Ra mắt tập sách “Sân khấu Cải lương Thành phố Hồ Chí Minh 1975-2025”

Sáng 8-7, tại sân khấu chính Đường sách TP.HCM, Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức Lễ ra mắt tập sách chuyên khảo “Sân khấu Cải lương Thành phố Hồ Chí Minh 1975-2025”. Đây là công trình văn hóa tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975–30/4/2025) của Hội Sân khấu TP.HCM.

Bìa tập sách "Sân khấu Cải lương Thành phố Hồ Chí Minh 1975-2025"

Vào đầu năm 2023, Hội Sân khấu TP.HCM đã cho ra mắt tập sách Cải lương Sài Gòn 1955-1975. Ngay sau đó, Hội tiếp tục chủ trì thực hiện tập sách chuyên khảo Sân khấu Cải lương Thành phố Hồ Chí Minh 1975-2025 với sự tham gia của hơn 50 tác giả là các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, đạo diễn, nhà phê bình - những người đã sống và sáng tạo cùng cải lương qua nhiều giai đoạn.

Tập sách Sân khấu Cải lương Thành phố Hồ Chí Minh 1975-2025 do NSND Trần Minh Ngọc và NSND Trần Ngọc Giàu làm chủ biên, tập hợp hơn 100 bài viết chuyên sâu, trải dài trên 9 nhóm đề tài lớn: Lý luận - phê bình; Tác giả - đạo diễn; Biểu diễn - âm nhạc; Đào tạo; Truyền thông và công tác tổ chức sân khấu cải lương tại TP.HCM sau ngày đất nước thống nhất đến năm 2025. Đây là một trong số ít công trình có hệ thống tư liệu dày dặn và đầy đủ nhất về sân khấu cải lương TP.HCM với hơn 200 hình ảnh tư liệu màu và đen trắng, kèm phân tích rõ ràng từ thực tiễn sân khấu từng thời kỳ, giúp các thế hệ nghệ sĩ và công chúng yêu cải lương có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về hành trình của một loại hình nghệ thuật độc đáo, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ.

Quang cảnh buổi ra mắt tập sách

Tại Lễ ra mắt, NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ: “Đây là một công trình tập thể, là tâm huyết của cả một đời nghệ sĩ, của những người làm nghề và yêu nghề. Chúng tôi mong muốn ghi lại một cách kịp thời những dấu mốc, những đóng góp thầm lặng lẫn vang dội của nghệ sĩ cải lương TP.HCM để thế hệ mai sau có thể kế thừa và phát triển”.

Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, đây là một công trình có tính hệ thống và chiều sâu, không chỉ phục vụ nhu cầu tra cứu, nghiên cứu, mà còn góp phần kết nối thế hệ - giữa nghệ sĩ lão thành và những người trẻ đang dấn thân vào nghệ thuật cải lương. “Tập sách Sân khấu Cải lương Thành phố Hồ Chí Minh 1975-2025 là minh chứng cho nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh xã hội hiện đại. Đây cũng là lời tri ân sâu sắc dành cho các thế hệ nghệ sĩ đã cống hiến hết mình vì nghệ thuật dân tộc và là món quà tinh thần gửi đến công chúng yêu mến cải lương trong và ngoài nước”- Chủ biên, NSND Trần Ngọc Giàu cho biết.

NSND Trần Minh Ngọc bày tỏ xúc động khi lần đầu làm sách về cải lương, dù ông xuất thân từ kịch nói. Ông cho biết: “Cuốn sách này không chỉ là tư liệu, mà còn là đời sống của nghệ thuật cải lương, được kể bằng cảm xúc, sự gắn bó của rất nhiều nghệ sĩ cả trong nước, lẫn kiều bào”.

Các khách mời như PGS, TS Huỳnh Quốc Thắng, đạo diễn Tôn Thất Cần, NSƯT Ca Lê Hồng, TS Mai Mỹ Duyên… cũng có những chia sẻ giàu cảm xúc và chiều sâu chuyên môn, làm nổi bật tính kế thừa, sáng tạo và tiềm năng của cải lương trong không gian văn hóa đương đại.

Ban Tổ chức tặng hoa các tác giả- khách mời giao lưu tại Lễ ra mắt sách

Tập sách Sân khấu Cải lương Thành phố Hồ Chí Minh 1975-2025 được chia thành 4 phần, gồm: Sân khấu cải lương TP.HCM- nhìn lại một chặng đường; Nghệ thuật dàn dựng và biểu diễn; Thành phần sáng tạo trong sân khấu cải lương; Chân dung Nghệ sĩ sân khấu cải lương TP.HCM. Tuy là công trình mang tính tổng kết, tập sách Sân khấu Cải lương Thành phố Hồ Chí Minh 1975-2025 không dừng ở hoài niệm. Bên cạnh các cây bút chuyên môn, công trình còn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đương đại đang trực tiếp làm nghề, mang đến cái nhìn đa chiều, khách quan và gần gũi với thực tế đời sống sân khấu hôm nay. Trong đó có những vấn đề như bản sắc sân khấu Nam Bộ, thiếu kịch bản mới, khủng hoảng lực lượng kế thừa, khó khăn trong tiếp cận khán giả trẻ, ứng dụng cải lương trong truyền thông số, vai trò nghiên cứu - giảng dạy cải lương trong học đường... mở ra nhiều câu hỏi lớn về cách bảo tồn và phát triển cải lương trong bối cảnh công nghiệp văn hóa.

      XUÂN HƯỚNG

;