• Thông tin tư liệu > Sách hay nên đọc

NHỮNG GÓC NHÌN VỀ HIỆN THỰC CHIẾN TRANH TRONG DẤU CHÂN NGƯỜI LÍNH, ĐẤT TRẮNG VÀ NỖI BUỒN CHIẾN TRANH

Góc tiếp cận hiện thực chiến tranh ngắn nhất là nhằm đến khung cảnh chiến trường, nơi diễn ra những cuộc giao tranh. Đó chính là hiện thực chiến trận. Khắc họa hiện thực cuộc sống diễn ra nơi chiến trường đồng nghĩa với việc các tác giả mô tả bộ mặt, tính chất của cuộc chiến một cách chân thực, sống động và trực tiếp nhất. Với ưu thế của một cấu trúc tự sự lớn, tiểu thuyết có khả năng chiếm lĩnh và tái tạo hiện thực trong tính toàn vẹn, tổng thể, gần gũi và sinh động. Chính nhờ đặc trưng đó, hiện thực chiến trận trong ba tiểu thuyết Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) đã được mô tả theo đúng tinh thần thể loại: đa dạng, đa chiều, có tầm vóc, quy mô, có sức chứa về dung lượng và khả năng bao quát hiện thực.

Cái nhìn phương Tây trong Pháp du hành trình nhật ký và Đi Tây

Ngành nghiên cứu văn hóa đã ra đời vào khoảng những năm 60 của TK XX với mong muốn tìm ra mối liên hệ giữa tác phẩm với bối cảnh văn hóa, xã hội, tư tưởng hệ, quyền lực đương thời. Trong số các trường phái phê bình của nghiên cứu văn hóa, hậu thực dân chỉ ra những di hại của tư tưởng đó lên văn hóa, chính trị, xã hội thuộc địa, đồng thời phát hiện những khả năng kháng cự, tự chủ tiềm tàng ở các chủ thể văn hóa thuộc địa. Trong số các khái niệm công cụ của phê bình hậu thực dân, cái nhìn là một khái niệm quan trọng để giải mã cơ chế sản sinh ra các diễn ngôn thực dân, của nhà văn thuộc địa. Chúng tôi muốn sử dụng khái niệm này để giải mã cái nhìn phương Tây, điều cơ bản làm nên sự khác biệt giữa hai tác phẩm Pháp du hành trình nhật ký, Đi Tây của Phạm Quỳnh, Nhất Linh, hai nhà văn, nhà chính trị, văn hóa tiêu biểu của Việt Nam giai đoạn đầu TK XX.