Phát triển du lịch tâm linh Phật giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết không chỉ làm rõ tiềm năng và thế mạnh của loại hình du lịch tâm linh Phật giáo tại TP.HCM, mà còn chỉ ra các cơ hội, thách thức mà nó mang lại cho ngành Du lịch tại địa phương. Tác giả đã đề cập đến tác động của du lịch tâm linh đối với xu hướng phát triển chung của du lịch tại TP.HCM, từ đó xác định hướng đi cho các nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững trong tương lai.

Khách thập phương du Xuân đầu năm tại chùa Vĩnh Nghiêm (Quận 3, TP.HCM) - Ảnh: ttbc-hcm.gov.vn

1. Các khái niệm

Khái niệm du lịch tâm linh

Du lịch tâm linh (tiếng Anh là Spiritual tourism hoặc Pilgrimage tour), là loại hình du lịch phổ biến không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới; loại hình này nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người, thường gắn liền với các giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể liên quan đến lịch sử, tôn giáo và những niềm tin tinh thần khác. Du lịch tâm linh không chỉ cho phép khách du lịch khám phá những vùng đất mới mà còn cung cấp cho họ những giá trị tinh thần sâu sắc.

Ở Việt Nam, ngành Du lịch đang phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, với nhiều loại hình khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Trong số đó, loại hình du lịch tập trung vào khai thác các giá trị thiêng liêng trong văn hóa tinh thần được chú trọng đầu tư và phát triển. Điều này, không những thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch mà còn giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đất nước. Hiện nay, chúng ta có nhiều khái niệm liên quan đến loại hình du lịch này. Theo tác giả Võ Văn Thành, du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh vừa làm cơ sở, vừa làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của du khách.

Du lịch tâm linh, còn được biết đến dưới cái tên du lịch tôn giáo hay du lịch hành hương, là loại hình du lịch dựa trên nhu cầu tín ngưỡng và tôn giáo của con người. Khách du lịch tham gia vào các hoạt động này với mục đích thực hiện các nghi lễ tôn giáo, tìm hiểu và nghiên cứu về các phong tục, truyền thống tâm linh hoặc đơn giản chỉ là để chiêm ngưỡng và trải nghiệm các điểm linh thiêng. Đây là loại hình du lịch đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử loài người và vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Du lịch tâm linh khai thác các yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới; các giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và các giá trị tinh thần đặc biệt khác. Những hành trình này không chỉ mang đến cho du khách những trải nghiệm khám phá vùng đất mới, mà còn cung cấp những giá trị sâu sắc về mặt tinh thần.

Trong các chuyến đi tâm linh, theo tác giả Trịnh Ngọc Anh, khách du lịch có cơ hội đến thăm những địa điểm thiêng liêng, tham gia vào các nghi lễ tôn giáo, qua đó họ có thể tăng cường niềm tin và chất lượng cuộc sống tâm linh. Những chuyến đi này không chỉ giúp tăng cường sợi dây gắn bó và kết nối mối quan hệ cá nhân với những người đồng đạo, mà còn giúp khách du lịch xây dựng niềm tin về sức mạnh nội tâm, tìm kiếm sự an lạc trong tâm hồn và thăng hoa cuộc sống hướng thượng. Với những giá trị tâm linh mà loại hình du lịch này mang lại, nó vẫn luôn có một vị trí quan trọng trong ngành Du lịch ngày nay. Đó cũng là mục đích cao nhất của các chương trình du lịch tâm linh.

Du lịch hành hương Phật giáo

Du lịch tâm linh Phật giáo, hay còn gọi là du lịch hành hương Phật giáo, là một trong những loại hình du lịch tâm linh mang đến cho du khách những trải nghiệm thiêng liêng cả về mặt vật chất lẫn tinh thần thông qua việc tham gia vào các nghi thức và hoạt động Phật giáo; khái niệm “hành hương” trong Phật giáo truyền thống thường liên quan đến các nghi thức thắp hương và lễ bái tại các điện Phật, tháp đường, hay tượng của Đức Phật và Bồ Tát, còn được gọi là thiền hành.

Hiện nay, khái niệm hành hương đã được mở rộng hơn, không chỉ giới hạn ở các hoạt động tín ngưỡng mà còn bao gồm cả những chương trình du lịch văn hóa Phật giáo, thăm viếng các đền, chùa và các di tích lịch sử tôn giáo; trong tiếng Anh, từ Pilgrimage có hai nghĩa: một là cuộc hành trình, đặc biệt là chuyến đi dài ngày đến một địa điểm thiêng liêng với mục đích lễ bái; hai là bất kỳ cuộc hành trình dài ngày nào. Theo Oxford Reference English Dictionary (Từ điển tiếng Anh Oxford tham khảo), hành hương còn được định nghĩa là chuyến đi nhằm mục đích hoài niệm quá khứ hay tình cảm, nhấn mạnh tính chất thế tục của hành hương trong thời hiện đại.

Với người hành hương, những chuyến đi như vậy không chỉ giúp gia tăng niềm tin và chất lượng cuộc sống tâm linh mà còn tăng cường mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng; một tour du lịch hành hương Phật giáo chuyên sâu cần đáp ứng ba yếu tố then chốt: có một hay nhiều địa điểm thiêng liêng Phật giáo, một chuyến đi bộ thiêng liêng và một mục đích thiêng liêng.

Những yếu tố này cần và đủ để cấu thành một hành trình tâm linh, làm cho chuyến đi không chỉ là một quá trình di chuyển trong không gian và thời gian mà còn là một hành trình nội tâm, một sự hóa thân độc đáo khiến cuộc sống thường nhật trở nên ý nghĩa hơn. Du khách trong hành trình này không chỉ kết nối với những giá trị thiêng liêng, cao cả thông qua các di sản văn hóa và lịch sử mà còn được kết nối với nhau bởi sợi dây vô hình của niềm tin chung và những khoảnh khắc đặc biệt chia sẻ trên cùng một con đường tâm linh; trải nghiệm này mang lại cho người hành hương sự thanh thản và sâu sắc, giúp họ tìm kiếm và khám phá ý nghĩa sâu xa của cuộc sống qua lăng kính Phật giáo.

2. Kết quả nghiên cứu

Trong bối cảnh du lịch ngày càng phát triển và khẳng định được vị trí của mình trong nhiều lĩnh vực, sản phẩm du lịch hành hương Phật giáo cũng bước đầu được chú ý xây dựng và chuyên nghiệp hơn. Do đó, bước đầu thông qua phân tích phương pháp nghiên cứu SWOT đánh giá mọi mặt liên quan làm cơ sở đưa ra khuyến nghị phát triển loại hình du lịch này.

Điểm mạnh

TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, đang ngày càng khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho du lịch tâm linh Phật giáo. Theo số liệu từ Sở VHTT TP.HCM, tính đến tháng 1-2024, thành phố có 188 di tích, trong đó có 36 ngôi chùa và tịnh xá được xếp hạng. Những ngôi chùa này không chỉ là nơi thờ tự mà còn là điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Trong số các ngôi chùa này có thể kể đến chùa Ngọc Hoàng, chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên; bên cạnh đó, thành phố cũng sở hữu nhiều ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và cổ kính như: chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Phổ Quang, chùa Hoằng Pháp; đáng chú ý, một số ngôi chùa còn được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận kỷ lục như chùa Pháp Vân và chùa Xá Lợi, những ngôi chùa này làm tăng thêm sức hấp dẫn cho các chương trình hành hương.

Hệ thống dịch vụ ăn uống, lưu trú và lữ hành tại TP.HCM cũng phát triển mạnh, đáp ứng mọi nhu cầu của du khách; các nhà hàng chuyên món chay như: Hoan Hỷ và Bông Sen không chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách mà còn góp phần vào trải nghiệm du lịch tâm linh.

Với tổng số hơn 42 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023, trong đó có hơn 5 triệu lượt khách quốc tế, TP.HCM đang là thị trường tiềm năng cho du lịch hành hương Phật giáo. Đặc biệt, với số người theo Phật giáo chiếm 50,4% trong số người theo tôn giáo tại thành phố, nhu cầu cho các chuyến đi hành hương là rất lớn.

Nhằm tận dụng thế mạnh này, thành phố cần đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng và phát triển các dịch vụ du lịch chuyên biệt. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ không chỉ thúc đẩy ngành Du lịch phục hồi sau đại dịch mà còn góp phần nâng cao trải nghiệm du khách.

TP.HCM với lợi thế về số lượng và chất lượng các ngôi chùa cùng hệ thống dịch vụ du lịch phát triển sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách hành hương, từ đó mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho thị trường du lịch tâm linh tại Việt Nam.

Điểm yếu

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đứng thứ 52 trong số 117 quốc gia về hiệu quả quảng bá du lịch vào năm 2022. Tuy nhiên, dữ liệu từ Google Trends cho thấy lượng tìm kiếm du lịch về Việt Nam năm 2023 đã tăng trưởng hơn 75%, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 6 toàn cầu, vượt qua các quốc gia như: Thái Lan và Indonesia. Điều này, cho thấy tiềm năng lớn trong việc tận dụng công nghệ và internet để quảng bá du lịch, đặc biệt là thông qua mạng xã hội và thế giới ảo.

Mặc dù vậy, hình thức tiếp thị cho du lịch tâm linh, đặc biệt là du lịch tâm linh Phật giáo, lại chưa được chú trọng đúng mức; các chiến lược phát triển thương hiệu và sản phẩm du lịch của Việt Nam đến năm 2025 và 2030, không nhắc đến thị trường du lịch tâm linh.

Về cơ sở dữ liệu, thông tin về du lịch tâm linh Phật giáo hiện tại còn thiếu và không được hệ thống hóa, khiến việc tìm kiếm thông tin của du khách trở nên khó khăn. Điều này, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch thông minh; vốn đòi hỏi thông tin được chia sẻ một cách có hệ thống và đầy đủ để kích thích nhu cầu của du khách.

Về nguồn nhân lực, sự thiếu hụt chuyên gia có kiến thức sâu rộng về Phật giáo cũng như kỹ năng tổ chức các chương trình du lịch hành hương là một thách thức. Tinh thần nhập thế trong Phật giáo chưa được phát huy và những người có kiến thức sâu về Phật giáo thường không có kỹ năng về du lịch. Ngược lại, những người làm du lịch lại thiếu kiến thức chuyên sâu về du lịch tâm linh, khiến những trường hợp không thể tổ chức các chương trình đặc thù theo nhu cầu của du khách.

Để khắc phục tình trạng này, Việt Nam cần định hướng lại chiến lược quảng bá du lịch, đặc biệt là cho thị trường du lịch tâm linh, thông qua việc tăng cường sử dụng công nghệ và phương tiện truyền thông hiện đại. Đồng thời, cần phát triển nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn cao cả về Phật giáo và du lịch để tạo ra những trải nghiệm độc đáo và phù hợp với nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.

Cơ hội

Du lịch đang trở thành cầu nối văn hóa và kinh tế giữa các khu vực và quốc gia nhờ vào sự phát triển của công nghệ thông tin và phương tiện di chuyển hiện đại. Xu hướng liên kết giữa các điểm du lịch xuyên tỉnh, xuyên vùng và xuyên quốc gia ngày càng phổ biến, với các tuyến du lịch nối liền Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực như: Campuchia, Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Nepal.

Trong bối cảnh này, các tổ chức du lịch khu vực và quốc tế như Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) và Hiệp hội Du lịch Đông Nam Á (ASEANTA) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác và phát triển du lịch. Họ không chỉ cổ vũ cho sự phát triển kinh tế mà còn khuyến khích sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa.

TP.HCM với dân số hơn 11 triệu người, là thành phố lớn và hiện đại nhất Việt Nam, thu hút người dân từ khắp nơi trong nước và quốc tế. Đây là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và xã hội; phản ánh trình độ dân trí cao, sự ý thức tốt trong việc tôn trọng và ứng xử với khách du lịch. Thành phố cũng đã thiết lập các Trung tâm Thông tin Du lịch để hỗ trợ du khách, thể hiện sự quan tâm đến trật tự xã hội và an ninh.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn được biết đến là một trong những quốc gia có môi trường chính trị ổn định và an toàn. Với bờ biển đẹp, ẩm thực phong phú và người dân thân thiện, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách quốc tế.

Về ẩm thực, Việt Nam đã đưa nhiều món ăn trở thành biểu tượng trên trường quốc tế, với phở và gỏi cuốn được CNN chọn là một trong 50 món ngon nhất thế giới. Việt Nam cũng được xếp hạng cao trên TasteAtlas - bản đồ ẩm thực thế giới, nhấn mạnh sự đa dạng và phong phú của ẩm thực Việt.

Với những lợi thế về vị trí địa lý, văn hóa và an ninh, Việt Nam đang từng bước khẳng định trên bản đồ du lịch quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch tâm linh Phật giáo, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Thách thức

TP.HCM đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong ngành Du lịch từ các điểm đến nổi tiếng trong nước như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, cũng như từ các quốc gia trong khu vực châu Á đã phát triển mạnh mẽ về du lịch như: Singapore, Thái Lan và Malaysia. Đặc biệt, các sản phẩm du lịch tâm linh, hành hương Phật giáo của Việt Nam vẫn chưa đủ sức hấp dẫn so với các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng khác trên thế giới như: Tứ động tâm ở Ấn Độ hay Tứ đại Phật Sơn của Trung Quốc.

UNWTO dự báo, lượng khách du lịch quốc tế sẽ đạt 1,8 tỷ lượt vào năm 2030, trong đó khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ thu hút 187 triệu lượt khách du lịch với mục đích thăm viếng, du lịch sức khỏe và tôn giáo chiếm đến 31% tổng lượng khách; các thách thức hiện tại trong du lịch tại Việt Nam bao gồm mức độ an toàn và an ninh còn thấp, khiến du khách ngần ngại sử dụng các thiết bị cá nhân như máy ảnh và điện thoại khi du lịch. Vấn đề vệ sinh công cộng, vệ sinh an toàn thực phẩm là những yếu tố tiêu cực đã được nhắc đến nhiều, nhưng chưa được giải quyết triệt để. Hơn nữa, giao thông đường bộ cũng gặp nhiều vấn đề như tắc nghẽn kéo dài, thiếu ý thức tuân thủ luật giao thông và tình trạng ngập lụt mùa mưa; các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt có chất lượng kém, còn taxi thì giá cao và không đảm bảo tính trung thực.

Sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những cửa ngõ quan trọng của Việt Nam, cũng đang đối mặt với tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và ngập lụt khi có mưa lớn, gây cản trở lớn cho sự phát triển của du lịch tại TP.HCM và khu vực. Để thúc đẩy du lịch, Việt Nam cần giải quyết những thách thức này và tận dụng tốt cơ hội từ sự tăng trưởng của thị trường du lịch quốc tế. Đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch tâm linh Phật giáo, một thị trường với tiềm năng lớn, nhưng chưa được khai thác hiệu quả.

3. Thảo luận và giải pháp

Để phát triển du lịch thành phố, việc đầu tư vào các sản phẩm du lịch mới, đặc biệt là du lịch hành hương Phật giáo, được xem là ưu tiên hàng đầu. Với tiềm năng sẵn có, cần có những thay đổi tích cực để biến hình thức du lịch tâm linh thành sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng kỳ vọng của du khách; việc nâng cấp và tôn tạo các điểm du lịch Phật giáo như cơ sở tâm linh và điểm tưởng niệm tại thành phố là rất cần thiết. Hiện nay, các điểm đến này mang tính thiêng và giá trị tinh thần cao. Tuy nhiên, cần được quản lý và quảng bá một cách bài bản hơn; cần xuất bản thêm các ấn phẩm chuyên đề về văn hóa Phật giáo, giới thiệu rộng rãi về các nơi thờ tự để nhiều người biết đến.

Về mặt vật chất, cần đầu tư vào việc trùng tu và phục hồi các ngôi thờ tự lâu đời, đảm bảo an toàn và phát huy giá trị truyền thống. Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở vật chất khang trang, có sức chứa lớn là thiết yếu để đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện và chương trình Phật giáo trong khuôn khổ tour du lịch. Các tiện ích như bãi đỗ xe, đường giao thông, nhà vệ sinh và các dịch vụ khác cũng cần được cải thiện.

Các đơn vị lữ hành tổ chức du lịch hành hương cần nâng cao chất lượng nội dung chương trình, không chỉ dừng lại ở việc viếng chùa mà còn tạo điều kiện cho du khách tham gia các nghi lễ và hoạt động tôn giáo sâu sắc. Điều này, đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị lữ hành và các chùa, tu viện để đảm bảo chất lượng, tính chuyên nghiệp của các chương trình.

Về các dịch vụ liên quan như vận chuyển và khách sạn, mặc dù nhu cầu của du khách hành hương không quá đặc biệt, nhưng việc lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ có cùng niềm tin tôn giáo hoặc ít nhất là cảm tình với Phật giáo sẽ tạo ra sự thoải mái cho du khách. Đối với ẩm thực, nên có các nhà hàng phục vụ món chay để đáp ứng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, cũng có thể kết hợp các món mặn cho những người không ăn chay.

Cuối cùng, nguồn nhân lực trong ngành Du lịch cần được trang bị kiến thức về tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Điều này không chỉ giúp họ thuyết minh tốt hơn mà còn làm cho loại hình du lịch này trở nên hấp dẫn hơn; công tác quảng bá cũng rất quan trọng, cần tiếp cận được số lượng lớn tín đồ Phật giáo cũng như những người không tôn giáo, nhưng có cảm tình với Phật giáo, thông qua các kênh truyền thông đa dạng từ trực tuyến đến trực tiếp tại các nơi tổ chức sinh hoạt tôn giáo. Điều này, sẽ giúp thu hút được nhiều du khách đến với loại hình du lịch hành hương Phật giáo, đặc biệt trong các dịp lễ Phật giáo lớn.

4. Kết luận

Ngành Du lịch đang không ngừng phát triển và nhu cầu trải nghiệm đa dạng của du khách cũng ngày càng tăng cao. Trong một chuyến đi, du khách có thể khám phá nhiều loại hình du lịch khác nhau, từ đó mong muốn được trải nghiệm điều mới mẻ ở mỗi điểm đến; việc này đòi hỏi ngành Du lịch phải không ngừng sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới để đáp ứng mong muốn này, góp phần thu hút du khách và tăng doanh thu cho ngành.

Đặc biệt, với tiềm năng lớn của du lịch hành hương Phật giáo, việc xây dựng và phát triển loại hình du lịch này không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch mà còn góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống và tôn giáo của dân tộc; sản phẩm du lịch hành hương Phật giáo mang lại cho du khách những khoảnh khắc thư giãn sâu sắc, giúp họ thấu hiểu nỗi đau và ý nghĩa cuộc sống, quay về với cái đẹp, cái thiện và hướng tới sự thanh thản, mang lại an lạc cho tâm hồn. Những nỗ lực trong việc phát triển các sản phẩm du lịch hành hương không chỉ nâng cao vị thế của ngành Du lịch trong khu vực và quốc tế, mà còn đem lại giá trị thiết thực cho cả cộng đồng và từng cá nhân tham gia.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Trường Tân, Cẩm nang du lịch văn hóa tâm linh Việt Nam, Nxb Thanh Niên, TP.HCM, 2018.

2. Thích Nhật Từ (chủ biên), Phật giáo các tỉnh và thành phố ở vùng Nam Bộ, Nxb Hồng Đức, TP.HCM, 2020.

3. Trần Hồng Liên, Phật giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2010.

4. Trần Hồng Liên, Tìm hiểu chức năng xã hội của Phật giáo Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2010.

5. Trần Thuận, Phật giáo Việt Nam góc nhìn lịch sử và văn hóa, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2019.

6. Tỳ kheo: Thích Đức Trường, Hành hương tâm linh con đường hoằng pháp, vbu.edu.vn, 19-9-2017.

7. Trịnh Ngọc Anh, Tổng quan du lịch, Đại học Công nghệ TP.HCM, TP.HCM, 2015.

8. Võ Văn Thành, Tổng quan du lịch, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, TP.HCM, 2015.

9. vietnamtourism.gov.vn

10. sodulich.hochiminhcity.gov.vn

11. unwto.org

Ths LÊ THỊ DUYÊN HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024

;