Phát triển văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ ngành hậu cần quân đội

     Phát triển văn hóa chính trị (VHCT) của sĩ quan trẻ ngành hậu cần là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ giúp đội ngũ cán bộ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, mà còn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần quân đội trong tình hình mới.

     VHCT là một phương thức biểu hiện của văn hóa, là sự kết tinh của tri thức, lý tưởng, đạo đức và năng lực hoạt động chính trị, có ảnh hưởng đến thái độ, hành vi chính trị của một cá nhân hay một cộng đồng xã hội nhất định. VHCT được hình thành trong lịch sử đấu tranh của dân tộc và tiếp thu VHCT hiện đại, dưới sự chi phối của hệ tư tưởng chính trị do giai cấp hay đảng cầm quyền.

     VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam là sự kết tinh tổng hòa những giá trị văn hóa trong hệ thống tri thức, tình cảm, thái độ, phẩm chất, năng lực, hành vi chính trị, được hình thành, phát triển và thể hiện trong công tác hậu cần quân đội, nhằm hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ. Phát triển VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần quân đội có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là yêu cầu khách quan để xây dựng, phát triển nhân cách người cán bộ hậu cần quân đội, đáp ứng sự nghiệp xây dựng ngành hậu cần vững mạnh toàn diện trong giai đoạn cách mạng mới.

     Để phát triển VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần quân đội đúng hướng, các chủ thể cần phải thực hiện một số yêu cầu cơ bản như sau:

     Một là, phát triển VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay phải đặt trên cơ sở quán triệt và nhận thức đúng đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ công tác hậu cần quân đội ta trong tình hình mới.

     VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay chỉ được phát triển theo đúng nghĩa khi quá trình này được đặt trên cơ sở tiền đề nhận thức đúng đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ công tác hậu cần quân đội. Quán triệt và nhận thức đúng đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ công tác hậu cần quân đội là cơ sở tiền đề để sĩ quan trẻ ngành hậu cần hình thành thái độ, tình cảm chính trị và hành vi chính trị tích cực, đồng thời nâng cao kỹ năng vận dụng chính trị của mình vào quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong công tác, bảo đảm hậu cần ở các cơ quan, đơn vị.

     VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam khác về chất so với VHCT của sĩ quan quân đội khác. Đó là nhận thức đúng về đường lối, chủ trương của Đảng cách mạng chân chính nhất, mang lại lợi ích cho quần chúng nhân dân lao động; là nhận thức về nhiệm vụ công tác bảo đảm hậu cần cho bộ đội huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi điều kiện hoàn cảnh. Chính trị ấy luôn vươn tới những giá trị nhân văn, nhân đạo, dân chủ cao đẹp; vươn tới một xã hội ổn định và phát triển. Trên cơ sở những nhận thức đúng đắn đó, sĩ quan trẻ ngành hậu cần hình thành thái độ, tình cảm và có ý chí quyết tâm cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng công tác hậu cần quân đội. Quá trình phát triển VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần chỉ chấp nhận ở họ những hành vi tự giác trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ trên cơ sở nhận thức đúng về đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ công tác hậu cần quân đội.

     Quán triệt và nhận thức đúng đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ công tác hậu cần quân đội là một trong những nội dung quan trọng thể hiện sự phát triển về VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần. Điều này càng đặc biệt quan trọng, cấp bách và có tính nguyên tắc hơn khi các thế lực thù địch đang thực hiện những âm mưu thâm độc trong chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Hệ lụy của những âm mưu đó đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có sĩ quan trẻ ngành hậu cần suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến nhận thức lệch lạc về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ công tác hậu cần trong quá trình phát triển VHCT của họ.

     Quán triệt và thực hiện tốt yêu cầu này đòi hỏi trong quá trình phát triển VHCT phải không ngừng nâng cao nhận thức đúng đắn của sĩ quan trẻ ngành hậu cần về đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ công tác hậu cần quân đội trong tình hình mới. Nhận thức đúng về đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ công tác hậu cần quân đội không chỉ được thực hiện trong quá trình tiếp nhận các giá trị chính trị, mà phải được thực hiện trong các khâu, các bước, các quá trình cụ thể và tổng thể quá trình phát triển VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần trong các cơ quan, đơn vị hậu cần hiện nay. Vì vậy, quá trình phát triển VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam phải có những biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ công tác hậu cần quân đội. Qua đó, định hướng chính trị và trục chuẩn phát triển VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay luôn được giữ vững trước những trở lực, thách thức ở mọi vòng khâu, giai đoạn gắn với sự phát triển về tâm lý, lứa tuổi, cấp bậc, chức vụ công tác của sĩ quan trẻ ngành hậu cần ở các đơn vị.

     Hai là, phát triển VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay phải trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa phát triển trí tuệ với phát triển đạo đức của chính họ.

     Sáng tạo và nhân văn là những phương diện tồn tại cơ bản của các giá trị chân, thiện, mỹ trong lĩnh vực chính trị. Cơ sở tồn tại của các giá trị sáng tạo và nhân văn của sĩ quan trẻ ngành hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam là những giá trị sáng tạo và nhân văn đó phải dựa trên sự phát triển cao trí tuệ và nền tảng đạo đức cách mạng vững chắc. Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và việc ứng dụng các thành tựu khoa học đó vào trong lĩnh vực quân sự nói chung và công tác hậu cần quân đội nói riêng đã đặt ra nhiều vấn đề hết sức mới mẻ, khó khăn nên nếu không có sự phát triển thường xuyên về trí tuệ thì sẽ không có bất cứ sự sáng tạo nào, trí tuệ của sĩ quan trẻ ngành hậu cần sẽ trở nên lạc hậu trước sự vận động, biến đổi không ngừng của thực tiễn. Trong công tác hậu cần quân đội, do tính chất đặc thù của công việc, sĩ quan trẻ ngành hậu cần hoạt động trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với vật chất, tiền bạc nên rất dễ nảy sinh thói thực dụng, cá nhân chủ nghĩa... cho nên, để những giá trị nhân văn được biểu hiện ra trong các hoạt động thì nó phải dựa trên sự phát triển vững chắc về phẩm chất đạo đức của họ.

     Sự phát triển trí tuệ và phát triển đạo đức có mối quan hệ chặt chẽ, đòi hỏi phải kết hợp đồng thời và biện chứng với nhau mới tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển VHCT nói chung, những sáng tạo văn hóa của sĩ quan trẻ ngành hậu cần nói riêng. Hệ thống giá trị văn hóa mà sĩ quan trẻ ngành hậu cần tạo ra trong công tác hậu cần quân đội phải đồng thời mang dấu ấn trí tuệ và nhân văn. Sự phát triển về đạo đức là cơ sở nền tảng để trí tuệ của họ phục vụ cho những sáng tạo cao cả trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, không cho phép dùng trí tuệ để phục vụ những biểu hiện cắt xén tiêu chuẩn của bộ đội để tiêu xài cá nhân, vi phạm tệ nạn xã hội, gây bức xúc trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân cách người cán bộ hậu cần quân đội. Trí tuệ và mọi sự sáng tạo của sĩ quan trẻ ngành hậu cần phải nhằm mục đích nâng cao chất lượng công tác bảo đảm hậu cần ở đơn vị, chứ không phải chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của cá nhân hoặc một nhóm người. Nâng cao đạo đức cách mạng để định hướng sự phát triển phẩm chất trí tuệ của sĩ quan trẻ ngành hậu cần tới các giá trị nhân văn, sự phát triển về trí tuệ lại là cơ sở đảm bảo cho đạo đức của sĩ quan trẻ ngành hậu cần trở thành giá trị nhân văn trong công tác hậu cần quân đội, làm cho đạo đức của sĩ quan trẻ ngành hậu cần in dấu vào hoạt động thực tiễn, trở thành giá trị VHCT, góp phần cải tạo các quan hệ và tình huống chính trị trong công tác hậu cần quân đội. Bởi lẽ, đạo đức của sĩ quan trẻ ngành hậu cần là đạo đức cách mạng, không phải là chung chung, trừu tượng mà được biểu hiện trong mỗi hành động cách mạng, góp phần nâng cao chất lượng công tác hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới.

     Ba là, phát triển VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam phải trên cơ sở kết hợp giữa tự giáo dục, rèn luyện văn hóa trong thực tiễn với xây dựng môi trường văn hóa chính trị

     Nâng cao hiệu quả tự giáo dục, rèn luyện văn hóa trong thực tiễn gắn với xây dựng môi trường VHCT là sự vận dụng tổng hợp tính quy luật vận động phát triển của VHCT, mối quan hệ giữa khách thể và chủ thể, giữa con người và môi trường, gắn với đặc trưng cơ bản của hoạt động sáng tạo VHCT là in dấu vào trong thực tiễn công tác bảo đảm hậu cần quân đội.

     Tự giáo dục, rèn luyện văn hóa trong thực tiễn là cách thức, phương pháp phù hợp nhất để hoàn thiện nhân cách, nâng cao năng lực hoạt động của sĩ quan trẻ ngành hậu cần quân đội. Để trở thành chủ thể sáng tạo văn hóa trong hiện thực, sĩ quan trẻ ngành hậu cần phải tích cực tự giáo dục, rèn luyện năng lực sáng tạo văn hóa trong thực tiễn. Sáng tạo văn hóa của sĩ quan trẻ ngành hậu cần không chỉ nhằm phát triển những phẩm chất bên trong, phát triển thế giới văn hóa nội tâm, mà còn tạo ra “thiên nhiên thứ hai”, tạo dựng các giá trị văn hóa nhân bản sâu sắc trong thực tiễn. Tâm hồn trong sáng, tình cảm cao đẹp, thế giới nội tâm phong phú sẽ hướng sự sáng tạo các giá trị chân, thiện, mỹ của sĩ quan trẻ ngành hậu cần phục vụ cho các hoạt động chính trị thực tiễn của công tác hậu cần quân đội. Tự giáo dục, rèn luyện văn hóa trong thực tiễn là phẩm chất xã hội đặc trưng của sĩ quan trẻ ngành hậu cần trong công tác bảo đảm hậu cần, nhất là bảo đảm hậu cần ở các đơn vị Hải quân, Cảnh sát biển...; thể hiện tinh thần tự giác, khát khao chiếm lĩnh và sáng tạo các giá trị văn hóa để vừa phát triển nhân cách, vừa tạo ra các giá trị văn hóa trong công tác hậu cần quân đội.

     Tính tích cực tự giáo dục, rèn luyện văn hóa trong thực tiễn vừa phản ánh sự trưởng thành về VHCT, vừa thể hiện vai trò chủ thể phát triển văn hóa của sĩ quan trẻ ngành hậu cần trong phát triển VHCT của bản thân, phát triển văn hóa cho đồng đội. Sĩ quan trẻ ngành hậu cần có sự phát triển cao về VHCT là người nhận thức được vai trò chủ thể, tích cực và biết thực hiện vai trò chủ thể phát triển VHCT của bản thân. Đối với sĩ quan trẻ ngành hậu cần, tính tích cực trong tự giáo dục, rèn luyện văn hóa trong thực tiễn không chỉ có nghĩa là biết khai thác tối đa những điều kiện thuận lợi có sẵn từ môi trường, hoàn cảnh, mà còn biểu hiện bằng tính tự chủ văn hóa cao, khả năng cải tạo, làm chủ hoàn cảnh để dù công tác ở bất kỳ cương vị nào, điều kiện hoàn cảnh nào, sĩ quan trẻ ngành hậu cần cũng luôn biết cách tự giáo dục, rèn luyện và sáng tạo để phát triển VHCT bản thân. Sĩ quan trẻ ngành hậu cần tích cực tự giáo dục, tự rèn luyện luôn luôn biết vượt lên hoàn cảnh, cải tạo hoàn cảnh để tạo ra “thế giới thứ hai” cho sự tồn tại và phát triển của bản thân, thể hiện ở khả năng chọn lọc, rèn luyện bản lĩnh để khẳng định năng lực cá nhân với tư cách là một thực thể đầy khát vọng biết vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

     Tích cực tự tu dưỡng, rèn luyện góp phần hình thành, phát triển năng lực sáng tạo VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần. Các sản phẩm sáng tạo văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật là kết quả của quá trình lao động miệt mài, công phu thông qua việc xây dựng giá trị chân, thiện, mỹ trong hình tượng nghệ thuật. Những sản phẩm sáng tạo văn hóa trong lĩnh vực chính trị, quân sự đòi hỏi phải hết sức nhạy bén, chính xác, kịp thời. Mọi hành vi, cử chỉ, quyết sách chính trị đều phải trở thành những thông điệp văn hóa, thể hiện chất trí tuệ, lối tư duy uyển chuyển, năng động, sắc bén của chủ thể chính trị. Văn hóa là kết quả của sự tương tác giữa môi trường, hoàn cảnh và con người, giữa khách quan và chủ quan nhưng lại mang dấu ấn sáng tạo cá nhân. Do vậy, tính tích cực tự giáo dục, rèn luyện VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần còn là tự hình thành thói quen sáng tạo văn hóa, rèn luyện trí thông minh để nâng cao hàm lượng văn hóa trong các hoạt động thực tiễn.

     Môi trường VHCT là tổng hòa các giá trị VHCT của tổ chức tồn tại trong không gian, thời gian nhất định, bao gồm: toàn bộ giá trị VHCT của các cá nhân thuộc tổ chức đó, các giá trị văn hóa truyền thống, bản chất chính trị, các thiết chế chính trị… hình thành nên các điều kiện bên ngoài, thường xuyên tác động, tạo ra sự phát triển nhanh hay chậm, thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần quân đội. Môi trường VHCT ảnh hưởng, tác động thường xuyên, trực tiếp, giữ vai trò quyết định đến hiệu quả phát triển VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam.

     Tính tích cực tự giáo dục, rèn luyện văn hóa trong thực tiễn thể hiện vai trò chủ thể thứ nhất trong phát triển VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần, chất lượng môi trường VHCT trong công tác hậu cần quân đội thể hiện vai trò chủ thể thứ hai trong phát triển VHCT của sĩ quan trẻ ngành hậu cần, chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Chất lượng môi trường VHCT cao là điều kiện để phát huy tính tích cực tự giáo dục của sĩ quan trẻ ngành hậu cần; ngược lại, tính tích cực tự giáo dục của sĩ quan trẻ ngành hậu cần được phát huy sẽ góp phần cải tạo, nâng cao chất lượng môi trường VHCT của ngành hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam.

______________

1. Trương Văn Bẩy, Môi trường văn hóa quân sự với việc phát triển nhân cách quân nhân, Tạp chí Văn học nghệ thuật, số 360, 2016, tr.13-55.

2. Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Hoài, Nguyễn Văn Vĩnh, Bước đầu tìm hiểu những giá trị văn hóa chính trị truyền thống, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.

3. Phạm Ngọc Nhân, Phát triển nguồn lực sĩ quan trẻ ngành hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ Triết học chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị, Hà Nội, 2016.

4. Phạm Ngọc Quang (chủ biên), Văn hóa chính trị và việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

5. Lê Xuân Thanh, Phát triển văn hóa pháp luật của sĩ quan trẻ trong quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ Triết, Học viện Chính trị, Hà Nội, 2018.

 

Tác giả: Nguyễn Văn Ký

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

;