Nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản

Ngày 22-4, tại TP.HCM, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác xuất bản, in và phát hành xuất bản năm 2025. Hội nghị nhận được nhiều ý kiến chia sẻ và đề xuất từ các nhà quản lý và nhà xuất bản.

Chủ trì Hội nghị có: ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành; ông Đỗ Quang Dũng - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Xuất bản Việt Nam; cơ quan chủ quản, nhà xuất bản và doanh nghiệp kinh doanh phát hành sách trên toàn quốc. 

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: Lê Nhật Nam

Xuất bản tăng trưởng cao nhất trong ba năm

Trong báo cáo tổng kết hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm năm 2024, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, năm 2024 toàn ngành đứng trước thách thức rất lớn, trong đó có biến động thị trường nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng và những khó khăn mới do sụt giảm sức mua của thị trường trong nước và gián đoạn cung ứng của thị trường xuất khẩu. Tuy vậy, vượt qua những khó khăn chủ quan và khách quan, toàn ngành đã thu được những kết quả tương đối khả quan.

Riêng lĩnh vực xuất bản, tính đến 31/12/2024, cả nước có 57 nhà xuất bản (Nxb) thuộc 53 cơ quan chủ quản. Tổng số xuất bản phẩm là 51.443 với 597.182.861 bản (tăng 37,2% về xuất bản phẩm, tăng 11,3% về bản/lượt truy cập). Tổng doanh thu toàn ngành đạt 4.528,249 tỷ đồng (tăng 10,3%); nộp ngân sách 212,198 tỷ đồng (giảm 44,67%); lợi nhuận (sau thuế) đạt 507,470 tỷ đồng (tăng 11,41%).

“Tỷ lệ sản xuất sách đạt 5,9 bản/người/năm, tiệm cận mức cao của năm 2022. Đáng chú ý, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các nhà xuất bản tăng 10,3% - mức cao nhất trong ba năm trở lại đây. Kết quả này giúp nhà xuất bản duy trì, nâng chất lượng sách phục vụ sự kiện trọng đại năm 2024”- ông Nguyễn Nguyên cho biết.

Trong năm 2024, số lượng Nxb tham gia xuất bản điện tử tăng 29,1%, đưa số Nxb tham gia xuất bản điện tử đạt 54,3%, vượt chỉ tiêu tăng trưởng. Đặc biệt, đã phát triển một số nền tảng dùng chung cho toàn ngành, trong đó có “Nền tảng sách, báo điện tử thiết yếu” của Nxb Thông tin và Truyền thông, nền tảng sách chính trị - pháp luật của Nxb  Chính trị Quốc gia Sự thật, nền tảng sách khoa học của Nxb Xây dựng...

Theo Cục trưởng, trong năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều chuyển biến nhanh, phức tạp, đặc biệt cuộc chiến tranh thương mại với những diễn biến căng thẳng thời quan gần đây đang đe dọa sự phát triển và vận hành kinh tế toàn cầu, gây nên những đứt gãy cung ứng nguyên liệu và hàng hóa.

“Văn hóa đọc có những bước khởi sắc, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và xu thế toàn cầu hóa dần đi vào chiều sâu, tạo động lực mới cho sự phát triển. Sự phát triển của thương mại điện tử, mạng xã hội và các hình thức truyền thông mới; xu hướng sản xuất số, sản xuất xanh đang tạo ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn trong quản lý và thực hiện”- ông Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Lê Nhật Nam

Trong phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2025, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đề xuất nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó chú trọng chỉ đạo các đơn vị xuất bản trong xây dựng chiến lược cán bộ, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực số, bản quyền và hợp tác quốc tế. Một nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh hiện nay chính là quan tâm, hỗ trợ, đầu tư cho Nxb trong việc thực hiện chuyển đổi số; tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để góp phần đưa ngành Xuất bản phát triển thành ngành kinh tế, công nghệ hiện đại, trước hết là đầu tư hạ tầng, kỹ thuật để ứng dụng công nghệ thông tin, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn và động lực phát triển.

Một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số

Cả nước có 20/57 Nxb được cấp phép xuất bản và phát hành sách điện tử. Trong tổng kết báo cáo, Cục Xuất bản, In và Phát hành đánh giá, chuyển đổi số chưa đi vào chiều sâu, trở thành động lực phát triển. Thị trường sách điện tử - thị trường giàu tiềm năng vẫn ở giai đoạn “khởi động”, quy mô chỉ đạt khoảng 112 tỷ, chiếm 2,6% tổng doanh thu toàn ngành, và có dấu hiệu chững lại. Ghi nhận tại hội nghị, hầu hết tham luận và ý kiến, đề xuất của các đại biểu đã đi sâu vào thực tế của công tác chuyển đổi số trong xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và bản quyền xuất bản, đặc biệt là bản quyền trên các nền tảng số.

Ông Nguyễn Ngọc Hồi- Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM cho biết, Lễ hội Đường Sách Tết Ất Tỵ 2025 tại TP.HCM nổi bật với việc ứng dụng công nghệ trong các hoạt động văn hóa. Tác phẩm được trang bị mã QR, giúp người dân dễ dàng tra cứu miễn phí trên nền tảng trực tuyến. Các khu triển lãm kết hợp sách và công nghệ số, khu vui chơi thiếu nhi với công nghệ quét tranh, cùng nhà triển lãm ánh sáng và tiểu cảnh “Hành trình 15 năm Lễ hội” tạo nên không gian sống động, kết nối truyền thống với hiện đại.

Tuy nhiên, theo ông Hồi, quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều khó khăn. Hiện nay, hành vi xâm phạm quyền tác giả ngày càng tinh vi, như sao chép, thay đổi nội dung và phát tán qua website, mạng xã hội, ứng dụng, bán sách giả online. Điều này không chỉ thiệt hại cho các Nxb mà còn làm méo mó thị trường sách điện tử.

“Chuyển đổi số đòi hỏi xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ và hạ tầng kỹ thuật hiện đại, cần đầu tư mạnh về công nghệ, nhân lực và tài chính. Đội ngũ ngành Xuất bản truyền thống cần nhanh chóng thích ứng, trang bị kỹ năng sử dụng phần mềm và chuyển đổi tư duy để làm việc linh hoạt, sáng tạo và cập nhật công nghệ” - ông Hồi nhận định.

Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi trình bày tham luận - Ảnh: Xuân Hướng

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về xuất bản, in, phát hành, bà Nguyễn Thị Mai Hương- Phó giám đốc Sở VHTT Hà Nội đưa ra một số đề xuất, như: hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, in, phát hành; quy định về chuẩn hóa dữ liệu, chia sẻ thông tin, bảo mật trên môi trường số; triển khai các hệ thống quản lý chuyên ngành (xuất bản, in, phát hành) trên nền tảng số; tạo lập cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất bản, in và phát hành; tăng cường ứng dụng công nghệ Big Data, AI để cảnh báo sớm các xuất bản phẩm vi phạm hoặc vi phạm về bản quyền; ứng dụng mã QR, Blockchain trong truy xuất nguồn gốc, chống in lậu; chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ xuất bản, in và phát hành; tăng cường hợp tác công tư trong ngành xuất bản, in, phát hành để chia sẻ dữ liệu, cùng xây dựng hệ thống quản lý thông minh.

Đẩy mạnh xây dựng các nền tảng phục vụ chuyển đổi số, ông Trần Chí Đạt- Tổng Biên tập Nxb Thông tin và Truyền thông chia sẻ, đơn vị này đã nâng cấp Sàn sách in Book365.vn, nền tảng xuất bản điện tử Ebook365.vn và phối hợp cùng Cục Xuất bản, in và Phát hành, Cục Báo chí và các đơn vị liên quan xây dựng xây dựng Nền tảng cung cấp sách, báo điện tử thiết yếu phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo về thông tin tại địa chỉ sachdientu.vn/ ebook.gov.vn. Trong thời gian chưa sửa đổi Luật Xuất bản 2012 (hiện Cục Xuất bản, In và Phát hành đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung luật Xuất bản- PV), để thực hiện Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, trong đó có Nxb  trở thành Nxb số; ông Đạt đề nghị cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành quy định về tiêu chí Nxb số; có văn bản hướng dẫn các Nxb, đảm bảo sự kiểm soát tuyệt đối của Nxb đối với tính toàn vẹn của xuất bản phẩm để khi các Nxb đủ điều kiện kỹ thuật công nghệ, từng bước hoàn chỉnh quy trình công nghệ theo bộ tiêu chí về Nxb số nhằm hướng đến hình thành một Nxb số chuyên nghiệp, hiện đại khi có đủ cơ sở chính trị và pháp lý.

Theo khảo sát cuối năm 2023 của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, có 62% người trẻ (18-35 tuổi) sử dụng sách điện tử hoặc audiobook, tăng 28% so với năm 2021-cho thấy xu hướng đọc chuyển dịch mạnh mẽ sang môi trường số. Trước thực tế đó, việc tái cấu trúc mạng lưới phát hành - từ mô hình phân phối truyền thống sang môi trường số là xu hướng tất yếu. Bà Tạ Liên Hương- CEO của Alpha Books đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy xuất bản số, phát triển ngành công nghiệp xuất bản trong kỷ nguyên số, như: cải cách trong thủ tục cấp phép bằng việc tích hợp giấy phép xuất bản bản in và bản điện tử; khuyến khích các Nxb đầu tư công nghệ, thực hiện số hóa kho sách bằng việc xem xét áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ lãi suất cho Nxb; hỗ trợ xây dựng Quỹ Vườn ươm Công nghệ; có cơ chế thúc đẩy Hệ thống thư viện số trên toàn quốc...

Bà Hương cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước xem xét ban hành mức phí trần (giao phát hàng) trên sàn thương mại điện tử. Bà Hương cho biết, từ tháng 4-2025, các sàn thương mại điện tử đồng loạt tăng phí, như TikTok Shop (tổng phí sàn 17.05%), Shopee (17.05%, chưa kể thêm 1–2% phí hoàn hàng), Tiki (14% gồm 10% phí chiết khấu và 4% phí thanh toán). Tuy nhiên sách là sản phẩm có giá trị văn hóa - giáo dục, không thể tăng giá tùy tiện, nên áp dụng mức phí trần cố định thấp hơn cho ngành sách, nhằm đảm bảo sách vẫn có thể tiếp cận rộng rãi, đúng với mục tiêu phát triển văn hóa đọc toàn dân.

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh thông tin về các chính sách, cơ chế bảo vệ bản quyền - Ảnh: Xuân Hướng

Bảo vệ bản quyền trong chuyển đổi số

Năm 2024, theo ghi nhận của Hội Xuất bản Việt Nam, hơn 11.000 vụ vi phạm bản quyền diễn ra trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Khi sách số phát triển ngày càng mạnh mẽ, nhà nước cần có cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ tham gia vào tiến trình rà soát, cảnh báo, ngăn chặn vi phạm bản quyền trên môi trường số.           

Bà Phạm Thị Kim Oanh- Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của hai điều ước quốc tế về bản quyền từ năm 2022, tạo nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ quyền lợi của tác giả trong môi trường số. Với hơn 100 quốc gia tham gia, Việt Nam có quyền bảo vệ bản quyền tác giả, đồng thời cũng có trách nhiệm thực thi quyền này. Bà Oanh lưu ý các Nxb cần chú ý đến những điều khoản trong hợp đồng về quyền sao chép tác phẩm dưới dạng điện tử, đồng thời bảo vệ các sản phẩm xuất bản trên môi trường số khỏi vi phạm bản quyền.

Bà Oanh cũng thông tin thêm về Nghị định 17 năm 2023, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan. Cục Bản quyền tác giả đang chủ trì việc xây dựng nghị định thay thế Nghị định 131 năm 2013 về vi phạm hành chính trong bản quyền, nhằm nâng cao mức phạt và xử lý các hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường số. Hy vọng các cơ quan nhà nước và Nxb sẽ hợp tác nâng cao nhận thức, bảo vệ quyền lợi bản quyền trong thời kỳ chuyển đổi số.

Ngoài ra, Hội nghị còn được nghe một số tham luận đề cập đến việc ứng dụng công nghệ và tự động hóa vào quá trình sản xuất, công nghiệp in ấn, phát hành đa kênh, phát triển văn hóa đọc... trong thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số hiện nay.

XUÂN HƯỚNG

;