Bảo tồn và phát huy giá trị ghe ngo - lễ hạ thủy ghe ngo của người Khmer tỉnh Sóc Trăng để phục vụ cộng đồng mùa lễ hội Ok Om Bok

Tóm tắt: Ghe ngo - lễ hạ thủy ghe ngo của người Khmer tỉnh Sóc Trăng là một bộ phận cấu thành quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chứa đựng những giá trị quý báu về lịch sử, văn hóa và tinh thần cộng đồng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và khai thác những tiềm năng văn hóa, du lịch liên quan đến ghe ngo vẫn còn hạn chế. Nghiên cứu này cung cấp một cái nhìn toàn diện về ghe ngo và nghi lễ hạ thủy, không chỉ góp phần bảo tồn di sản quý báu mà còn thúc đẩy phát triển văn hóa và du lịch địa phương, nâng cao giá trị văn hóa phi vật thể cộng đồng.

Từ khóa: ghe ngo, lễ hạ thủy ghe ngo, phục vụ cộng đồng, lễ hội OK Om Bok.

Abstract: The ghe ngo launching ceremony, a significant cultural event for the Khmer people in Soc Trang province, is an important component of the national intangible cultural heritage, embodying important historical, cultural, and community values.However, the cultural and tourism potential of ghe ngo remains largely unexplored. This study provides a comprehensive view of ghe ngo and its launching ceremony. It aims to contribute to the preservation of this valuable heritage while also promoting local cultural and tourism development and enhancing the community’s intangible cultural values.

Keywords: ngo boat, ngo boat launching Ceremony, community service, OK Om Bok festival.

Lễ hạ thủy ghe ngo tại chùa Bốn Mặt, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng (9-11-2024) - Nguồn: Tác giả

1. Ghe ngo - lễ hạ thủy ghe ngo trong văn hóa Khmer

Sóc Trăng là địa phương có cộng đồng người Khmer sinh sống đông nhất cả nước, với 362.029 người (1). Hằng năm, lễ hội Ok Om Bok - đua ghe ngo được tổ chức vào khoảng tháng 10 âm lịch, là sự kiện văn hóa và tín ngưỡng quan trọng của đồng bào dân tộc Khmer. Trong đó, hội đua ghe ngo truyền thống của người Khmer tại Sóc Trăng đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 74/QĐ-BVHTTDL ngày 2-1-2022. Trước khi hội đua bắt đầu, các chùa Khmer - nơi lưu giữ những chiếc ghe ngo của cộng đồng thường tổ chức lễ hạ thủy ghe ngo, một nghi thức quan trọng trong đời sống tâm linh và còn là dịp để gắn kết cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm lễ hội Ok Om Bok.

Ghe ngo

Tuk ngô trong tiếng Khmer là một từ ghép Tuk nghĩa là ghe và từ ngô là thuật ngữ chỉ dáng cong và từ ngô được người Việt đọc trại ra thành ngo, khi ghép lại tuk ngô có nghĩa là ghe ngo (2). Trước đây, mỗi chiếc ghe ngo đại diện cho một đơn vị phum của người Khmer và có một tên gọi riêng, các ghe ngo ở Sóc Trăng đều lấy tên chùa để đặt tên cho đội ghe của mình, ví như: Tuk ngo vot Preak Buôn Pro Phóek, nghĩa là ghe ngo chùa Bốn Mặt. Ghe ngo truyền thống với kết cấu nguyên bản là dạng độc mộc, được làm hơi cong phần đầu và phần đuôi, nó không chỉ là phương tiện di chuyển trên sông nước, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự khéo léo và tài năng của những người thợ thủ công.

Về kích thước hình dáng, ghe ngo thường có kích thước lớn, với ghe ngo đội nam thường chiều dài có thể lên đến từ 20-35m và bề ngang khoảng 1-1,2m, có sức chứa từ 50-60 người; đối với các ghe ngo của nữ thường ngắn hơn với kích thước từ 10-25m và sức chứa từ 20-30 người. Ghe ngo được thiết kế dài, hẹp, có thể chứa được hàng chục người tham gia thi đấu. Ghe ngo có hình dáng thon dài, với phần mũi cong nhẹ lên phía trên, mang đến sự thanh thoát, giúp ghe có thể dễ dàng cắt sóng và dễ di chuyển nhanh trên mặt nước.

Cấu tạo của ghe ngo, chia 3 phần gồm: phần mũi ghe, thường được làm cong lên và trang trí công phu với các họa tiết, hình ảnh tượng trưng cho các vị thần, linh vật trong văn hóa Khmer như rồng, cọp, voi, chim thần Krud hay các hình chạm khắc đặc sắc khác. Mũi ghe là điểm nổi bật nhất và thường được trang trí rất cầu kỳ; phần thân ghe, dài và hẹp, được gia cố chắc chắn để chịu được tải trọng lớn và vận hành ổn định trên mặt nước. Thân ghe ngo được làm nhẵn mịn, phần lòng trong thân ghe vẫn giữ màu gỗ nguyên bản và thân bên ngoài được sơn màu tạo sự nổi bật. Đặc điểm nổi bật ở phần lòng của ghe ngo được đặt một cây đoong sần tuốch (cây cần câu) dài từ gần phần mũi đến gần phần đuôi, nhằm giúp cho ghe cân bằng không dễ bị lật khi phóng đi với tốc độ nhanh. Ghe ngo thường được thiết kế với các chỗ ngồi cho vận động viên tham gia đua hoặc người dân trong lễ hội. Ghế ngồi được sắp xếp theo dạng vòng cung hoặc thẳng, tùy vào từng loại ghe, giúp mọi người dễ dàng chèo lái và tham gia vào các nghi thức. Các tay chèo, thường là những chiếc gậy dài và mảnh, được chia đều cho những người tham gia đua hoặc chèo; phần đuôi ghe, phần bảng lái được làm từ gỗ chắc chắn dùng để điều khiển hướng đi của ghe. Do cấu tạo ghe khá dài, phần đầu sẽ có một người vừa chỉ huy chung cho toàn đoàn vừa mang biểu tượng cho tâm linh, phần giữa ngoài các vận động viên đua còn có một người đứng với nhiệm vụ thổi còi để tạo sự đồng điệu cho nhịp chèo khi thi đấu và ở phần đuôi ghe có một người điều khiển lái, giúp cho ghe đi đúng hướng.

Vật liệu chế tác, ghe ngo chủ yếu được chế tác từ gỗ của các loại cây đặc trưng như cây sao. Gỗ phải được chọn lựa kỹ, vừa chắc chắn, bền bỉ mà vẫn dễ dàng chạm khắc và tạo hình. Chi tiết trang trí của ghe ngo thường sử dụng các vật liệu như vải, sơn, kim loại để tạo nên vẻ đẹp tinh xảo. Những vật liệu này không chỉ giúp tăng độ bền cho ghe mà còn góp phần làm nổi bật những họa tiết, hoa văn trang trí trên ghe.

Trang trí và màu sắc, ghe ngo được trang trí đẹp mắt với các họa tiết truyền thống, phần mũi ghe thường được trang trí công phu, với hình dáng giống như đầu Niek hoặc các loài động vật khác trong văn hóa Khmer, tượng trưng cho sức mạnh và sự may mắn, phía bên trên thường có đặt linh vật biểu tượng như hình của chim thần Krud, sắch hoong, voi, cọp... Phía bên ngoài ghe ngo được sơn màu sắc rực rỡ như đỏ, vàng, xanh thể hiện sự tươi vui, phấn khởi trong lễ hội. Các màu đó, đôi khi theo quan niệm dân gian còn có ý nghĩa tượng trưng cho sự thịnh vượng và an lành.

Theo quan niệm của người Khmer về ghe ngo, đây được xem là biểu tượng linh thiêng với hình dáng mô phỏng theo rắn thần Naga. Trong kinh điển Phật giáo, Naga là loài rắn thần đã bảo vệ Đức Phật trong quá trình thiền định bằng cách dùng thân mình che mưa và gió, biểu thị lòng tôn kính đối với Phật. Do vậy, ghe ngo là một biểu tượng quan trọng thể hiện sự bảo vệ, đem lại phước lành, mưa thuận gió hòa và sự thịnh vượng. Bên cạnh đó, ghe ngo được xem là biểu tượng kết nối giữa con người và môi trường sông nước - yếu tố quan trọng trong đời sống văn hóa Khmer. Thông qua hình ảnh ghe ngo phản ánh triết lý sống hài hòa với thiên nhiên, nơi sông nước được tôn trọng như nguồn sống của cộng đồng. Vì vậy, hình ảnh của ghe ngo nhắc nhở con người tôn trọng mối quan hệ hòa hợp với thiên nhiên.

Từ những đặc điểm, cấu tạo và quan niệm dân gian có thể thấy rằng ghe ngo là biểu tượng văn hóa quý báu của cộng đồng. Là một bộ phận cấu thành quan trọng của di sản văn hóa và là linh hồn của các hội đua ghe ngo mừng Ok Om Bok SomPeak Prek Khe của người Khmer. Vì vậy, chiếc ghe ngo luôn được gìn giữ cẩn thận, tại các ngôi chùa Khmer - nơi có ghe ngo, họ thường làm một nhà dài riêng có mái che để bảo quản, mỗi dịp lễ hội mọi người tập trung lại tại đây để thực hiện nghi lễ hạ thủy trước khi tham gia hội đua.

Lễ hạ thủy ghe ngo

Lễ hạ thủy ghe ngo là nghi thức nhằm chuẩn bị cho sự kiện văn hóa cộng đồng, mang tính lập lại theo sự kiện đua ghe diễn ra hằng năm mừng lễ hội Ok Om Bok, nghi lễ được tổ chức bài bản với sự tham gia của các vị chư tăng, ban quản trị chùa và các vận động viên. Nghi thức lễ mang ý nghĩa tâm linh và tín ngưỡng sâu sắc, theo quan niệm, mỗi chiếc ghe ngo đều có một vị thần bảo hộ và lễ hạ thủy chính là nghi thức nhằm cầu xin sự che chở, bảo vệ cho chiếc ghe cùng các thành viên đội đua. Nghi lễ này, cầu mong tránh khỏi những tai nạn, sự cố, hay điều không may mắn trong quá trình di chuyển và tham gia đua ghe. Đồng thời, lễ hạ thủy còn mang ý nghĩa cầu may mắn và chiến thắng, thể hiện niềm tin mãnh liệt vào sự phù hộ của vị thần, để mang lại thuận lợi và thành công trong các cuộc đua ghe ngo tại lễ hội Ok Om Bok.

Việc lựa chọn ngày lành, giờ tốt tổ chức nghi lễ hạ thủy được mỗi chùa thực hiện khác nhau và tùy thuộc vào việc tập luyện của đội đua, nhưng điểm chung là nghi lễ thường được tổ chức trước thời gian diễn ra hội đua ghe tại thành phố Sóc Trăng. Để có cái nhìn cận cảnh về diễn trình lễ hạ thủy, nghiên cứu thực hiện điền dã tại chùa Preak Buôn Pro Phóek hay được biết đến với tên gọi chùa Bốn Mặt (trong cách gọi của người Việt), tọa lạc tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, là một trong số các chùa có đội tham gia đua ghe ngo hằng năm để diễn trình nghi lễ như sau:

Giai đoạn chuẩn bị: trước khi hạ thủy, ghe được dọn dẹp, bảo dưỡng, sơn vẽ các họa tiết hoa văn, hình rồng, hoặc các biểu tượng tâm linh thể hiện sự kính trọng với thần linh để cầu may mắn và bảo vệ ghe. Về lễ vật, gồm có một cái thủ lợn luộc chín đặt trên mâm, hoa được kết lại, họ lấy thân cây chuối cắt nhiều đoạn dài khoảng 1 tấc rồi cắm ít hoa vạn thọ, lá xanh, nhang đèn đặt dọc hai bên ghe ngo và những vật phẩm khác sẽ được dâng lên để cầu khấn sự phù hộ của thần linh cho cuộc đua hoặc hành trình sắp tới. Một cái mâm đựng lễ vật ở phần đầu mũi ghe và một bộ bàn ghế đặt phía trước mũi ghe, để các vị sư ngồi đọc kinh hành lễ. Cùng với các lễ vật, những người tham gia còn chuẩn bị các bài cúng để bày tỏ lòng tôn kính và cầu mong được may mắn.

Giai đoạn lễ chính: không gian, diễn ra tại gian nhà dài để ghe ngo nằm trong khuôn viên đất của chùa, ở phía cuối của nhà dài là nơi thông ra đoạn kênh để tiện việc hạ thủy ghe xuống nước. Thời gian, tại chùa Preak Buôn Pro Phóek tổ chức lễ hạ thủy ghe ngo vào buổi sáng ngày 9-11-2024, nghĩa là trước hội đua ghe ngo 5 ngày. Diễn trình nghi lễ: các vận động viên đội đua tiến vào trong nhà dài thực hiện thắp nhang, thắp nến dọc chiều dài phần thân trên của chiếc ghe ngo. Sau khi việc bày trí lễ vật xong, các achar sẽ bắt đầu nghi thức khấn nguyện các vị thần bảo hộ ghe ngo. Việc khấn nguyện này, mang ý nghĩa cầu mong các vị thần giúp sức để ghe ngo của chùa có thể giành được chiến thắng trong cuộc đua sắp tới. Đến khoảng hơn 8h00 giờ sáng, các vị sư ngồi an vị ở phần đầu mũi ghe, vị sư cả ngồi phía trước mũi ghe, các vị sư còn lại ngồi hai bên, tiếp đến là các vận động viên của đội đua ngồi xổm, hai tay chắp xá hướng về phía các vị sư dọc hai bên thân ghe ngo để nghe các vị sư tụng các hồi kinh. Với ý nghĩa cầu mong ghe ngo được ban phước và không gặp điều trở ngại trong quá trình hạ thủy và tham gia giải đua. Vừa đọc kinh, một vị sư ngồi kế bình bát chứa nước thơm, chậm rãi vảy lên ghe ngo và vảy về hướng các vận động viên đang ngồi, với ý nghĩa mang lại điều may mắn và bình an. Sau khi phần đọc kinh cầu an đã xong, một vị lớn tuổi lên ngồi ở phần đầu mũi ghe chắp tay, các vận động viên đội đua ở bên dưới thực hiện đi xuôi theo chiều kim đồng hồ 3 vòng quanh chiếc ghe ngo và sau đó đi ngược lại 3 vòng, vừa đi họ vừa hô Chây Dố nghĩa là giành chiến thắng nhưng trong cách lên giọng có thể hiểu là giành thắng lợi không, những người khác hô lớn lại Chây nghĩa là thắng, trong quá trình đi, các vị sư tiếp tục đọc kinh đến khi kết thúc.

Giai đoạn hạ thủy: khi nghi thức lễ chính thực hiện xong, trên chiếc ghe lúc này các ngọn nến được thổi tắt và pháo hoa được đốt lên. Các vận động viên bắt đầu chuẩn bị vào tư thế sẵn sàng nâng ghe ngo đến đoạn kênh gần đó để hạ thủy. Một người bắt nhịp reo hò chuẩn bị một hai ba và nâng chiếc ghe ngo lên bắt đầu di chuyển. Một người khác điều khiển đoàn nâng ghe ngo bằng việc thổi còi, những người trong đội nâng lúc này di chuyển ghe chầm chậm hướng về phía chỗ đoạn kênh gần đó, hòa cùng không khí lúc này đội nhạc ngũ âm đánh các bản nhạc truyền thống thể hiện sự phấn khởi khi chiếc ghe di chuyển từng bước xuống nước. Đến đúng 9h ghe ngo được đưa xuống mặt nước, các thành viên đội đua và người dân trên bờ đến cổ vũ tạo nên không khí sôi nổi cho lễ hạ thủy.

Giai đoạn thử ghe: sau khi ghe ngo đã xuống nước an toàn, các thành viên đội đua bắt đầu ngồi lên ghe và chèo di chuyển ra đoạn sông lớn hơn để bắt đầu thử ghe. Việc thử ghe này với 2 mục đích là kiểm tra xem ghe sau khi hạ thủy có đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và khả năng nổi trên mặt nước như thế nào; chèo thử để đảm bảo việc vận hành được nhịp nhàng và tính ổn định khi di chuyển trên nước. Do mỗi năm chỉ tham gia một lần, nên đây là khâu rất quan trọng để đảm bảo chiếc ghe ngo được vận hành một cách an toàn khi tham gia giải đua.

2. Giá trị của ghe ngo và lễ hạ thủy ghe ngo trong cộng đồng Khmer

Ghe ngo và lễ hạ thủy ghe ngo không chỉ là những biểu tượng văn hóa độc đáo của người Khmer mà còn chứa đựng nhiều giá trị sâu sắc về tâm linh, cộng đồng, nghệ thuật và giáo dục.

Tâm linh - tín ngưỡng: ngo trong lễ hạ thủy là biểu tượng thiêng, gắn bó với niềm tin về sự bảo hộ của thần linh và tổ tiên. Sự tham gia của toàn thể cộng đồng trong nghi lễ thể hiện sự tôn kính và niềm tin vào một trật tự xã hội hài hòa, được duy trì bởi các yếu tố tâm linh.

Kết nối cộng đồng: lễ hạ thủy ghe ngo là minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết và sự gắn bó trong cộng đồng Khmer. Chiếc ghe ngo là sản phẩm của sự phối hợp và nỗ lực chung của cả cộng đồng, từ khâu chế tác đến trang trí, tất cả đều yêu cầu sự đóng góp của nhiều người. Cùng nhau làm việc để tạo nên một chiếc ghe đẹp không chỉ thể hiện kỹ năng mà còn gắn kết tình cảm, mục tiêu chung của phum sroc; tạo cơ hội giao lưu và kết nối, lễ hạ thủy là dịp để người dân gặp gỡ, chia sẻ niềm vui và tăng cường mối quan hệ xã hội, các hoạt động này còn giúp củng cố mối quan hệ gắn bó giữa các gia đình, tạo nên không khí lễ hội ấm áp và thân thiện; kết nối các thế hệ tộc người, lễ hạ thủy ghe ngo là nơi các thế hệ, từ già đến trẻ, cùng tham gia các hoạt động chung. Qua đó, truyền thống văn hóa không chỉ được bảo tồn mà còn trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.

Nghệ thuật và sáng tạo: mỗi chiếc ghe ngo là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện tài hoa và sự sáng tạo của những người thợ thủ công Khmer. Sáng tạo trong chế tác thủ công, ghe ngo được làm từ những loại gỗ đặc biệt, có hình dáng cong đặc trưng, các họa tiết chạm khắc trên ghe thường mang tính biểu tượng cao, thể hiện sự kết nối giữa con người với thiên nhiên và thần linh, đây là một nghệ thuật tinh tế, đòi hỏi kỹ năng và sự khéo léo. Lễ hạ thủy như một hoạt động nghệ thuật cộng đồng, đây là dịp để các nghệ nhân thể hiện tài năng qua việc trang trí ghe ngo và trình bày các yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong lễ hội.

Giáo dục truyền thống văn hóa: ghe ngo - lễ hạ thủy ghe ngo đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa của người Khmer; truyền tải giá trị liên thế hệ, lễ hạ thủy giúp truyền đạt kiến thức, kỹ năng và giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, bảo đảm sự tiếp nối của di sản văn hóa Khmer. Đồng thời, đây cũng là bài học về tính cộng đồng, khi các thế hệ trẻ được tham gia vào các hoạt động tập thể như chế tác, trang trí và hạ thủy ghe, qua đó học hỏi được tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự gắn bó với cộng đồng.

3. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị ghe ngo - lễ hạ thủy ghe ngo để phục vụ cộng đồng

Để việc bảo tồn ghe ngo và lễ hạ thủy ghe ngo đạt được hiệu quả trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, có chính sách hỗ trợ, các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm và hỗ trợ kinh phí đến các chùa còn khó khăn để nâng cấp cơ sở vật chất nhằm bảo quản và bảo dưỡng ghe ngo. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ nghệ nhân nhằm khuyến khích truyền dạy kỹ thuật chế tác ghe ngo truyền thống và các đội ghe ngo khi tham gia hoạt động đua.

Hai là, tư liệu hóa nghi lễ, quay phim, chụp ảnh và ghi lại toàn bộ quy trình chế tác ghe ngo, nghi thức lễ hạ thủy và hội đua ghe mừng lễ hội Ok Om Bok và xuất bản tài liệu, sách hướng dẫn về ghe ngo và lễ hội liên quan. Sử dụng công nghệ số hóa để lưu trữ và bảo tồn hình ảnh, tư liệu, thông tin về ghe ngo - lễ hạ thủy. Tạo các ứng dụng hoặc nền tảng trực tuyến để giới thiệu di sản ghe ngo và lễ hội Ok Om Bok đến với đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ba là, tăng cường giáo dục và truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, cần tổ chức các buổi học ngoại khóa, hội thảo tại trường học về văn hóa ghe ngo và lễ hạ thủy để thế hệ trẻ hiểu và yêu quý truyền thống. Cần có các chiến dịch truyền thông qua mạng xã hội, truyền hình, báo chí nhằm lan tỏa giá trị ghe ngo.

Bên cạnh việc bảo tồn cần phát huy giá trị ghe ngo - lễ hạ thủy ghe ngo trong đời sống hiện đại, để trở thành biểu tượng sống động trong đời sống văn hóa người Khmer Nam Bộ qua một số giải pháp: sân khấu hóa nghi thức lễ hạ thủy ghe ngo gắn với hoạt động hội đua ghe; gắn kết với du lịch văn hóa, xây dựng phát triển ghe ngo và lễ hạ thủy thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách trong và ngoài nước; phát triển sản phẩm văn hóa, quà lưu niệm, thông qua việc sản xuất mô hình ghe ngo thu nhỏ, tranh vẽ và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để quảng bá về lễ Ok Om Bok - hội đua ghe ngo của địa phương.

4. Kết luận

Ghe ngo - lễ hạ thủy không chỉ là biểu tượng văn hóa đặc sắc của người Khmer mà còn là một phần không thể thiếu trong di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những giá trị về văn hóa, lịch sử, tâm linh và tinh thần cộng đồng mà ghe ngo mang lại đã vượt qua giới hạn của một nghi thức truyền thống, trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người với thiên nhiên và tâm linh. Việc bảo tồn và phát huy di sản này không chỉ là gìn giữ một nét đẹp văn hóa mà còn là trách nhiệm với các thế hệ mai sau, đảm bảo rằng bản sắc văn hóa Khmer sẽ tiếp tục lan tỏa và trường tồn. Từ đó, ghe ngo không chỉ góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa dân tộc mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế du lịch địa phương, tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng trong thời đại hội nhập và phát triển. Sự chung tay của các cấp chính quyền, cộng đồng và các thế hệ trẻ sẽ là chìa khóa để di sản ghe ngo tiếp tục thắp sáng, trở thành biểu tượng của sự đoàn kết, niềm tự hào và sức mạnh văn hóa của người Khmer.

_____________________

1. Tổng cục Thống kê, Kết quả toàn bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Nxb Thống kê, 2019, tr.20.

2. Nhiều tác giả, Từ điển Khmer - Việt, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.272.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 20-11-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 10-1-2025; Ngày duyệt đăng: 5-2-2025.

Ths SƠN CHANH ĐA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 596, tháng 2-2025

;