Phát triển văn hóa quân sự quân đội nhân dân Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Nuôi dưỡng truyền thống và tiếp thu hiện đại trong phát triển văn hóa quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam vừa nhằm củng cố, bồi đắp toàn diện cho quân nhân về tình cảm, năng lực, tri thức, chuẩn mực đạo đức, nhân cách, lối sống tốt đẹp của truyền thống dân tộc, vừa định hình, phát huy khả năng sáng tạo khi tiếp thu những giá trị văn hóa hiện đại, tạo nên chất văn hóa truyền thống - hiện đại của văn hóa quân nhân nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đơn vị, quân đội, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thực hiện tốt việc nuôi dưỡng truyền thống và tiếp thu hiện đại góp phần tạo điều kiện cho quân nhân phát huy vai trò là chủ thể trong truyền bá, hưởng thụ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, quân đội, tham gia đấu tranh hiệu quả trên mặt trận tư tưởng văn hóa, bảo vệ nền văn hóa của dân tộc.

    Nuôi dưỡng truyền thống là không ngừng chuyển tải, giữ gìn, bảo vệ và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

   Truyền thống là những giá trị cốt lõi của một dân tộc được đúc kết qua thực tiễn sinh tồn của dân tộc ấy và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trải qua sự sàng lọc, truyền thống trở thành những giá trị văn hóa được thừa nhận, tôn vinh và đại diện cho dân tộc. Truyền thống cũng thay đổi trong những điều kiện lịch sử nhất định, do đó, việc giữ gìn, bảo vệ và không ngừng lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc là trách nhiệm của mọi người, mọi quân nhân. Đảng ta khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là nền tảng, sức mạnh to lớn để nhân dân ta xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, nhân văn. Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa VII, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI… đều nêu rõ về các giá trị văn hóa truyền thống cơ bản của người Việt Nam bao gồm: lòng yêu nước; ý chí tự lực, tự cường; tinh thần đoàn kết; tình nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo; sự tinh tế trong ứng xử, tính cao thượng trong lối sống, nhân văn, nhân đạo... Đó cũng là những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, cần được nuôi dưỡng, bồi đắp, trao truyền liên tục cho quân nhân.

   Tiếp thu hiện đại là lĩnh hội, bổ sung các giá trị văn hóa tiên tiến vào làm giàu thêm truyền thống văn hóa của con người, dân tộc Việt Nam

   Trong văn hóa, hiện đại là tiêu chí cần vươn tới của bất kỳ nền văn hóa nào. Tuy nhiên, hiện đại phải trên cơ sở truyền thống và phù hợp với truyền thống, nếu quá chú trọng hiện đại sẽ khiến nền văn hóa mất gốc, bị đồng hóa không còn là chính nó nữa. Bên cạnh đó, nếu coi hiện đại là giá trị văn hóa tiên tiến thì phải được đối chiếu với truyền thống trên hai phương diện: một là, sự tự vận động của giá trị văn hóa truyền thống đến hiện đại; hai là, tiếp nhận những giá trị văn hóa tiến bộ làm cho truyền thống trở thành hiện đại. Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh thông qua tiếp biến, giao lưu dù bằng phương thức bị cưỡng bức hoặc tự nguyện đã làm cho nhiều giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam được khẳng định, đồng thời hệ giá trị văn hóa Việt Nam cũng được bổ sung nhiều giá trị mới, tiên tiến, làm phong phú, đa dạng truyền thống văn hóa dân tộc.

   Nuôi dưỡng truyền thống và tiếp thu hiện đại trong phát triển văn hóa quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam

   Trong quá trình phát triển văn hóa quân nhân, nuôi dưỡng truyền thống là cơ sở giúp quân nhân nâng cao niềm tự hào về dân tộc, quân đội, gạt bỏ những nhận thức, hành vi lệch lạc, yếu tố phản văn hóa trong đời sống để không ngừng lan tỏa, phát huy những truyền thống vẻ vang của dân tộc, truyền thống cách mạng của quân đội góp phần thực hiện đúng mục tiêu “mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng, nhân rộng các giá trị cao đẹp nhân văn”, từ đó “đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người” (1). Bên cạnh đó, định hướng cho quân nhân biết tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bổ sung những giá trị văn hóa tiên tiến tạo ra hệ giá trị văn hóa mới nhằm đạt mục tiêu “đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (2). Đây là những nội dung then chốt của nuôi dưỡng truyền thống và tiếp thu hiện đại trong phát triển văn hóa quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam.

   Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là tác động của mặt trái kinh tế thị trường như Đảng ta chỉ ra: “Giá trị vật chất, lợi ích và tự do cá nhân được đề cao; một mặt, là động lực thúc đẩy sự năng động sáng tạo; mặt khác, kích thích chủ nghĩa cá nhân, ham muốn vật chất, lối sống thực dụng” (3). Rõ ràng, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp không tránh khỏi những thách thức, thậm chí bị bỏ quên, đòi hỏi phải nuôi dưỡng bồi đắp để giữ vững, phát huy truyền thống đồng thời với tiếp thu hiện đại, nếu không sẽ xảy ra những lệch chuẩn giá trị mà biểu hiện nhiều nhất ở lối sống và hành vi ứng xử. Xu hướng lệch chuẩn văn hóa đang diễn ra gay gắt, rõ nhất ở cuộc đấu tranh giữa hai lối sống: lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng sức lao động của mình, có ý thức tôn trọng, bảo vệ của công, đặt lợi ích của tập thể, đất nước lên trước lợi ích của mình với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền. Những xu hướng, ảnh hưởng trên tác động không nhỏ đến nuôi dưỡng truyền thống và tiếp thu hiện đại trong phát triển văn hóa quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong quân đội, công tác xây dựng văn hóa và con người theo mục tiêu của Đảng đã được triển khai thực hiện rộng rãi, có hiệu quả cao, việc xây dựng môi trường, đời sống văn hóa, đơn vị văn hóa tốt và các hoạt động văn hóa chính trị - tinh thần ngày càng có chiều sâu chất lượng, làm cho các giá trị văn hóa thâm nhập vào mọi hoạt động của quân nhân, làm văn hóa quân sự thêm phong phú như: văn hóa chỉ huy, văn hóa huấn luyện quân sự, văn hóa pháp luật, kỷ luật quân sự, văn hóa kinh tế - chính trị quân sự… góp phần lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội và tôn vinh các biểu tượng văn hóa truyền thống cao đẹp của dân tộc, của quân đội trong đó có danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”. Song, phát triển văn hóa quân nhân còn bộc lộ nhiều hạn chế như: hiệu quả nuôi dưỡng truyền thống có lúc chưa cao, việc tiếp thu hiện đại còn lúng túng, chưa kết hợp đồng bộ giữa nuôi dưỡng truyền thống và tiếp thu hiện đại. Do vậy, cần giải quyết tốt vấn đề này nhằm hoàn thiện, phát triển văn hóa quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam.

   Không ngừng giáo dục phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự và khuyến khích quân nhân lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, văn hóa quân sự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ

   Không ngừng giáo dục là khâu quyết định then chốt trong xây dựng quân đội có văn hóa, việc thường xuyên nuôi dưỡng quân nhân bằng các giá trị văn hóa của truyền thống dân tộc, quân đội, đảm bảo hội tụ đầy đủ truyền thống - hiện đại nhằm tạo nền tảng văn hóa vững chắc cho quân nhân từ tâm thức, hành xử đến khẳng định giá trị văn hóa quân nhân, nhưng mục tiêu quan trọng không chỉ dừng ở trang bị tri thức mà còn hướng dẫn, động viên, nâng cao năng lực cho quân nhân hành động thực tiễn, phát huy chức năng đội quân tuyên truyền lan tỏa văn hóa làm cho mọi người nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quân đội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và các nhiệm vụ quốc tế.

   Nâng cao khả năng Việt hóa các giá trị văn hóa trong tiếp thu hiện đại cho quân nhân

   Việt hóa là một truyền thống đặc thù của dân tộc Việt Nam, là khả năng dung nạp tất cả các giá trị văn hóa để chọn lọc, bổ sung các giá trị mới. Nâng cao khả năng Việt hóa cho quân nhân phải được bắt đầu từ tiếp nhận, chọn lọc đến vận dụng và sáng tạo. Trên cơ sở truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự, những mục tiêu của Đảng về xây dựng văn hóa, phát triển con người để định hướng quân nhân tiếp nhận, chọn lọc các giá trị phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, đường lối của Đảng, truyền thống của quân đội để tiếp tục phát huy khả năng sáng tạo giá trị của quân nhân trong hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa hiện nay góp phần đúc kết chuẩn mực, hệ giá trị văn hóa, tránh lệch chuẩn văn hóa xảy ra, đồng thời Việt hóa tốt các giá trị văn hóa tiến bộ làm dày thêm văn hóa của mình, của quân đội và của dân tộc.

   Thường xuyên kết hợp chặt chẽ giữa nuôi dưỡng truyền thống và tiếp thu hiện đại trong phát triển văn hóa quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay

   Nuôi dưỡng truyền thống đồng thời cũng phải tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến, đảm bảo sự tồn tại của truyền thống nhưng mang hơi thở hiện đại. Tăng cường nuôi dưỡng giữ vững truyền thống mà không tiếp thu hiện đại sẽ rơi vào trạng thái thoái hóa, suy yếu vì nền văn hóa khép kín, ngược lại chỉ tiếp thu hiện đại lãng quên truyền thống thì con người, nền văn hóa sẽ mất gốc. Kết hợp nuôi dưỡng với tiếp thu trong phát triển văn hóa quân nhân sẽ khắc phục triệt để hiện tượng lệch trục về một phía truyền thống hoặc hiện đại. Trong đó nuôi dưỡng truyền thống cần tránh hoài cổ, phục cổ, kỳ thị, xa lánh hiện đại và tiếp thu hiện đại không phải là sự thay thế cái mới phủ định sạch trơn truyền thống nhằm tạo dựng chất truyền thống - hiện đại của văn hóa quân nhân. Chất truyền thống - hiện đại trong văn hóa quân nhân hàm chứa tinh hoa, vốn quý đặc trưng của dân tộc mình và tinh hoa văn hóa nhân loại; truyền thống nuôi dưỡng quân nhân lớn lên từ mảnh đất quê hương dân tộc, hiện đại làm cho văn hóa quân nhân mang hơi thở của thời đại. Như vậy, thường xuyên kết hợp chặt chẽ giữa nuôi dưỡng truyền thống đồng thời tiếp thu, bổ sung hiện đại, góp phần phát triển con người quân nhân toàn diện về đức - trí - thể - mỹ, có nhân cách, trí tuệ, năng lực sáng tạo, ứng xử cao đẹp, có trách nhiệm, có phẩm chất nhân cách, trí tuệ năng lực, lối sống, tri thức văn hóa để quân nhân biết tiếp nhận, lựa chọn các giá trị văn hóa, làm giàu tri thức hình thành tình cảm, ý chí và hành xử, khẳng định giá trị của mình trước xã hội, hoàn thành nhiệm vụ được giao và bảo vệ tốt nền văn hóa của dân tộc Việt Nam.

   Nuôi dưỡng truyền thống làm cho quân nhân giữ vững, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, quân đội và tiếp thu hiện đại làm cho quân nhân biết lĩnh hội các giá trị văn hóa hiện đại để sáng tạo làm giàu vốn văn hóa thông qua hoạt động quân sự, từ đó làm cơ sở tham gia đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, phản văn hóa của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền văn hóa dân tộc, truyền thống cách mạng của quân đội và không ngừng tự hoàn thiện chính mình để văn hóa quân nhân vừa truyền thống vừa hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.

___________

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.126-127.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo tổng kết một số lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.93.

Tác giả: Đỗ Tiến Dũng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

;