NGOẠI GIAO VĂN HÓA TRONG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM

Trong đời sống của nhân loại nói chung và trong mối quan hệ quốc tế nói riêng, văn hóa có vai trò rất quan trọng. Văn hóa là tấm gương phản chiếu tâm hồn, nhân cách cộng đồng của một dân tộc. Văn hóa là một trong những nhân tố then chốt tạo nên sức mạnh mềm của một quốc gia, con đường ngắn nhất để các quốc gia xích lại gần nhau. Trong thời đại toàn cầu hóa, văn hóa càng trở nên quan trọng với ý nghĩa là sức mạnh mềm trong sức mạnh tổng hợp của quốc gia, có khả năng thâm nhập mạnh mẽ để đạt được mục tiêu mà các biện pháp chính trị, quân sự chưa chắc có thể đạt được. Với xu hướng nổi trội đối thoại thay cho đối đầu, ngoại giao văn hóa (NGVH) được xem là một trong những trụ cột chính, giữ vai trò quan trọng của hoạt động ngoại giao.

1. Nhận thức chung về vai trò của NGVH trong chính sách phát triển

NGVH là hoạt động ngoại giao gắn liền với văn hóa. Đây là một lĩnh vực đặc biệt của hoạt động ngoại giao, sử dụng văn hóa như là đối tượng, phương tiện nhằm đạt được mục tiêu cơ bản trong chính sách đối ngoại của quốc gia, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ quốc gia trên thế giới. Trong lịch sử ngoại giao thế giới, NGVH đã xuất hiện từ rất sớm với nhiều hình thức biểu hiện khác nhau ở mỗi quốc gia. Truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia chính là thế mạnh của hoạt động ngoại giao. Ở một khía cạnh nào đó, hoạt động NGVH là sự cọ xát, giao lưu tư tưởng, trao đổi thông tin, nghệ thuật, lối sống, hệ giá trị, truyền thống, tín ngưỡng và các phương diện khác của văn hóa nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, từ đó đạt được mục tiêu đề ra trong chính sách phát triển của đất nước. Vì vậy, các quốc gia ngày càng chú ý nhiều hơn đến vai trò của văn hóa trong hoạt động ngoại giao với các chủ đề như đa dạng văn hóa, đối thoại giữa các nền văn hóa - văn minh, văn hóa hòa bình, sức mạnh mềm của văn hóa… và văn hóa được sử dụng như một phương tiện hiệu quả hỗ trợ thúc đẩy quan hệ chính trị, an ninh, kinh tế…

Trong thời đại ngày nay, thế giới đang trở nên phẳng hơn, các đường biên giới về chính trị, kinh tế giữa những quốc gia đang dần mờ đi bởi cơn lốc toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Nhu cầu được hội nhập với thế giới nhưng vẫn giữ lại và khẳng định được bản sắc riêng trở thành nhu cầu tất yếu của mỗi quốc gia. Do đó, NGVH ngày càng thể hiện vai trò là sách lược ngoại giao quan trọng cho các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. NGVH được thực hiện thông qua tương tác đa diện giữa nhiều chủ thể khác nhau, bao gồm các cơ quan chính phủ, liên chính phủ và phi chính phủ. Với đặc thù và thế mạnh của mình, NGVH tạo ra những loại hình hoạt động đặc thù như: thông tin tuyên truyền đối ngoại; xây dựng các cơ sở, công trình văn hóa, lịch sử ở nước ngoài; giao lưu, trao đổi các đoàn văn hóa nghệ thuật; hợp tác với các quốc gia cùng tổ chức các sự kiện văn hóa; tham gia các hoạt động và tổ chức hợp tác quốc tế về văn hóa; tổ chức các hoạt động văn hóa thông qua hoạt động kiều bào… nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong chính sách phát triển quốc gia. Ở mỗi quốc gia, NGVH được nhìn nhận và có vai trò riêng trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia. Nhìn chung, có thể khái quát những vai trò của NGVH như sau:

Về chính trị: đối với các nước lớn, NGVH là con đường để mở rộng ảnh hưởng của mình với thế giới. Đối với các nước nhỏ hơn, NGVH được sử dụng nhằm quảng bá hình ảnh đất nước và tăng cường phát triển, qua đó nâng cao tiếng nói trên trường quốc tế.

Về an ninh: trên cơ sở tăng cường sự hiểu biết, thiện chí, NGVH tạo môi trường thân thiện, thuận lợi… cho hoạt động ngoại giao, đảm bảo cho mối quan hệ tốt đẹp. NGVH giúp nâng cao sự hiểu biết, chấp nhận lẫn nhau nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển. Khi quan hệ chính trị và kinh tế gặp trở ngại, NGVH góp phần tháo gỡ những rào cản và thu hút thiện cảm, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chống lại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ an ninh quốc gia.

Về kinh tế xã hội: NGVH là cách quảng bá hình ảnh quốc gia, bộ mặt nền kinh tế, tiếp thị các sản phẩm của nền kinh tế, dịch vụ kinh tế, văn hóa. Đồng thời thu hút đầu tư, du lịch và khai thác các ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc thông qua sự trao đổi qua lại có tương tác. Quá trình trao đổi này giúp cho các quốc gia tiếp nhận những giá trị và thành tựu văn hóa nổi bật của nhân loại để làm giàu thêm kho tàng văn hóa của dân tộc, hướng tới việc gìn giữ, phát huy và điều chỉnh các giá trị văn hóa riêng cho phù hợp với dòng chảy phát triển chung của thế giới.

Như vậy, NGVH là con đường hai chiều ngày càng phát triển rộng mở và thông suốt trong bối cảnh toàn cầu hóa hội nhập quốc tế. Là kênh tác động trực tiếp và hiệu quả nhất vào lòng người vì chủ thể của hoạt động đối ngoại không chỉ đơn thuần là nhà nước mà còn cả nhân dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác. Hiện nay, cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực thông tin truyền thông đã mở ra nhiều cơ hội để các quốc gia quảng bá văn hóa, đất nước, con người và tiếp thu những tinh hoa văn hóa nước ngoài một cách dễ dàng hơn. Do vậy, NGVH có điều kiện hết sức thuận lợi để phát huy vai trò, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

2. NGVH trong chính sách phát triển Việt Nam hiện nay

Văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế của mỗi nước cũng như trong đời sống quốc tế đương đại nói chung, nhất là trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế hóa hiện nay. NGVH là công cụ quan trọng để tăng cường hiểu biết, thắt chặt mối quan hệ chính trị giữa các nước, từ đó góp phần vào hòa bình, ổn định và nâng cao vị thế của quốc gia.

NGVH Việt Nam với mục tiêu: góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, góp phần phát triển văn hóa quốc gia. Cụ thể, NGVH góp phần nâng cao sự hiểu biết đúng đắn, sâu sắc hơn về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam. Đồng thời, các hoạt động NGVH là kênh tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần làm phong phú và sâu sắc hơn những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước. NGVH góp phần kiến tạo lòng tin để xây dựng quan hệ hữu nghị bền vững giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Thông qua việc áp dụng các nội dung, hình thức văn hóa: nghệ thuật, lịch sử, tư tưởng, truyền thống văn hóa, thông tin… nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của chính sách đối ngoại quốc gia, tạo hình ảnh tốt đẹp của đất nước, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ quốc gia để xây dựng uy tín, vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam với thế giới.

Trong Chiến lược NGVH đến năm 2020, Việt Nam khẳng định NGVH là một trong ba trụ cột chính của nền ngoại giao toàn diện của Việt Nam bên cạnh ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị. Ba trụ cột này gắn bó, tác động lẫn nhau, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ngoại giao chính trị có vai trò định hướng, ngoại giao kinh tế là nền tảng vật chất, còn NGVH là nền tảng tinh thần của hoạt động đối ngoại. Hoạt động NGVH nhằm làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, tăng cường xây dựng lòng tin với các quốc gia trên thế giới, đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, qua đó nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội. Các hoạt động NGVH cũng góp phần tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước.

Trong những năm gần đây, NGVH Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng, đóng góp vào thành công chung của hoạt động ngoại giao. NGVH đã tích cực góp phần tổ chức thành công nhiều sự kiện, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. NGVH góp phần quảng bá văn hóa, tăng cường sự hiểu biết giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế, xây dựng lòng tin và các mối quan hệ hữu nghị lâu dài. Các hoạt động NGVH như giao lưu văn hóa nghệ thuật quốc tế trong và ngoài nước, đăng cai tổ chức những sự kiện văn hóa quốc tế, chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài… được chú trọng trong những năm qua, góp phần to lớn vào việc quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới, tạo một vị thế mới cho Việt Nam. Đặc biệt, những thành tựu của công cuộc đổi mới, môi trường chính trị ổn định, hòa bình, người dân thân thiện và hiếu khách, nhiều danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, lễ hội truyền thống đặc sắc… là những hình ảnh thường xuyên được thông tin, tuyên truyền, quảng bá đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới.

Chương trình Tuần văn hóa Việt Nam, Ngày Việt NamTrại hè Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức hàng năm tại nhiều quốc gia trên thế giới đã góp phần tích cực trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Chương trình Ngày Việt Nam là tổng hợp các hoạt động về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa. Bản sắc văn hóa Việt Nam được giới thiệu thông qua các hoạt động trưng bày, triển lãm văn hóa phẩm, tác phẩm nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, hội thảo, tọa đàm, ẩm thực... Trong đó, ẩm thực Việt Nam với các món ăn nổi tiếng lâu đời với kỹ thuật chế biến tinh xảo và cầu kỳ bằng nhiều nguyên liệu nổi tiếng của từng vùng miền trong cả nước là một trong những thế mạnh để Việt Nam khai thác nhằm quảng bá hình ảnh đất nước thông qua NGVH.

Với những nỗ lực trong công tác NGVH, hình ảnh Việt Nam và văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng lên một tầm cao mới. Mối quan tâm tìm hiểu về Việt Nam từ phía các nước trên thế giới ngày càng được khẳng định và thúc đẩy rộng rãi, có chiều sâu và mang tính thực tiễn hơn. Thông qua hoạt động NGVH, Việt Nam được biết đến là đất nước giàu truyền thống với bề dày hàng ngàn năm lịch sử. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được thế giới công nhận và tín nhiệm cho đăng cai nhiều sự kiện văn hóa, hội nghị, hội thảo lớn như: Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị Phụ nữ châu Á Thái Bình Dương (12-2000), Hội nghị đối thoại văn hóa văn minh vì hòa bình và phát triển châu Á Thái Bình Dương (12-2004) và các Hội nghị cấp nguyên thủ quốc gia như APEC, ASEM… Trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017 với những hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa bên lề của sự kiện đã được Việt Nam chuẩn bị chu đáo nhất để đón tiếp các vị khách quốc tế. Sự kiện này là cơ hội để quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, tính thân thiện, hiếu khách, năng động, sáng tạo và sẵn sàng hội nhập với thế giới của người dân Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Đồng thời, sự kiện là cơ hội để giới thiệu văn hóa, cuộc sống, con người của các nền kinh tế thành viên APEC, qua đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ sở mở rộng hợp tác kinh tế. Hoạt động giới thiệu văn hóa tại APEC 2017 nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân dành cho công việc từ vẽ tranh cổ động, sáng tạo mẫu logo, bộ nhận diện hình ảnh Năm APEC 2017, Vườn tượng APEC, Tuần phim APEC Việt Nam 2017, Cuộc thi ảnh APEC 2017 đến việc thiết kế trang phục cho lãnh đạo, tổ chức gala dinner, giao lưu nghệ thuật… đều mang dấu ấn Việt Nam, đảm bảo trọng thị, vừa thể hiện truyền thống vừa mang tính hiện đại.

Hoạt động NGVH Việt Nam góp phần tích cực vận động, mang lại niềm tự hào về các danh hiệu văn hóa thế giới. Nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận di sản thế giới như: Vịnh Hạ Long (1994, 2000), Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (2003), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Hoàng Thành Thăng Long (2010), hát xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương… Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Việt Nam mà còn là cơ hội để cộng đồng quốc tế chia sẻ và thưởng thức các giá trị văn hóa, tinh thần của Việt Nam.

Các hoạt động NGVH lồng ghép trong những chuyến viếng thăm, trao đổi như giao lưu văn hóa nghệ thuật, giới thiệu văn hóa Việt Nam… đóng vai trò tích cực trong việc thay đổi cách nhìn nhận của đối tác quốc tế đối với Việt Nam. Sự trân trọng các giá trị văn hóa là nhịp cầu nối để vượt qua những khác biệt. Các hoạt động NGVH góp phần thắt chặt mối quan hệ chính trị, xóa nhòa bất đồng chính trị, giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau đưa đến sự thân thiện, những cam kết tăng cường hợp tác văn hóa toàn cầu, thúc đẩy tình hữu nghị giữa Việt Nam với quốc tế và ngược lại, góp phần vào hòa bình, ổn định và nâng cao vị thế của đất nước.

Thông qua hoạt động NGVH, các giá trị, tinh hoa văn hóa và tri thức của nhân loại đã được tiếp thu có chọn lọc góp phần làm phong phú, đa dạng và phát triển cho nền văn hóa Việt Nam, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân. Đồng thời chuyển tải nhiều ý tưởng và chương trình lớn của Liên hợp quốc, Tổ chức UNESCO vào các chương trình hành động quốc gia như xây dựng xã hội học tập, xã hội thông tin…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được và so với một số nước trong khu vực thì hoạt động NGVH của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, yếu kém nên mức độ ảnh hưởng của vị thế, sức mạnh quốc gia của Việt Nam đến với các nước chưa mang lại nhiều hiệu quả như kỳ vọng.

Một quốc gia sẽ không thể phát triển nếu đứng ngoài xu thế chung của toàn thế giới. Hội nhập là yêu cầu cần thiết và để hội nhập thì cần phải biết mình, biết người, phải làm cho bên ngoài hiểu về mình cũng như tìm hiểu các quốc gia khác để có thể đạt được kết quả tốt đẹp trong quan hệ hợp tác. Trong hoạt động ngoại giao, văn hóa đôi khi đi trước chính trị. Một quốc gia có thể có những hoạt động giao lưu văn hóa khi chưa có quan hệ ngoại giao và văn hóa có thể là cầu nối dẫn đến quan hệ ngoại giao. Khi đã có quan hệ ngoại giao thì giao lưu văn hóa, giới thiệu bản sắc của mỗi quốc gia sẽ làm cho các quốc gia xích lại gần nhau hơn. Trong lịch sử nền ngoại giao Việt Nam, NGVH đã nhiều lần được sử dụng thành công để hóa giải những xung đột và tạo dựng quan hệ hữu nghị lâu bền với các nước. Trong quá trình hội nhập hiện nay, xây dựng chiến lược lâu dài, phát huy vai trò của NGVH để nâng tầm hiểu biết của cộng đồng quốc tế và củng cố mối quan hệ với các quốc gia khác, xây dựng lòng tin chiến lược, tạo thêm nguồn lực cho vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục là định hướng ưu tiên cho công tác đối ngoại Việt Nam trong thời gian tới, góp phần vào thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển và bảo vệ tổ quốc.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 - 2018

Tác giả : LÊ THỊ BÍCH THỦY

;