Cảnh trong vở Tuồng “Thiếu phụ Nam Xương” - Ảnh: Liên Hương
Việc gìn giữ và phát triển sân khấu kịch hát dân tộc đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong xây dựng bản sắc văn hóa thời đại mới. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận việc này không dễ. Kịch hát dân tộc như: Tuồng, Chèo, Cải lương từng có những khoảng thời gian hoàng kim, song cũng không kéo dài.
Khi cuộc sống phát triển, khán giả có nhiều sự lựa chọn, mà những sự lựa chọn này lại rất mới mẻ, lạ lẫm. Trong khi đó sân khấu truyền thống dù rất thú vị, song cũng phải thừa nhận khó tiếp cận với cuộc sống mới. Nghệ thuật Chèo thích hợp với những câu chuyện dân gian. Tuồng thì thích hợp với những câu chuyện lịch sử với đề tài trung quân ái quốc. Cải lương cũng vậy. Ngay cả kịch nói, thể loại được coi là dễ tiếp cận với những vấn đề nóng hổi của cuộc sống cũng đã bị tụt hậu từ lâu.
Thực trạng buồn
Cùng với thời gian, sân khấu gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Thiếu khán giả, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao nên những loại hình sân khấu truyền thống so với quá khứ không những không phát triển, thậm chí còn thụt lùi. Đã có những hao mòn, mất mát mà chưa biết bù đắp bằng cách nào.
Để chấn hưng nền sân khấu, hay nói cách khác là để sân khấu lấy lại được khí thế của thời hoàng kim ngày xưa, thì khó khăn lớn nhất vẫn là làm sao có tác phẩm hay mà điều này thì phải có thời gian. Muốn có nghệ sĩ giỏi thì phải đầu tư thật kỹ lưỡng. Hiện nay, những cánh chim đầu đàn của ngành sân khấu vốn được đào tạo bài bản ở Nga cũng đã già. Trường Sân khấu Điện ảnh đang thiếu lắm những người thầy giỏi. Vì thế, chúng ta cần xây dựng đề án đào tạo lực lượng nghệ sĩ, mà văn học nghệ thuật lại có đặc thù riêng, chứ không như bên tự nhiên. Nếu đầu tư cho một nhà máy, sau 5 năm có kết quả rõ rệt. Song, đầu tư cho nghệ thuật, 5 năm vẫn là quá ít, chưa kể còn nhào nặn giữa thực tế và lý thuyết, điều kiện làm nghề. Nên người ta vẫn nói, gắn bó được với nghệ thuật, ngoài cái tài còn phải có cái duyên. Mà cái duyên thì do trời định, con người chỉ biết tuân theo.
Nhiệm vụ cần thiết nữa là bảo tồn và nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật kịch hát truyền thống. Hiện nay, do cơ chế thị trường, diễn viên trẻ có xu hướng làm nhanh, làm gọn nhưng sự chuyên sâu, điêu luyện thì lại bị mai một. Họ ít chịu khổ luyện cho một điệu múa hay những động tác khó, rồi ánh mắt, đài từ làm sao để bật ra cái thần của nhân vật. Diễn viên phải diễn xuất để khán giả trong và ngoài nước thán phục mới được. Bên cạnh đó, phải tích cực quảng bá đến đông đảo người dân, nhất là trong điều kiện báo chí, truyền thông rất mạnh. Nếu không có môi trường hoạt động thì rất khó giữ những giá trị truyền thống. Người nghệ sĩ sân khấu phải làm thế nào để khán giả cảm thấy sàn diễn là thiên đường nghệ thuật, thiên đường giải trí. Điều này đang bị bỏ ngỏ.
Giờ đây, thật khó tìm được một người là “con nhà nòi” hoặc sinh ra và lớn lên ở thành phố theo học diễn viên kịch hát dân tộc. Nói vậy, không có nghĩa phủ nhận tài năng của những sinh viên nông thôn theo đuổi con đường nghệ thuật truyền thống mà chỉ để nhận ra rằng, môn nghệ thuật này không còn là sự lựa chọn của những người có “điều kiện theo nghề” nữa. Ông Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho biết, nhiều con em các nghệ sĩ kịch hát dân tộc có giọng hát hay nhưng không theo nghề bố mẹ mà thường thi vào khoa Quay phim, Đạo diễn truyền hình. Trong những buổi sinh hoạt văn nghệ ở khoa mình, các em vẫn đứng lên hát Chèo, Cải lương. Nếu hỏi các em, hát hay thế sao không thi vào khoa Kịch hát dân tộc theo nghề bố mẹ, các em chỉ cười. Điều dễ hiểu là trước khi lựa chọn ngành nghề nào, các em đều đã tìm hiểu kỹ. Thực tế cuộc sống khốn khó của bố mẹ mình là “tấm gương” để các em quyết định có nên noi theo hay không. Mà hiếm có bố mẹ nào muốn hướng con theo nghiệp mình, nhất là khi biết rõ, còn có con đường khác dễ đi hơn. Cũng theo ông Thanh Hiệp, trong khi diễn viên kịch hát rất được thầy giáo cưng chiều, lại được giảm 70% học phí và thường ra trường là có việc làm ngay thì chẳng mấy ai chọn. Ngược lại, học điện ảnh, truyền hình đóng toàn bộ học phí, làm bài tập rất tốn kém song lượng học sinh thi vào luôn đông.
Chỉ cần nhìn vào thực trạng tuyển sinh tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh là biết ngay tình hình nghệ thuật hiện nay ra sao. Và hiện tượng dễ nhận thấy là các tài năng của kịch hát truyền thống đang bị “chảy máu” sang các ngành nghề khác. Những năm trước đây, một gia đình thường có nhiều thế hệ theo nghiệp diễn viên kịch hát, theo kiểu cha truyền, con nối, ngày nay hiện tượng này hầu như không còn tồn tại. Thời đó, dạy sinh viên rất sướng vì các em chính là con cái của bạn bè mình, được sống trong môi trường nghệ thuật từ nhỏ nên ngấm, vừa biết hát vừa biết diễn, múa. Vừa nói đã hiểu ngay ý thầy. Bây giờ hầu hết sinh viên Kịch hát dân tộc đều xuất thân từ nông thôn, trong gia đình thuần nông. Các em có chất giọng khá, song chưa hiểu thực chất nghệ thuật là gì, chỉ biết một cách mơ hồ, cứ nghĩ làm diễn viên là được bay bổng với những vai diễn công chúa, tiểu thư. Có những em quyết không đóng vai xấu, vai đểu vì sợ người ta nghĩ mình cũng giống thế. Có em giọng khỏe song tay chân, vóc dáng lại thô, nên múa rất cứng. Sự “ngây thơ” của các sinh viên ngày nay khiến các thầy cô mệt hơn rất nhiều. Họ không chỉ dạy mà còn phải “dỗ”, chỉ sợ những giọng ca tốt sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Có em nghĩ mình hát hay, được các nghệ sĩ tuyển chọn thì chắc sẽ trở thành diễn viên giỏi mà không biết rằng để đạt được điều đó còn phải trải qua quá trình rèn luyện nhọc công. Đây cũng là một trong những lý do khiến chất lượng diễn viên kịch hát truyền thống thua kém so với ngày trước. Tất nhiên, vẫn có những em xuất thân từ nông thôn, trong gia đình không ai theo nghệ thuật hát hay, diễn giỏi, song sự thiếu hụt của các diễn viên “con nhà nòi” cũng là điều đáng buồn của sân khấu truyền thống.
Nghệ thuật sân khấu đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn lực diễn viên trẻ Kịch hát dân tộc. Đây cũng là nỗi khó chung cho sân khấu cả hai miền Nam và Bắc. Trong cuộc cạnh tranh liên tục của các loại hình giải trí hiện nay, một người vừa có thanh, vừa có sắc rất hiếm khi chọn kịch hát truyền thống bởi cơ hội nổi tiếng và giàu có gần như xa vời.
Nhọc công tìm kiếm tài năng
Cùng với nỗi lo nghệ thuật Tuồng truyền thống mai một theo thời gian là sự khan hiếm nguồn lực diễn viên trẻ tài năng, vốn đã có thời gian được cho là đáng báo động. Từ lâu các nhà hát nghệ thuật truyền thống đã tự đi tìm diễn viên do nguồn cung cấp diễn viên từ Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh không đủ hoặc không đạt yêu cầu. Theo đó, các đơn vị không chỉ ngồi chờ các em đến thi tuyển mà trực tiếp đi xuống làng quê ở các tỉnh để tuyển chọn, như thế sẽ không sợ bị lạc mất những giọng ca hay. Tìm được giọng hát hay chưa phải đã là thành công vì có em thích trở thành diễn viên song lại bị bố mẹ cấm, hoặc cũng có em định theo nghề, song suy đi tính lại thấy làm việc khác, cuộc sống sẽ ổn hơn nên thôi.
Để tuyển sinh, các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam phải đi khoảng 12 tỉnh, thành để tìm những giọng ca tốt. Cứ đến kỳ, Nhà hát phải đầu tư vài chục nhân sự đi tìm để tuyển chọn những giọng ca mới cho nghệ thuật Chèo ở các vùng quê. Trong thời buổi công nghệ thông tin như hiện nay, những vùng nông thôn cũng đâu có thiếu thốn thông tin. Bản thân những em học sinh từ nhỏ cũng đã được định hướng lựa chọn nghề nghiệp. Nhưng sự thực thì hiện các em rất ít khi được định hướng đi theo nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật sân khấu truyền thống
Nhà hát Cải lương Việt Nam có đợt tuyển sinh, nhà hát đi suốt ba tháng trời mà không tuyển được một em nào. Các nghệ sĩ cho biết: Thực tế là hiện nay, không ai muốn theo nghề này cả. Nguyên nhân không phải không có người hát hay, mà cái chính, họ không muốn theo nghề.
Tương tự, không có chuyện bạn trẻ nào đó ôm mộng trở thành diễn viên Tuồng, chờ đến mùa tuyển sinh để khăn gói đến khoa Kịch hát dân tộc dự thi mong toại nguyện ước mơ được tỏa sáng trên sàn diễn. Từ lâu lắm rồi, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội không thể tuyển sinh được lớp diễn viên Tuồng. Nhà hát Tuồng Việt Nam, đơn vị hiếm hoi của làng Tuồng miền Bắc trong tình cảnh “tre” đang già đã phải cất công đi tìm “măng” để giữ gìn một trong những loại hình sân khấu dân tộc lâu đời nhất.
Điều này hơi trái với lẽ thường, bởi lẽ học sinh phải tự thi, tự học và sau khi tốt nghiệp sẽ cầm tấm bằng đi xin việc ở các nhà hát. Nhưng bây giờ, mấy học sinh chọn trở thành sinh viên khoa Tuồng, Chèo, Cải lương? Và nếu có cũng chưa chắc đã phải là những giọng ca hay theo đúng nhu cầu của nhà hát. Tuyển sinh là việc của cơ sở đào tạo, nhưng nay nếu muốn có nhân sự tốt thì các đơn vị nghệ thuật phải tự tìm nguồn tuyển sinh. Thời buổi công nghệ thông tin. Ngay ở miền núi, người dân cũng đã sử dụng smartphone. Họ thường xuyên cập nhật thông tin. Trên các trang mạng xã hội, các nhà hát cũng đều có Fanpage đăng tải các hoạt động. Thế nhưng, việc này có thu hút được các tài năng trẻ đến với nghệ thuật hay không còn là câu chuyện dài.
Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, tối nào các sân khấu kịch hát cũng sáng đèn. Khán giả xem đến thuộc vở mà vẫn thích, và họ “soi” diễn viên rất kỹ. Diễn viên vì thế bắt buộc phải tiến bộ. Ngọc càng mài càng sáng, diễn viên càng diễn càng hay. Nếu quay lại cảnh diễn của mình lúc mới lên sân khấu, hai năm sau cũng vai đó nhưng xem khác hẳn. Bây giờ nhiều điệu hát, cách diễn đặc trưng của nghệ thuật truyền thống đã không còn được biểu diễn hoặc biểu diễn mà không đạt yêu cầu. Các diễn viên không hát được những điệu khó, mà có hát được cũng chỉ đạt 1/2 tiêu chuẩn, bởi cái chính là sự điêu luyện, tinh tế khi hát và diễn thì gần như ít người để tâm đến. Các diễn viên trẻ thường ỉ lại hát hay, múa giỏi và ăn lương Nhà nước nên không trau chuốt kỹ năng như các nghệ nhân xưa, do đó hiếm người đạt độ chín. Thời đỉnh cao, nhiều vở diễn được 500 buổi, 300 buổi, diễn viên thuộc hết thoại của tất cả các nhân vật, còn bây giờ một vở dựng xong, có khi hai năm sau chưa được diễn, như vậy, diễn viên có muốn cũng khó mà giữ những tinh túy của nghề.
Cần một cơ chế phù hợp để tài năng phát triển
Văn học nghệ thuật vẫn có sức mạnh riêng dù bất kể ở thời buổi nào vẫn luôn có sức hút. Giá trị của văn học nghệ thuật là giá trị muôn đời. Và ở thời đại nào vẫn luôn có những con người say mê đam mê muốn cống hiến cho nghệ thuật. Thế nhưng những tài năng có thể sống, cống hiến hết mình trong môi trường nghệ thuật hay không ấy mới là điều chúng ta đáng bàn.
Chúng ta đã từng bỏ nhiều thời gian để đi tìm kiếm và đào tạo những tài năng nghệ thuật. Vậy bây giờ những tài năng ấy đâu? Có đã được đào tạo ra sao? Cống hiến thế nào? Họ đã đạt được những thành tựu nào trong suốt quãng đời hoạt động nghệ thuật của mình? Và điều này có khiến những người làm nghề hài lòng?
Theo tôi, việc tìm kiếm và đào tạo phải gắn liền với việc chúng ta có một môi trường làm việc nghệ thuật thật chuyên nghiệp cho những nghệ sĩ. Bởi cái đích cuối cùng của tài năng là cống hiến. Đào tạo tài năng cũng với mục đích để tài năng cống hiến tốt nhất. Chỉ khi tài năng được phát huy hết tác dụng thì chúng ta mới có một nền nghệ thuật hấp dẫn.
Việc các nhà hát đi về vùng thôn quê tuyển chọn diễn viên như cái thời xa xưa ấy, nói thật, chỉ mệt người mà hiệu quả rất thấp. Cứ giả sử chúng ta tìm được những gương mặt tài năng đi thì rồi sau này những tài năng ấy có tỏa sáng không? Để tỏa sáng họ cần gì? Tất nhiên họ cần một môi trường hoạt động nghệ thuật thật chuyên nghiệp để họ được sống trong những vai diễn điển hình. Những nhân vật có sức hút có tầm ảnh hưởng đối với công chúng. Vở diễn của họ thu hút được nhiều khán giả đến xem. Và số tiền thù lao họ nhận được đủ để họ sống một cuộc sống ở mức trung bình, thậm chí vương giả, như chúng ta vẫn thường thấy trên truyền thông: Cuộc sống của những ngôi sao. Rồi từ đó họ lại tiếp tục rèn luyện nghề nghiệp, hóa thân vào những vai diễn mới, tỏa sáng và được sống cuộc sống nghệ sĩ đúng nghĩa. Cả đời chỉ dành cho nghệ thuật. Nếu không có được môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp thì nếu tìm kiếm được gương mặt tài năng, đào tạo bài bản những tài năng ấy vẫn có thể bỏ nghề để đi tìm công việc khác dễ sống hơn. Hoặc nếu gắn bó với nghề thì họ cũng chỉ níu kéo, chứ cơ hội để tỏa sáng thực sự hiếm hoi.
Nếu chúng ta có môi trường nghệ thuật tốt, nơi mà các tài năng lúc nào cũng có thể tỏa sáng với những vai diễn để đời trong những tác phẩm đi cùng thời đại, thì chúng ta không cần phải mất công đi tìm kiếm tài năng, cũng không cần phải tìm cách giữ chân tài năng. Các tài năng sẽ tự tìm đến với nghệ thuật sẽ tự thân rèn luyện để được sống lâu trong môi trường nghệ thuật mơ ước.
Lấy ví dụ kinh đô điện ảnh Hollywood lúc nào cũng có những gương mặt trẻ, đẹp tìm đến săn lùng cơ hội, chờ đợi vai diễn. Họ lao tâm khổ tứ với ước mơ trở thành minh tinh màn bạc, thù lao triệu đô. Họ sẵn sàng hy sinh để theo đuổi ước mơ trở thành ngôi sao. Môi trường nghệ thuật dành cho tất cả mọi người. Hôm nay anh có thể là một người thợ sửa xe, một người phục vụ quán cà phê nhưng nếu có cơ hội và nỗ lực ngày mai anh sẽ trở thành một ngôi sao.
Hay như ở Hàn Quốc. Trước đây khi nền nghệ thuật giải trí chưa phát triển mạnh như bây giờ những tài năng không ai lựa chọn đi theo con đường nghệ thuật, nhất là điện ảnh. Thế nhưng khi môi trường nghệ thuật phát triển. Khi sản phẩm nghệ thuật của họ đã vượt khỏi biên giới thì tất cả những tài năng ở lĩnh vực khác đều quay sang tìm kiếm cơ hội ở nghệ thuật điện ảnh. Những đứa trẻ học giỏi, siêng năng nuôi giấc mộng được tỏa sáng trong môi trường nghệ thuật chứ không phải là trở thành doanh nhân, kỹ sư.
...Theo tôi, chúng ta không thiếu những tài năng về nhan sắc, giọng ca, diễn xuất. Chúng ta đang thiếu tài năng có khả năng hoạch định chiến lược phát triển nghệ thuật xứng tầm thời đại. Những tài năng có thể xây dựng được môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, lành mạnh, phát triển phù hợp thời đại, với xu hướng của thế giới phẳng. Cụ thể ở đây là những chế độ, chính sách, phương pháp để biến tài năng bẩm sinh thành ngôi sao tỏa sáng trên bầu trời nghệ thuật. Nếu chúng ta có những tài năng mà lại không có những chính sách phù hợp thì tài năng cũng chết yểu hoặc dời xa. Nếu chúng ta có chế độ chính sách thích hợp thì các tài năng sẽ tự tìm đến. Việc của chúng ta không phải đi tìm mà là thu hút.
Tham luận tại Hội thảo “Tài năng trẻ - nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tháng 11-2024.
TRƯƠNG THỊ HUYỀN
Tạp chí Sân khấu, Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN