Thày Tào và những phương tiện được sử dụng trong nghi lễ thờ cúng của người Tày ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn

Tóm tắt: Thày tào là người thực hiện các nghi lễ thờ cúng quan trọng trong đời sống tâm linh của người Tày ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Họ đóng vai trò trung gian giữa con người với thần linh và tổ tiên, giúp cầu bình an, sức khỏe và mùa màng bội thu… Trong các nghi lễ, thày tào sử dụng nhiều phương tiện đặc trưng như sách cúng, cây thanh táo, bộ thanh la, trống, tranh thờ, bùa chú và trang phục truyền thống. Mỗi vật dụng mang ý nghĩa riêng, giúp tăng tính linh thiêng và hiệu quả của nghi thức. Những phương tiện này không chỉ hỗ trợ thày tào hành lễ mà còn phản ánh tín ngưỡng bản địa sâu sắc. Các nghi lễ này góp phần duy trì bản sắc văn hóa truyền thống của người Tày. Việc nghiên cứu về thày tào và các phương tiện nghi lễ giúp hiểu rõ hơn về đời sống tín ngưỡng của cộng đồng. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện đại

Từ khóa: thày tào, nghi lễ thờ cúng, người Tày, Bắc Kạn, di sản văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng.

Abstract: Tao masters perform important worship rituals in the spiritual life of the Tay ethnic group in Cho Đon district, Bac Kan province. They act as intermediaries between humans and deities or ancestors, praying for peace, health, and abundant harvests. During rituals, Tao masters use distinctive ritual objects, including prayer books, the thanh tao tree, thanh la cymbals, drums, worship paintings, talismans, and traditional costumes. Each item carries a unique meaning, enhancing the sacredness and effectiveness of the ceremonies. These ritual tools aid the Tao masters in performing ceremonies and reflect the deep-rooted traditional beliefs. These rituals contribute to preserving the cultural identity of the Tay ethnic group. Research on Tao masters and their ritual instruments helps to better understand the spiritual life of the community. Moreover, it serves as an important foundation for preserving and promoting national cultural heritage in the modern context.

Keywords: tao master, worship rituals, Tay ethnic group, Bac Kan, cultural heritage, community beliefs.

Sách Nôm Tày của thày tào, Chợ Đồn, Bắc Kạn trong quá trình hành lễ - Ảnh: tác giả

Trong văn hóa của người Tày ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, thày tào đóng vai trò quan trọng với các nghi lễ tâm linh, đặc biệt là lễ tang, cúng tổ tiên, cầu an, giải hạn… Họ được xem như cầu nối giữa thế giới con người và thần linh, thực hiện các nghi thức để linh hồn người quá cố được siêu thoát và bảo vệ gia đình khỏi những điều không may. Quá trình hành lễ, thày tào thường thể hiện các bài văn cúng kết hợp cùng nhiều phương tiện, đồ vật mang tính linh thiêng, giúp kết nối giữa con người với thần linh và linh hồn tổ tiên. Việc duy trì và thực hiện các nghi lễ thờ cúng truyền thống với sự dẫn dắt của thày tào không chỉ thể hiện sự tôn kính đối với tổ tiên mà còn góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của người Tày ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

1. Vai trò của thày tào trong nghi lễ thờ cúng của người Tày

Người Tày sinh sống lâu đời ở tỉnh Bắc Kạn, họ chiếm hơn nửa dân số toàn tỉnh. Đời sống văn hóa của người Tày phong phú, đa dạng, đặc biệt là hoạt động văn hóa tín ngưỡng. Hoạt động văn hóa tín ngưỡng của người Tày gắn liền với người thày cúng, hay còn gọi là: thày mo, thày then, thày pụt, thày tào…

Thông qua quá trình hoạt động các nghi lễ của người hành nghề thày cúng mà thấy rõ biểu hiện niềm tin tín ngưỡng cũng như quan niệm về thế giới thần linh của họ. Có thể kể đến người đứng đầu trong các nghi lễ thờ cúng rất đặc biệt mà tôi muốn nhắc tới trong bài viết, đó là thày tào và phương tiện được thày sử dụng khi đứng ra làm chủ các buổi lễ.

Thày tào gắn liền với đời sống tâm linh của người Tày, họ xuất hiện hầu hết trong các nghi lễ của người Tày từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi. Được người dân tin và mời đến để thực hiện các nghi lễ như: tang ma, cúng mụ, lễ vào nhà mới, cúng ốm đau, trừ tà, cầu an, chọn ngày dựng nhà, đặc biệt chủ lễ trong nghi thức cấp sắc… Vậy thày tào là ai? Tại sao lại có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa của người Tày đến vậy?

Thày tào là người thực hiện các nghi lễ cúng bái trong tín ngưỡng văn hóa dân gian lâu đời của tộc người Tày và có thể hiểu đơn thuần thày tào chính là thày cúng. Qua nghiên cứu và quan niệm của tộc người Tày thì thày tào được coi là anh cả trong bốn người con của Ngọc Hoàng gồm: thày tào, thày pụt, cô then cùng binh lính tháp tùng anh em lên trời làm lễ. Vì sao thày tào được coi là anh cả? Theo quan niệm của người Tày, thày được Ngọc Hoàng truyền dạy biết chữ Nôm Tày, được trao truyền các phương tiện phục vụ trong quá trình hành lễ, đặc biệt là các cuốn sách ghi chữ Hán. Chính vì vậy trong các nghi lễ lớn người dân cũng vì thế mà tin, mời thày về làm lễ cho gia đình. Thày tào chỉ truyền nghề theo gia đình, dòng tộc và một số ít những người ngoài vào theo học. Nếu trong gia đình, không có người tự nguyện theo nghề, thì thày tào sẽ không có người kế nghiệp và dòng tào của thày sẽ dừng ở đó. Nếu người ngoài muốn theo học nghề, họ cũng chỉ được mượn danh của thày tào để hành nghề. Trong cuộc sống hằng ngày, thày tào cũng giống như mọi người dân, họ vẫn đi làm nông, ăn uống, lấy vợ và sinh hoạt bình thường. Khi có những buổi lễ được mời đến hành nghề, thì trước đó thày sẽ phải làm lễ cúng và thực hiện những kiêng kỵ theo quy định.

Thày tào có sức ảnh hưởng lớn bởi tôn giáo Nho, Phật, Đạo và tín ngưỡng bản địa. Đặc biệt là Đạo giáo, thày hành nghề theo hướng dẫn của sách chữ Hán, nên các thày tào đều phải biết chữ Hán, tuân theo khuôn phép, thời gian làm lễ theo khung giờ nhất định. Ngoài ra, các đệ tử khi vào nghề phải thông qua các lễ thụ giới “cấp sắc” của Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu… những vị thần của Đạo giáo. Lấy hệ tư tưởng của đạo Phật, Phật Bà Quan Âm là mẹ, mẹ Pụt Luông, mẹ Hoa. “Kinh sách của thày tào chủ yếu là văn cúng hướng dẫn thực hành các nghi lễ chứ không phải là sách tụng kinh niệm Phật. Trong quan niệm của các thày cúng Tày Nùng đều tự nhận mình là đệ tử của Phật. Họ giải thích nôm na về việc thiếu kinh sách dựa trên sự tích Đường Tăng sang Tây Trúc lấy kinh như sau: Trong đoàn đi lấy kinh do thày Tào đến trước nên lấy được kinh sách đầy đủ; thày mo đến sau chỉ nhận được một ít kinh sách nên không đầy đủ…” (1).

Tại sao gọi là thày tào? Đến hiện nay, một số nhà nghiên cứu cho rằng chữ tào có lẽ mượn từ chữ Đạo trong Đạo giáo của người Hán để chỉ hình thức cúng bái dân gian của người Choang (Trung Quốc). Còn tôi đặt ra câu hỏi, phải chăng chữ “Tào” khi phiên âm Hán - Việt ra là: “ầm ĩ”, “ ồn ào” “huyên náo”. Để chỉ các hoạt động huyên náo trong quá trình hành lễ mà gọi là tào? Trong quá trình hành lễ thày tào sử dụng các phương tiện như: trống, chiêng, thanh la… quá trình hành lễ trong nhiều giờ, có khi nhiều ngày, âm thanh hòa quyện cùng các nghi thức tạo nên hoạt cảnh “huyên náo”, “ồn ào”. Cũng giống như lên đồng, “Lên đồng là thuật ngữ quen thuộc trong tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ. Đồng là từ gốc Hán chỉ người con trai dưới 15 tuổi với tư chất trong trắng, ngây thơ, tự nhiên để thần linh có thể nhập vào… Lên đồng tức là thần linh cưỡi lên thân xác đồng nhi ấy” (2).

Vậy tại sao thày tào lại được trọng dụng trong các nghi lễ đặc biệt của người Tày? Qua tìm hiểu người dân ở khu vực xã Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Trong các nghi lễ đặc biệt là tang ma, Cầu Yên… người dân mời thày tào đến để làm lễ. Chỉ đơn giản là họ tin, họ nghĩ thày tào đi làm lễ có sách, có tranh đầy đủ, dụng cụ hành nghề kỳ ảo và biết chữ Hán để cúng bái, hiểu được cõi âm. Vậy nên, trong các nghi lễ thờ cúng đặc biệt là các lễ lớn họ mời thày về giúp gia chủ. Trong quá trình hành lễ, thày tào sử dụng rất nhiều đạo cụ để thực hiện, thày lên mường trời, xuống mường đất để khai báo với thế giới bên kia những điều gia chủ gửi gắm.

2. Thày tào thường sử dụng phương tiện gì trong quá trình hành lễ và ý nghĩa của những đạo cụ đó?

Thày tào giữ vị trí quan trọng trong các nghi lễ thờ cúng của người Tày. Thày chủ trì trong nghi lễ tang ma, người có quyền quyết định trong nghi lễ cấp sắc như giao ấn, dụng cụ hành nghề cho người mới được cấp sắc trong dòng tào và tham gia vào nhiều nghi lễ khác… đồng thời tham gia trực tiếp vào nghi thức đọc văn khấn và cấp đồ hành nghề then cho con then. Tùy từng nghi lễ mà thày tào sử dụng các phương tiện khác nhau và họ có những quy định kiêng kỵ rất nghiêm ngặt khi sử dụng những đạo cụ này. Thày tào trước khi hành lễ phải cúng báo cáo, xin phép thần linh sẽ đi làm những công việc gì và trong quá trình thực hiện nghi lễ chức năng của những dụng cụ hành nghề của thày cũng khác nhau.

Lệnh bài

Lệnh bài được làm bằng gỗ dài khoảng 20cm, được khắc chữ Nôm Tày. Thày tào sử dụng lệnh bài này khi hành lễ, phán xét… giữa thế giới trần tục với thế giới tâm linh.

Dấu ấn

Được làm bằng gỗ, tạo hình vuông, dày khoảng 3cm, kích thước mỗi chiều khoảng 7cm, bên trên có núm dùng để cầm, mặt dưới được khắc chữ. Dấu ấn dùng để đóng lên các tờ giấy xanh, đỏ, vàng, trắng… được gọi là lệnh bùa trong các nghi lễ thờ cúng. Tuy chỉ là dụng cụ được sử dụng đóng bùa chú, nhưng trong quá trình nghi lễ thày tào phải trình lên bàn lễ với ý nghĩa thừa lệnh Ngọc Hoàng đi hành sự.

Sách Nôm Tày

Người Tày nói chung và người Tày ở Bắc Kạn nói riêng, họ có chữ viết riêng của mình đó là chữ Nôm Tày. Tuy nhiên, trong hoạt động ngày thường người Tày chỉ nói tiếng Tày và viết chữ Quốc ngữ, chứ không sử dụng chữ Nôm Tày để viết. Chữ Nôm Tày còn lại cho đến ngày nay chủ yếu được ghi chép trong sách của thày tào, truyện thơ, sách hát lượn cọi.

Trong nghi lễ thờ cúng do thày tào chủ trì, sách Nôm Tày là thứ không thể thiếu. Đây là phương tiện bắt buộc phải có để thày làm việc trong quá trình hành lễ. Cuốn sách được dùng để mời thần linh, triệu tập âm binh, báo cáo, trình bày… về quá trình mà thày tào thay mặt gia chủ làm việc với thế giới bên kia. Các cuốn sách có thể kể đến như: quyển Sléc Chải (sách dùng trong nghi lễ cầu yên, giải hạn); Sléc Quét lườn (sách dùng trong nghi lễ vào nhà mới, giải uế, giải hạn)...

Trang phục

Do quan niệm và đặc điểm vùng miền mà mỗi địa phương của tộc người Tày có những giao thoa khác nhau về văn hóa, ngôn ngữ… đối với dòng tào cũng vậy. Người ta sẽ dễ dàng nhận thấy dựa vào trang phục mà phân biệt các dòng tào khác nhau và họ phân thành: Tào Lài: trang phục thêu hoa văn, trang trí nhiều biểu tượng mang nhiều dấu ấn của Đạo giáo và Phật giáo; Tào Săng: áo choàng một màu, giống kiểu cà sa.

Như vậy, thày tào ở vùng Chợ Đồn, Bắc Kạn chiếm số đông là Tào Lài. Qua trang phục có thể nhận thấy: màu sắc họa tiết trên trang phục khá đa dạng gồm màu đỏ, vàng, trắng, tím… tượng trưng cho ngũ hành mang ý nghĩa linh thiêng, áp chế được tà khí, tạo sự uy nghiêm và mang lại vượng khí tài lộc. Bộ trang phục của thày tào giống như một bức tranh thu nhỏ thế giới thần thánh của Đạo giáo và Phật giáo.

 Trên trang phục của thày tào: trang phục được sử dụng trong nghi lễ thường có 2 lớp áo, lớp áo trong được may bình thường, lớp áo ngoài thường được may bằng vải chàm, cổ chữ v 3 tà, tà sau được trang trí cầu kỳ như một bức tranh thu nhỏ về thế giới tâm linh: Có trang phục được trang trí hình phật, lá đề, rồng, phượng, thêu tỉ mỉ chữ “Vạn”, các binh tướng được thêu xung quanh. Ngoài ra, có những áo được trang trí hoa văn rồng, phượng... 2 vạt trước được trang trí đơn giản hơn chút nhưng đều chung chủ đề với vạt sau. Nhưng nhìn chung màu sắc trên họa tiết của trang phục khá đa dạng các màu như đỏ, vàng, trắng, lam, tím… các màu sắc mang ý nghĩa tượng trưng cho ngũ hành để nhằm áp chế hung khí, tạo sự uy nghiêm. Ống tay rộng và dài đắp vải khác với màu của áo. Thông thường áo của thày tào sẽ được thêu trang trí trên nền đen, vạt áo, thân áo, cổ áo được may các màu khác nhau. Trang phục của thày tào thường được mặc chủ yếu trong đám tang, lễ cấp sắc…

Mũ thày tào thường được thiết kế giống với mũ của Đường Tăng. Tuy nhiên, hoa văn được thêu trên mũ phía trước là hình ảnh đôi rồng chầu mặt trời, phía sau là phượng chầu mặt trăng mang ý nghĩa thiêng liêng. Trong văn hóa của người Tày, Nùng hình ảnh rồng là con vật thiêng liêng được coi là biểu tượng của sự may mắn và sức mạnh phi thường. Hình ảnh phượng đại diện cho sự vĩnh cửu và bền vững.

Dải khăn: một màu được buộc chéo người khi hành lễ. Sau khi làm lễ xong có thày phụ giúp thày tào gấp trang phục theo quy định, tỉ mỉ và có hòm đồ riêng để cất đi.

Tuy nhiên, không phải bất cứ nghi lễ nào mà thày tào cũng sử dụng trang phục của mình để hành lễ. Tùy từng nghi lễ mà gia chủ mời thày và thày sẽ xem xét để lựa chọn trang phục phù hợp.

Cành lá cây Thanh Táo

Cây Thanh Táo là loại cây rất phổ biến, dễ trồng và sức sống dai. Nhiều nơi họ nghĩ rằng cây Thanh Táo là loại cây dại, vô dụng. Nhưng với người Tày ở Chợ Đồn, Bắc Kạn có ý nghĩa đặc biệt trong tâm linh. Cây Thanh Táo đối với người Tày là biểu tượng của sự thanh cao, trong sạch, sử dụng cây Thanh Táo trong nghi lễ thờ cúng: tẩy uế bàn thờ, cây phép trong làm lễ của thày cúng, ngâm lá cây tắm rửa cho gột sạch bụi bẩn. Trong đám tang, ngoài sân thường để một chậu nước Thanh Táo để sau khi mọi người đến viếng có thể rửa tay và sau khi chôn cất người mất xong gia chủ sẽ vảy nước Thanh Táo lên người rồi mới quay trở lại nhà. Hay người phụ nữ sau khi sinh con sẽ được gột rửa bụi bẩn cho gia đình bằng cây Thanh Táo, theo họ có như vậy tổ tiên mới phù hộ bình yên cho mẹ và em bé.

Thày tào ở Chợ Đồn, Bắc Kạn, thường sử dụng cành cây Thanh Táo để trong bát nước, trong quá trình hành lễ thày vẩy nước phép theo bài cúng trong sách.

Xin âm dương bằng thẻn hay quẻ (thanh) âm dương

Theo quan niệm của Đạo giáo, 2 thái cực của vũ trụ được hình thành bởi 2 yếu tố âm và dương, trong âm có dương và trong dương có âm. Cuộc sống của muôn loài muôn vật trù phú, phát triển và tươi tốt khi âm dương hòa hợp. Người Tày tin vào điều đó, trời - đất hòa hợp là điều kiện quan trọng để có cuộc sống tươi đẹp và phát triển, thuận theo ý trời. Thần linh phù hộ thì việc mới thành, may mắn, sức khỏe, tài lộc mới đến. Vì vậy, việc cầu xin âm - dương là mong ước của không chỉ riêng người Tày. Chính quan niệm đó, nên có sự xuất hiện của phương tiện xin âm - dương. Phương tiện này được sử dụng để thể hiện việc đồng ý, không đồng ý qua giao tiếp giữa thần linh và tín đồ đệ tử.

Thẻ hay quẻ âm - dương chính là dụng cụ để xin âm - dương, ở đây họ sử dụng một khúc tre hoặc miếng gỗ dài khoảng 5-7cm, chẻ làm đôi. Khi xin âm dương thì cầm thẻ đập vào nhau và tung lên. Khi thẻ rơi xuống, thày sẽ xem kết quả việc cầu xin hay những mong muốn của gia chủ có được thần linh đồng ý hay không. Thẻ âm dương của một người dân sưu tầm huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn có ghi dòng chữ “Âm dương đồng nhất vị, thời thế niên thiên hạ”.

Tranh thờ

Do chịu ảnh hưởng nhiều của Tam giáo (Nho - Phật - Đạo) cùng tín ngưỡng dân gian bản địa, nên tranh thờ cũng mang đậm màu sắc yếu tố này. Nhưng có thể nói, hầu hết các bức tranh mang hơi hướng của Đạo giáo, Phật giáo như thờ: Tam Thanh, mẻ Va (mẹ Hoa, Phật…), thập điện Diêm Vương… và mang tư tưởng Nho giáo.

Tranh thờ là phương tiện hành nghề của thày tào, các bức tranh được sử dụng trong nghi lễ chủ yếu được truyền từ đời trước sang đời sau hoặc thày tự vẽ. Tranh thờ được sử dụng trong các nghi lễ như: lễ cúng đầu ma, Kỳ Yên, vào nhà mới, cầu mùa… Tranh thờ được vẽ trên giấy dó với các màu sắc nguyên bản đặc trưng từ tự nhiên: đỏ, vàng, xanh lục, xanh lá, hồng, đen, đỏ. Bức tranh thờ làm tăng tính uy nghiêm của buổi lễ và củng cố thêm uy lực của thày cúng. Phần lớn các bức tranh thờ được vẽ theo khổ dọc của tờ giấy và theo hướng từ trái qua phải, từ trên xuống dưới với các nhân vật chính được tôn thờ sẽ được vẽ to, các hoạt cảnh ở bên dưới được vẽ nhỏ hơn, mô tả ý nghĩa bức tranh.

Bộ tranh Thập Điện Diêm Vương được dùng trong nghi lễ tang ma, miêu tả 10 vị vương cai quản âm phủ. Mỗi vị đứng đầu một điện để xét xử công tội những người mới chết. Họ tin rằng sau khi chết, linh hồn bị quỷ vô thường (có trách nhiệm đón linh hồn người chết) dẫn tới trước điện diêm vương chịu tội của kiếp trước.

Tranh thờ chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện niềm tin của con người vào thế giới tự nhiên. Bộ tranh thờ Thập Điện Diêm Vương với mục đích răn đe và giáo hóa con người, những vị thần linh đã được tạo ra với hình ảnh oai nghiêm và dữ dằn, để con người biết khuất phục hướng thiện.

Theo thày tào, để chuẩn bị trong quá trình lễ, gia chủ phải chuẩn bị đầy đủ đồ cúng lễ, nếu không đủ các nghi lễ thì thày tào sẽ không được phép mở tranh thờ, điều này cũng liên quan đến quan niệm của họ và sự linh thiêng của các vị thần linh. Tuy nhiên, có nhiều nơi thày tào quan niệm rằng, nếu không đủ nghi lễ thờ cúng thì thần tướng âm binh trong tranh sẽ ra ngoài tàn phá, vậy nên sau nghi lễ họ có bài truy hồi âm binh thần tướng trở lại trong tranh và cuộn lại cất trong hòm riêng.

Bộ thanh la

Bộ thanh la của thày tào bao gồm: trống, chiêng, thanh la lớn, thanh la nhỏ và một cái linh (lình). Thanh la được làm bằng sắt hoặc đồng, mặt bằng, buộc dây treo, dùi thanh la được làm bằng gỗ khi sử dụng sẽ làm âm thanh vang hơn. Các phương tiện này được sử dụng để thày tào tiếp xúc với thần linh trong quá trình thày làm lễ và có những kiêng kỵ nghiêm ngặt, nhịp điệu của các dụng cụ sẽ phụ thuộc vào từng bài lễ của thày tào.

3. Kết luận

Vùng núi cao hiểm trở, nơi các tộc ít người sinh sống họ tin vào số mệnh và thần linh. Những con người ấy, họ quan niệm sự bao bọc, che chở đó là từ mẹ thiên nhiên, mẹ núi rừng, mẹ Hoa... Vì niềm tin đó, họ tin vào những phép thuật cao tay từ thày cúng là con của Ngọc Hoàng thượng đế, những người thày cúng đó giúp họ cầu xin đấng tối cao phù hộ, mong cho gia đình có sức khỏe, mùa màng bội thu... Vậy nên, từ xa xưa cho đến ngày nay, tộc người Tày vẫn tin và mời thày về để làm những nghi lễ cho gia đình mình. Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, những giá trị văn hóa tín ngưỡng vẫn được giữ gìn. Tuy nhiên, để bảo tồn giá trị văn hóa và dụng cụ hành nghề của thày tào nói riêng và ngành thày cúng nói chung là cấp thiết, bởi hiện nay các thế hệ thày tào ít người nối nghề, dụng cụ thờ cúng hành nghề cũng vì thế mà dần bị thất lạc. Để gìn giữ giá trị văn hóa đặc sắc này nên có những chính sách cụ thể, khuyến khích người làm nghề bảo lưu gìn giữ giá trị, cụ thể như: ghi chép gia phả các thế hệ, ghi chép các bước hành lễ trong các nghi lễ thờ cúng thay vì truyền miệng - truyền nghề như trước đây, các cấp quản lý phổ biến những hình thức để các thày tào có thể gìn giữ dụng cụ hành nghề hiệu quả cao, nhất là tranh thờ có nguy cơ bị mai một. Các cuốn sách chữ Nôm Tày cũng bị thất lạc ít nhiều và có dấu hiệu mục nát… Việc gìn giữ giá trị văn hóa đặc trưng của tộc người Tày là cấp thiết để cho thế hệ sau có thể biết được nguồn gốc và trân quý những giá trị văn hóa đó.

________________________

1. Nguyễn Thị Yên, Tín ngưỡng dân gian Tày Nùng, Nxb Khoa học xã hội, 2009, tr.92.

2. Ngô Đức Thịnh, Đạo mẫu Việt Nam, Nxb Thế giới, 2012, tr.86.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Yên, Then Tày, Nxb Khoa học xã hội, 2007.

2. Nguyễn Thị Yên, Trần Thị An, Truyện cổ tích các dân tộc thiểu số Việt Nam truyện cổ tích thần kỳ (quyển 5), Nxb Khoa học xã hội, 2019.

3. Tống Đạo Nguyên, Đạo giáo sinh tử kỳ thư, Nxb Hồng Đức, 2021.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 26-2-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 13-3-2025; Ngày duyệt đăng: 27-3-2024.

Ths MAI TÔ KIỀU TRINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 602, tháng 4-2025

;