thù của hoạt động quân sự. Đồng thời, giúp họ tự ý thức, tự điều chỉnh những nhận thức lệch lạc về nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học bằng những luận cứ, luận chứng khoa học. Năng lực phản biện khoa học còn giúp người giảng viên nghiên cứu, dự báo tình hình, xác định tính khoa học của chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp dạy học các môn KHXHNV ở nhà trường quân đội, phù hợp với đặc thù của hoạt động quân sự một cách đúng đắn, thiết thực.

Trong công tác đấu tranh tư tưởng lý luận, năng lực phản biện khoa học giúp giảng viên chủ động, sáng tạo khi phân tích, lập luận, chứng minh, khẳng định bản chất cách mạng, giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội. Đồng thời, năng lực phản biện khoa học giúp người giảng viên có thể chuyển hóa khả năng nhận thức, những tri thức khoa học, tri thức quân sự, tình cảm, bản lĩnh chính trị, phương pháp tư duy, tố chất, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm hoạt động sư phạm quân sự của họ vào quá trình nghiên cứu, phân tích, đánh giá vấn đề, xác lập những chứng cứ khoa học để phê phán có hiệu quả những nhận thức lệch lạc của đồng đội, người học trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và trong thực hiện nhiệm vụ; đấu tranh có sức thuyết phục loại bỏ những quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội; phản bác kịp thời, hiệu quả những luận điệu xuyên tạc, phản động trong chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.

Quán triệt sâu sắc quan điểm về việc “tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học”(1) và “phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”(2) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và công tác đấu tranh tư tưởng lý luận; để nâng cao năng lực phản biện khoa học của giảng viên KHXHNV ở nhà trường quân đội hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:

Nâng cao nhận thức của giảng viên KHXHNV ở nhà trường quân đội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị của năng lực phản biện khoa học đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ của họ. Bồi dưỡng cho người giảng viên nhận thấy, năng lực phản biện khoa học là nội dung không thể thiếu trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, trong công tác đấu tranh tư tưởng lý luận và trong bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện, định hướng học viên học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học. Khi nhận thức đúng tầm quan trọng của năng lực phản biện khoa học, người giảng viên sẽ tích cực, chủ động nghiên cứu, học tập, rèn luyện nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt, xác định nội dung, hình thức, phương pháp và trực tiếp tiến hành phản biện khoa học trong các nhiệm vụ một cách thiết thực, hiệu quả.

Thường xuyên bồi dưỡng cho người giảng viên, giúp họ phát triển về trình độ nhận thức, tri thức khoa học, tri thức quân sự, chuyên môn, phẩm chất tâm lý, tố chất cá nhân, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm sư phạm quân sự, ý chí, nghị lực, bản lĩnh, niềm tin khoa học; hoàn thiện phẩm chất và năng lực của người quân nhân cách mạng, của nhà giáo, nhà khoa học. Bồi dưỡng cho họ hiểu biết sâu sắc, có hệ thống tri thức cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênnin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghệ thuật quân sự Việt Nam, những thành tựu khoa học hiện đại. Truyền thụ cho họ những tri thức khoa học, tri thức quân sự cần thiết, những thông tin mới, giúp họ tích lũy được nhiều tri thức, xác lập luận cứ khoa học vững chắc; hình thành năng lực và phương pháp tư duy biện chứng. Bồi dưỡng cho họ có khả năng tiếp cận, nghiên cứu, làm rõ bản chất, hiểu sâu sắc đối tượng, lĩnh vực cần phản biện; biết đánh giá, nhận diện, phát hiện vấn đề, dự báo xu hướng, định ra nội dung, phương thức phản biện đúng đắn.

Trên cơ sở phát hiện được vấn đề cần phản biện khoa học, định hướng cho người giảng viên biết tạo ra nhu cầu để tìm kiếm tri thức, các dữ liệu cần thiết, kết hợp với kinh nghiệm, tố chất cá nhân, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm vào phân tích, mở rộng, đào sâu suy nghĩ, so sánh, đối chứng, khái quát, để chuyển hóa thành nội dung, phương thức tiến hành khẳng định hay phủ định vấn đề nghiên cứu bằng các luận cứ, luận chứng khoa học trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và đấu tranh tư tưởng lý luận trong quân đội phù hợp, hiệu quả. Truyền thụ cho người giảng viên biết chuyển hóa những tri thức, nội dung, phương thức phản biện khoa học, tố chất, kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo đã được tích lũy thành hoạt động phản biện khoa học trên thực tế có hiệu quả.

Hình thành ở người giảng viên ý chí, bản lĩnh chính trị, niềm tin khoa học, bản lĩnh khoa học vững vàng của người quân nhân cách mạng trong hoạt động phản biện khoa học. Rèn luyện tố chất cá nhân tốt, mạnh dạn, thẳng thắn, nghiêm túc trong phản biện trên cơ sở tri thức khoa học, tri thức quân sự; không né tránh, qua loa, chiếu lệ, thiếu dũng khí, thiếu nhiệt huyết trong phản biện khoa học, nhất là khi phản biện những tư tưởng, quan điểm bảo thủ, sai trái, thù địch.

Đa dạng hóa và tổ chức tốt các hoạt động thực tiễn phản biện khoa học để đưa giảng viên vào rèn luyện năng lực phản biện khoa học. Căn cứ vào tình hình thực tế đưa họ vào các hoạt động như: giảng dạy, trao đổi, thảo luận, đánh giá, chấm thi, sinh hoạt học thuật, tọa đàm khoa học, đóng góp ý kiến bài giảng, hướng dẫn, nhận xét khóa luận; tham gia các hoạt động khoa học sau đại học như: giảng dạy, kiểm tra, đánh giá các chuyên đề tiến sĩ, tiểu luận tổng quan; tư vấn, thẩm định đề cương luận văn, đề cương luận án; hướng dẫn, nhận xét, đánh giá luận văn, luận án; tham gia đề tài khoa học các cấp và hội thảo khoa học… thuộc chuyên ngành KHXHNV quân sự phù hợp với trình độ học vấn và khả năng của người giảng viên.

Xây dựng bầu không khí làm việc thật sự khoa học. “Tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong nghiên cứu lý luận”(3), để người giảng viên luôn chủ động, tích cực tham gia các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đấu tranh tư tưởng lý luận và các hoạt động khoa học khác; giúp họ có điều kiện thực hiện phản biện khoa học. Hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế, chính sách đối với giảng viên, bảo đảm thiết thực, phù hợp, tạo động lực mạnh mẽ để nghiên cứu, học tập, tích lũy tri thức, kinh nghiệm, tích cực tham gia hoạt động phản biện khoa học có hiệu quả.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng ở nhà trường quân đội trong việc nâng cao năng lực phản biện khoa học của giảng viên KHXHNV. Trước hết, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ giảng viên phát triển về toàn diện. Tạo điều kiện thuận lợi để họ thực hiện nhiệm vụ và tham gia hoạt động phản biện khoa học hiệu quả. Xây dựng nhà trường thực sự trở thành môi trường khoa học, tạo được sự cuốn hút và động viên, khuyến khích họ tích cực tham gia hoạt động phản biện khoa học. Các cơ quan chức năng làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy nhà trường và hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt việc bồi dưỡng, giúp đỡ giảng viên trong việc nghiên cứu, học tập, tu dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó có năng lực phản biện khoa học.

Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi giảng viên trong việc tự nghiên cứu, tự học tập, tự rèn luyện để nâng cao năng lực, trình độ, thực sự là người có tri thức khoa học, tri thức quân sự, có bản lĩnh vững vàng, có năng lực phản biện khoa học tốt. Mỗi giảng viên cần thường xuyên tự rèn luyện năng lực phân tích, nhận định tình hình, phát hiện vấn đề; nhạy bén, sáng tạo, trong việc xác định nội dung, phương thức và tích cực, chủ động, linh hoạt trong lập luận, bắt bẻ có cơ sở khoa học những vấn đề cần phản biện trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học ở nhà trường và trong đấu tranh tư tưởng lý luận kịp thời, hiệu quả. Chủ động học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của đồng đội, tự giác rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, thẳng thắn, kiên quyết, kiên trì và nghiêm túc trong phản biện khoa học. Mạnh dạn, tự giác, nghiêm túc tham gia phản biện, tự định hướng, tự phản biện các nội dung giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tiến hành đấu tranh tư tưởng lý luận, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ ở nhà trường quân đội trong tình hình mới.

____________

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lấn thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.297 - 298, 115.

3. Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lấn thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.256. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 - 2018

Tác giả : NGUYỄN THANH HẢI

;