NSƯT Nguyệt Hằng - mỗi vai diễn là một lần nhập cuộc

Quá nhập tâm với vai diễn bà Hoài trong Hãy nói lời yêu, NSƯT Nguyệt Hằng cho biết: Với cô, mỗi vai diễn là một lần nhập cuộc.

NSƯT Nguyệt Hằng vai bà mẹ ghê gớm trong Hãy nói lời yêu

 

Là con gái út trong gia đình có cha mẹ đều làm nghệ thuật nên cả tuổi thơ của Nguyệt Hằng là những buổi theo chân cha mẹ nép sau những cánh gà sàn diễn. Cô bé được đắm mình trong những vở dịch, vở múa, được chứng kiến những cô chú mới đây còn bình thường trong cánh gà bỗng vụt sáng trên sân khấu qua âm nhạc, vũ điệu, ánh sáng… Trái ngược với phía trong cánh gà, trên sân khấu là những cuộc đời khác, nhân vật khác mà trí óc non nớt của Nguyệt Hằng chỉ thấy cuốn hút, mê đắm. Với cảm nhận đó, mặc dù cha mẹ cô không muốn con gái theo nghề vì quá vất vả nhưng Nguyệt Hằng vẫn chọn nghệ thuật khi đã chót yêu, chót đam mê cùng nó. Lớn hơn một chút, Nguyệt Hằng đã gia nhập nghệ thuật và là cái tên khá quen thuộc trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ cũng như khán giả truyền hình, các chương trình phát thanh, đọc truyện hay lồng tiếng… Với chất giọng ấm, Nguyệt Hằng góp mặt trong rất nhiều phim dù chỉ “diễn” phía sau. Cô lồng tiếng cho khá nhiều bạn diễn cùng trang lứa hay các đàn em. Cô có thể lồng tiếng người già, trung niên, phụ nữ trẻ, thậm chí là trẻ con. Giọng nói quen thuộc, truyền cảm đến độ bạn bè, khán giả thường đùa vẫn gặp Nguyệt Hằng thường xuyên, liên tục dù không nhìn thấy mặt. Có thể kể ra một loạt vai diễn có sự tham gia lồng tiếng của Nguyệt Hằng như Thắm (Hoa Thúy) trong Xin hãy tin em, Thư (Thu Hường) trong Của để dành, Nguyệt (Hà Hương) trong Phía trước là bầu trời, Trúc (Mai Thu Huyền) trong Những ngọn nến trong đêm, Diệu Ly (Minh Hà) và Vân (Bảo Kỳ) trong Lập trình cho trái tim… Nói về công việc “có tiếng, không hình” này, Nguyệt Hằng cho biết phải nắm vững tâm lý nhân vật, làm quen khẩu hình, tốc độ nói của từng diễn viên để nói thoại, “đớp” thoại được đúng, được trúng cả khẩu hình lẫn sắc thái. Tham gia trong nhiều khâu của cả sân khấu và truyền hình nên Nguyệt Hằng thuộc thoại khá nhanh cũng như biết cách nắm bắt tâm lý nhân vật để mỗi cách nhấn, nhả câu chữ đều phải khắc họa, dựng được tính cách, ngữ điệu phù hợp với tâm trạng, hoàn cảnh nhân vật sao cho vừa nghệ thuật lại vừa đời, vừa thực. Chia sẻ về lĩnh vực đặc thù này cô cho biết: “Cái khó nhất trong lồng tiếng là lên được tâm trạng, cảm xúc của nhân vật và khớp với khẩu hình của diễn viên. Nhiều khi diễn viên khóc, cười mình cũng phải nhập tâm theo để trong giọng lên được các sắc thái, những hỉ, nộ, ái, ố của nhân vật”.

 

Ngoài việc góp giọng trong các bộ phim, các chương trình phát thanh, đọc truyện… Nguyệt Hằng còn thể hiện sức diễn với nhiều loại vai trên sân khấu. Cô có thể hóa thân vào cả hai dạng vai bi lụy và hài hước. Từng có một Nguyệt Hằng lấy đi nhiều nước mắt khán giả nhưng cũng lại là cô tưng tửng với các vai diễn làm náo nhiệt sân khấu trong các chùm hài kịch. Một số vở diễn có sự tham gia của Nguyệt Hằng phải kể đến Quỷ nhập tràng, Lời thề thứ 9, Mùa hạ cuối cùng, Hoàng tử Gấu và hạt đậu thần, Vòng phấn KavKaz, một số chương trình Đời cười, Hài kịch, thiếu nhi... Năm 1995, cô giành huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc với vở kịch câm Thi sĩ hủi của tác giả Nguyễn Khắc Phục và đạo diễn Bruce Keller. Năm 2010, huy chương Bạc với vở Bến Osin tại Liên hoan Sân khấu hài.

Nguyệt Hằng trong vở Hoàng tử gấu và hạt đậu thần

 

Ở mảng phim truyền hình, Nguyệt Hằng cũng tham gia đóng nhiều. Nếu đa phần các vai diễn của cô mang nhiều thiệt thòi, cam chịu như Lâm Oanh trong Những người sống quanh tôi, Tuệ Lâm trong Vệt nắng cuối trời thì cũng có phim đạo diễn đã để Nguyệt Hằng hóa thân vào mẫu hình khác. Ðó là Bảo Trinh người phụ nữ vô tâm trong Bí mật Eva, Osin sành điệu… Có thể nói ở bất kỳ vai diễn nào Nguyệt Hằng cũng có gắng thâm nhập, tìm hiểu và diễn cho lên chất của nhân vật.

Bẵng đi một thời gian, đặc biệt là sau khi nghỉ sinh cô con gái thứ tư Nguyệt Hằng mới trở lại với phim truyền hình. Cô lập tức gây ấn tượng với vai bà Hoài trong bộ phim truyền hình nhiều tập Hãy nói lời yêu. Vai diễn bà mẹ háo danh, theo đuổi sự hoàn hảo, hình mẫu đã lấy đi của Nguyệt Hằng khá nhiều sức lực và cả những sức ép về tâm lý. Là người vợ, người mẹ coi trọng thể diện, bà Hoài vì cố gây dựng, tô vẽ cuộc sống gia đình hoàn hảo nên đã vô tình tạo ra áp lực với các thành viên trong gia đình. Ngột ngạt bởi người vợ quá hãnh tiến, ông Tín đã dần sa ngã với mối tình ngoài luồng và là nguyên nhân đẩy gia đình vào bi kịch. Ðối diện với nỗi đau bị phản bội, không như nhiều phụ nữ tìm cách hàn gắn, níu kéo cách của bà Hằng đã khiến gia đình càng lún sâu vào các sai lầm. Không hy vọng ở chồng, bà đặt áp lực phải đỗ đầu các kỳ thi lên con trai khiến cậu bé quá áp lực, buồn tủi, không tìm thấy niềm vui sống và tự tìm đến cái chết. Một sự thức tỉnh đối với các gia đình thời hiện tại khi các bậc phụ huynh quá kỳ vọng vào con cái, xem chúng như một thứ làm tăng giá trị cho bản thân, cho gia đình mà không quan tâm nhiều tới cảm xúc, áp lực mà đứa trẻ phải gánh chịu. Chính ham muốn hoàn hảo, hơn người đầy ích kỷ của bà Hoài đã tạo nên bi kịch cho chính bà và gia đình.

Nguyệt Hằng trong Vệt nắng cuối trời

 

Mang tâm lý ấy, nhân vật bà Hoài nặng về tâm lý đòi hỏi diễn viên khi thể hiện phải đầy nội lực, kinh nghiệm mới có thể tải được những trường đoạn nặng nề ấy. Là người mẹ có tới bốn người con ngoài đời, ba gái, một trai Nguyệt Hằng có khá nhiều kinh nghiệm trong mối quan hệ mẹ con nhưng cô phải thú thực chưa bao giờ đặt áp lực quá lớn lên con cái giống như bà Hoài. Tuy nhiên, khi lên phim Nguyệt Hằng lại thể hiện rất thật cái cay nghiệt, dóng dả, sự áp đặt chồng và các con tuân theo mong muốn, ý chí của mình.

Vào vai một nhân vật có tâm lý mang nhiều nét khác biệt chính là sự nhập vai, sáng tạo mà Nguyệt Hằng đem tới cho nhân vật. Ðặt mình trong vai một người vợ, người mẹ hãnh tiến, thích thể diện có nhiều trường đoạn Nguyệt Hằng đã không thể thoát vai khi về tới nhà. Có những phân đoạn cô phải gào khóc đến mệt lả trong khi vẫn phải diễn thật, khóc thật như trong đoạn ôm xác đứa con trai duy nhất tự tử. Việc lặp đi lặp lại các cảm xúc mà vẫn giữ sao cho lần nào làm lại cũng phải đạt, phải tới đã khiến cô mệt nhoài sau nhiều cảnh diễn. Chính sự nhập tâm ấy khiến câu chuyện phim thật hơn, đời hơn và níu chân khán giả chờ mong từng diễn biến sau mỗi tập phim phát sóng.

Thừa nhận mình có một gia đình hạnh phúc, êm ấm và không có tính cách cố chấp, ưa thể diện một cách quá đáng như bà Hoài lại càng thấy phục sức sáng tạo, sự hóa thân của Nguyệt Hằng trong từng vai diễn. Với cô, dù vai lớn hay nhỏ, trên sân khấu hay màn ảnh… mỗi lần vào vai là một lần nhập cuộc để sao cho mỗi rung động của nhân vật với cá tính ấy tràn ngập, thấm đẫm chi phối mọi cử chỉ, hành động, lời nói, ánh mắt và truyền tải trọn vẹn đến khán giả. Và cũng chính nhờ sự nhập cuộc “hoàn hảo” ấy Nguyệt Hằng mà đã có được một chỗ đứng, vị trí riêng trên con đường nghệ thuật mà cô theo đuổi. Với vai diễn bà Hoài, NSƯT Nguyệt Hằng đang được đề cử giải Nữ diễn viên ấn tượng tại VTV Awards 2021 cùng hạng mục với NSND Thu Hà, Hồng Diễm (Hướng Dương ngược nắng), Thanh Hương (Mùa hoa tìm lại) và Thúy Diễm (Cát đỏ)... 

Tác giả: Thanh Hoa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 472, tháng 8-2021

;