Tái bản cuốn Hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình: “Gia đình, bạn bè và đất nước”

Nhằm tái hiện cuộc đời của bà Nguyễn Thị Bình, một nhân chứng sống đã tham gia, chứng kiến những biến chuyển thăng trầm của lịch sử dân tộc trong TK XX, từ thời thơ ấu cho đến khi tham gia hoạt động cách mạng, những dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và cả khi đã nghỉ hưu, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản lần thứ 2 cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” của bà. Đây là cuốn hồi ký được bà Nguyễn Thị Bình bắt tay viết từ năm 2007, hoàn thành vào cuối năm 2009 và được bổ sung, chỉnh sửa qua các năm 2013, 2014, 2023.

Cuốn sách là hành trình tự sự đầy xúc động của bà Nguyễn Thị Bình. Với giọng kể chân thành và lối viết không cầu kỳ, cuốn sách đã tái hiện về cuộc đời của một người phụ nữ đã đi qua gần một thế kỷ, chứng kiến và góp phần làm nên những bước ngoặt lịch sử trọng đại của dân tộc. Từ tuổi thơ tại vùng quê Quảng Nam, những năm tháng lăn lộn trong phong trào cách mạng, đến các dấu mốc ngoại giao mang tầm vóc quốc tế và cả khi bà lui về đời sống thường nhật sau khi nghỉ hưu.

Bà Nguyễn Thị Bình, tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, sinh ngày 26-5-1927 tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cuộc đời bà gắn liền với những dấu mốc quan trọng của lịch sử dân tộc trong TK XX: từ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), đến cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975), rồi thời kỳ xây dựng hòa bình, đi lên chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới đất nước. Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, bà Nguyễn Thị Bình đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Bìa cuốn sách

Cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước là một tác phẩm đặc biệt của bà Nguyễn Thị Bình - người phụ nữ Việt Nam đầu tiên ký một hiệp định quốc tế với vai trò Trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris năm 1973. Nhưng điều làm nên giá trị sâu sắc của cuốn sách không chỉ nằm ở vị trí chính trị đặc biệt của tác giả, mà còn ở giọng kể chân thành, mộc mạc, chứa đựng nhiều tầng cảm xúc và trải nghiệm của một con người gắn bó trọn đời với vận mệnh đất nước.

Từ những trang đầu tiên, cuốn hồi ký đã hiện lên như một bức tranh toàn cảnh, sống động về một thế kỷ đầy biến động của dân tộc, được soi chiếu qua lăng kính của một người phụ nữ vừa mang trong mình sự bình dị của đời thường, vừa là nhân chứng và người góp phần làm nên lịch sử. Bà Nguyễn Thị Bình đã không chỉ kể lại hành trình cách mạng của riêng mình, mà còn khéo léo đan xen vào đó những câu chuyện về gia đình, bạn bè, đồng chí - những người đã nuôi dưỡng, đồng hành và tiếp sức cho bà trên suốt chặng đường dài dấn thân vì đất nước.

Cuốn sách không chỉ dừng lại ở việc ghi lại những sự kiện lớn như kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hay những ngày tháng thương thuyết căng thẳng tại Paris, mà còn đi sâu vào những lát cắt đời thường đầy xúc động: tuổi thơ bên gia đình, nỗi đau khi phải xa cách chồng con, những tháng ngày trong tù mà tinh thần vẫn không gục ngã. Ở đó, người đọc bắt gặp một người mẹ lo cho con giữa chiến tranh, một người vợ lặng lẽ hy sinh hạnh phúc riêng để hoàn thành sứ mệnh chung, và một con người luôn trăn trở trước khi viết ra những dòng tâm sự riêng tư - chỉ vì lo lắng liệu câu chuyện của mình có mang lại điều gì có ích cho Nhân dân, cho đất nước hay không.

Mỗi trang sách chứa đựng sự chân thành, thấm đẫm tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng và lòng nhân ái. Như nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét, bà là hiện thân của sự kết hợp hài hòa giữa bình dân và tinh hoa, giữa mềm mại và bản lĩnh, giữa sự bền bỉ kiên định và tinh thần sẵn sàng đón nhận cái mới. Những phẩm chất ấy không chỉ làm nên hình ảnh một chính khách đặc biệt, mà còn là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Gia đình, bạn bè và đất nước không chỉ là một bản hồi ký cá nhân, mà còn là một cánh cửa mở ra lịch sử Việt Nam hiện đại qua góc nhìn của người trong cuộc. Cuốn sách đã đưa người đọc chạm đến chiều sâu của những giá trị làm nên bản sắc dân tộc - đó là tình thân, tình bạn, nghĩa đồng bào, sự đoàn kết và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Cuốn hồi ký cũng khơi gợi nhiều suy ngẫm về hy sinh - không chỉ là những mất mát lớn lao, mà đôi khi là sự lặng lẽ chấp nhận thiệt thòi để gìn giữ điều lớn lao hơn.

Vượt qua giá trị tư liệu lịch sử, cuốn sách còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ về lẽ sống và trách nhiệm công dân. Từ những ngày đầu tham gia phong trào sinh viên yêu nước đến vai trò nhà ngoại giao trên bàn đàm phán quốc tế, bà Nguyễn Thị Bình luôn kiên định với lý tưởng, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên cá nhân. Hình ảnh bà trong cuốn sách hiện lên không chỉ là một chính khách, mà là biểu tượng sống động của lòng yêu nước, bản lĩnh phụ nữ và sự cống hiến thầm lặng.

Gia đình, bạn bè và đất nước là tác phẩm dành cho mọi thế hệ - từ những người yêu lịch sử đến những độc giả trẻ đang đi tìm cảm hứng sống và định hình lý tưởng cá nhân. Đây không chỉ là cuốn sách đáng để đọc, mà là để suy ngẫm, để trân trọng và để học hỏi. Bởi trong từng câu chuyện nhỏ, người ta bắt gặp một tấm gương lớn - một con người đã sống trọn vẹn cho lý tưởng, cho gia đình, và cho cả dân tộc.

HỒNG VÂN

;