Trước đây, nói đến du lịch Nghệ An mọi người thường nghĩ ngay đến du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng. Trong những năm gần đây ngành Du lịch Nghệ An đã và đang đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, không chỉ trông chờ vào du lịch biển trong những tháng mùa hè, Nghệ An đã đẩy mạnh khai thác các loại hình, sản phẩm du lịch khác như: du lịch văn hóa tâm linh; danh lam thắng cảnh; tham quan làng nghề…
Du lịch tâm linh đang ngày một thu hút khách du lịch đến với Nghệ An (Trong ảnh: thực hành nghi lễ Hầu đồng tại đền thờ Đức thánh Hoàng Mười)
Nghệ An không chỉ có du lịch biển...
Nghệ An là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích lớn nhất cả nước (16.490km2), có địa hình tự nhiên đa dạng gồm cả rừng núi, đồng bằng, biển và hải đảo với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nên thơ, là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên của Nghệ An khá đa dạng, trong đó nổi bật là hệ thống rừng nguyên sinh ở khu vực phía Tây Nghệ An, hình thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới lớn nhất Đông Nam Á (hơn 1.300km2 mà vùng lõi là Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt) đã được được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2007. Bên cạnh đó, Nghệ An còn có hệ thống hang động tương đối phong phú, độc đáo, trong đó có một số hang động đã phát hiện được các di tích khảo cổ về cuộc sống của người Việt cổ cách đây hàng chục vạn năm như: tại Quỳ Châu có hang Thẩm Ồm, hang Cỏ Ngùn, đặc biệt là hang Bua - nơi đã từng đón Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương trong chuyến kinh lý Nghệ An; hang Poòng (Quỳ Hợp),...
Một số mô hình du lịch cộng đồng ở các huyện miền Tây Nghệ An như: Bản Nưa (Con Cuông), Bản Hoa Tiến (Quỳ Châu), Bản Cọ Muồng (Quế Phong), Bản Mường Lống (Kỳ Sơn)... đã trở thành điểm nhấn trên bản đồ du lịch Nghệ An, thu hút đông đảo khách du lịch. Du lịch sinh thái, canh nông phát triển với mô hình khá đa dạng: Vườn quốc gia Pù Mát (Con Cuông); Thung lũng Hoa Phủ Quỳ, khu du lịch sinh thái Hòn Mát, Trương Gia Farm, Trang trại TH (Nghĩa Đàn); Điểm du lịch sinh thái Eo Gió (Nam Đàn); Do Luong Legend Camping & Resort (Đô Lương), Khu du lịch HDT (Thanh Chương)...
Với 82km bờ biển, Nghệ An có nhiều bãi tắm đẹp như Cửa Lò, Bãi Lữ, Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Diễn Thành… cùng những bãi cát trắng mịn, nước trong, có độ mặn vừa phải, môi trường trong lành, rất thích hợp cho sự phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, chữa bệnh. Ngoài ra, Nghệ An còn là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa, quê hương của các bậc anh hùng, hào kiệt. Hiện nay Nghệ An có 2602 di tích được kiểm kê, trong đó có 492 di tích được xếp hạng các cấp: 146 di tích cấp quốc gia, 6 di tích quốc gia đặc biệt, 340 di tích cấp tỉnh; 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và nổi bật là Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt Kim Liên - Nam Đàn, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, Nghệ An còn có nhiều di tích để phát triển loại hình du lịch tâm linh, thu hút lượng khách lớn đến tham quan như ba ngôi đền (đền Cờn, Quả Sơn, Bạch Mã) nằm trong Tứ linh Tự nổi tiếng của Xứ Nghệ “Nhất Cờn, Nhì Quả, Tam Bạch Mã, Tứ Chiêu Trưng”, hay đền thờ và mộ Đức thánh Hoàng Mười, đền Cuông, đền Quang Trung, chùa Đại Tuệ, các Bảo tàng trên địa bàn...
Bảo tháp Đại Tuệ 9 tầng cao 32m, tại chùa Đại Tuệ
Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Trần Xuân Cường cho biết, tỉnh đang khai thác: Du lịch biển, nghỉ dưỡng kết hợp với thưởng thức văn hóa ẩm thực, mua sắm; Du lịch tham quan các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh; Du lịch tham quan làng nghề; Du lịch MICE, Du lịch GOLF (hiện nay Nghệ An có 3 sân Golf); Du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng bản địa gắn với sinh thái, làng nghề. Đặc biệt sau thời điểm từ mùng 2-9 đến cuối năm, du lịch văn hóa - lễ hội gắn với tâm linh phát triển mạnh, thu hút đông đảo du khách đến với Nghệ An.
Hiện nay, với hơn 3,1 triệu người, Nghệ An có dân số đứng thứ tư cả nước, gồm 6 dân tộc Kinh, Thái, Thổ, Hơ Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, mỗi dân tộc đều mang một bản sắc văn hóa, ngôn ngữ riêng. Vì vậy, Nghệ An có nền văn hóa dân gian phong phú đặc sắc với âm nhạc dân gian, các phong tục, các tập quán, lễ hội, văn hóa ẩm thực… Đặc biệt, Nghệ An đang đẩy mạnh khai thác phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch, một số địa phương như tại huyện Nam Đàn, thị xã Cửa Lò, du thuyền Hải Châu trên sông Lam đã hình thành các điểm trình diễn Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại) gắn với các điểm tham quan; các bản làng du lịch cộng đồng ở Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong... cũng hình thành đội văn nghệ để phục vụ khách du lịch. Nhiều lễ hội truyền thống, lễ hội mới được tổ chức gắn với các giá trị nguyên gốc và hoạt động của cộng đồng đã tạo thêm sức hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, Nghệ An từng bước khảo sát, xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, hấp dẫn như: du lịch mạo hiểm, du lịch caravan... Du lịch mạo hiểm với tour Caravan khám phá cung đường miền Tây và chinh phục đỉnh Pùxailaileng tích cực được giới thiệu, quảng bá trên các kênh truyền thông. Du lịch Thể thao từng bước được khai thác: Các giải chạy Marathon, đánh Golf... Phố ẩm thực đêm Thành cổ Vinh; phố đi bộ tại thành phố Vinh; Phố đêm Nguyễn Huệ Cửa Lò được đầu tư, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật đường phố, dịch vụ vui chơi, giải trí, ẩm thực nhằm phục vụ du khách về ban đêm.
Thông tin về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Văn Cường cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 64 công ty và chi nhánh lữ hành, trong đó có 30 công ty và 3 chi nhánh quốc tế, 31 công ty nội địa và có 364 hướng dẫn viên. Nghệ An có 930 cơ sở lưu trú, hơn 22.000 buồng, với 4 khách sạn 5 sao, 10 khách sạn 4 sao, 28 khách sạn 3 sao, cùng 30 điểm du lịch.
Đền thờ Quang Trung
Những “con số” ấn tượng
Theo thông tin của Sở Du lịch Nghệ An, cùng với sự phát triển của du lịch toàn tỉnh, lượng khách đến các điểm du lịch vùng ven biển tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, chiếm 50% lượng khách du lịch đến tỉnh Nghệ An. Nguồn khách du lịch nội địa chủ yếu đến từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc (chiếm 50%-55%). Số còn lại là khách nội tỉnh, khách từ TP.HCM và các tỉnh phía nam.
Cùng với đó, nguồn khách du lịch quốc tế chủ yếu đến từ thị trường các nước Lào, Thái Lan, Trung Quốc và một số nước thuộc khối ASEAN (chiếm 67%-75%). Số còn lại là khách đến từ thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu, châu Mỹ...
Thời gian qua, du lịch Nghệ An đã đạt được sự tăng trưởng tốt cả về số lượng khách và tổng doanh thu. Doanh thu du lịch biển luôn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu du lịch toàn tỉnh tương ứng với số lượng khách đến Nghệ An. Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Trần Văn Cường cho biết thêm, năm 2024, lượng khách du lịch ước đạt 9.200.000 lượt bằng 110% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách lưu trú đạt 5.800.000 lượt bằng 110% so với cùng kỳ năm 2023; khách quốc tế đạt 120.000 lượt. Doanh thu du lịch đạt 11.000 tỷ đồng, bằng 141% so với cùng kỳ năm 2023.
Với tiềm năng và lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng, tỉnh Nghệ An đang trở thành cầu nối giữa các vùng du lịch trong cả nước như: Liên kết các tỉnh Bắc miền Trung, các tỉnh trong khu vực Bắc - Nam Trung Bộ, kết nối cao tốc Bắc Nam, liên kết với thị trường Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, liên kết với TP.HCM và khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long... Nghệ An đang là điểm khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại và cũng là điểm khởi đầu của tuyến du lịch hành lang Đông Tây (theo quốc lộ số 8), nhiều chương trình kết nối các di sản như “Hành trình qua các miền Kinh đô Cổ”, khám phá hệ thống hang động ở miền Trung (Động Thiên Đường, hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới ở Quảng Bình)... Bên cạnh đó, Nghệ An còn là điểm trung chuyển du lịch với các nước láng giềng Lào, Thái Lan và các nước Đông Nam Á.
Những nỗ lực của Nghệ An trong thời gian qua cho thấy quyết tâm xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Bài, ảnh: THANH DANH