NGÔI ĐÌNH THỜ CON VUA LÝ THÁI TỔ

 

1. Từ phong tục cúng đình

Phong tục cúng đình ở TP.HCM và Nam Bộ, ngoài phần lễ gồm chương trình tế lễ cổ truyền của ban nghi lễ đình và phần cúng kiếng của dân làng, còn có phần hội, chủ yếu gồm hai hoạt động là dự tiệc đình để thụ lộc thần và xem chương trình hát bội cúng thần ngay tại gian võ ca của đình. Đặc biệt, những năm nào dân làng làm ăn thuận lợi và thành công thì hai phần lễ và hội này càng tổ chức quy mô, trang trọng hơn và cũng vui vẻ hơn.

Đình Thông Tây Hội, tọa lạc tại số 107/1, đường Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM, là một ngôi đình có phong tục cúng đình khác lạ với tất cả ngôi đình khác ở TP.HCM và Nam Bộ. Sự khác biệt đó chính là đình Thông Tây Hội không bao giờ tổ chức chương trình hát bội cúng thần trong dịp lễ kỳ yên hằng năm, cho dù năm đó dân làng làm ăn thành công cách mấy cũng vậy. Những vị cố lão trong làng kể rằng, trước đây, ban hội hương đình đã từng đồng ý tổ chức chương trình hát bội cúng thần trong một dịp lễ kỳ yên do một người trong làng dâng cúng, vì người này đã được thần thành hoàng của đình Thông Tây Hội phù hộ làm ăn thành công. Nhưng ngay sau lễ, nhiều vị trong ban hội hương của đình đã lâm bệnh nặng và qua đời! Mọi người nói với nhau rằng thần thành hoàng của đình Thông Tây Hội chắc là không ưa hát bội, và từ đó không ai dám đưa chương trình hát bội vào lễ kỳ yên của đình nữa.

Sự thật như thế nào? Phải chăng thần thành hoàng của đình Thông Tây Hội cũng giống như đa số thế hệ người Việt Nam hiện đại đã không còn ưa thích hát bội nữa, bởi “thần chẳng qua cũng ở bụng dân mà ra, lòng dân có thuận thì thần mới thuận” như Phan Kế Bính đã từng viết? (1).

Truy nguyên việc thờ cúng của đình Thông Tây Hội, người ta thấy rằng, đình này từ lâu, đã thờ Đông Chinh vương và Dực Thánh vương làm thần thành hoàng, với thần vị ghi Đông Chinh, Dực Thánh thành hoàng đại vương chi vị.

 

2. Đến thần thành hoàng của đình Thông Tây Hội

Khai thác sử liệu Việt Nam, người ta thấy rằng Đông Chinh vương và Dực Thánh vương vốn là hai hoàng tử, con của vua Lý Thái Tổ, sinh ra khoảng cuối TK X và mất khoảng giữa TK XI.

Cả Đông Chinh vương và Dực Thánh vương đều đã được Ngô Sĩ Liên nhắc đến mỗi người sáu lần trong sách Đại Việt sử ký toàn thư (2). Năm 1018, vua Lý Thái Tổ phong hoàng tử Lực làm Đông Chinh vương và năm 1038 thì Đông Chinh vương qua đời. Còn Dực Thánh vương đã từng được vua Lý Thái Tổ sai mang quân đi dẹp loạn thành công vào các năm 1014, 1015 và 1022.

Đặc biệt, Ngô Sĩ Liên đã sử dụng đến 756 từ để nhắc lại sự việc mà Đông Chinh vương, Dực Thánh vương và Vũ Đức vương (một hoàng tử khác của vua Lý Thái Tổ) cùng thực hiện: “Tháng 3-1028, “vua băng ở điện Long An. Bề tôi đều đến cung Long Đức xin thái tử vâng di chiếu lên ngôi. Ba vương Đông Chinh (Lực), Dực Thánh và Vũ Đức nghe tin đều đem quân ở phủ mình phục sẵn trong cấm thành. Đông Chinh vương phục ở trong Long Thành, hai vương Dực ThánhVũ Đức phục ở cửa Quảng Phúc, đợi thái tử đến thì đánh úp. Một lát sau, thái tử từ cửa Tường Phù vào, đến điện Càn Nguyên, biết có biến, sai người hầu đóng hết các cửa điện và sai các vệ sĩ trong cung phòng giữ...

Qua đoạn sử liệu trên, Đông Chinh vương và Dực Thánh vương là hai người mang trọng tôi phản vua. Đây là điều tối kỵ nhất trong lễ giáo phong kiến nho gia xưa, nhưng thái tử Phật Mã, vì tình cốt nhục và đạo đức nhà Phật, cuối cùng đã thứ tha cho Đông Chinh vương và Dực Thánh vương và còn phục lại tước cũ.

 

3. Giải mã việc tối kỵ hát bội cúng thần ở đình Thông Tây Hội

Nội dung các tuồng hát bội chủ yếu đề cao luân lý của Nho giáo. Tác giả Trần Kiều Quang, trong bài viết Hát bội ở Nam Bộ xưa cho biết: “Hát bội ra đời giữa lúc Nho giáo đang thời thịnh đạt, lại được các triều vua trực tiếp chăm sóc, nên cốt truyện có khuynh hướng phụng sự thuyết tôn quân của Nho giáo. Con bất trung thì cha cũng giết con (Trảm Trịnh ân); chồng bất trung thì vợ tuy không trực tiếp giết chồng song cũng tìm cách trừ hại (Xử bá đao Từ Hải Thọ), cha bất trung thì con cũng lánh mình để lo cứu vua (Tam Nữ Đồ Vương); phường nhi nữ tay yếu chân mềm cũng biết đem tiết giá để đánh đổi lòng trung (Điêu Thuyền lấy hai cha con Đổng Trác và Lữ Bố để cứu giang san nhà Hán trong tuồng Phụng Nghi Đình); bọn tôi đòi, thằng ở còn dám hy sinh giọt máu thương yêu của mình để đổi lấy mạng ấu quân (Tam Ban Lục Hoàng Hậu)... Khi nhân lực đã không trừ nổi loạn thần, thì thiên lực giúp sức; sống chưa trả nợ với quân vương, chết, linh hồn còn hiện lên giúp nước (Khương Linh Tá trong San hậu). Chủ nghĩa trung quân bao trùm nội dung tuồng” (3).

Do đó, trong lễ kỳ yên hằng năm ở các đình làng tại TP.HCM và toàn Nam Bộ đều có chương trình hát bội trước để dâng cúng thần thành hoàng và sau để dân làng vừa mua vui, vừa thấm nhuần đạo lý nho gia, sau những tháng ngày vùi đầu vào công cuộc mưu sinh.

Nói khác đi, một trong những nội dung chính của hát bội là đề cao chữ trung của Nho giáo. Nhưng hai vị thần thành hoàng của đình Thông Tây Hội vốn dĩ là hai con người bất trung, cho nên khi dân làng dâng cúng hát bội (đề cao chữ trung), hai ngài đã không... bằng lòng. Từ đó, lâu ngày thành lệ, thành phong tục kỳ lạ vậy!

Theo đó, người ta có thể đoán định ra nguồn gốc của những dân làng Hanh Thông Tây xưa, vốn là những người đã tôn Đông Chinh vương và Dực Thánh vương làm thần thành hoàng của làng mình cư trú.

Trước hết, tổ tiên của người dân Hanh Thông Tây xưa chắc hẳn gốc gác là người Bắc Bộ (biết đâu chừng họ cũng chính là người Hà Nội - nơi hai vương đã từng chào đời và lớn lên). Đôi khi, họ có thể là dòng dõi huyết thống hay lính tráng, nô tì của hai vương. Hoặc có thể họ chỉ là người dân sống trong các thôn làng từng chịu ân của hai vương: ân đức dẹp giặc của hai vương, hay ân đức sống nhờ hạt lúa, củ khoai trên đất thực ấp của hai vương. Mặc cho lễ giáo nho gia quy định trung quân thế nào đi chăng nữa, nhưng những người này vốn đã có ân sâu, nghĩa nặng với hai vương nên họ đã tôn thờ hai ông ở vị trí cao nhất trong đời sống tâm linh làng xã ngày xưa: thần thành hoàng.

Dòng thời gian đã đẩy đưa họ vào tận Nam Bộ, khai hoang và lập nên thôn Hanh Thông Tây, rồi dựng đình Hanh Thông Tây - Thông Tây Hội, và từ đó tổ chức cúng đình theo lễ nghi của vùng đất mới. Những người dân làng Hanh Thông Tây từng có ý định thay đổi số phận của làng bằng cách tổ chức cúng đình giống như bao ngôi đình khác trên đất Sài Gòn - TP.HCM: có hát bội cúng thần. Nhưng sự việc đã bất thành, vì hát bội vốn đề cao trung quân, nhưng hai vương - thần thành hoàng có ưng đâu?!... Từ đó, việc cúng đình ở đình Thông Tây Hội đã kiêng tổ chức hát bội, để rồi lâu dần đã trở thành phong tục mới, đặc thù.

 

4. Về ngôi đình Thông Tây Hội

Đình Thông Tây Hội vốn trước là đình của làng Hanh Thông Tây, một làng của quận Gò Vấp, sớm nổi tiếng với khu biệt thự của Huyện Sĩ Lê Phát Đạt (người giàu nhất Sài Gòn vào cuối TK XIX, đầu TK XX: nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định) và nhà thờ thiên chúa giáo Hanh Thông Tây được xây dựng trên khu đất rộng rãi do Huyện Sĩ dâng cúng. Những năm 20 của TK XX, người Pháp đã giải tỏa làng An Hội và nhiều làng khác chung quanh (cũng thuộc quận Gò Vấp) để xây dựng sân bay Tân Sơn Nhất, việc thờ phụng của làng An Hội đã phải nhập chung vào đình Hanh Thông Tây mới trùng tu vào cuối TK XIX, nên ngày nay đình này có tên gọi chung là đình Thông Tây Hội kể từ đó.

Đình Thông Tây Hội ngày nay là một trong những ngôi đình còn bảo tồn tương đối nguyên vẹn kiến trúc cũng như phong tục thờ cúng, lễ hội. Toàn bộ kiến trúc đình tọa lạc trên một khu đất rộng rãi, mặc dù đã bị thu hẹp khá nhiều do sự chiếm dụng mặt bằng của dân cư cũng sự trưng dụng mặt bằng của nhà nước những tháng ngày sau năm 1975.

Ngay sau nghi môn chính của đình Thông Tây Hội và bức bình phong ông hổ là các đơn nguyên kiến trúc của đình nối tiếp nhau theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, gồm: võ ca, nhà chầu, tiền điện, chánh điện. Phía bên trái chánh điện là đơn nguyên kiến trúc khác, gồm hai căn nhà, cũng nối tiếp nhau theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, được dùng làm nhà túc. Hai khối đơn nguyên kiến trúc liên kết với nhau thành chữ L, mà các nhà nghiên cứu văn hóa gọi là kiểu nhà hình chữ đinh (T) của Nam Bộ, là một trong những mô thức kiến trúc quen thuộc của đình làng Nam Bộ. Đình Thông Tây Hội được xây dựng hoàn toàn bằng kiến trúc gỗ, với bộ vì kèo xuyên trính chịu lực chính - bộ vì kèo khá quen thuộc của Nam Bộ, tường gạch bao quanh đình không có vai trò chịu lực. Nhà một gian hai chái, hay còn gọi là nhà tứ trụ, sử dụng cho nơi thờ phụng và nhà ba gian hai chái được sử dụng cho phần kiến trúc còn lại. Tất cả mái đều lợp ngói âm dương. Riêng đỉnh mái chánh điện có trang trí bộ tượng lưỡng long tranh châu được làm bằng sành men xanh, thường thấy ở các kiến trúc thờ cúng khác ở TP.HCM và Nam Bộ. Khu vực nhà túc vẫn còn giữ nguyên căn nhà ba gian hai chái, lợp ngói âm dương, cột kèo xuyên trính bằng gỗ, bốn phía không có vách. Toàn thể khu nội thất của đình còn lưu giữ khá nguyên vẹn những đồ thờ cổ xưa, như: bao lam, hoành phi, liễn đối, lỗ bộ, lư nhang, chân đèn, đỉnh trầm, bình hoa, đĩa trái cây đặt trên chò gỗ... Đặc biệt có hai cặp liễn đối làm bằng thân cây dừa, một loại cây khá đặc trưng của Nam Bộ.

Đình Thông Tây Hội thờ chính là nhị vị thần thành hoàng (Đông Chinh vương và Dực Thánh vương). Hai bên hương án thần thành hoàng là hương án thờ Tả Ban, Hữu Ban (vốn là các vị hộ vệ cho thần thành hoàng). Ngoài ra, giống như các đình làng Nam Bộ khác, đình Thông Tây Hội còn thờ nhiều vị thần, thánh dân gian khác như: Ngũ hành nương nương, Chúa xứ nương nương, Sơn quân chúa xứ (thần hổ), Bạch mã thái giám, Thần nông, Phúc đức chính thần, Quan thánh Đế quân... cũng như thờ các bậc hữu công với làng xã, như: tiên sư dạy nghề, tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai nghiệp. Đặc biệt, đình Thông Tây Hội có thờ anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ đất nước. Lễ hội chính và lớn nhất trong năm của đình Thông Tây Hội là lễ kỳ yên diễn ra trong ngày 15-8 âm lịch hằng năm, với các nghi thức cổ truyền khá đặc thù, như: trình sanh, tế túc yết, tế đoàn cả, tế tiên sư tiền hiền hậu hiền... Lễ hội lớn thứ hai của đình là lễ vía Ngũ hành thánh nương diễn ra trong ngày mùng 5-5 âm lịch hằng năm, theo nghi thức cúng miễu dân gian Nam Bộ, như: rước nước, khai tràng, hát bóng rỗi, múa bóng rỗi, diễn tuồng Địa nàng... Lễ kỳ yên của đình không nằm trong quỹ đạo lễ hội của Nam Bộ vốn là mùa nắng, tức từ tháng 10 âm lịch đến tháng 4 âm lịch năm sau. Điều này chứng tỏ đình Thông Tây Hội là đình được mang từ Bắc Bộ hay Bắc Trung Bộ đến dựng trên vùng đất mới Gia Định vào thời khai hoang.

Do còn lưu giữ khá nguyên vẹn kiến trúc trùng tu vào cuối TK XIX, đình Thông Tây Hội đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 26-9-1998 (4). Chính nhờ sự liệt hạng di tích này mà đình Thông Tây Hội, cùng các di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia khác (gồm đình Chí Hòa, đình Bình Hòa, đình Phú Nhuận, đình Trường Thọ, đình Xuân Hiệp, đình Nghĩa Nhuận, đình Minh Hương Gia Thạnh, chùa Hội Sơn, chùa Phước Tường, chùa Phụng Sơn, chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm, chùa Trướng Thọ, miếu thờ tổ thợ bạc...), đã được ngành bảo tồn di sản văn hóa TP.HCM bảo vệ và trùng tu theo Luật di sản văn hóa, góp phần tạo thành nội lực để không bị hòa tan trong quá trình Việt Nam hội nhập nền văn hóa khu vực và thế giới.

_______________

 

1. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Phong trào văn hóa xb, Sài Gòn, 1972, tr.102.

2. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.

3. http://tranquanghai.multiply.com

            4. Bảo tàng cách mạng TP.HCM, Di tích lịch sử văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1998.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 314, tháng 8-2010

Tác giả : Hồ Văn Tường

;