Nổi tiếng từ cuối những năm 1980, nhà văn Hồ Anh Thái đã ghi dấu ấn trên văn đàn với một cá tính văn chương độc đáo. Ở tuổi ngoài 60, ông vừa tái ngộ độc giả với tập truyện ngắn Trượt chân trên tầng cao do Nxb Phụ nữ Việt Nam ấn hành tháng7/2024.
Sinh năm 1960, từ khi hai mươi tuổi, khi đang là sinh viên Ðại học Ngoại giao, Hồ Anh Thái đã là tác giả văn xuôi có truyện ngắn đăng đều trên báo chí: Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội... Ðến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, anh đã gây chú ý với một bút pháp thực sự mới mẻ qua những truyện ngắn tiêu biểu như Chàng trai ở bến đợi xe, Nói bằng lời của mình, Mảnh vỡ của đàn ông...
Tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo (1985) xoay quanh những chấn thương về cả thể chất và tinh thần của những người phụ nữ đi qua cuộc chiến tranh, trở thành đàn bà quá lứa, lỡ thì. Cuốn tiểu thuyết đã đề cập đến một đề tài mới mẻ ở thời điểm đó. Năm 1986, anh tiếp tục cho ra mắt tiểu thuyết Vẫn chưa tới mùa đông. Cũng trong năm này, anh cũng viết xong thiên tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng, cho thấy bút lực thật dồi dào. Người và xe chạy dưới ánh trăng là những suy tưởng về hành trình cuộc đời của mỗi con người, từ khi sinh ra lương thiện. Nhưng rồi cuộc đời lại luôn khiến con người phải va đập, xô dạt vào những nẻo khác nhau, ai cũng phải vật lộn với số phận trên con đường của đời mình. Với Người và xe chạy dưới ánh trăng, Hồ Anh Thái đã khẳng định được một vị trí trong đời sống văn chương Việt Nam.
Bìa truyện ngắn Trượt chân trên tầng cao
Tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra (1989) qua một chấn thương tâm lý của nhân vật Tân vào năm 1987, khiến anh trở lại quá khứ 20 năm trước. Tác phẩm đưa độc giả trở về năm 1967, khi chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc đang độ ác liệt. Với bối cảnh và những câu chuyện thời chiến nhưng lại đặt ra những vấn đề bức thiết của cuộc sống những năm tám mươi của thế kỷ XX. Từ cuộc sống hiện tại, nhà văn nhận thức lại quá khứ với những tốt- xấu, thiện - ác, chính - tà. Những chân dung nhân vật cho thấy cái nhìn của nhà văn thật đa dạng. Tuy không quá kỳ vọng về con người, nhưng bao giờ anh cũng trân trọng con người với tất cả sự phức tạp trong họ.
Năm 1988 Hồ Anh Thái sang nghiên cứu và làm việc ở Ðại sứ quán Việt Nam tại Ấn Ðộ và sống tại đây 6 năm. Nghiên cứu kỹ văn hóa Ấn Ðộ, từ đây sáng tác của anh cũng chuyển hướng sang nền văn hóa này. Những tác phẩm của anh thời kỳ này được bạn đọc nước ngoài rất hoan nghênh trên báo chí Anh ngữ tại Ấn Ðộ, với các bản dịch ở Pháp và Mỹ.
Bìa trước và sau cuốn Trượt chân trên tầng cao
Năm 1996, tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái được đánh giá là một tiểu thuyết luận đề rất sinh động, cuốn hút người đọc. Nhà văn lớn Ma Văn Kháng nhận xét về Hồ Anh Thái: “Những truyện ngắn trong Tự sự 265 ngày, tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế vừa có tính đại chúng, gần gũi vừa uyên bác, trí tuệ. Dễ ai đã làm được điều này!”.
Với tiểu thuyết mới nhất: Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu (Nxb Trẻ - 2023), một lần nữa văn chương Hồ Anh Thái đã xóa nhòa những ranh giới về không gian, thời gian, cùng những làn ranh cụ thể khác để từ đó soi chiếu và trình hiện trước độc giả một hiện thực lịch sử đa chiều. Là câu chuyện về nhiều cuộc đời trong một cuộc đời chung, một “hoàn cảnh lớn”, song tác giả không ngần ngại lồng vào đó để diễn tả những “chuyện đời có thật” mang nỗi niềm riêng khác. Các tuyến nhân vật - hay nói cách khác các “số phận” - hiện lên mạch lạc, sáng rõ, không hề mang vẻ chìm khuất trong cái “đặc biệt” cố hữu của hoàn cảnh lịch sử. Họ đặc biệt theo cách của mình: sống trọn vẹn với vẻ đẹp tâm hồn mình, với những đam mê hay những trăn trở của chính mình.
Trong những tác phẩm viết về chiến tranh như Người đàn bà trên đảo, Trong sương hồng hiện ra, ám ảnh về thời chiến không bao giờ phai nhạt. Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu xoay quanh những nhân vật: một người chiến sĩ trẻ có khả năng nhìn xuyên qua những bức tường và khả năng này của anh được khai thác nhằm phát hiện những hoạt động chống phá ngầm khi máy bay địch đang dội bom xuống thủ đô. Một phi công chiến đấu trên bầu trời có một tình yêu giữ kín khi ở trên mặt đất. Một nữ nghệ sĩ chăm sóc bốn con hổ xiếc xổng chuồng chạy ra đường phố sau trận bom. Câu chuyện hiện thực và huyền ảo mở rộng dần ra, tái dựng không khí ở Thủ đô Hà Nội những ngày tháng chống cuộc tấn công từ trên không của pháo đài bay. Những con người bình thường, giản dị và kỳ lạ, tất thảy tạo nên gương mặt Thủ đô trong những năm tháng bi hùng và trong những khoảnh khắc lãng mạn giữa bom đạn khốc liệt.
Các tác phẩm của nhà văn Hồ Anh Thái
Nhà văn Ma Văn Kháng đã nhận xét ngắn gọn về Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu của nhà văn Hồ Anh Thái: “Bút pháp linh hoạt, tinh tế, hóm hỉnh, giàu khám phá bất ngờ và gần như phi cổ điển, đã khiến người đọc khó rời mỗi trang viết của Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu”. Còn nhà nghiên cứu Võ Anh Minh thì cho rằng: “Ðã không ít lần viết về Hà Nội, truyện ngắn có, tiểu luận có, nhưng xem ra Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu là một cách độc đáo để Hồ Anh Thái phác họa những chân dung đa chiều của Hà Nội thời chiến, gửi đến để chia sẻ với người đọc”.
Ở tuổi 64, Hồ Anh Thái vừa trở lại văn đàn với tập truyện ngắn Trượt chân trên tầng cao. 22 truyện ngắn trong tập sách này, nếu ghi năm sáng tác vào dưới mỗi truyện, hẳn sẽ khiến bạn đọc thấy bất ngờ và thú vị. Bởi đó là các truyện tác giả viết từ nhiều năm gần đây, được tác giả tập hợp lại, thế mà lại có kết cấu chặt chẽ như một khối rubic, không hề lộ vết ghép của thời gian.
Các tác phẩm của nhà văn Hồ Anh Thái
Có lẽ đó là do Hồ Anh Thái viết các truyện ngắn này ở vào độ chín của tuổi đời tuổi nghề; và gom lại thành một tập, khi đã có quá nhiều kinh nghiệm trong việc xuất bản sách, để mỗi tác phẩm của anh trở thành một chỉnh thể nghệ thuật công phu khi đến tay bạn đọc. Thế nên, dẫu chỉ là một tập sách nhỏ, nó vẫn gợi nhớ đến cái chí mà Hồ Anh Thái định hình được cho mình ngay từ khi xuất hiện trên văn đàn, đó là một hình mẫu về một nhà văn hiện đại: chuyên nghiệp, bền bỉ, quyết liệt trong phong cách; tinh tế, lớn lao và đầy tính triết luận sâu sắc trong nội dung; hài hước sáng tạo và sắc sảo trong ngôn ngữ thể hiện.
Các truyện ngắn trong Trượt chân trên tầng cao hầu hết viết theo lối giễu nhại, một điểm mạnh của tác giả, tập trung châm biếm hài hước các khía cạnh hiện thực của đời sống, trải từ thời bao cấp đến đương đại: tình yêu dở khóc dở cười bên chuồng xí công cộng; chuyện ngoại tình ở khu tập thể lắp ghép; chuyện quyền lực công sở; chuyện người Việt công tác và sinh sống ở xứ tư bản; chuyện người Việt sống ở nước mình thời đổi mới; chuyện bạn hay bè; chuyện đời ăn ở bạc; chuyện văn chương thơ phú lộn sòng; chuyện thời COVID; chuyện tai nạn thảm khốc từ tầng cao các chung cư đô thị hiện đại... Tất cả như những tấn trò đời lạnh và trơ, diễn mà không diễn nhưng khiến người đọc cười mà phải ngẫm, ngẫm sơ thì trầm ngâm, ngẫm đến nơi đến chốn thì giật mình cay mắt, thấy ông tác giả này “quá ghê gớm”.
Truyện ngắn của Hồ Anh Thái vốn vẫn nổi tiếng với độ nén cao, ngôn ngữ sắc bén, tình tiết thông minh và bất ngờ, dụ ngôn đa tầng nghĩa; đằng sau sự “đành hanh” đó luôn ẩn hiện một tấm lòng đau đời trầm lặng và sự minh triết trí tuệ. Như bìa 4 cuốn sách đã nhận định: “Vẫn là cái nhìn hóm hỉnh của nhà văn vào những vấn đề ngổn ngang trong cuộc sống, nhưng châm biếm giễu cợt không chỉ gây tiếng cười hồn nhiên vô tư, đằng sau tiếng cười có khi là tiếng thở dài và rưng rưng cảm xúc. Một chùm truyện thấp thoáng hình bóng của một đại dịch, nhưng bao trùm toàn bộ tập truyện dường như là những trận dịch sâu bên trong những tâm hồn, những số phận.
Như một triển lãm những hí họa và những chân dung, khi gần gũi thông thường, khi lạ lùng độc đáo, tác giả vẽ ra chân dung những công chức, thị dân, văn nghệ sĩ, những người thân thiết và cả những số phận chỉ một lần thoáng qua.”
Hồ Anh Thái đã xuất bản 50 tập sách đã xuất bản thuộc nhiều thể loại. Sách đã được dịch ra hơn mười thứ tiếng và ấn hành ở nhiều nước.
- Từng là chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội hai nhiệm kỳ (2000-2010).
- Làm công tác ngoại giao chuyên nghiệp, được bổ nhiệm công tác ở đại sứ quán Việt Nam một số nước.
- Nhiều năm nghiên cứu văn hóa phương Ðông, thỉnh giảng Ðại học Washington và một số đại học nước ngoài.
- Các tác phẩm: Người và xe chạy dưới ánh trăng (1987), Người đàn bà trên đảo (1988), Trong sương hồng hiện ra (1990), Tiếng thở dài qua rừng kim tước (1998), Họ trở thành nhân vật của tôi (2000), Tự sự 265 ngày (2001), Cõi người rung chuông tận thế (2002), Mười lẻ một đêm (2006), Ðức Phật, nàng Sivitri và tôi (2007), Năm lá quốc thư (2019), Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu (2023)…
LÊ KHÁNH VY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 583, tháng 9-2024