Công chúng tại Ngày Thơ Việt Nam - Ảnh: Minh Quân
“Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo lộn nước Nga lên...” (V.I. Lênin). Câu nói của vị Lãnh tụ giai cấp vô sản thế giới cách ngày nay cả thế kỷ khiến đông đảo giới văn nghệ sĩ (trong hơn 40.000 hội viên, hoạt động sáng tạo trong 10 hội đồng chuyên ngành của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và 63 Hội Văn học Nghệ thuật địa phương) liên hệ với rất nhiều tâm sự, tâm trạng “vì sao chúng ta đông đảo nhưng không hùng mạnh?”, cũng như “vì sao chúng ta “lành” (tốt) nhưng chưa “lành mạnh” (tâm và tầm)?”. Sức mạnh của cái đúng như một chân lý. Nhà văn Nam Cao trong tiểu thuyết Sống mòn (1944) viết: “Sống tức là thay đổi”. Tuy nhiên, “thay đổi” không phải là một khẩu hiệu có tính lý thuyết, bởi “Lý thuyết thì xám xịt, cây đời thì mãi xanh tươi” (Goethe). Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, sự nghiệp Đổi mới (từ 1986) do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo mang tính thực tiễn cao, tạo nên cơ đồ dân tộc như hôm nay với tư thế bước vào kỷ nguyên mới.
Nếu có cuộc điều tra xã hội học nghệ thuật một cách nghiêm túc, chỉ đặt một câu hỏi cho mỗi văn nghệ sĩ: “Theo anh/ chị, khâu còn hạn chế của hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật là gì?”, tôi đồ rằng, nhiều người sẽ trả lời: vấn đề nằm ở khâu tổ chức xây dựng chế độ, chính sách hợp lý nhằm kích cầu hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật được nhận thức như là công việc cần làm ngay và triệt để. Một chính sách hợp lý (giàu tính khoa học và thực tiễn) có thể tạo nên bước chuyển về chất của sự vật, như chính sách “Khoán 10” trong nông nghiệp, vào những năm 80 của TK XX, là một bài học lịch sử có ý nghĩa chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa - nhân văn. Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu gạo để cứu đói nay trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Nói chính sách đúng có tác dụng kích cầu hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật không thể không liên quan đến hai yếu tố: nhân lực (con người quản lý, con người sáng tạo và con người hưởng thụ) và vật lực (thành ngữ “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”). Hiện trạng thì “Cái khó bó cái khôn”. Nhưng cần thiết phải biết cách thông minh biến “Cái khó ló cái khôn”, biến “nguy thành cơ” (cơ hội). Người nghệ sĩ hoạt động trên lĩnh vực sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật trước hết do thúc giục và yêu cầu nội tâm để phụng sự “chân - thiện - mỹ”. Nhưng văn nghệ sĩ cũng là con người của trần thế, bằng xương bằng thịt nên có những nhu cầu tối thiểu để trước hết tồn tại (“Cơm áo không đùa với khách thơ” - Xuân Diệu), sau nữa là sống có chất lượng.
Khi chúng ta nói “Tận cùng của văn hóa là con người” thì cần nhìn vào thực trạng các chính sách đào tạo nhân tài trong trong lĩnh vực hoạt động sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật vẫn đang còn là một bài toán hóc búa. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong bài Người tài và một khe cửa hẹp đã thẳng thắn viết: “Có những người cho rằng chúng ta chưa có chính sách đãi ngộ người tài một cách tương xứng để khai thác trí tuệ và năng lực của họ. Nhưng tôi thấy điều quan trọng hàng đầu để sử dụng được trí tuệ và sự dâng hiến của họ là niềm tin của người quản lý vào họ”. (theo vanvn.vn).
Trong cách viết của mình, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đặt niềm tin cao hơn điều kiện. Tuy nhiên, ngẫm kỹ thì thấy niềm tin đôi khi có thể mơ hồ, còn điều kiện thì có tính cụ thể xác thực. Dẫu đã có Đề án Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến
năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1341/QĐ -TTg 8/7/2016), nhưng hiện thực hóa và hiệu quả của Đề án lại là một câu chuyện về “nhân tài như lá mùa thu” thuộc không gian của tinh hoa, tiềm năng và tương lai. Từ thực tiễn này đặt ra yêu cầu đối với những cán bộ được Nhà nước giao trực tiếp quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật phải đủ “tâm” và “tầm” mới thể hiện được vai trò tổ chức, dẫn dắt, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ say mê sáng tạo và cống hiến. Đồng thời, cũng cần có sự chia sẻ, đồng cảm chung tay chăm lo của các ngành chức năng.
Lối ra nào cho những khó khăn? Phải chăng, vì chúng ta chưa tìm được tiếng nói chung để tháo gỡ những “điểm nghẽn”? Có thể nói, đây là thực trạng và cũng là tâm trạng phổ biến hiện nay trong các lĩnh vực hoạt động xã hội nói chung, lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật nói riêng. Cơ chế, chính sách đến luật pháp đều do con người làm ra, vận hành nó vào thực tiễn đời sống để thu kết quả khả quan. Khi thực tiễn còn nhiều khiếm khuyết cũng có nghĩa chúng ta chưa đạt đến tính hệ thống và tính đồng bộ giữa các cấp độ/ nhân tố vĩ mô và vi mô trong quản lý. Đường lối đúng nhưng chính sách (vận dụng đường lối) không sát sao, ứng nghiệm thì khó đạt yêu cầu đề ra. Đường lối và chính sách đúng nhưng nếu người trực tiếp vận hành chưa đủ tâm và tầm cũng có thể chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Chúng ta vẫn xác định thường xuyên “Văn học nghệ thuật là bộ phận quan trọng và tinh tế nhất của văn hóa”. Nhưng liệu chúng ta đã thấu suốt tính chất quan trọng và tinh tế của nó trong ứng xử thực tế? Báo Quân đội nhân dân điện tử trong năm 2024 đã mở chuyên đề: “Đầu tư cho văn hóa chưa ngang tầm với sứ mệnh soi đường cho quốc dân đi” (trong 5 số, đã thu hút được dư luận xã hội quan tâm đến văn hóa với ý nghĩa: “Văn hóa còn thì dân tộc còn” đúng như tinh thần chiến lược của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tháng 11-2021).
Sáng 27-11-2024, tại Hà Nội, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035”. Sự kiện này được đánh dấu là bước đột phá, góp phần quan trọng vào công cuộc chấn hưng văn hóa, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong bối cảnh mới. Đây chính là niềm mong đợi của văn nghệ sĩ về tương lai tươi sáng của văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà ở chặng đường phát triển mới sẽ được hiện thực hóa. Nghĩa là, đường lối, chính sách thực sự đi vào đời sống, phục vụ lợi ích của quảng đại quần chúng có nhu cầu chân chính thụ hưởng một đời sống văn hóa, tinh thần chất lượng cao hơn. Nhưng thiết nghĩ, phải biết cách chờ đợi (vì chờ đợi cũng là một niềm vui) và đón nhận quả đầu mùa thơm ngọt. Biết chờ đợi đồng thời cũng phải biết hành động được hiểu như là động lực dẫn dắt niềm hy vọng thiêng liêng của mỗi chúng ta về các giá trị chân - thiện - mỹ.
BÙI VIỆT THẮNG
Nguồn: Đặc san "Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024"