Việc Quốc hội thông qua sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 để chính thức hóa mô hình chính quyền địa phương hai cấp – cấp tỉnh và cấp xã – cùng với quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính, đã mở ra một bước ngoặt lớn không chỉ trong tư duy tổ chức nhà nước, mà còn trong cách chúng ta tiếp cận không gian văn hóa quốc gia. Đây không chỉ là sự tinh gọn bộ máy về mặt kỹ thuật hành chính, mà còn là một hành động mang tầm vóc văn hóa sâu sắc – khi giang sơn được sắp xếp lại không phải để triệt tiêu khác biệt, mà để tạo nên một chỉnh thể hài hòa hơn, hiệu quả hơn và giàu bản sắc hơn.
Lễ hội cố đô Hoa Lư - Ảnh: Ninh Mạnh Thắng
Không gian văn hóa trong chuyển động hành chính
Lịch sử Việt Nam cho thấy, ranh giới hành chính và không gian văn hóa luôn có mối liên hệ chặt chẽ. Từ thời các phủ, tổng, huyện cho đến mô hình tỉnh – xã ngày nay, mỗi đơn vị hành chính đều gắn liền với một hệ sinh thái văn hóa đặc thù: từ tên gọi, phương ngữ, kiến trúc đến tín ngưỡng, tập quán, cách ứng xử cộng đồng. Khi địa giới hành chính thay đổi, vô hình trung những mốc ký ức văn hóa cũng bị tác động. Điều này đặc biệt đúng với những địa phương có bề dày lịch sử hoặc những cộng đồng dân cư thiểu số vốn rất coi trọng bản sắc.
Do đó, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính không thể chỉ dựa vào tiêu chí số học, diện tích hay mật độ dân số, mà cần có cái nhìn tổng thể về hệ giá trị văn hóa tại chỗ. Việc lựa chọn tên tỉnh mới, vị trí trung tâm hành chính, bảo tồn các thiết chế văn hóa – cần được tiến hành theo hướng kế thừa, tôn trọng lịch sử, ghi nhận đóng góp của các vùng đất khác nhau. Ví dụ, khi sáp nhập các đơn vị hành chính ở các tỉnh miền núi phía Bắc, cần tính đến việc giữ nguyên hoặc tôn vinh các tên gọi gắn với văn hóa bản địa để tránh cảm giác bị “xóa tên” trong tâm thức cộng đồng.
Sự thay đổi về hành chính, nếu không đi cùng một chiến lược văn hóa đồng bộ, dễ tạo ra khoảng trống trong ký ức tập thể và dẫn đến phản ứng tâm lý nhất định. Để tránh điều đó, ngành Văn hóa cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan lập pháp, hành chính trong việc rà soát, lập danh mục di sản phi vật thể, biểu tượng văn hóa, lễ hội truyền thống tại các vùng sáp nhập để có kế hoạch bảo tồn và phát huy phù hợp.
Sắp xếp hành chính: cơ hội tái cấu trúc thiết chế văn hóa
Trong khi nhiều người lo ngại sáp nhập sẽ làm mai một bản sắc, thì từ góc độ quản trị văn hóa, đây chính là thời điểm lý tưởng để tái cấu trúc hệ thống thiết chế – vốn đã tồn tại nhiều bất cập trong nhiều năm qua. Tình trạng mỗi xã có một nhà văn hóa nhưng không đủ nhân lực, mỗi huyện có một trung tâm văn hóa nhưng hoạt động èo uột, kinh phí đầu tư dàn trải… là những “căn bệnh mãn tính” trong hệ thống văn hóa cơ sở. Sáp nhập tạo cơ hội để quy hoạch lại: dồn nguồn lực cho những trung tâm mạnh, nâng cấp các thiết chế đa năng, đưa các không gian văn hóa về gần dân nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả.
Thực tế cho thấy, tại một số tỉnh đi trước trong việc tinh gọn bộ máy, mô hình nhà văn hóa liên xã, thư viện dùng chung giữa các vùng, trung tâm giao lưu văn hóa gắn với di sản – đã phát huy hiệu quả tích cực. Người dân không chỉ được phục vụ tốt hơn, mà còn được tham gia vào đời sống văn hóa cộng đồng một cách chủ động và sáng tạo hơn. Các thiết chế này, nếu gắn với chuyển đổi số, phát triển du lịch cộng đồng và công nghiệp văn hóa, sẽ trở thành động lực mới cho phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, ngành Văn hóa cần chủ động hơn trong việc lập quy hoạch không gian văn hóa vùng, liên kết các đơn vị sau sáp nhập để xây dựng chuỗi hoạt động văn hóa – nghệ thuật đa trung tâm. Đây là nền tảng để hình thành các “cực tăng trưởng văn hóa” mới trong từng tỉnh, thay vì cách làm cũ là chia đều theo đơn vị hành chính.
Đặt văn hóa ở vị trí trung tâm của cải cách
Điều quan trọng nhất là phải nhìn nhận cải cách hành chính lần này không chỉ là cuộc sắp xếp lại cơ học về địa giới và tổ chức bộ máy, mà còn là dịp để làm sâu sắc thêm vai trò dẫn dắt của văn hóa trong xây dựng Nhà nước pháp quyền. Việc sửa đổi Hiến pháp chính là minh chứng cho tư duy này – khi văn hóa tiếp tục được khẳng định là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực của phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã viết trong bài “Sức mạnh của đoàn kết”: “Không có vũ khí nào lợi hại và hiệu quả hơn sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của toàn dân.” Câu nói ấy không chỉ đúng với hệ thống chính trị, mà còn là nguyên lý bất biến cho quản trị văn hóa. Bởi không có gì gắn kết con người tốt hơn những giá trị văn hóa được chia sẻ. Và cũng không có gì nâng tầm cải cách hiệu quả hơn một tinh thần văn hóa đúng nghĩa: nhẫn nại, tôn trọng, đối thoại và cùng nhau kiến tạo tương lai.
Sắp xếp để tinh gọn – nhưng không được làm phai nhạt bản sắc. Cải cách để hiệu quả – nhưng không cào bằng ký ức. Đổi mới để phát triển – nhưng không đoạn tuyệt với truyền thống. Đó chính là nguyên tắc văn hóa cần được giữ gìn trong từng bước đi của cải cách hành chính.
Nếu làm được điều đó, chúng ta không chỉ có một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, mà còn có một không gian văn hóa ngày càng sâu sắc, cởi mở và lan tỏa – đúng với tinh thần một dân tộc đang vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội