ST. PETERSBURG, BẢO TÀNG CỦA NHỮNG CÂY CẦU

 

St. Petersburg (Leningrad) là thành phố cổ kính và thơ mộng nhất nước Nga, từ TK XVIII đã đi vào thi ca, nhạc họa, đồng thời cũng là quần đảo của hơn 100 hòn đảo trên châu thổ sông Neva. Nơi đây từ lâu còn được mệnh danh là bảo tàng của những cây cầu Nga với 68 con sông, kênh ngòi và 380 cây cầu. Mỗi công trình kiến trúc cầu đường mang lại vẻ đẹp kiêu sa, diễm lệ cho xứ sở, minh chứng cho sự trường tồn và phát triển của St. Petersburg qua nhiều biến cố, khốc liệt.

 Cây cầu đầu tiên ở St. Petersburg là một cầu gỗ, nối từ kênh đào Kronversky ở đảo Zayachy tới cổng chính Ioannovskie của pháo đài Peter và Paul. Ra đời vào năm 1703, cũng là năm thành lập St. Petersburg, nó đã nhiều lần bị phá hủy và xây mới, cho đến thời Peter đại đế thì thành cầu sắt, có diện mạo như ngày nay. Từ năm 1953, cầu có những lan can hình chữ X và vòng tròn nối tiếp cùng nhiều hàng cột đèn giống như những bó tên sắc nhọn, trên đỉnh đậu một chú chim đại bàng dũng mãnh. Cầu tên là Ioannovsky, lấy tên người anh trai của Peter đại đế, cũng là thân sinh của nữ hoàng Anna Ioannovna. Toàn bộ cầu dài 74,7 mét, rộng 10,6 mét.

Những cây cầu gỗ đóng vai trò quan trọng trong đời sống St. Petersburg, giúp người dân đi lại thuận lợi giữa các đảo. Từ TK XVIII, ở đây đã có 5 cây cầu gỗ lớn thả nổi và 40 cầu gỗ đóng cọc trụ. Vào hè, người ta thường thả cầu nổi cho xe cộ băng qua. Khi đông tới, tuyết rơi thành băng trên mặt sông, họ kéo cầu nổi lên và đi xe trượt tuyết. Do cầu gỗ nhỏ hẹp, hay gãy, dễ bị lũ cuốn trôi và vì sự lớn mạnh nhanh chóng của thành phố, hải cảng nên chính quyền đã thay dần cầu gỗ bằng những cây cầu đá, sắt chắc chắn hơn.

Cây cầu đá cổ nhất của St. Petersburg là Prachechny và Verkhne Lebyazhy, ra đời khi kiến trúc Nga đang trong thời quá độ từ phong cách Baroque xa xỉ lên kinh điển nghiêm luật. Cầu Prachechny xuất hiện năm 1769, có chiều dài 40,9m, rộng 14,3m, bắc qua sông Fontanka gần với Cung điện Mùa hè của hoàng đế Peter. Điểm đặc biệt của cây cầu là có ba nhịp như lưng của một con cá voi gù, ở hai trụ giữa có hai ô cửa tròn, vừa tạo điểm nhấn cho cảnh quan, vừa giúp tàu thuyền quan sát từ xa.

Cây cầu đá đặc sắc nhất ở St. Petersburg là Kamenny, xây dựng năm 1778 trên kênh đào Griboyedov (Yekaterinsky). Tuy chỉ có một nhịp chừng 19,7m, song cầu hút hồn lữ khách khi ngang qua. Người ta ngắm nhìn, vui thích với những gờ đá trơn mịn của cây cầu và trải nghiệm với độ dốc kinh khủng của cầu. Mặt cầu dốc đến nỗi người ta phải trèo lên và trượt xuống như leo núi. Vào đầu TK XX, khi có dịch vụ xe buýt, mỗi lúc qua, soát vé lại yêu cầu hành khách xuống xe, tự đi bộ lên trên. Khi leo dốc, xe cũng lừ đừ như con sâu bò lên cao, tới đỉnh thì lao vùn vụt xuống thấp.

Một cây cầu hấp dẫn nữa và có lẽ nổi tiếng nhất St. Petersburg là Anichkov, xuất hiện từ năm 1716. Cầu có kiểu dáng trang nhã với ba nhịp bằng đá hoa cương hồng, dài 54,6m. Dọc thân trang trí nhiều bờ rào bằng sắt, những pho tượng cá ngựa, tiên nước và người huấn luyện ngựa, được xem là biểu tượng cho sự chiến thắng của con người trước thiên nhiên.

Từ cuối TK XIX, trên dòng Fontanka, phụ lưu lớn nhất châu thổ Neva, cũng là đường thủy quan trọng nhất St. Petersburg, có 7 cây cầu mà vẻ đẹp của chúng không thua kém bất cứ đâu. Đây là những cây cầu kéo, trên có các ngọn tháp canh và hàng ngày định kỳ đóng mở cho tàu chở hàng đi qua. Hiện giờ chỉ cầu Lomonosov còn nguyên vẻ cổ đại. Cây cầu này được xây dựng năm 1787 và mang tên nhà bác học Mikhail Lomonosov - một học giả lỗi lạc về toán, hóa, ngôn ngữ, văn học. Cầu dài 57,1m, gồm hai nhịp rộng hình cung và một sải ngắn ở giữa, xưa là gỗ và nay làm bằng sắt, trên cầu có bốn tòa tháp cùng nhiều cột đèn thanh lịch hình thần mã. Vào tháng sáu, giới họa sĩ thường tụ tập tại cầu Lomonosov để sáng tác, cho ra đời những họa phẩm tuyệt vời nhất về những đêm trắng của Nga.

Kể từ khi áp dụng chất liệu sắt vào xây dựng cầu đường và các công trình lớn, St. Petersburg đã có thêm những cây cầu thép, ngoài sức chịu đựng kiên cố gấp năm lần đá, còn có thể trang trí độc đáo hơn. Từ TK XIX, trên những cây cầu St. Petersburg, bắt đầu xuất hiện những lan can hình học, những pho tượng thần, chim thú kỳ lạ bằng sắt, đồng và nhiều kim loại tổng hợp như hình các nàng tiên nước, các con sư tử đầu chim cánh đại bàng, những cây cột đèn cao lêu đêu hình những bông hoa chuông vĩ đại... Tổng chiều dài các lan can sắt trên những cây cầu của thành phố lên đến 11km.

Tính từ 1914 đến 1924, có cả thảy 5 cây cầu sắt. Nổi bật phải kể tới cầu Dvortsovy ra đời năm 1916, có chiều dài 255m, bề rộng 27,6m, nối trung tâm thành phố với Cung điện Mùa đông, tượng đài Đô đốc và mũi đảo Vasilievsky. Cây cầu đặc biệt ở chỗ nằm khá thấp, gần như sát với mặt nước, càng tôn lên cảnh đẹp của Cung điện Mùa đông - nơi ở của các sa hoàng xưa.

Mỗi cây cầu đều mang đến cho St. Petersburg một vẻ đẹp tuyệt mỹ. Ban ngày có vẻ giản dị, song ban đêm, khi đèn đường ngời sáng, nhất là khi phóng những tia sáng laser lên bầu trời, chúng hiện lên thật lộng lẫy. Nhiều cây cầu như Malo Konyusheny trên sông Moika, Teatrainy trên kênh Griboyedov và cầu giả giữa lòng thành phố, còn hợp tam tạo nên một quảng trường cầu thênh thang. Đi trên đó, có thể nhìn toàn cảnh phố xá, thuận tiện khi tạt ngang, tạt dọc, ghé qua bất kỳ tòa dinh thự, công viên, trung tâm giải trí, khu mua sắm nằm bên các dòng kênh.

Những cây cầu còn in đậm các sự kiện chính trị, lịch sử của đất nước. Để ngăn bước tiến của Hồng quân Liên Xô vào trung tâm Petrograd, chính quyền tư sản đã cho nâng mọi cây cầu và dùng binh lính cản trở đoàn quân giải phóng. Nhưng đến sáng ngày 25-10, mọi trở ngại trên những cây cầu đã được những người thủy thủ và công nhân dẹp bỏ. Đêm ngày 25-10, dưới họng súng con tàu Aurora, một cuộc thỏa thuận ngắn đã diễn ra, cuối cùng cầu Dvortsovy cũng thuộc về hồng quân. Giai đoạn khốc liệt nhất trong lịch sử cầu đường St. Petersburg có lẽ là 900 ngày đêm bị phong tỏa trong cuộc chiến tranh vệ quốc 1941-1945. Nhằm cứu những cây cầu thân yêu khỏi bị oanh tạc, người dân đã phải ngụy trang chúng, tháo các tượng đài khỏi cầu, cất kỹ để tránh bị rơi xuống sông hoặc vào tay những kẻ săn lùng cổ vật. Vào thời điểm đó, mỗi cây cầu tượng trưng cho tinh thần đoàn kết, anh dũng của người dân thành phố.

Hiện nay, St. Petersburg đang cho dựng nhiều cây cầu mới để đáp ứng mật độ giao thông ngày càng tăng. Cùng những cây cầu cổ, những cây cầu mới đa dạng về kiểu hình, phong phú về cách trang trí đã khiến cho St. Petersburg trở thành một bảo tàng những cây cầu sống động và nguy nga nhất.

Những cây cầu nâng, ngoài phục vụ đường bộ còn giúp ích cho đường thủy, có thể nâng cao, dịch chuyển mặt cầu, cho phép tàu thuyền đi lại tự do giữa sông và biển. Chiều tối, mọi tàu thuyền muốn ra biển đều tề tựu ở cửa sông Neva, đợi lúc cầu nâng. Vào lúc hai giờ sáng, sau một tiếng còi, những sải cầu bắt đầu nâng lên như một nụ hoa súng khổng lồ, chụm cánh cho mọi con tàu ra biển và đến sáng lại hạ xuống, nằm nghỉ dưới muôn làn xe cộ tấp nập.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014

Tác giả : Chu Mạnh Cường

;