Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái trong phát triển du lịch cộng đồng ở Quan Sơn

1. Bản sắc văn hóa dân tộc Thái, nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng

Quan Sơn là huyện miền núi cao nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, giáp biên giới Việt Lào, có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng. Đây là nơi sinh sống của 4 tộc người: Thái, Mường, Kinh và Mông; trong đó người Thái là cộng đồng sinh sống lâu đời nhất tại Quan Sơn (chiếm 81% cơ cấu dân cư), tiêu biểu cho bản sắc văn hóa của địa phương. Trong quá trình hình thành và phát triển, dân tộc Thái cùng với cộng đồng các dân tộc nơi đây đã sáng tạo nên nhiều giá trị văn hóa độc đáo, là nền tảng cho phát triển du lịch, đặc biệt loại hình du lịch cộng đồng.

Đền thờ Tư Mã Hai Đào và lễ hội mường Xia

Hiện nay, trên địa bàn miền Tây tỉnh Thanh Hóa có nhiều địa danh mang dấu ấn của Tư Mã Hai Đào và những chiến công của người anh hùng bảo vệ và giữ yên miền đất biên cương. Riêng ở huyện Quan Sơn, đền thờ Tư Mã Hai Đào được người dân lập nên tại bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy (đây chính là nơi mất của Ngài).

Hằng năm, tại đền thờ Tư Mã Hai Đào, vào những ngày giữa tháng 3 âm lịch, bà con mường Xia tổ chức lễ hội để tri ân Tư Mã Hai Đào và cầu mong cho bản làng no ấm, cuộc sống an lành, mùa màng tốt tươi, con người và vạn vật sinh sôi, nảy nở. Lễ hội mường Xia gồm hai phần là: phần lễ và phần hội. Phần tế lễ được tổ chức tại 5 điểm trên địa bàn của đất mường Xia: cúng thần mường (tại đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào), cúng vía chung cho cả đất mường Xia (tại nơi chôn hòn đá vía và đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào), cúng Sần Cuống ở Sộp Xia (tại nơi giao hòa của suối Xia và sông Luồng), cúng Sần Phiềng Phay (bên bờ sông Luồng, gần thủ phủ của Tư Mã Hai Đào), cúng Sứa Tú Nặm (tại hang Dùa, dưới chân núi Pha Dùa). Lễ vật gồm: 1 con trâu trắng, 1 con bò, 3 con lợn, 1 con chó, 1 con vịt, rượu cần, rượu siêu và vài chục con gà. Nhạc cụ cho phần rước của lễ hội mường Xia là cồng chiêng. Nhạc cụ dùng trong việc tế lễ tại đền tướng quân Hai Đào là sáo trúc. Phần hội được thể hiện qua các trò chơi, trò diễn như: múa cá sa, trống chiêng, đánh mắc lẹ, bắn nỏ, đẩy gánh, kéo co, khua lóng... 

Di tích đền thờ Tư Mã Hai Đào và lễ hội mường Xia là di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng các dân tộc, mà còn là nguồn lực để phát triển du lịch của vùng biên giới xứ Thanh. Với vị trí đặc biệt (cách động Bo Cúng 10km, cách chợ biên giới Na Mèo khoảng 30km), đền thờ Tư Mã Hai Đào dễ dàng kết nối với các bản phát triển du lịch tại xã Sơn Thủy và Sơn Điện, tạo thành sản phẩm dịch vụ mua sắm - tâm linh - sinh thái.

Nhà sàn truyền thống

Nhà sàn của người Thái huyện Quan Sơn phổ biến là dạng nhà 4 mái (2 mái chính và 2 chái), hầu hết là không gian trang trí khau cút. Về kiểu nhà, nhà sàn của người Thái ở Quan Sơn nhìn tổng quát có các loại như: nhà cột chôn, cột kê, nhà hai hàng cột, nhà 4 hàng. Loại hình nhà ở truyền thống này phù hợp với việc đón khách cộng đồng, xây dựng dịch vụ lưu trú cho du khách khi tham gia hoạt động du lịch tại địa phương, đặc biệt dưới hình thức homestay. Tuy nhiên, điểm cần thiết nhất đối với dịch vụ lưu trú là khu vệ sinh phải đặc biệt được coi trọng. Nơi tắm rửa, vệ sinh phải xây dựng hiện đại, sạch sẽ, các trang thiết bị cần được thiết kế từ các nguyên vật liệu gần gũi với thiên nhiên.

Văn hóa ẩm thực

Văn hóa ẩm thực của người Thái đã cho thấy dấu ấn nông nghiệp trồng lúa nước kết hợp với làm nương rẫy, chăn nuôi và khai thác tự nhiên (săn bắt, hái lượm) trên một vùng rừng núi điệp trùng và một lối sống gắn kết cộng đồng. Vì vậy, các món ăn của họ mang dấu ấn tự nhiên rất đậm nét, nguyên liệu để nấu ăn chủ yếu được lấy trong rừng gồm rau rừng, củ rừng, măng rừng các loại, cá suối, rêu đá, hạt tiêu rừng... để tạo ra các món ăn truyền thống như canh uôi, canh môn, rau nộm, canh măng chua, canh đắng (canh pịa),…

Nghệ thuật trình diễn dân gian

Nghệ thuật khèn bè: hiện còn lưu giữ tại bản Ngàm (xã Trung Thượng) và một số xã Sơn Thủy, xã Na Mèo, xã Tam Thanh, xã Tam Lư. Khèn bè là loại nhạc cụ có thể độc tấu hay làm nhạc đệm cho các làn điệu khặp. Vì vậy, nó có nhiều không gian thể hiện. Trong các lễ hội Kin chiêng boóc may, Chá chiêng hay trong các ngày lễ, Tết, cưới xin, khèn bè thường được sử dụng làm nhạc đệm cho các điệu khặp, như: Con mương (hát mời vào mường, bản), Mơi láu (hát mời rượu), To de (hát đối đáp)... Âm thanh của khèn bè Thái trầm bổng biến hóa khéo léo tùy theo cảm hứng của nhạc công và theo tiết tấu người hát.

Nghệ thuật trình diễn trống, chiêng: trống, chiêng có mặt ở hầu hết các sự kiện trong đời sống của đồng bào Thái. Trong đám cưới của người Thái, tiếng trống, chiêng trở thành linh hồn của buổi lễ. Mỗi khi trống, chiêng vang điệu cóng ram (trong lễ cưới, người Thái hay đánh điệu cóng ram), mọi người dù ở xa hay ở gần đều biết là có đám hỷ. Thường thì một trai một gái cùng thể hiện, trai đánh trống, gái đánh chiêng… Tiếng trống, chiêng kết hợp với quánh lóng (khua lóng) còn gọi là quánh lóng cóng ram lại có tiết tấu và âm thanh khác hẳn với tiếng cóng dàm khi chơi một mình. Trong đám cưới, sự kết hợp này thường diễn ra khi đón cô dâu về nhà chồng, không chỉ biểu thị sự hân hoan vui mừng của nhà trai, mà còn biểu thị sự hiếu khách của nhà trai đối với nhà gái. Khi cơm rượu xong, mọi người bước vào phần giao lưu vui vẻ, cùng chơi điệu sặp sanh. Đây là lối đánh có tiết tấu nhanh, vui nhộn, lôi cuốn mọi người cùng ca hát, nhảy múa... Cuộc vui cứ thế diễn ra thâu đêm suốt sáng.

Trong các lễ hội, người Thái cũng hay sử dụng nhạc điệu cóng dàm kết hợp với khua lóng. Hai loại nhạc cụ này tạo ra âm thanh liên hồi, lúc thúc giục, lúc sâu lắng, khi đã tham gia rồi không muốn cất bước chân đi.

Nghề thủ công truyền thống

Những nghề thủ công truyền thống của người Thái ở huyện Quan Sơn hiện nay còn tồn tại: nghề đan lát mây tre với các sản phẩm bế, gùi, cót ép, rổ, giỏ, ép đựng cơm, cái huốt, cái sàng, sẩy…; nghề dệt thổ cẩm gồm có: chăn, gối, đệm, màn, váy, áo coóng, khăn piêu, túi… Từ hình dáng, hoa văn trang trí hay những vật liệu làm ra một sản phẩm đều toát lên sự tinh tế trong từng chi tiết, khẳng định được giá trị thẩm mỹ cũng như giá trị sử dụng của sản phẩm.

Khách du lịch đến với huyện Quan Sơn nói riêng và vùng biên giới Việt - Lào nói chung có thể tham quan và tìm hiểu quá trình làm ra một sản phẩm dệt truyền thống, vật dụng từ mây/tre/luồng/vầu; giúp đỡ người dân trong quá trình chế biến nứa/luồng... hay tự tay làm ra một sản phẩm dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương, mua sản phẩm lưu niệm.

2. Hiện trạng phát triển du lịch ở Quan Sơn

Quan Sơn chưa có tên trong bản đồ du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay đã có một số hoạt động du lịch diễn ra với đối tượng khách du lịch chủ yếu là khách nội tỉnh. Một số hoạt động du lịch được ghi nhận chủ yếu tập trung tại cửa khẩu Na Mèo và một số di tích lớn của huyện. Theo báo cáo của UBND huyện Quan Sơn, sau dịp nghỉ lễ (30/4, 1/5) năm 2018, huyện đón hơn 80 lượt khách, chủ yếu là khách đến tham quan di tích và khu vực cửa khẩu quốc tế Na Mèo.

Hiện nay, huyện Quan Sơn đang xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng dựa trên khai thác các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Thái tại bản Ngàm (xã Sơn Điện). Đây là bản dân tộc Thái nổi bật với giá trị về văn hóa bản địa, năng lực kinh tế cộng đồng tương đối khá.

Các tuyến đường đi vào bản Ngàm và đường đi lại trong bản được cải tạo: trồng hoa hai bên đường, trồng cây... tạo cảnh quan xanh tươi. Một số hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, khu xử lý rác thải, di dời chuồng trại khỏi khu vực dân cư sinh sống. Bản đã hình thành các tổ dịch vụ du lịch với tổ lưu trú (10 hộ tham gia), tổ ẩm thực (10 hộ) và 2 đội văn nghệ. Về năng lực cộng đồng, các hộ gia đình có điều kiện làm homestay và dịch vụ phụ trợ được tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Về bảo tồn văn hóa, nghệ thuật trình diễn dân gian được hỗ trợ thông qua khôi phục các hình thức nghệ thuật cổ truyền thống.

Đối với sản phẩm du lịch, các hộ dân sẽ giúp du khách khám phá những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, thông qua các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, hoạt động trải nghiệm ẩm thực, xuôi bè đánh cá trên sông Luồng, bắt tôm cá bên suối…

Việc phát triển du lịch cộng đồng tại bản Ngàm đã có những tác động tích cực trong việc nâng cao chất lượng đời sống, thể hiện rõ nét qua các chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại bản Ngàm: có nhà vệ sinh tự hoại, chỉnh trang diện mạo bản làng, giữ gìn vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt, nhận thức của người dân về bảo tồn giá trị văn hóa và kỹ năng làm du lịch cộng đồng được nâng cao. Thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn ngắn hạn, cư dân địa phương có ý thức hơn trong việc gìn giữ phong tục của dân tộc mình, đồng thời biết cách khai thác những giá trị văn hóa trở thành một công cụ giảm nghèo hữu hiệu cho địa phương.

3. Một số giải pháp

Phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Quan Sơn nói riêng và vùng biên giới Việt - Lào nói chung là động lực quan trọng để xóa đói, giảm nghèo. Nhưng muốn phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, đòi hỏi địa phương phải phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, phù hợp, có quy hoạch và chọn lọc, hấp dẫn với từng đối tượng du khách.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng là cánh cửa mở cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Vì vậy, chính quyền cần có chính sách hỗ trợ người dân vay vốn với lãi suất thấp hoặc lập các quỹ du lịch hỗ trợ để họ có kinh phí xây dựng nhà cửa và các công trình vệ sinh phục vụ du lịch cộng đồng. Mặt khác, Nhà nước cần có một số chế độ ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đưa khách đến với vùng du lịch cộng đồng, như chế độ giảm thuế, cho vay ưu đãi...

 Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật

Trước hết, ưu tiên tập trung đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và phục vụ phát triển du lịch: nâng cấp và sửa chữa các tuyến đường chính vào sâu trong bản, đặc biệt là những đoạn đường hẹp, hư hỏng... Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực kinh tế đầu tư xây dựng hệ thống cấp thoát nước và hoàn thiện mạng lưới điện trên địa bàn các bản phục vụ du lịch và các bản vùng xung quanh. Đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú cộng đồng và các hình thức lưu trú tại gia với các dịch vụ kèm theo như quầy bán hàng lưu niệm, đồ ăn, uống... đảm bảo vệ sinh nhằm phục vụ nhu cầu ở lại đêm và nghỉ ngơi của du khách.

Các cơ sở thể thao và vui chơi giải trí

 Phát triển các loại hình du lịch thể thao như leo núi, cưỡi ngựa, bắn cung, tung còn theo kiểu của đồng bào dân tộc.

Về mặt hàng, ngoài những nhu cầu thiết yếu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân sở tại, cần quan tâm đến những mặt hàng thủ công truyền thống, những mặt hàng đặc sắc của văn hóa của đồng bào dân tộc Thái để phục vụ khách du lịch như: bế, gùi, cót ép, rổ, giỏ, ép đựng cơm, chăn, gối, đệm, váy, áo coóng, khăn piêu, túi (nghề dệt thổ cẩm),... Đồng thời ưu tiên các chợ vùng cao cho đồng bào bán các loại hàng hóa truyền thống. Các khu chợ sẽ trở thành một trong những điểm thu hút khách chính tại huyện. Vì vậy, cần khuyến khích người dân đến bán các sản phẩm thủ công và tổ chức thật tốt các hoạt động của chợ dân tộc (miễn phí chỗ ngồi hoặc giảm giá cho những người bán hàng không chuyên nghiệp).

 Phát triển các sản phẩm, dịch vụ

Cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương bên cạnh sự hỗ trợ của các ban, ngành, tổ chức khác. Chính quyền cơ sở đứng ra thành lập các tổ, đội sản xuất hàng lưu niệm, các đội văn nghệ để phục vụ khách du lịch. Các cơ quan chuyên môn tư vấn cho chính quyền cơ sở để hình thành mô hình quản lý của bản du lịch dựa vào cộng đồng như việc thành lập ban quản lý, quy chế hoạt động, quy định về thu phí và sử dụng nguồn thu…

Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch

Huyện Quan Sơn cần xây dựng bộ công cụ nhận diện thương hiệu cho du lịch gồm: khẩu hiệu, biểu tượng du lịch trên cơ sở các đặc trưng về tự nhiên và văn hóa địa phương; xây dựng bộ công cụ quảng bá, tuyên truyền cho du lịch gồm: sách ảnh, tập gấp giới thiệu du lịch; xây dựng thư viện phim - video, các ấn phẩm quảng bá trên trang web của huyện Quan Sơn,… Sưu tầm, nghiên cứu, xây dựng, phát hành các tư liệu về lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh, các làng nghề, lễ hội, ẩm thực địa phương của cộng đồng các dân tộc thiểu số của huyện Quan Sơn, mà trọng tâm là của dân tộc Thái. Ngoài ra, phối hợp với chính quyền CHDCND Lào, đặc biệt là huyện Viêng Xay, trong việc khai thác, xây dựng và quảng bá tuyến du lịch Quan Sơn - Viêng Xay.

Gìn giữ bản sắc, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống

Tổ chức các lớp học về bảo tồn bản sắc và văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc; đưa chương trình học nghề truyền thống, văn hóa bản địa vào chương trình học chính quy của học sinh; xây dựng phim tài liệu về văn hóa dân tộc, đồng thời tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống; tổ chức các lễ hội văn hóa, giao lưu, hội thi để giữ gìn bản sắc và phát triển giá trị truyền thống.

Huyện Quan Sơn, một huyện giáp biên giới Việt - Lào, nơi tập trung sinh sống của đa số tộc người Thái có nhiều tiềm năng, điều kiện và cơ hội thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng mới được triển khai bước đầu, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, tỉnh Thanh Hóa và huyện Quan Sơn cần phối hợp để đề ra những chiến lược, chính sách và định hướng phù hợp, đúng đắn phát triển một cách hiệu quả và bền vững du lịch cộng đồng ở huyện Quan Sơn. Hy vọng trong thời gian tới, Quan Sơn sẽ xây dựng được thương hiệu du lịch riêng, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

 

Tác giả: Lê Thị Hiền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11 - 2019

 

 

;