Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Thái Nguyên hiện nay

Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là địa bàn sinh sống của 45 dân tộc thiểu số, chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh (1), trong đó, dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay và Dao có số dân đông nhất. Đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc sắc, đã và đang trở thành nguồn tài nguyên to lớn, tạo động lực phát triển bền vững cho toàn tỉnh.

Qua việc thực hiện đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên đã có bước phát triển mới về quy mô cũng như chiều sâu. Các thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số được trùng tu, tôn tạo, hoạt động lễ hội, thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức có sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Đến nay, Thái Nguyên có 17 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó một số di sản đang từng bước trở thành sản phẩm du lịch như múa đắc xình của đồng bào dân tộc Sán Chay, lễ hội đền Ðuổm của đồng bào các dân tộc huyện Phú Lương (2). Nhiều lễ hội của các dân tộc đã được bảo tồn và phát huy như: lễ hội cầu mưa của người Sán Chay ở Phú Lương, lễ hội Lồng Tông ATK ở Định Hóa, lễ hội Ooc’ bò của người dân tộc Nùng ở Đồng Hỷ hay nghi lễ cấp sắc của người Nùng, Sán Dìu... đã tạo sức lan tỏa và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho tỉnh.

Nhiều địa phương đã hình thành mô hình phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số như: mô hình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, được chuyển đổi từ giá trị văn hóa cộng đồng. Tiêu biểu là mô hình bảo tồn làng văn hóa bản Quyên của người Tày ở Định Hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình bảo tàng hóa di sản văn hóa của người Tày trong khu sinh thái Thái Hải là một thí dụ điển hình cho sự gắn kết giữa bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế xã hội. Trong 30 ngôi nhà sàn cổ, hơn 100 người là vợ chồng, con cái bà con dân tộc được mời hoặc tự nguyện về làng, vừa cấy cày, trồng rau, nuôi cá, vừa làm du lịch, đã thu hút du khách bởi chính nếp sinh hoạt truyền thống đang được gìn giữ (3)...

Cùng với đó, mô hình phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch đã giúp đồng bào nâng cao thu nhập. Thái Nguyên là tỉnh có nghề trồng chè nổi tiếng trên cả nước với những vùng chè nổi tiếng, cả về chất lượng cũng như cảnh đẹp, trong đó phải kể đến: Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), La Bằng (huyện Đại Từ), Sơn Phú (huyện Định Hóa)… Bên cạnh đó, Thái Nguyên có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú, tạo nên những sắc thái văn hóa riêng. Đó là miền văn hóa với các nhịp điệu rộn ràng của nhịp gõ tắc xình, giọng then ngọt ngào, câu sli, câu lượn… hay tiếng khèn Mông, tiếng sáo réo rắt... làm say đắm lòng người. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng giúp ngành Du lịch của tỉnh có những bước phát triển và khởi sắc.

Đặc biệt, nhiều tri thức bản địa của đồng bào đã và đang phát huy giá trị trong sản xuất và đời sống. Một số kinh nghiệm của đồng bào đang được sử dụng trong hoạt động sinh kế như: tri thức trong nghề thủ công (nhất là những tri thức trong chăm sóc, chế biến bảo quản chè...), tri thức trong trồng trọt (hệ thống nông lịch, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, kỹ thuật đa canh, xen canh, canh tác trên đất dốc…), kinh nghiệm phòng chống thiên tai... Nhiều tri thức y học dân gian cũng đang được khai thác, sử dụng trong đời sống các dân tộc. Trong chiều dài lịch sử, các dân tộc đã phát triển những phương pháp xác định, thu hái, sử dụng, duy trì và bảo tồn các cây thuốc cũng như giữ gìn môi trường sống của nó để có thể sử dụng một cách bền vững. Hiện nay, có 745 loài cây dược liệu và 180 bài thuốc được sử dụng theo kinh nghiệm độc đáo của các cộng đồng ở tỉnh Thái Nguyên, trong đó dân tộc Tày sử dụng 323 loài và 57 bài thuốc, dân tộc Nùng sử dụng 111 loài và 21 bài thuốc... Hầu hết nhóm bệnh ở người đều được các đồng bào dân tộc sử dụng cây thuốc để chữa bệnh, các bệnh về đường tiêu hóa và xương khớp có nhiều bài thuốc nhất, chiếm tỷ lệ từ 35 - 60% trong tổng số các bài thuốc (4). Những kinh nghiệm chữa bệnh của các ông lang, bà mế cũng là một nét đặc trưng, góp phần duy trì tri thức bản địa từ đời này qua đời khác.

Nhiều giá trị văn hóa của dân tộc thiểu số đã trở thành nhân tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào. Đặc biệt, việc gắn kết các mô hình phát triển kinh tế, xã hội với bảo tồn văn hóa đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao mức sống; thu nhập cho cộng đồng và thúc đẩy các ngành nghề, dịch vụ khác ở địa phương phát triển. Nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, dịch vụ đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở các địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào trên địa bàn. Chính nhờ đó, kinh tế, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng nâng lên. Đến năm 2018, tỉnh không còn hộ đói, số hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh, 61 trong số 114 xã vùng dân tộc thiểu số đã đạt chuẩn nông thôn mới; có ba xã đặc biệt khó khăn đang hưởng các chính sách theo chương trình 135 đã đạt chuẩn nông thôn mới và đủ điều kiện ra khỏi diện đầu tư của chương trình (5).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, hiệu quả trong việc khai thác còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Không ít những di sản đang có nguy cơ mai một, tại một số địa phương đã xảy ra việc tôn tạo không đúng quy chuẩn, quy cách, dẫn đến mất dấu ấn di tích và mất giá trị văn hóa, lịch sử. Nhiều di sản phi vật thể quý giá đang có nguy cơ bị thất truyền. Nguyên nhân là do chưa xác định rõ và phát huy được những giá trị văn hóa độc đáo; chưa phát huy được vai trò của cộng đồng trong bảo tồn văn hóa tộc người; công tác truyền thông chưa bài bản; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp và quản lý nhà nước để tạo sự khác biệt cho sản phẩm…

Để phát huy những kết quả đã đạt được, tăng cường phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp.

Một là, phát huy vai trò chủ thể văn hóa trong gắn kết bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Theo GS, TS Phan Đăng Nhật: “Toàn bộ kho tàng khổng lồ văn hóa các dân tộc thiểu số vốn sống trong môi trường cộng đồng; được sinh thành, nuôi dưỡng và phát triển trong môi trường này, phục vụ cuộc sống vật chất và tinh thần của cộng đồng. Phải trả nó về cộng đồng, công chúng để họ giữ gìn và phát triển trong môi trường gốc” (6). Khi chủ thể văn hóa được phát huy thì tự thân các sinh hoạt, hoạt động văn hóa tộc người có sức sống mãnh liệt. Vì vậy, các hoạt động văn hóa cần đem lại lợi ích thiết thực cho đồng bào tại chỗ, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho đồng bào. Đồng thời, khuyến khích và phát huy vai trò của đồng bào trong bảo vệ không gian văn hóa nhất là bảo vệ các vùng chè, danh lam, thắng cảnh có liên quan, các làng nghề, khu du lịch sinh thái... bảo đảm sự phát triển một cách bền vững, tránh làm tổn hại đến môi trường tự nhiên, môi trường sống.

Hai là, đầu tư nghiên cứu toàn diện văn hóa tộc người, nâng cao chất lượng các chương trình, dự án bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Cần nghiên cứu một cách có hệ thống về văn hóa của mỗi dân tộc, làm rõ những giá trị cần được bảo tồn, phát huy, những nét văn hóa lạc hậu, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cần loại bỏ. Trên cơ sở gạn đục, khơi trong, cần nghiên cứu đầy đủ cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống cộng đồng. Tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ các chương trình, dự án bảo tổn văn hóa, tránh những sai phạm trong trùng tu, phục hồi các di sản. Có kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa thật bài bản, chuyên nghiệp, tạo sức lan tỏa trong đời sống cộng đồng. Khuyến khích các nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa, nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu các di sản văn hóa của cộng đồng. Tăng cường tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động, chương trình văn hóa văn nghệ để đồng bào thấu hiểu giá trị văn hóa của tộc người mình. Đồng thời, tận dụng và lợi dụng thế mạnh của kỹ thuật truyền thông hiện đại để chuyển tải các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số có sức hấp dẫn, lan tỏa mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các yếu tố cấu thành văn hóa biến đổi theo chiều hướng tích cực, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Ba là, rà soát, hoàn thiện và thực thi có hiệu quả chính sách gắn kết bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số với phát triển kinh tế, xã hội. Cần tiếp tục đổi mới chính sách phát triển văn hóa theo hướng gắn kết phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới. Tập trung đầu tư khôi phục, tái hiện những lễ hội truyền thống vừa bảo đảm sắc thái dân gian, cốt cách dân tộc, vừa chứa đựng những yếu tố hiện đại; tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, khích lệ sáng tạo giá trị văn hóa mới, tiến bộ, bỏ những hủ tục lạc hậu; chú trọng lồng ghép, cải biến những giá trị văn hóa truyền thống trong các sinh hoạt cộng đồng. Thường xuyên chú trọng đào tạo nhân lực nòng cốt cho bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, chú ý coi trọng các chính sách, chế độ khuyến khích đối với các nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa; phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân các dân tộc thiểu số, khuyến khích giới trẻ tiếp thu các di sản văn hóa dân tộc; tăng cường quảng bá hình ảnh văn hóa ở trong nước và quốc tế. Kết hợp giữa “xây” và “chống” trong quá trình đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn văn hóa ngoại lai hoặc phục hồi một cách máy móc văn hóa truyền thống.

Văn hóa tộc người là cốt lõi của sức mạnh mềm trong phát triển ở vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, những giá trị tốt đẹp đó được phát huy hiệu quả như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều lực lượng, nhiều tổ chức. Vì vậy, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển bền vững kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững.

_______________

1, 5. Linh Trang, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ III thành công tốt đẹp, danvan.vn, 2019.

2. Hoàng Phúc, Thái Nguyên có 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhandan.com.vn, 2019.

3. Mai An, Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhandan.com.vn, 2019.

4. Lê Thị Thanh Hương, Nguyễn Trung Thành, Nghiên cứu tri thức và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Thái Nguyên để bảo tồn và phát triển bền vững, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, tập 32, số 1, 2016, tr.55-64.

6. Hồng Trang, Chung tay giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, nhandan.com.vn, 2017.

Tác giả: Nguyễn Thị Hoài Thanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020

;