Nghệ thuật chân chính - nghệ thuật ra đời từ cuộc sống thực và trở về với cuộc sống thực bao giờ cũng có giá trị phổ biến. Nền nghệ thuật Việt Nam cũng vậy, có quyền tự hào về các phẩm chất tự thân. Tuy nhiên, trong bối cảnh đương đại hướng tới phát triển bền vững, nghệ thuật Việt Nam cần được nhìn nhận từ những vấn đề thực tiễn của hoạt động sáng tác nghệ thuật (nói chung) và nghệ thuật tạo hình (nói riêng) ở các yếu tố tác động cơ bản đến quy trình sáng tác và bản lĩnh người nghệ sĩ.
Triển lãm Mỹ thuật quốc tế “Hội tụ GoA9” tại Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM - Nguồn: Tác giả
Quy trình sáng tác nghệ thuật tạo hình
Khi nói đến nghệ thuật, người ta thường chỉ nhắc đến yếu tố khách quan và hiệu quả sáng tạo của nó. Đặc biệt, trong sáng tạo nghệ thuật tạo hình còn có một phương diện quan trọng nữa, đó là tư tưởng và tình cảm của người sáng tạo.
Có cái gì đã lôi cuốn và làm cho các sáng tác của các họa sĩ vĩ đại trước đây trở thành vĩnh cửu? Đó chính là do sáng tác của họ thấm nhuần sự thật của cuộc sống, tỏa ra nhiệt tình sống mãnh liệt, tạo niềm tin vào cái đẹp, làm cho tinh thần con người cao đẹp hơn: Sức sống của hình tượng con rồng Việt Nam qua các thời Lý, Trần, Lê sơ; tranh, tượng của Hy Lạp cổ đại, Phục hưng Ý ở TK XVI; tranh của các họa sĩ Ấn tượng Pháp giữa TK XIX… Cái gì đã liên kết chúng lại và thiếu nó thì cuộc sống của con người trong mọi thời đại sẽ không còn đầy đủ các giá trị.
Với suy luận trên, đòi hỏi người nghệ sĩ ngoài tri thức, vốn sống, tài năng… còn phải có một phương pháp làm việc đúng đắn, khoa học để quan sát, tìm hiểu và thể hiện thế giới tự nhiên, xã hội và con người trong hoạt động sáng tác của mình. Đó chính là Quy trình sáng tác nghệ thuật (gồm 4 giai đoạn sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật: Thực tế cuộc sống - người nghệ sĩ - tác phẩm - công chúng).
Nghệ thuật phát triển luôn có hai yếu tố hợp thành: cuộc sống xã hội (thực tế khách quan) và nghệ sĩ (chủ thể sáng tạo). Thực tế cuộc sống chính là nguồn cảm hứng của nghệ sĩ và trên quan điểm hiện thực, người nghệ sĩ đi vào thực tế để tìm những vấn đề của cuộc sống đặt ra chứ không phải đi tìm nguyên mẫu. Thực tế cuộc sống được cảm nhận, đây là giai đoạn người nghệ sĩ biểu hiện ý thích, ý muốn, cảm xúc riêng tư của mình về vấn đề nào đó trong cuộc sống của thiên nhiên (chủ quan hóa khách thể - lần thứ nhất). Mặc dù mỗi người nghệ sĩ là một cá thể có “tư chất” riêng, nhưng từ những cái riêng đó đã làm phong phú thêm ý tưởng sáng tạo của nghệ sĩ trước thực tế vốn đa dạng của cuộc sống.
Nghệ thuật tạo hình với đặc trưng thuộc lĩnh vực nghệ thuật của thị giác, nghệ sĩ trực tiếp tạo ra tác phẩm, đồng thời người xem cũng trực tiếp cảm nhận (không qua khâu trung gian), hình tượng của nghệ thuật tạo hình phải được điển hình hóa, khái quát hóa và nhất quán chủ đề thông qua khả năng bố cục, thủ pháp nghệ thuật, kỹ thuật chất liệu… của người nghệ sĩ cùng với ý thức sâu sắc trách nhiệm xã hội, sự “trung thành” với sự thật cuộc sống.
Trong hoạt động nghệ thuật, khâu đầu tiên là sáng tạo nghệ thuật và khâu kết thúc là cảm thụ nghệ thuật. Mục đích của mọi sáng tạo nghệ thuật là sự tác động đến cá nhân, đến sự hình thành con người như một chủ thể. Sự sáng tạo thường mang trong mình sự thông báo đặc biệt về tinh thần, về cảm xúc trí tuệ, về nhận thức dự báo và truyền lại cho công chúng, hay nói như Lev Tolstoy là “làm lây lan” bằng sự thông báo đó. Sự thông báo đó cũng đòi hỏi tính tích cực và năng động tương ứng của người cảm thụ nghệ thuật. Đây là giai đoạn tác phẩm của nghệ sĩ ra đời (là một khách thể) đối với người xem (chủ thể); nếu như nghệ sĩ bằng cảm xúc riêng, bằng tài năng nghệ thuật của mình làm nên tác phẩm thì người xem, người thưởng thức cũng biểu hiện tình cảm, cảm xúc, trình độ thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ riêng của mình để thưởng thức tác phẩm (giai đoạn chủ quan hóa khách thể - lần thứ hai).
Công chúng thưởng thức chính là bộ phận hữu cơ của quá trình sáng tạo nghệ thuật - là người đồng sáng tạo. Công chúng thưởng thức còn là động lực thúc đẩy sáng tạo, là phong vũ biểu cho định hướng sáng tác. Nhân dân từ xưa đã, đang và sẽ là người phán xét chân chính chuẩn mực giá trị nghệ thuật. Cần hướng dẫn công chúng theo thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp. Nhưng cũng đừng sợ họ lạc lối, mà che giấu, cắt xén tùy tiện tác phẩm dẫn đến xơ cứng cảm xúc vốn chân tình và sinh động. Tác phẩm nghệ thuật phải tạo được khoảng cách hợp lý với thực tế, cộng với việc quản lý và lãnh đạo nghệ thuật một cách tế nhị, phù hợp với bản chất và tâm lý xã hội của công chúng thưởng thức mới gợi mở được sức mạnh tinh thần và nâng cao sự hòa đồng, sự cộng hưởng sáng tạo trước nghệ thuật, các chức năng nghệ thuật mới có hiệu quả tối đa, nghệ sĩ mới nói thật, nói đúng cái mình cảm xúc, cái mình khẳng định hay phê phán. Và như vậy, nghệ thuật mới trở thành tâm hồn thời đại.
Thực tiễn sáng tác và cảm thụ nghệ thuật diễn ra phức tạp, nhiều vẻ, cần phải có “chiếc cầu nối” chúng lại và đưa chúng đến bến bờ của những vấn đề thời đại thông qua những bài viết, nhận định, nghiên cứu, những cuộc hội thảo, tọa đàm, thông tin nghệ thuật… Đây chính là giai đoạn của những nhà lý luận phê bình (khách thể hóa chủ quan - lần thứ hai) (1).
Trong đời sống nghệ thuật, lý luận phê bình giữ một vai trò hết sức quan trọng. Công tác lý luận phê bình không những giúp quần chúng thưởng thức tác phẩm một cách đúng đắn, nâng cao tư tưởng nhận thức và trình độ thẩm mỹ của nhân dân mà còn giữ vai trò hướng dẫn cho sáng tác đi đúng con đường của mình. Chính phê bình mở ra cho người đọc, người xem đến với tác phẩm văn học nghệ thuật, đến với di sản văn hóa của dân tộc và quốc tế, tạo điều kiện cho người xem hiểu rõ tính chất thẩm mỹ đa dạng và hình thức tác động đặc biệt của nghệ thuật. Lý luận phê bình cũng phát hiện những quy mô và tiêu chuẩn nghệ thuật, qua những ý kiến có thẩm quyền hay sự đánh giá của quần chúng, kích thích những cuộc tranh luận về tác phẩm. Và, qua lý luận phê bình gây không khí sáng tạo, nêu lên những đòi hỏi cao về tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ của các tác phẩm, làm rõ quá trình sáng tạo nghệ thuật.
Từ nhận định trên về bốn giai đoạn của sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật, cho thấy, thực tế hiện nay đang có tình trạng mất cân đối giữa hai khâu sáng tác và thưởng ngoạn. Trong bản thân công chúng cũng có sự mất cân đối lớn. Các chuẩn mực về phương thức, phê bình cũng như thị hiếu, sở thích đều biến đổi nhanh. Công tác phê bình chưa là người bạn đồng hành với sáng tác, cho nên có rất nhiều họa sĩ, nhất là các họa sĩ trẻ đi tìm cái mới trong sáng tác bằng cách mang những cái mình không có vào mà chưa nhận thức được cái mới là cái mà mình tự phát hiện trong cuộc sống đời thường, gần gũi mà những người khác chưa phát hiện ra.
Từ khi đất nước ta thực hiện chính sách mở cửa, cơ hội tiếp xúc, giao lưu và tái hòa nhập vào đời sống văn hóa nghệ thuật của thế giới như đã chắp thêm đôi cánh cho sinh hoạt mỹ thuật nước nhà, những cuộc triển lãm tranh Việt Nam được tổ chức ở trong khu vực cho đến các nước châu Âu, châu Mỹ. Các họa sĩ Việt Nam liên tiếp được mời chào bởi các trung tâm nghệ thuật, các gallery thời danh. Đồng thời, ở chiều ngược lại, các họa sĩ Việt Nam đã định cư sinh sống ở nước ngoài cũng trở về quê hương để sáng tác, triển lãm. Một sinh hoạt mỹ thuật thật nhộn nhịp, thật khởi sắc. Nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam đã được quốc tế nhìn nhận đúng như giá trị vốn có của nó. Tác phẩm và tên tuổi của các họa sĩ Việt Nam đã có mặt và được biết đến ở các bảo tàng nghệ thuật, các bộ sưu tập, các cuộc bán đấu giá quốc tế.
Sự hội nhập về kinh tế làm “bùng nổ” khâu sáng tạo, nhưng tiếc thay người sáng tác vì “quên” hay “cố tình” không nghĩ đến công chúng để tình trạng “thừa” tác phẩm nhưng lại rất thiếu cho công chúng, nhất là công chúng ở các vùng sâu. Thật xúc động khi nhìn thấy những mái tranh, vách đất được treo đầy những nhãn hiệu bao bì, hàng hóa… một cách thật trân trọng! Và một điều bất hợp lý phổ biến mà không nhà sáng tác nào quan tâm đúng mức: đó là xây dựng một nền tảng nghiên cứu kỹ thuật chất liệu cho nghệ thuật tạo hình nước nhà. Phải chăng những người sáng tác là “thày” còn những người tạo ra chất liệu cho họa sĩ sáng tác là “thợ”? Phải chăng chỉ có biết vẽ và nặn tượng là có được những tác phẩm sống mãi với thời gian? Đây là những vấn đề của mỹ thuật ngày hôm nay mà tất cả những người làm công tác sáng tạo, nghiên cứu phải đối diện với một trọng trách lớn lao (2).
Trong sự sôi nổi của các hoạt động nghệ thuật tạo hình, nổi lên là nhu cầu tự do sáng tác và triển lãm tác phẩm với sự tự chịu trách nhiệm của nghệ sĩ. Và, một khi các nghệ sĩ không còn câu nệ về đề tài và phương pháp sáng tác thì bên cạnh những xu hướng đã quen thuộc với công chúng Việt Nam, một số nghệ sĩ đã tung dần vào xã hội như một sự thăm dò các tác phẩm mang theo xu hướng trừu tượng, sắp đặt, thể hình… đã có từ lâu ở phương Tây nhưng còn rất mới lạ với công chúng Việt Nam. Hiện tượng này còn chờ thời gian thử thách. Có điều, trong sự phong phú, đa dạng đó của nghệ thuật tạo hình Việt Nam đương đại, vẫn còn quá ít tác phẩm đỉnh cao. Lý giải điều này, nhiều nguyên nhân được đưa ra, trong đó, có lẽ bất cứ ai trong đội ngũ sáng tác của chúng ta đều không khỏi thừa nhận một thực tế: chưa xây dựng được hình mẫu lý tưởng của thời đại dẫn đến hình tượng nghệ thuật chung chung, thiếu tính điển hình so với các giai đoạn sáng tác mỹ thuật trước đây (như hình tượng các thiếu nữ Việt Nam với tà áo dài, e ấp, đượm buồn của giai đoạn hội họa trước năm 1945; hình tượng người chiến sĩ, bộ đội Cụ Hồ mang đầy đủ nét đẹp thể chất lẫn tâm hồn của giai đoạn mỹ thuật 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954); hình tượng người nông dân, người công nhân trên nông trường, công trường với không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp, vui tươi, mang sức sống của thời kỳ hòa bình lập lại cùng xây dựng và bảo vệ tổ quốc sau Cách mạng Tháng Tám...) (3).
Bình tĩnh chấp nhận thực trạng đời sống sáng tác nghệ thuật tạo hình hiện nay như một tất yếu của quá trình giao lưu, hội nhập và trên dòng chảy đó, chúng ta tin tưởng dư luận công chúng sẽ cảnh tỉnh và trách nhiệm nghệ sĩ phải lên tiếng.
Bản lĩnh người nghệ sĩ ngày nay
Nhìn lại, từ thời cổ đại cho đến tận TK XVIII, thuyết bắt chước của Aristotle vẫn thống trị quan niệm về bản chất nghệ thuật và cho rằng, để đạt tới chân lý nghệ thuật chỉ có cách kết hợp sự giống thực cùng với sự biểu đạt của những ý niệm phổ quát về vũ trụ, thiên nhiên, lý trí, tình cảm… Ở thời Phục hưng, chân lý nghệ thuật được khẳng định là sự thống nhất của cái đẹp và cái thật. Vì thế, mỹ học Phục hưng quan niệm nghệ sĩ phải như tấm gương nhưng không phải là sự sao chép nguyên xi mà phải có suy nghĩ, cân nhắc, lựa chọn, phân tích.
Đến TK XVIII, mỹ học Khai sáng lên tiếng phủ nhận mỹ học Phục hưng và cho rằng, sự thật của tự nhiên là cơ sở cho tính giống thực ở nghệ thuật. Sang TK XIX lại một bước tiến mới của mỹ học khi xác lập nghệ thuật như là những hình thức hoạt động tinh thần - thực tiễn và là những hình thức phản ánh thực tại đặc thù. Từ đó đến nay, chân lý nghệ thuật được nhìn nhận trong mối quan hệ mật thiết với tư tưởng, quan niệm, vốn sống, tài năng người nghệ sĩ.
Nhìn một cách khái lược lịch sử của phạm trù chân lý nghệ thuật, có những điểm cần thiết, như: nghệ thuật là tài năng. Nếu không đủ tài làm nghệ thuật sẽ rất khổ, hoặc sẽ cho ra những sản phẩm không phải nghệ thuật hoặc dở dang. Nói đến tài năng trong nghệ thuật thì trước hết phải nói đến năng khiếu, bồi dưỡng năng khiếu là rất cần thiết, nhưng cần thiết hơn là giáo dục tinh thần lao động nghệ thuật, trách nhiệm với đời sống cho người nghệ sĩ. Hay, bổ sung cho tài năng là vốn sống. Thực ra, sự cần cù cũng có thể làm nên vốn sống đầy đặn. Nhưng, vì nghệ thuật là sự kết tinh của những mối quan hệ đời sống nên người nghệ sĩ không hiểu sâu biết rộng về đời sống dứt khoát sẽ không tạo ra một hình tượng đậm đà chất muối mặn của cuộc đời.
Nghệ sĩ làm giàu cho văn hóa dân tộc bằng tác phẩm nghệ thuật, mà tác phẩm ấy có được là nhờ ở sự kết tinh từ tài năng và nhân cách người nghệ sĩ. Văn học nghệ thuật luôn là lĩnh vực sáng tạo, tinh thần đặc biệt gắn chặt với tư tưởng, tâm hồn con người nghệ sĩ. Thứ nhất, đây là lĩnh vực của cái tôi, của cá tính. Mà cá tính là cái riêng, nổi trội để tạo ra tiếng nói riêng, giọng điệu riêng. Nhưng phải là cá tính sáng tạo, tức là phải tạo ra cái mới, tiến bộ, phù hợp với lý tưởng thẩm mỹ, mới mẻ, độc đáo. Nghệ sĩ, không ít người luôn “kêu gào tự do”, nhưng chính họ, nhiều khi lại rất “độc đoán” khi bình phẩm về đồng nghiệp - xem mình mới là kẻ cầm nắm “chân lý”.
Thứ hai, năng khiếu sáng tạo đòi hỏi người nghệ sĩ sự nhạy cảm, nhất là nhạy cảm trước những biến động xã hội. Có thể, ví người nghệ sĩ như cái cần anten thu phát những tín hiệu đổi thay của cuộc sống. Nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng có một sức đề kháng, một “bộ lọc” hoàn hảo để thu phát những tín hiệu tích cực, lành mạnh, nên có người vô tình bị kẻ xấu lợi dụng mà trở thành cái loa tuyên truyền, gieo rắc những mầm mống tiêu cực.
Thực ra, người nghệ sĩ, khi sáng tác, cũng chịu sự chi phối của các yếu tố “bên trong” như ở người xem tranh. Trước khi là con người - sáng tạo, nghệ sĩ là con người - văn hóa. Và, chính cái tính cách và tầm vóc con người - văn hóa này sẽ là những tác nhân thúc đẩy hay kiềm chế con người - sáng tạo nơi mỗi nghệ sĩ. Nó quy định hay quyết định cách nhìn, cách nghĩ của nghệ sĩ về nghệ thuật. Tiếp theo, là quy định hay quyết định phương pháp sáng tác của họ. Và cuối cùng, là quan niệm, là tiêu chuẩn về hiệu quả trong từng tác phẩm.
Những nghệ sĩ cho rằng các bộ môn nghệ thuật là để tôn vinh vẻ đẹp của tự nhiên, là để thanh lọc tâm hồn hay làm thăng hoa các cảm xúc con người... dễ có khuynh hướng đi vào quỹ đạo của các chuẩn mực nghệ thuật đã trở thành cổ điển. Các chuẩn mực đề cao sự hài hòa (hiểu theo nghĩa cân bằng thị giác...), đề cao sự cao cả, sự trong sáng của hình tượng, của tư tưởng và tình cảm... Ngược lại, những nghệ sĩ quan niệm các loại hình nghệ thuật là để phản ánh hiện thực, hay để biểu lộ tâm tư, phơi bày bản ngã... dễ có khuynh hướng bấu víu vào các nội dung chỉ định của hình tượng, vào tầm quan trọng của đề tài và tính tư tưởng của chủ đề... Hiệu quả trong tác phẩm, được đóng khung qua các tiêu chuẩn về tính điển hình của hình tượng, về tính chắt lọc và khái quát của ngôn ngữ thể hiện... Ở đây, cái biểu đạt (hình thức nghệ thuật) gắn liền với cái được biểu đạt (hiện thực). Và, mức độ bộc lộ sáng tỏ ý nghĩa cái được biểu đạt trở thành tiêu chuẩn xác định giá trị cái biểu đạt (hiệu quả trong tác phẩm). Và dĩ nhiên, cũng là tiêu chuẩn xác định tài năng của nghệ sĩ.
Tài năng nghệ thuật luôn là hiếm hoi, bởi không chỉ có cần cù mà phải có năng khiếu mới tạo tiền đề để có một con người nghệ sĩ. Nghệ sĩ luôn sống và sáng tạo bằng cái tôi, do vậy, rất cần tạo ra một môi trường cái tôi đặc thù của nghệ sĩ phát triển lành mạnh. Nhưng họ cũng là một công dân, dù có tự do trong cái tôi thì vẫn phải ý thức được trách nhiệm công dân của mình là sáng tạo theo tinh thần, phụng sự nhân dân, chống lại cái ác, cái xấu, cái lỗi thời, cái phản động.
Những nghệ sĩ tin theo các quan điểm nghệ thuật hiện đại, cho rằng các tiêu chuẩn mỹ học cổ điển chỉ là giả tạo (đối tượng của nghệ thuật không chỉ là những vẻ đẹp lý tưởng); cho rằng phương pháp sáng tác hiện thực hay lãng mạn chủ nghĩa lấy việc phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống, hay lấy việc biểu lộ chân thành cá tính, hay tâm tư nghệ sĩ làm mục đích tối thượng chỉ là ảo tưởng hay ngộ nhận do sự trì trệ của tư duy trong tâm thế lạc hậu (nếu lấy phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống làm mục đích tối thượng, hội họa không thể nhanh nhạy và hiệu quả như nhiếp ảnh, điện ảnh hay truyền hình; nếu lấy biểu lộ chân thành cá tính hay tâm tư nghệ sĩ làm mục đích tối thượng, thì trước tính chất dị bản trong cách nhìn và thấy nơi mỗi người xem, cũng trở thành vô nghĩa...) thì, như một lẽ đương nhiên, những họa sĩ đó dễ có khuynh hướng tự đưa mình vào cuộc phiêu lưu bất tận của những tìm tòi sáng tạo “cái mới”. Công việc sáng tạo vốn vô cùng phức tạp, bị/ được thúc đẩy bởi nhiều động lực khác nhau, trong bản thân người nghệ sĩ cũng như bên ngoài xã hội, từ ý thức cũng như từ tiềm thức, từ những tài sản văn hóa tích lũy lâu dài cũng như từ những ngẫu hứng bộc phát tình cờ, vượt ra ngoài mọi sự chờ đợi hay tiên đoán.
Kết luận
Từ việc xác định nội hàm của văn hóa bao gồm tư tưởng, học thuật và nghệ thuật trong Đề cương Văn hóa năm 1943 của Đảng và Nhà nước ta, đã nhất quán chủ trương văn học nghệ thuật phải mang yếu tố “dân tộc, khoa học và đại chúng” đến sau năm 1954, nước ta bước vào một giai đoạn cách mạng mới, chúng ta xây dựng một mô thức phát triển của “nền văn hóa mới có nội dung XHCN và tính chất dân tộc”. Từ năm 1986, bắt đầu thời kỳ Đổi mới, trên cơ sở lý luận Mác xít và tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời kế thừa những mô thức văn hóa trước đó, Đảng và Nhà nước ta đi đến xây dựng nền văn học nghệ thuật mới: “Tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” mà đặc trưng cơ bản là “dân tộc, hiện đại, nhân văn”, đến nay vẫn có ý nghĩa chiến lược. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Công sản Việt Nam đã chỉ rõ: “Nâng cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Bào đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo, sáng tạo có sức lan tỏa để quảng bá, giới thiệu ra thế giới” (4) là những tiền đề quan trọng làm cơ sở lý luận cho việc nhận định giá trị nghệ thuật của dân tộc và tìm kiếm, lựa chọn con đường sáng tạo nghệ thuật mang tính thời đại của người nghệ sĩ trong giai đoạn hội nhập ngày nay, đối với những người sáng tạo, cần phải nghĩ nhiều hơn đến tiêu chuẩn giá trị trong nghệ thuật.
Nhìn nhận vấn đề quy trình sáng tác nghệ thuật (tạo hình) để hình thành bản lĩnh người nghệ sĩ ngày nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thích ứng thời kỳ hội nhập, đồng thời xây dựng hệ giá trị văn hóa chuẩn mực con người, gắn với giữ gìn, phát triển nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và định hướng văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới (5).
______________________
1. Nguyễn Văn Minh, Giáo trình Phương pháp luận sáng tác nghệ thuật (Trình độ sau đại học), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.77.
2, 3. Nguyễn Văn Minh, Đôi điều về bốn giai đoạn của sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật hiện nay, Thông báo khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, 2008, số 25 (10), tr.109, 115.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr263-264.
5. Nguyễn Thế Kỷ, Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại, Tạp chí Lý luận Phê bình Văn học - Nghệ thuật, 1-2021, tr.4.
Tài liệu tham khảo
1. Trường Chinh, Bàn về văn hóa và nghệ thuật, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1963.
2. Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1997.
3. Nguyễn Duy Cường, Quan hệ triết học mỹ học nghệ thuật học trong văn hóa nghệ thuật, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 348, tháng 6-2013.
4. Lê Duẩn, Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986.
6. Đỗ Huy, Mỹ học - khoa học về các quan hệ thẩm mỹ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.
7. Đỗ Văn Khang, Mỹ học đại cương, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2002.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 24-12-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 28-12-2024; Ngày duyệt đăng: 7-1-2025.
PGS, TS NGUYỄN VĂN MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025